Các doanh nghiệp xây dựng sẽ hưởng lợi trực tiếp từ gói đầu tư công.

Các doanh nghiệp xây dựng sẽ hưởng lợi trực tiếp từ gói đầu tư công.

Cổ phiếu đầu tư công còn sức chạy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù chịu ảnh hưởng chung của đợt giảm giá vừa qua cùng với nhóm bất động sản, tuy nhiên các phân tích đều cho rằng chính sách thúc đẩy đầu tư công sẽ giúp nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách này duy trì sóng tăng trong dài hạn.

Sóng dài

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” (Gói phục hồi) vừa được Quốc hội phê duyệt với tổng quy mô 347.000 tỷ đồng. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng lên tới gần 114.000 tỷ đồng.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng đánh giá, gói chính sách này sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán, nhất là tâm lý của nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, mức độ tác động sẽ không quá lớn, bởi hai lý do:

Thứ nhất, tin đồn về gói kích thích kinh tế đã có từ trước và đã phản ánh vào giá của các cổ phiếu, nhất là những cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực đầu tư công. Nhiều cổ phiếu nhóm ngành bất động sản đã tăng nóng nên sẽ khó có những phiên tăng điểm bùng nổ như trước đó.

Thứ hai, do quy mô của gói phục hồi kinh tế này không bằng các gói đề xuất trước đó nên sẽ có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế về dài hạn, nhưng điều này chỉ có thể đánh giá được khi theo dõi về chất lượng dòng vốn cũng như việc sử dụng vốn hiệu quả như thế nào trong thời gian tới.

Ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch Phục Hưng Holdings

Hoạt động thi công và triển khai ký mới liên tiếp các gói thầu xây dựng nhộn nhịp.

Với giá trị xây lắp chưa thực hiện dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng giai đoạn 2022 – 2023, doanh thu và lợi nhuận từ mảng xây dựng của PHC đảm bảo cho Công ty tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, PHC đang lấn sân sang mảng đầu tư công, bước đầu tham gia đấu thầu một số dự án của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, TP. Hà Nội…

Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có gần 5.000 dự án hạ tầng đầu tư công sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021-2025 với mức vốn bình quân là 210 tỷ đồng/dự án, gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, kế hoạch giải ngân là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng hơn 40% so với con số thực hiện giai đoạn trước. Do đó, các doanh nghiệp có năng lực xây lắp vượt trội như PHC sẽ có cơ hội lớn từ định hướng đầu tư công của Chính phủ.

Năm 2022, Ban điều hành PHC đã xây dựng kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu gần 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 106 tỷ đồng.

Cũng trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo gói kích thích kinh tế sẽ là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng thêm từ 0,9 - 1,1% trong năm 2022 và GDP Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6%/năm trong giai đoạn 2022 - 2023.

Đánh giá riêng về gói đầu tư vào hạ tầng trị giá 113.800 tỷ đồng, bao gồm 103.200 tỷ đồng đầu tư vào tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, BSC cho rằng, gói đầu tư công sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế khi khoản tiền này được giải ngân hiệu quả và nhanh chóng.

Khi tuyến đường cao tốc đi vào hoạt động sẽ làm gia tăng giá trị của các khu đất xung quanh, từ đó, các doanh nghiệp bất động sản có các dự án lớn nằm trong vùng này được hưởng lợi rõ ràng, như NLG, VHM, NVL (trong khu vực bất động sản nhà ở) và KBC, GVR, VGC, IDC (trong khu vực bất động sản công nghiệp).

Bên cạnh đó, nhóm ngành vật liệu xây dựng, cụ thể là thép (HPG, HSG, NKG, SMC); xi măng (HT1, BCC), đá, cát (KSB, C32); nhựa (BMP, NTP); nhựa đường (PLC) và nhóm ngành xây dựng như HBC, IDJ, CSC, BCG, L14... sẽ được hưởng lợi trong quá trình xây dựng các dự án đầu tư công.

Ông Khánh khuyến nghị, cổ phiếu đầu tư sẽ có sự phân hóa vì nhiều cổ phiếu đã tăng khá mạnh. Muốn đầu tư lâu dài, nhà đầu tư cần xem xét về sự hiệu quả trong hoạt động của từng doanh nghiệp, tìm những doanh nghiệp có câu chuyện riêng.

Ảnh hưởng tâm lý sẽ qua nhanh

Trong tuần đầu năm mới, khi Quốc hội khóa XV họp bất thường để thảo luận về gói kích thích kinh tế, nhóm cổ phiếu đầu tư công và xây dựng đã tăng nóng ngay từ đầu phiên.

Phiên giao dịch 4/1, cổ phiếu HBC và FCN đồng loạt tăng kịch trần. Giá cổ phiếu HBC kết thúc phiên ngày hôm đó ở mức 32.350 đồng/cổ phiếu, tăng gần 7% so với phiên liền trước và tăng gấp 2 lần trong vòng 2 tháng qua.

Cổ phiếu FCN cũng kết phiên ở mức 29.400 đồng/cổ phiếu, tăng gấp đôi về giá trị so với thời điểm cuối tháng 10/2021. Hàng loạt cổ phiếu đầu tư xây dựng khác cũng bật tăng mạnh như CII tăng 6%; CTD tăng 2,28%; VCG tăng 3,29%; VCG tăng 3%...

Cổ phiếu bất động sản cũng không nằm ngoài xu hướng khi giá nhiều cổ phiếu nhóm ngành này tăng rất mạnh trong tuần giao dịch đầu tiên của năm nay như CEO, DIG, LDG, FLC…

Cá biệt, cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O (mã CEO) đã có đà tăng giá từ vùng 11.000 đồng/cổ phiếu đầu tháng 11/2021 lên mức đỉnh 92.500 đồng/cổ phiếu, tức gấp gần 9 lần sau 2 tháng. Cổ phiếu VHG từ đầu tháng 12/2021 ở mức 7.000 đồng đến thời kỳ đỉnh điểm giá cổ phiếu đã tăng lên 14.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bán 75 triệu cổ phiếu FLC cùng với việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm đã làm đảo lộn tất cả. Các cổ phiếu bất động sản đồng loạt nằm sàn, trắng bên mua với dư bán sàn hàng triệu đơn vị.

Không riêng các mã “họ FLC” như FLC, ROS, AMD hay các doanh nghiệp được hưởng lợi từ kỳ vọng định giá lại quỹ đất cùng chung số phận.

Các mã tăng nóng và là tâm điểm chú ý của thị trường thời gian qua như CII, SCR, DIG, NLG, CEO, HQC đều giảm kịch sàn hoặc gần hết biên độ. Sắc đỏ cũng lan rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu khác, trong đó có cổ phiếu xây dựng.

Trong số các cổ phiếu nêu trên, có cổ phiếu tăng nóng bởi dòng tiền đầu cơ và xuất hiện yếu tố ảo. Tuy nhiên, có những cổ phiếu định giá tốt trong nhóm ngành liên quan đến đầu tư công nói chung và ngành bất động sản nói riêng cũng bị bán tháo, có thể chỉ là do yếu tố tác động nhất thời từ tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư.

Tracodi chạy nước rút thi công dự án

Trong báo cáo phát hành gần đây, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, lợi nhuận mảng xây dựng năm 2022 của Tracodi sẽ tăng 57% so với 2021 nhờ dịch bệnh cải thiện và thi công nhiều dự án quy mô lớn. Trong đó, hoạt động xây dựng truyền thống được đảm bảo tăng trưởng nhờ thừa hưởng lợi thế từ hệ sinh thái công ty mẹ Bamboo Capital.

Bên cạnh mảng tổng thầu xây lắp, Tracodi đang thúc đẩy mảng đá xây dựng, đón đầu cơ hội Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt các dự án hạ tầng giao thông lớn tại miền Nam và đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài mỏ đá Antraco đã xin giấy phép khai thác mở rộng thêm 50 triệu m3, Công ty đang triển khai thương vụ M&A một mỏ đá khác ở miền Nam.

Kể từ tháng 8/2021 đến nay, cổ phiếu TCD đã bứt phá ngoạn mục và tăng trưởng chắc chắn, từ vùng giá quanh 10.000 đồng/cổ phiếu lên 26.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh quyền mua cổ phiếu phát hành thêm 1:1 bằng mệnh giá). Cùng với thị giá tích cực, thanh khoản cổ phiếu này cũng cải thiện đáng kể, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Năm 2022, Hội đồng quản trị Tracodi xây dựng kế hoạch doanh thu 4.431 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 380.5 tỷ đồng, lần lượt tăng 44,26% và 20,05% so với năm 2021.

Tin bài liên quan