Kể từ khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc cho tới nay, TTCK chứng kiến giá cổ phiếu nhanh chóng phục hồi, kéo theo đà tăng của các chỉ số tiêu chuẩn. Theo đó, tại Mỹ, chỉ số S&P 500 tăng 1,5%, cổ phiếu ngành tài chính tăng 10% lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2008 và cổ phiếu ngành công nghiệp tăng 5%.
Tuy nhiên, cổ phiếu ngành công nghệ là lĩnh vực duy nhất suy yếu, khi giảm 1,7%. Đặc biệt, cổ phiếu của những “gã khổng lồ” công nghệ là Amazon, Facebook, Apple, Microsoft và Alphabet đều giảm ít nhất 1,9%.
Chưa kể, chỉ số Dow Jones Industrial Average, với cấu thành chủ yếu từ các cổ phiếu công nghiệp và ngân hàng, tăng 1,2%, tạo khoảng cách rộng nhất kể từ tháng 3/2001 so với chỉ số NASDAQ 100, chủ yếu tạo thành từ cổ phiếu công nghệ, theo số liệu tổng hợp của Bloomberg.
Sự lo ngại của giới đầu tư đối với cổ phiếu công nghệ là điều dễ hiểu, bởi lần gần đây nhất, thị trường chứng kiến cổ phiếu ngành này đi ngược với xu hướng tăng trưởng tích cực chung là khi “bong bóng Internet” đổ vỡ giai đoạn 2000-2001, mở đầu cho thời kỳ suy thoái kinh tế đầu thập niên 2000 tại Mỹ.
Với diễn biến bất ngờ này, nhiều nguyên nhân đã được đưa ra, trong số đó, có nỗi lo lắng về các chính sách tác động tiêu cực đến các hiệp định thương mại quốc tế của ông Trump, trong khi đây là một trong những động lực tăng trưởng lớn của các công ty công nghệ.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, đây có thể là sự trả đũa của tân Tổng thống Mỹ, khi ngành công nghiệp này đã không ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử.
Khoảng cách giữa Dow Jones Industrial Average và NASDAQ 100 ở mức rộng nhất kể từ tháng 3/2001
Thực tế, việc ông Trump thắng cử đã đặt ngành công nghệ Mỹ ở trong vị thế không thoải mái. Trước đó, số tiền các công ty thuộc lĩnh vực này đóng góp cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton cao gấp 114 lần số tiền dành cho ông Trump, theo số liệu thống kê bởi Center for Responsive Politics.
CEO Facebook Mark Zuckerberg từng đưa ra quan điểm chỉ trích mạnh mẽ đối với cách nhìn về vấn đề nhập cư của ông Trump, dù không trực tiếp nhắc tới vị tỷ phú này.
Sở dĩ, các công ty công nghệ lớn thể hiện sự ủng hộ với bà Clinton, bởi ứng cử viên này đưa ra kế hoạch duy trì những chính sách phù hợp với sự phát triển của ngành công nghệ dưới thời Tổng thống Obama.
Đây cũng là thời kỳ mà các công ty công nghệ phát triển mạnh mẽ, khi 5 trong số 10 cổ phiếu có màn biểu diễn tốt nhất trong chỉ số S&P 500 là công ty công nghệ và 4 công ty có giá trị thị trường lớn nhất nước Mỹ cũng thuộc lĩnh vực này (Apple, Alphabet, Microsoft và Facebook).
Trong khi đó, các chính sách ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử cử của mình rõ ràng khiến “Thung lũng Silicon” cảm thấy bất an. Daniel Morgan, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Synovus Trust Co cho biết, chính sách đối với người nhập cư của ông Trump sẽ ảnh hưởng tới quyền cư trú của rất nhiều người, khiến việc tìm kiếm các kỹ sư, cũng như các tài năng công nghệ trên toàn cầu của các công ty tại “Thung lũng Silicon” trở nên khó khăn hơn.
Đường lối bảo vệ nền kinh tế nội địa, điều chỉnh hoặc rút khỏi một số hiệp định thương mại tự do mà Mỹ đã hoặc chuẩn bị tham gia, cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới các công ty có hoạt động đa quốc gia, đặc biệt là doanh nghiệp với hoạt động thương mại xuyên bên giới mạnh mẽ như Facebook và Amazon. Theo tài liệu tại cơ quan niêm yết, một nửa doanh thu của Facebook tới từ các thị trường ngoài Mỹ và Canada, trong khi 30% doanh thu của các công ty thuộc S&P 500 tới từ bên ngoài nước Mỹ, theo FactSet.
Chính sách giảm thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp của ông Trump tưởng chừng là một điểm sáng hiếm hoi đối với các công ty ngành công nghệ, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Bởi lẽ, các công ty công nghệ thuộc chỉ số S&P 500 đang chịu mức thuế suất hiệu dụng (tỷ lệ thuế suất thực tế phải nộp của doanh nghiệp) là 23,6% trong 12 tháng qua, so với mức 29,9% của ngành công nghiệp và 27,3% của ngành sản xuất, theo Evercore ISI.
Như vậy, với cùng tỷ lệ giảm, các công ty công nghệ sẽ được hưởng lợi ít hơn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực có thuế suất hiệu dụng cao hơn.