Cuối tuần, thị trường tiếp tục với mùa báo cáo quý III với 2 tên tuổi Intel và Snap. Cả hai cổ phiếu Intel và Snap đã kéo Nasdaq Composite đi lùi trong phiên, sau khi cả 2 công ty đều báo cáo kết quả kinh doanh gây thất vọng.
Cổ phiếu Intel lao dốc 11,6% sau khi báo cáo doanh số bán hàng trong kỳ thấp hơn kỳ vọng và doanh thu sụt giảm, nguyên nhân là do tình trạng thiếu hụt chip toàn ngành.
Cổ phiếu của Snap giảm mạnh 25% sau khi chủ sở hữu của ứng dụng nhắn tin ảnh Snapchat cho biết những thay đổi về quyền riêng tư do Apple thực hiện trên các thiết bị iOS làm ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm đối tượng khách hàng và đo lường quảng cáo kỹ thuật số của công ty.
Snap cũng là đầu tiên trong số các công ty truyền thông xã hội lớn báo cáo thu nhập, phủ bóng đen lên Facebook và Twitter , công bố kết quả quý III vào tuần tới.
Kết quả của Snap cũng khiến cổ phiếu Facebook giảm 6%, Twitter giảm 7% và Alphabet giảm 3% trong phiên.
Bất chấp những thất vọng trên, nhìn chung mùa báo cáo kết quả kinh doanh cho đến nay vẫn rất tốt, thúc đẩy thị trường sôi động trở lại trong hai tuần qua sau 2 tháng tạm lắng.
Mặt khác, Chủ tịch Fed Jerome Powell trong một phát biểu hôm thứ Sáu khẳng định, đã đến lúc thu hẹp chương trình mua trái phiếu quy mô 120 tỷ USD. Buổi họp chính sách tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày 2 - 3/11.
Ngoài ra, vị quan chức cũng lưu ý, tình trạng lạm phát cao tại Mỹ nhiều khả năng kéo dài sang năm sau trong thời kỳ hậu đại dịch và thực tế này sẽ có thể làm giảm đi sức mua của người tiêu dùng.
Kết quả, S&P 500 và Nasdaq Composite đóng cửa trong sắc đỏ còn Dow Jones tăng nhẹ.
Kết thúc phiên 22/10, chỉ số Dow Jones tăng 73,94 điểm (+0,21%), lên 35.677,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,88 điểm (-0,11%), xuống 4.544,90 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 125,50 điểm (-0,82%), xuống 15.090,20 điểm.
Trong tuần, Dow Jones tăng 1,08%, S&P 500 tăng 1,64%, Nasdaq Composite tăng 1,29%.
Chứng khoán châu Âu tăng trở lại trong phiên hôm thứ Sáu nhờ đà tăng của cổ phiếu công nghệ, kết quả kinh doanh mạnh mẽ từ hãng mỹ phẩm L'Oreal của Pháp, đồng thời tâm lý được thúc đẩy rộng rãi nhờ khoản thanh toán lãi suất trái phiếu bất ngờ từ tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc.
Kết thúc phiên 22/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 14,25 điểm (+0,20%), lên 7.204,55 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 70,42 điểm (+0,46%), lên 15.542,98 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 47,52 điểm (+0,71%), lên 6.733,69 điểm.
Trong tuần, FTSE 100 giảm 0,41%, DAX giảm 0,28%, CAC 40 tăng 0,09%.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng sau khi “bom nợ” Evergrande thực hiện thanh toán lãi suất trái phiếu, song sự thận trọng trước cuộc tổng tuyển cử và mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã hạn chế đà đi lên của thị trường.
Chứng khoán Trung Quốc suy yếu do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu ngành khai thác và năng lượng trước tình hình Bắc Kinh ra tín hiệu sẽ can thiệp để hạ nhiệt giá than.
Chứng khoán Hồng Kông tăng nhờ các nhà phát triển bất động sản hồi phục sau tin tức Evergrande thanh toán một khoản lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa gần như không thay đổi, nhưng đánh dấu tuần giảm điểm, do các nhà đầu tư thận trọng trước dữ liệu kinh tế quý III và báo cáo kết quả kinh doanh từ các nhà sản xuất chip lớn trong nước.
Kết thúc phiên 22/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 96,27 điểm (+0,34%), lên 28.804,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 12,18 điểm (-0,34%), xuống 3.582,60 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 109,40 điểm (+0,42%), lên 26.126,93 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 1,17 điểm (-0,04%), xuống 3.006,16 điểm.
Trong tuần, Nikkei 225 giảm 0,91%, Shanghai Composite tăng 0,29%, Hang Seng tăng 3,14%, KOSPI giảm 0,30%.
Giá vàng đêm qua biến động mạnh, tăng mạnh vào đầu phiên song quay đầu sau phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell về lạm phát và dự kiến thu hẹp chương trình mua tài sản.
Trong 2 tuần tới sẽ diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của ngân hàng trung ương nhiều nước bao gồm Anh, châu Âu, Nhật và Mỹ. Đây sẽ là những sự kiện ảnh hưởng lớn đến giá vàng.
Kết thúc phiên 22/10, giá vàng giao ngay tăng 8,90 USD (+0,5%), lên 1.792,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 14,40 USD (+0,81%), lên 1.796,30 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,4%. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 1,6%.
Thị trường khá lạc quan về dự báo giá tuần tới. Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 15 chuyên gia trên phố Wall, có 13 người dự báo vàng sẽ tăng giá, không ai cho rằng giá vàng sẽ giảm và có 2 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến với 598 người tham gia, 60% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 22% cho rằng giá vàng giảm và 17% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Sau một phiên hạ nhiệt giá dầu lấy lại đà tăng trong phiên ngày thứ Sáu trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung được dự báo sẽ chưa thể sớm kết thúc.
Ngoài ra, tình trạng thiếu than và khí đốt ở Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu đang thúc đẩy nhiều nhà máy phát điện chuyển từ khí đốt sang nhiên liệu dầu và diesel khiến nhu cầu dầu càng tăng mạnh.
Kết thúc phiên 22/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,26 USD (+1,5%), lên 83,760 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,92 USD (+1,1%), lên 85,53 USD/thùng.
Trong tuần, WTI tăng 1,7% và tăng tuần thứ chín liên tiếp. Brent tăng 1% và tăng tuần thứ bảy liên tiếp.