Cạnh tranh trong khối công ty chứng khoán sẽ không còn gói gọn trong nhóm 10 công ty Top đầu.

Cạnh tranh trong khối công ty chứng khoán sẽ không còn gói gọn trong nhóm 10 công ty Top đầu.

Cổ phiếu chứng khoán: Sự chuyển mình và các tay chơi mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu chứng khoán không chỉ để đón sóng kết quả kinh doanh, mà còn vì những nỗ lực chuyển mình trong khối công ty này để theo kịp nhu cầu của thị trường.

Cổ phiếu chứng khoán (cùng với cổ phiếu ngân hàng) đã thăng hoa trong suốt nửa đầu năm, đem lại tỷ suất lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Chỉ tính trong 1 quý gần nhất (tính đến 1/7/2021), cổ phiếu SSI đã tăng giá 67,4%, HCM tăng 65%, VCI xác lập mức giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu trước khi chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 1:1; VND tăng 54%, SHS tăng hơn 49%…

Ở những công ty chứng khoán quy mô nhỏ hơn cũng ghi nhận sự tăng giá mạnh, như VDS tăng 65%, EVS tăng đến 123%, CTS tăng 43%, FTS tăng 119%... Trong tuần qua, sắc xanh và tím phủ lên cổ phiếu nhóm chứng khoán.

Thông tin kết quả kinh doanh đột biến trong quý II/2021 là một phần nguyên nhân, bởi đã được phản ánh vào mặt bằng giá khá cao.

Chất xúc tác quan trọng kích hoạt đà tăng kéo dài của các cổ phiếu nhóm này là kế hoạch chia thưởng, tăng vốn và thông tin M&A, tạo đà cho một giai đoạn phát triển mới.

Năm công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất đã có kế hoạch tăng vốn, gồm SSI, VCI, HCM, VND, MBS, với tổng số vốn dự kiến huy động khoảng 11.300 tỷ đồng, trong đó 6.400 tỷ đồng từ phát hành quyền mua cổ phiếu, phát hành riêng lẻ và/hoặc trái phiếu chuyển đổi, khoảng 813 tỷ đồng từ phát hành ESOP.

Các công ty chứng khoán nhỏ cũng rục rịch tăng vốn, bổ sung ngành nghề kinh doanh. Cụ thể, TVSI tăng vốn thêm 1.450 tỷ đồng thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu; EVS chào bán riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ lên 1.000 tỷ đồng. Chứng khoán Đại Nam (DNSE) sau khi đổi chủ cũng lên kế hoạch tăng vốn từ 160 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2021

Các công chứng khoán có vốn ngoại sau khi tăng vốn khủng trong vài năm trước cũng đang rục rịch nâng vốn tiếp.

Mới đây, Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) thông báo về việc được công ty mẹ là MayBank Kim Eng Holdings Limited góp vốn thêm gần 689 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên mức 1.745 tỷ đồng.

Nguồn vốn huy động được bổ sung cho hoạt động kinh doanh và tăng cường tính tự chủ về tài chính cho Công ty. KIS Việt Nam mới tăng vốn thêm hơn 1.100 tỷ đồng, từ mức vốn hiện tại là 3.800 tỷ đồng.

Đặc biệt, Công ty Chứng khoán Shinhan sớm có mặt ở Việt Nam nhưng hoạt động khá im lìm trong nhiều năm qua cũng đang xin ý kiến tập đoàn mẹ để tăng vốn.

Hoạt động M&A công ty chứng khoán nhỏ vẫn đang diễn ra sôi nổi. Công ty Chứng khoán Đà Nẵng chính thức sang tay đổi chủ cho nhóm các nhà đầu tư mới từ khoảng cuối năm 2020.

Ghi nhận từ nguồn thạo tin trên thị trường, đứng đằng sau thương vụ này là Huyndai Thành Công – doanh nghiệp được đồn đoán sẽ thành cổ đông lớn của Eximbank. Mới đây, Chứng khoán Đà Nẵng công bố phương án chào bán 94 triệu cổ phiếu để tăng vốn đột biến từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Gần đây, thị trường cũng chứng kiến việc thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao ở Chứng khoán Bảo Minh và quyết định nâng số lượng chào bán riêng lẻ từ mức 23 triệu cổ phiếu lên 43 triệu cổ phiếu, với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Nguồn tin cho biết, công ty này đã được nhóm cổ đông từ một ngân hàng mua lại.

Chứng khoán An Phát cũng đang có sự vươn lên, tăng vốn lên gấp đôi thông qua chào bán 34 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Doanh nghiệp cũng phát hành 5,1 triệu đơn vị để trả cổ tức năm 2020.

Đáng chú ý, ghi nhận thông tin về APG cho thấy, công ty này cũng đang tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc để mời gọi nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển công ty…

Những chuyển động trên cho thấy, cuộc cạnh tranh trong khối công ty chứng khoán sẽ không còn gói gọn ở khoảng chục công ty chứng khoán Top đầu như nhiều năm trước, mà còn đến từ các công ty chứng khoán đã được M&A, được bơm vốn.

Tin bài liên quan