Cổ phiếu chứng khoán: P/B thấp nhất 10 năm!

Cổ phiếu chứng khoán: P/B thấp nhất 10 năm!

(ĐTCK) VN-Index rơi gần 30% trong hơn một tháng gần đây khiến nhiều cổ phiếu chứng khoán giảm giá 60-70% từ đỉnh, đưa mức định giá của ngành về vùng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Liệu có thể bắt đầu đặt niềm tin, không phải với tất cả công ty trong ngành, nhưng chí ít ở đâu đó, trong hàng chục mã chứng khoán trên sàn, đang rõ ràng cơ hội?

Cổ phiếu chứng khoán giao dịch với P/B thấp nhất 10 năm

Khi TTCK diễn biến tiêu cực, chủ thể buồn nhất là nhà đầu tư do thua lỗ là trực tiếp. Chủ thể tiếp theo cũng khó có thể vui đó là các công ty chứng khoán (CTCK).

Ở đây không chỉ là nỗi buồn đồng cảm với nhà đầu tư mà thực sự còn là sự khó khăn khi TTCK cứ giảm, chưa thấy điểm dừng.

Thị trường giảm, giá trị giao dịch giảm, cho vay được ít hơn, nhiều nhân viên môi giới bỏ nghề, danh mục tự doanh cũng bị thua lỗ… Ðó là những áp lực các CTCK đang phải đối mặt hiện nay.

Hơn ai hết, khối CTCK luôn là những chủ thể mong thị trường tích cực nhất. Từ khi thị trường tạo đỉnh năm 2018, cổ phiếu chứng khoán sau đó chịu áp lực giảm giá mạnh hơn so mới mặt bằng chung thị trường.

Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các công ty lớn đều giảm giá trên 50% so với đỉnh hồi 2018. Nếu dùng mức giá thấp nhất để tính toán, mức độ giảm có thể còn đáng sợ hơn, nhưng thế thôi, với những con số ở Bảng 1 cũng đủ hiểu tâm trạng của các nhà đầu tư nắm cổ phiếu chứng khoán buồn đến mức nào.

Cổ phiếu chứng khoán: P/B thấp nhất 10 năm!  ảnh 1

Hiện tại, thị giá trên giá trị sổ sách (P/B) của ngành chứng khoán chỉ còn 0,68 lần, mức thấp nhất trong vòng 10 năm.

Ðịnh giá này đang thấp hơn mức đáy của thị trường năm 2011-2012. Nếu VN-Index có rơi về 700 điểm thì vẫn cao gấp đôi so với mức điểm đáy thời kỳ  2011-2012, trong khi đó, mức P/B chung của sàn HOSE vẫn đang cao hơn khá nhiều so với đáy.

Cổ phiếu chứng khoán: P/B thấp nhất 10 năm!  ảnh 2

Mức định giá của VN-Index và ngành chứng khoán theo P/B.

Dẫn ra như vậy để thấy, niềm tin của nhà đầu tư với ngành chứng khoán đã rơi xuống mức thấp đến thế nào.

Tất nhiên, ở mỗi thời điểm, triển vọng ngành, áp lực cạnh tranh trong ngành và tâm lý của nhà đầu tư là khác nhau, nhưng nhìn ở một góc nào đó, ngành chứng khoán đã rơi về vùng có mức định giá rẻ khó tưởng tượng.

Cùng thảo luận góc nhìn

Khi nhìn vào P/B của các CTCK hàng đầu đang ở mức dưới 1 lần, người viết có mong muốn cùng thảo luận với bạn đọc về chủ đề này.

Cổ phiếu chứng khoán: P/B thấp nhất 10 năm!  ảnh 3

Chỉ số P/B các cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán.

Ðối với các CTCK, giá trị sổ sách thường không có nhiều là tài sản cố định. Tất nhiên là còn tùy mỗi công ty, nhưng nhìn chung tài sản của CTCK phần nhiều là tiền, chứng khoán và các tài sản tài chính, có tính thanh khoản cao và rất dễ định giá theo giá thị trường.

Thêm một loại tài sản nữa không được tính vào giá trị sổ sách đó là giá trị vô hình, đó là con người, chất xám. Các CTCK nói riêng và thị trường tài chính nói chung là nơi quy tụ nhiều bộ óc, đa phần là có trình độ cao.

Vậy tại sao tính trung bình, 1 đồng giá trị sổ sách hiện tại của các công ty chứng khoán chỉ được trả theo giá thị trường là 0,68 đồng?

Cổ phiếu chứng khoán: P/B thấp nhất 10 năm!  ảnh 4

Chỉ số P/B và hiệu quả hoạt động ROE (%) của các cổ phiếu chứng khoán.

Tất nhiên, thị trường luôn đúng và nếu hiểu vấn đề này theo một góc khác, chưa tính đến giá trị thời gian thì có nhiều điều thú vị. Thị trường đang trả cho giá cổ phiếu chứng khoán như vậy, phải chăng vì cổ đông đang sợ các công ty chứng khoán làm mất tiền?

Trong quá khứ, rất nhiều công ty chứng khoán khi có 1 đồng, đi qua con sóng giảm thì không còn đủ trọn vẹn 1 đồng, do đó lo lắng này không phải là không có cơ sở.

Vậy nên, ý tưởng đầu tư vào cổ phiếu chứng khoán có thể bắt đầu từ đây: ở vùng giá rẻ, hãy chọn các công ty biết giữ tiền trong cơn bão của thị trường tài chính.

Hãy tin đúng cách!

Như đã chia sẻ ở trên, hiện tại, mức định giá P/B của ngành chứng khoán là 0,68 lần, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Gần như tất cả các cổ phiếu trong ngành chứng khoán đang giao dịch với P/B dưới 1 lần.

Giá thấp hơn giá trị sổ sách, dù đó là CTCK nào, lớn hay nhỏ, thị phần cao hay thấp. Thị trường đang diễn biến xấu và áp lực cạnh tranh ngày càng cao, nhưng những gì ở chu kỳ trước cũng cho thấy, ngoài những công ty để xảy ra thua lỗ thì có không ít công ty biết cách vượt qua khủng hoảng và trở thành những CTCK hàng đầu sau đó.

Khủng hoảng tài chính 2007-2008 để lại nhiều bài học sâu sắc cho không chỉ riêng ngành tài chính.

Sau hơn 10 năm, hiện tại, TTCK Việt Nam đã trưởng thành hơn rất nhiều, chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn và có chiều sâu hơn. Trong môi trường đó, trình độ, kinh nghiệm và ý thức quản trị rủi ro của các CTCK nhìn chung là cao hơn.

Những bài học trước đây là hành trang để các CTCK ứng phó tốt hơn với khủng hoảng. Bằng chứng cho thấy, năm 2018, dù TTCK không khả quan, nhưng rất nhiều CTCK báo lãi.

Ở các công ty báo lỗ, không còn những khoản lỗ tự doanh không thể gượng dậy như ở chu kỳ trước và trong cú sốc năm 2020, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng điều tương tự, khó khăn nhưng không gục ngã.

Thị trường tài chính luôn chứa đựng những sự kiện mà không ai có thể dự đoán trước được và đó cũng là sự thú vị của cuộc chơi này.

Thử nhìn vấn đề ở một góc khác, việc ra quyết định sẽ dễ hơn rất nhiều. Mỗi người sẽ có nhận định khác nhau, nên ở đây người viết vẫn muốn giữ góc nhìn khách quan để bạn đọc có được sự lựa chọn cho riêng mình.

Với góc nhìn dài hạn, khi P/B của nhóm ngành chứng khoán ở mức thấp nhất 10 năm, nếu bạn quan tâm đến cổ phiếu chứng khoán, hãy đơn giản chọn CTCK biết quản trị rủi ro, chất lượng tài sản tốt, có thể giữ tiền của cổ đông và hiệu quả hoạt động vẫn ở mức chấp nhận được ngay cả trong cơn bĩ cực.

Ðó là cơ hội. Phải trả dưới 1 đồng để mua 1 đồng giá trị sổ sách, mà 1 đồng giá trị sổ sách đó có thể sinh lợi trên lãi suất chiết khấu, thế là rẻ, phải không?

Tin bài liên quan