Kết quả kinh doanh khởi sắc
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020, đáng chú ý phải kể tới doanh nghiệp có kết quả tăng trưởng cao như Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai (DNW), Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (DNN), Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (BWE), Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức (TDW) và Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn (CLW).
Cụ thể, lợi nhuận quý đầu năm của DNW ghi nhận 55,3 tỷ đồng, tăng 132,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận của TDW đạt 10,6 tỷ đồng, tăng trưởng 82,6%; lợi nhuận CLW đạt 7,3 tỷ đồng, tăng trưởng 78,7%; lợi nhuận DNN đạt 40 tỷ đồng, tăng trưởng 32,7%; lợi nhuận BWE đạt 131,7 tỷ đồng, tăng trưởng 26,7%.
Kết quả kinh doanh khởi sắc, nhưng hiệu quả kinh doanh có sự phân hóa khi biên lợi nhuận ròng của ngành có dấu hiệu giảm từ 26,19% về mức 23,9%.
Đa số doanh nghiệp kinh doanh tăng trưởng đều cải thiện biên lợi nhuận gộp, ngoại trừ Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (TDM) và Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW).
Đơn cử, VCW thuyết minh lợi nhuận giảm là do Công ty hoàn thành đầu tư xây dựng hạng mục trạm điều tiết Tây Mỗ và tuyến ống truyền tải nước sạch dài 6,4 km, dẫn đến khấu hao, lãi vay tăng 19,2 tỷ đồng, bên cạnh trích lập dự phòng giảm giá khoản đầu tư 10,4 tỷ đồng, nên đã ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận.
TDM thì cho biết lợi nhuận giảm 14,7% là bởi doanh nghiệp điều chỉnh khung khấu hao theo Thông tư 45/2013/TT-BTC đối với tài sản cố định. Việc điều chỉnh bắt đầu từ quý II/2019, nên nếu xét cùng kỳ, khấu hao quý I/2020 ghi nhận tăng.
Cụ thể, khấu hao tài sản cố định tăng từ 12,1 tỷ đồng lên 25,3 tỷ đồng, nhưng sẽ không còn yếu tố đột biến trong quý II/2020.
Không chỉ có kết quả kinh doanh tăng trưởng, mà dòng tiền hoạt động kinh doanh tiếp tục được duy trì tích cực trong nhóm doanh nghiệp này.
Cụ thể, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của DNN là 17,1 tỷ đồng, BWE là 87,9 tỷ đồng, TDM là 87,6 tỷ đồng, VCW là 8,4 tỷ đồng, CLW là 33,5 tỷ đồng, TDW là 61,6 tỷ đồng và DNW là 82,4 tỷ đồng.
Trái ngược với nhóm doanh nghiệp cấp nước, tại nhiều nhóm ngành khác như thuỷ sản, dệt may, bất động sản… dòng tiền hoạt động kinh doanh thường xuyên ở mức âm và bị chiếm dụng vốn do tồn kho lớn, khoản phải thu nhiều do việc bán ra gặp khó.
Sức hấp dẫn và điểm trừ thanh khoản
Khi nền kinh tế bước vào giai đoạn thắt chặt, độ co giãn của từng loại hàng hóa sẽ quyết định triển vọng của ngành.
Nếu như những hàng hóa giá trị lớn thường có độ co giãn lớn tương ứng với biến động giá, cũng như thu nhập người dân, thì ngược lại, nhóm cổ phiếu nước có độ co giãn thấp, nên sự biến động của giá cũng như thu nhập sẽ không ảnh hưởng nhiều tới việc tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ.
Chính vì vậy, tại báo cáo quý I/2020, có nhiều ngành nghề báo cáo tiêu thụ giảm như ô tô, bất động sản, xuất khẩu thuỷ sản, dệt may…, thì cũng có những hàng hóa ghi nhận sức tiêu thụ ổn định, thậm chí gia tăng như mặt hàng thiết yếu là nước.
Có thể thấy, sự hấp dẫn của nhóm cổ phiếu nước tới từ những ưu điểm như hoạt động kinh doanh mang tính ổn định cao, mang lại dòng tiền đều đặn, đặc biệt là chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn.
Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào trong nhóm cấp nước cũng dễ đầu tư khi điểm chung của các cổ phiếu này là thanh khoản trên thị trường gần như “tắc” do cổ phiếu quá “cô đặc”.
Chẳng hạn, DNN hiện có gần 58 triệu cổ phiếu niêm yết, trong đó hơn 95% cổ phần thuộc về cổ đông lớn. Tương tự, VCW có 75 triệu cổ phiếu niêm yết, nhưng cổ đông lớn đã sở hữu trên 96%.
CLW có 13 triệu cổ phiếu niêm yết, song có tới 67,59% cổ phần thuộc về cổ đông lớn. TDW có 8,5 triệu cổ phiếu, trong đó 95,17% cổ phiếu do cổ đông lớn nắm giữ. DNW có 100 triệu cổ phiếu niêm yết và 93,74% cổ phần thuộc về cổ đông lớn.
Trong nhóm cổ phiếu nước, chỉ 2 cổ phiếu BWE và TDM là được giao dịch thường xuyên nhờ lượng hàng trôi nổi bên ngoài. Tuy nhiên, thanh khoản không quá cao. Khối lượng khớp lệnh trung bình 20 phiên của BWE là 250.000 cổ phiếu/phiên, của TDM là 237.000 cổ phiếu/phiên.