Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Dự thảo Thông tư ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và lai dắt cảng biển tại Việt Nam.
Theo đó, Dự thảo đang được xây dựng theo 2 phương án đều có tác động tích cực đến hoạt động cũng như dư địa tăng trưởng của khối doanh nghiệp cảng biển trong ngắn và dài hạn.
Cụ thể, với phương án 1, giá dịch vụ sẽ điều chỉnh theo hướng tăng 10% so với khung giá hiện hành đối với các cảng không thuộc khu vực Lạch Huyện. Đối với các cảng tại khu Lạch Huyện, giá dịch vụ giữ nguyên. Với phương án 2, giá dịch vụ được điều chỉnh tăng dần theo từng năm, lộ trình từ năm 2019 đến 2021.
Ngay sau khi được công bố, thông tin này đã có tác động tích cực đến các doanh nghiệp đang khai thác cảng biển, đặc biệt là khu vực miền Bắc, cụm cảng Hải Phòng, khu cảng Đình Vũ và cảng Lạch Huyện, chiếm khoảng 33% tổng sản lượng thông quan của cả nước.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo GMD cho biết: “Chính sách mới sẽ phản ánh vào kết quả kinh doanh của GMD trong năm 2019. Do đó, trước mắt, Công ty có thể xem xét khả năng điều chỉnh kế hoạch cho năm tới trong chiến lược phát triển 5 năm 2018 - 2022 so với kế hoạch đã công bố”.
Hiện nay, các cảng mà GMD đang khai thác tại khu vực miền Bắc bao gồm Nam Hải Đình Vũ, Nam Đình Vũ giai đoạn 1.
Lãnh đạo Công ty cho hay, trong 8 tháng đầu tiên hoạt động, Nam Đình Vũ đã đạt công suất khoảng 200.000 DWT, dự kiến tăng lên khoảng 300.000 DWT trong năm tiếp theo sau khi đưa vào khởi công giai đoạn 2 trong quý III/2018.
GMD đưa ra lộ trình tăng công suất tối đa cảng chủ lực này trong vòng 3 năm kể từ thời điểm đưa vào khai thác.
Đối với các doanh nghiệp khai thác cảng biển miền Bắc, thông tin điều chỉnh chính sách kể trên được xem là “ánh sáng” phần nào xua tan không khí ảm đạm hiện nay.
Trước đó, kể từ ngày 1/1/2017, tại khu vực miền Bắc, việc Chính phủ áp dụng mức giá sàn dịch vụ khiến tình hình cạnh tranh về giá cả của các doanh nghiệp tại khu vực Hải Phòng có phần lắng xuống.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải gồng mình tìm mọi cách giữ thị phần, đảm bảo tăng trưởng. Thêm vào đó, cảng Lạch Huyện đi vào hoạt động từ tháng 5/2018 cũng gây áp lực dư cung ngắn hạn cho khu vực miền Bắc.
Một doanh nghiệp khác được đánh giá sẽ nhận những hỗ trợ tích cực từ chính sách mới là CTCP Container Việt Nam (VSC), bởi đây là doanh nghiệp mới đi vào hoạt động từ năm 2017, công suất chưa được lấp đầy.
Hiện tại, VSC sở hữu 2 cảng Greenport và VIP Greenport, trong đó cảng VIP Green là động lực chủ yếu đối với hoạt động của Công ty, bởi có công suất tương đối lớn, vị trí nằm ở hạ nguồn sông Cấm, nơi tiếp nhận sự dịch chuyển nguồn hàng từ thượng nguồn do tác động của cầu Bạch Đằng.
Bên cạnh các đánh giá tích cực, cũng có ý kiến lo ngại rằng, việc cảng Lạch Huyện đi vào hoạt động sẽ trở thành đối trọng, thậm chí là mối lo ngại đối với các doanh nghiệp tại khu vực cảng Đình Vũ.
Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp khai thác cảng tại khu vực Đình Vũ chia sẻ, vấn đề này không quá đáng ngại. Hiện tại, lượng hàng tại đây vẫn tăng trưởng trung bình 15%/năm nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, gần các khu công nghiệp.
“Chưa kể, giá dịch vụ tại cảng Lạch Huyện sẽ cao hơn so với Đình Vũ, bởi vị trí xa các khu công nghiệp làm phát sinh chi phí qua cầu Tân Vũ Lạch Huyện, cũng như kéo dài thời gian vận chuyển. Sức cạnh tranh từ Lạch Huyện có thể sẽ tăng, nhưng đó là trong dài hạn, khi các hãng tàu có sự dịch chuyển”, vị lãnh đạo trên cho biết.
Một số công ty chứng khoán đánh giá, các doanh nghiệp hoạt động tại cảng Lạch Huyện, cũng như Đình Vũ sẽ đón nhận ảnh hưởng tích cực từ những thay đổi chính sách.
“Trong dài hạn, Thông tư sẽ giúp nâng cao vị thế cạnh tranh của Lạch Huyện bằng cách thu hẹp khoảng cách giá bốc dỡ giữa cảng này và các cảng khác.
Hiện tại, giá sàn bốc dỡ cho một container 20ft quốc tế tại Lạch Huyện đang cao hơn 53% so với các cảng khác. Theo lộ trình từ năm 2019 đến 2021, khoảng cách này sẽ giảm từ 39% về 26%”, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu GMD đã có 3 phiên bật xanh, hiện đang đứng ở mức 28.500 đồng/cổ phiếu. Một số cổ phiếu khác cùng ngành như VSC, DVP, HAH… sau một thời gian dài đi ngang, đang có dấu hiệu “nhúc nhích” chuyển động tích cực.