Cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/10

Cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/10

(ĐTCK) TTF sẽ được hưởng khi gia nhập TTP, nhưng hiện tại, TTF vẫn gặp khó về hàng tồn kho. Trong khi đó, DRC chỉ thích hợp với nhà đầu tư dài hạn.

ĐTCK lược trích báo cáo phân tích cổ phiếu của một số CTCK trước phiên giao dịch ngày 25/10.

 Cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/10 ảnh 1

TTF: Gặp khó về hàng tồn kho

(CTCK Sài Gòn – SSI)

Hiện tại, TTF vẫn thiếu ngân lưu cho hoạt động sản xuất nên kết quả kinh doanh của quý III và quý IV sẽ chưa có nhiều cải thiện. Trong một kịch bản trung bình, doanh thu và lợi nhuận năm 2013 sẽ đạt 2.034 tỷ đồng và 4,2 tỷ đồng, lần lượt đạt 92% và 14% kế hoạch.

TTF gặp khó khăn về hàng tồn kho và việc bán hàng tồn kho bị cản trở bởi khi nào có tiền dư mới nộp vào ngân hàng để giải chấp, trong khi TTF đang thiếu tiền. Đến thời điểm hiện tại, TTF đã bán được khoảng 80 tỷ đồng trong số 400 tỷ đồng hàng tồn kho chậm luân chuyển.

Với hàng tồn kho là nguyên vật liệu, TTF tạm thời đang dùng bảo lãnh của ngân hàng Việt Á - là một cổ đông của TTF. Đồng thời, TTF cũng đã gửi đơn lên 2 ngân hàng thương mại khác để xin giải chấp phần nguyên liệu dùng sản xuất hàng xuất khẩu và sau khi bán hàng, TTF sẽ trả tiền nguyên liệu cho ngân hàng. Đề nghị này đang được các ngân hàng xem xét.

Để tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, TTF đang thực hiện kế hoạch tái cấu trúc nợ của công ty mẹ vào năm 2014. TTF sẽ tăng vốn chủ sở hữu lên khoảng 1.500 tỷ đồng và giảm nợ xuống còn khoảng 800 tỷ đồng, từ 800 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 1.174 tỷ đồng nợ hiện tại, bằng việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và thương lượng hoán đổi nợ thành cổ phần.

Theo thông tin từ ban lãnh đạo TTF, Công ty đã xúc tiến việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với giá trị dự kiến gần 400 tỷ đồng. Hợp đồng đầu tư này có khả năng đạt được là khá cao.

Vừa qua, TTF cũng đã đạt được thỏa thuận giãn nợ vay đến tháng 9/2014 với 9/13 ngân hàng chủ nợ và đề xuất chuyển đổi một phần nợ thành vốn góp. Hiện tại, đã có khoảng 60% ngân hàng đồng ý với đề xuất này. Số ngân hàng còn lại có thể sẽ lựa chọn phương án bán nợ cho DATC và/hoặc AMC sau đó công ty này sẽ mang số nợ này góp vốn vào TTF.

Hiện tại, do thiếu vốn nên TTF chỉ tập trung vào các đơn hàng có tỷ đồng suất lợi nhuận cao, chủ yếu là cung cấp cho các công trình nội địa. Nếu việc tái cấu trúc thành công, TTF đặt ra kế hoạch 2014 với 2.640 tỷ đồng doanh thu và 116 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kế hoạch này dựa trên nguồn đơn hàng dồi dào và chi phí lãi vay giảm, dự kiến còn 80 tỷ đồng (do lãi suất giảm và dư nợ giảm còn 800 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, TTF bắt đầu có nguồn thu từ rừng trồng. Dự kiến, TTF sẽ bắt đầu thu hoạch rừng từ 12/2013 và đến cuối 2014, sẽ thu về 100 tỷ đồng doanh thu. Doanh thu rừng trung bình của 8 năm sau 2014 sẽ là 130 tỷ đồng/năm với tỷ đồng suất sinh lợi là ~50%.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải Quan, năm 2012, thị trường Mỹ chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam, riêng TTF, 50% doanh số xuất khẩu đến từ thị trường Mỹ. Khi gia nhập TPP thì cả TTF và các doanh nghiệp gỗ khác đều có lợi vì thuế suất bằng 0%, trong khi đó thuế suất trung bình hiện nay của sản phẩm gỗ khi xuất sang Mỹ là 3%.

Tuy nhiên, giống như các doanh nghiệp dệt may, các doanh nghiệp gỗ lại gặp một vấn đề về nguồn nguyên liệu phải có nguồn gốc từ các nước TPP.

Doanh nghiệp gỗ Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu 15% từ Trung Quốc, 14% từ Mỹ, 21% từ Lào và 50% từ Malaysia, Thái Lan và các nước khác. TTF có một lợi thế là phần lớn nguyên liệu TTF do OJI (Nhật Bản) và rừng trồng của TTF cung cấp.

Vào cuối 2014 thì rừng của TTF sẽ có thể thay thế phần lớn nguồn nguyên liệu từ OJI (chủ yếu là cây tràm bông vàng, chiếm 60% tổng nguyên liệu của TTF). Vì vậy, TTF sẽ đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu từ các nước TPP.

 

DRC: Chỉ thích hợp đầu tư dài hạn

(CTCK Sài Gòn – SSI)

Doanh thu quý III chỉ đạt 630 tỷ đồng (thấp hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 18% so với quý trước) và thấp hơn nhiều kế hoạch  do HĐQT đưa ra là 830 tỷ đồng đồng  trước đó. 

Doanh thu quý III không đạt như mong đợi là do doanh số bán hàng lốp bias giảm và tiêu thụ lốp radial không như kế hoạch của Công ty.

Trong 9 tháng đầu năm 2013, lũy kế doanh thu thuần đạt 2.008 tỷ đồng (thấp hơn 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái).  DRC xác nhận rằng sản lượng tiêu thụ trong 9 tháng đầu năm 2013 tương đương với 9 tháng đầu năm 2012. Do đó, doanh thu giảm do những thay đổi trong cơ cấu sản phẩm (sản lượng lốp xe tải nhẹ tăng và lốp xe tải nặng giảm).

DRC thừa nhận rằng, doanh thu lốp radial sẽ không đáp ứng kỳ vọng ban đầu, nhất là đối với  thị trường xuất khẩu do Công ty chưa có được chứng nhận chất lượng như DOT cho thị trường Bắc Mỹ, VMAC cho khu vực châu Âu và SNI cho thị trường ASEAN.

Công ty kỳ vọng sẽ được cấp giấy chứng nhận vào tháng 11 năm nay. Do đó, kế hoạch bán 50.000 lốp radial trong năm 2013 sẽ khó có thể đạt được. Thay vào đó, DRC ước tính chỉ bán được 15.000 - 20.000 lốp trong năm nay. Cho đến nay, Công ty cũng đã bán được hơn 3.000 lốp trong nước.

Tỷ đồng suất lợi nhuận gộp từ 25,5% trong quý II/2013 và 20,7% trong quý III/2012 lên tới 26,7% trong quý III/2013, cho thấy DRC vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ giá cao su  thấp.

Theo Công ty, từ tháng 9/2013 DRC đã ghi nhận 5-6 tỷ đồng doanh thu lốp radial. Chi phí khấu hao và chi phí lãi vay tăng thêm từ nhà máy radial được hạch toán ở mức tương ứng 7 tỷ đồng và 9 tỷ đồng.

Một điểm tích cực là các khoản vay dài hạn giảm từ 1.110 tỷ đồng vào cuối quý II/2013 xuống 838 tỷ đồng vào cuối quý III/2013. DRC đẩy mạnh trả trước một phần khoản nợ dài hạn của công ty để giảm bớt áp lực tài chính.

Lợi nhuận trước thuế đạt 120 tỷ đồng trong quý III/2013 (giảm 17,8% so với quý trước và tăng 21,8% so với cùng kì năm ngoái), như kế hoạch của HĐQT.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận trước thuế đạt 372,5 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 89% kế hoạch năm.

Quý IV/2013,  HĐQT đưa ra nghị quyết doanh thu đạt 780 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế chỉ là 78 tỷ đồng. Như vậy, Công ty ước tính sẽ đạt 450 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho năm 2013, cao hơn 8% kế hoạch năm.

Vì việc tiêu thụ lốp radial sẽ không như kỳ vọng ban đầu của của Công ty, chúng tôi điều chỉnh giảm ước tính doanh thu năm 2013 xuống  2.818 tỷ đồng so với dự kiến ​​trước đây là 3.201 tỷ đồng. Theo đó, ​​năm 2013 lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 472 tỷ đồng (tăng 13% so với năm ngoái và cao hơn 5% so với ước tính của Công ty). EPS 2013 đạt 4.259 đồng, tương ứng PE hiện tại 9.5x.

Đối với năm 2014, chúng tôi dự tính tốc độ tăng trưởng 37% đối với doanh thu và -4% cho lợi nhuận trước thuế do chúng tôi ước tính nhà máy mới sẽ bị lỗ trong năm 2014. Trong giai đoạn 2014-2018, chúng tôi thận trọng dự báo tốc độ CAGR là 12% đối với doanh thu thuần và 10% đối với lợi nhuận.

Giá mục tiêu 1 năm của chúng tôi cho DRC là 42.500 đồng/cổ phiếu, tăng 4% so với giá thị trường hiện tại, trong đó phương pháp DCF cho giá trị hợp lý là 48.000 đồng/cổ phiếu và PE mục tiêu 1 năm là 9x. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng và đề nghị nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn (tức là hơn 1 năm).

Nói cách khác, chúng tôi cho rằng, DRC chỉ thích hợp cho các nhà đầu tư dài hạn vì có ít yếu tố hỗ trợ trong ngắn hạn.

>> Góc nhìn kỹ thuật ngày 25/10

>> Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 25/10

>> Phiên 24/10: Bulltrap

>> Khối ngoại tiếp tục mua ròng

>> CTCK nhận định thị trường ngày 25/10

>> Tự doanh của CTCK giảm bán ròng