Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/5

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/5

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 9/5 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị theo dõi và mua ở vùng giá hấp dẫn hơn đối với TDH

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi đánh giá cao CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH) bởi Công ty là nhà phát triển Bất động sản dân dụng lâu năm tại Việt Nam chủ yếu tập trung tại phân khúc trung cấp và bình dân ở các vị trí đông đúc dân cư cũng như hướng đến người tiêu dùng cuối.

Vào ngày 03/05/2019, TDH đóng cửa tại mức giá 12.000 đồng/ cổ phần, đang giao dịch tại mức P/B trượt là 0,57 lần, tương đối thấp hơn ngành và các doanh nghiệp khác trong ngành. Mặc dù vậy, cho năm 2019 chúng tôi nhấn mạnh rằng việc bàn giao và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ hai dự án Citrine Apartment và TDH Riverview chỉ diễn ra trong quý III và quý IV năm nay.

Giá cổ phiếu hiện tại phần nào phản ánh kết quả tích cực năm 2019, ở giá hiện tại cổ phiếu TDH đã tăng khoảng 20% so với mức giá đầu năm. Với kỳ vọng thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi và mua ở vùng giá hấp dẫn hơn.

Những điểm sáng khác đến từ cổ phiếu TDH mà chúng tôi nhận thấy bao gồm (i) chính sách cổ tức nhất quán và suất cổ tức tương đối hấp dẫn; (ii) câu chuyện tăng trưởng 2020 đến từ dự án Centum Wealth ở phân khúc cao cấp hơn có giá bán trung bình và biên lợi nhuận cao hơn; và (iii) động lực tăng trưởng dài hạn hơn đến từ việc Công ty đang mở rộng các dự án ở các tỉnh thành phố như Cần Thơ, Long An, Bình Dương và Đồng Nai.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng việc lấn sân sang bất động sản khu vực tỉnh cũng mang những rủi ro tiềm ẩn do tính dễ bị tổn thương hơn so với bất động sản khu vực thành phố.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị theo dõi TNG với giá mục tiêu 21.000 đồng/CP 

CTCK BIDV (BSC)

Tình hình đơn hàng tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) khả quan. Giá trị đơn hàng đã được xác nhận đến thời điểm hiện tại, phân bổ cho sản xuất đến hết tháng 9/2019 là 161 triệu USD (tương đương 3,700 tỷ). 

Bên cạnh đó, TNG còn mở rộng công suất nhằm đáp ứng tăng trưởng đơn hàng. Cụ thể, nâng công suất Nhà máy Đồng Hỷ từ 9 lên 30 chuyền may (+10% công suất) giúp công ty đáp ứng tốt hơn tăng trưởng đơn hàng trong thời gian tới.

Năm 2019, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 4.154 tỷ (tăng 15% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế 208 tỷ (tăng trưởng 15,4%), cổ tức dự kiến 16-20%. Riêng quý I/2019, TNG đạt doanh thu 806 tỷ (tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 37 tỷ (+tăng trưởng 72%) nhờ biên gộp được cải thiện từ mức 17,5% lên 19%.

Công ty ước tính doanh thu 6 tháng năm 2019 đạt 2.200 tỷ đồng (tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái).

BSC dự báo doanh thu thuần năm 2019 của TNG đạt 4.366 tỷ đồng (+tăng 20,9% so với năm ngoái) dựa trên giả định đơn hàng dệt may xuất khẩu ký kết trong năm đạt 182 triệu USD (tăng trưởng 20,1%), mảng thời trang nội địa TNG Fashion đạt 148 tỷ doanh thu (tăng 10%). Lợi nhuận sau thuế dự báo đạt 231,5 tỷ (tăng 28,1%), tương ứng với EPS = 3.492 đồng/CP, EPS pha loãng =2.931 đồng/CP.  

BSC khuyến nghị theo dõi với cổ phiếu TNG với giá mục tiêu 21.000 đồng/CP dựa trên phương pháp so sánh với P/E mục tiêu là 6x (mức P/E trung vị ngành hiện tại là 6.8x, mức P/E trung bình 2 năm của TNG là 5.3x).

Chúng tôi đánh giá TNG là doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng cao trong thời gian tới, nhưng do chưa thấy có sự cải thiện đáng kể về quản lý dòng tiền và nợ vay của công ty nên mức định giá mục tiêu của chúng tôi đối với TNG hiện đang thấp hơn so với trung vị ngành.

Mở vị thế ngắn hạn cho HT1 ở vùng giá 17.4-18.2

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1 (mã HT1) đang vận động trên mức hỗ trợ 16.66 tương ứng với Fibonacci 61.8%.

Chỉ báo RSI nằm trong vùng mua và xu hướng vận động vào vùng quá mua ủng hộ trạng thái bứt phá ngắn hạn. Chỉ báo MACD tiếp tục tăng và vận động trên đường tín hiệu và đường trung tâm, cho thấy HT1 có khả năng tiếp tục tăng giá trong các phiên tiếp theo.

Vận động của tất cả các đường MA tiếp tục xu hướng tăng cùng thanh khoản tiếp tục tăng vượt mức trung bình 20 phiên cho thấy HT1 sẽ tiếp tục xu hướng bứt phá ngắn hạn và giữ đà tăng trong trung hạn.

Ngưỡng hộ trợ mạnh của HT1 là 15.31, mức kháng cự là 20.12 và 21.15. Có thể mở vị thế ngắn hạn cho HT1 ở vùng giá 17.4 – 18.2 và chốt lời vùng giá 19 – 20.5, cắt lỗ nếu mất mốc 15.94.

Khuyến nghị mua cổ phiếu FPT

CTCK ACB (ACBS)

Trong quý I/2019, CTCP FPT (mã FPT) tăng trưởng doanh thu 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.666 tỷ đồng và tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 23%, đạt 960 tỷ đồng, hoàn thành 21% dự phóng cả năm của chúng tôi.

Trong đó, hoạt động xuất khẩu phần mềm đạt doanh thu 2.303 tỷ đồng (tăng 37,5%) và lợi nhuận trước thuế 329 tỷ đồng (tăng 39,6%). Mảng dịch vụ viễn thông ghi nhận 2.263 tỷ đồng doanh thu (tăng 19%) và 345 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 9,7%).

Nhờ mở rộng mạnh hơn ra các tỉnh, số lượng thuê bao của FPT tăng mạnh (50-60%) trong kỳ giúp doanh thu dịch vụ viễn thông tăng trưởng tốt, trong khi tăng trưởng lợi nhuận trước thuế chưa theo kịp do các khoản đầu tư ban đầu để mở rộng mạng lưới và tăng nhân lực phục vụ cho việc mở rộng.

Mặc dù vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số nhưng công ty cho rằng mức tăng trưởng đột phá về số thuê bao như trên có thể không bền vững, tuy nhiên tăng trưởng lợi nhuận sẽ cải thiện hơn trong các quý tiếp theo khi các chi phí trở lại bình thường.Công ty kỳ vọng sẽ duy trì biên lợi nhuận lợi nhuận trước thuế của mảng dịch vụ này trong những năm tới.

Ngoài dịch vụ viễn thông, một mảng khác trong nhóm viễn thông là nội dung số ghi nhận doanh thu 115 tỷ đồng (tăng trưởng 6,6%), tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ, đạt 52 tỷ đồng, do cạnh tranh gia tăng.

Các hoạt động khác gồm tích hợp hệ thống, giải pháp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin và giáo dục cũng báo cáo kết quả tích cực trong 2018. Dù vậy, chúng tôi cho rằng mảng xuất khẩu phần mềm và viễn thông sẽ vẫn là trụ cột chính của FPT về cả doanh thu và lợi nhuận trong những năm tới.

Trong năm 2019, FPT đặt mục tiêu phát triển hoạt động xuất khẩu phần mềm với một số định hướng đáng chú ý như:tập trung bán dịch vụ cho khách hàng lớn, bán chéo giữa các thị trường, đầu tư vào công nghệ chuyển đổi số, tìm kiếm thêm các cơ hội M&A ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu thị trường…

Ở mảng dịch vụ viễn thông, mục tiêu mở rộng vùng phủ nhằm tăng thuê bao mới và phát triển dịch vụ truyền hình trả tiền là hai trong số các định hướng phát triển trong năm nay.

Chúng tôi dự phóng trong 2019 FPT sẽ đạt doanh thu thuần 26.869 tỷ đồng (tăng 15,7% so với năm ngoái) và lợi nhuận trước thuế là 4.473 tỷ đồng (tăng 15,9%). Kết hợp phương pháp DCF và P/E (cụ thể, P/E mục tiêu cho hoạt động xuất khẩu phần mềm là 23x, dịch vụ viễn thông là 14x và các hoạt động khác là 10-12x), giá mục tiêu của chúng tôi là 66.320 đồng/cp, đồng thời khuyến nghị mua.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu VRE

CTCK ACB (ACBS)

Công ty Cổ phần Vincom Retail (mã VRE) công bố kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2019 với doanh thu thuần tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.284 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 13%, đạt 611 tỷ đồng.

Doanh thu tăng mạnh chủ yếu nhờ 20 trung tâm thương mại mở mới vào năm 2018 và việc bàn giao Vincom Shophouse Cà Mau và các căn cao tầng còn lại ở Đà Nẵng và Quảng Ninh. Lợi nhuận tăng chậm hơn chủ yếu là do biên lợi nhuận gộp giảm từ 49,5% xuống 42,6% vì mảng chuyển nhượng bất động sản đóng góp doanh thu nhiều hơn trong khi mảng này thường có biên lợi nhuận gộp thấp hơn mảng cho thuê bất động sản đầu tư.

Mảng cho thuê bất động sản đầu tư đạt doanh thu 1.599 tỷ đồng (tăng 26%) trong quý I/2019 và biên lợi nhuận gộp ở mức 54,4% so với 53,5% trong quý I/2018. Không có trung tâm thương mại mới nào được mở vào quý I/2019 nên tính đến cuối tháng 3 VRE có tổng cộng 66 trung tâm thương mại trải rộng trên 38 thành phố/tỉnh với tổng GFA bán lẻ khoảng 1,45 triệu m2.

Tỷ lệ lấp đầy chung tại ngày 31/03/2019 được cải thiện lên 91,4%, so với 89,9% vào ngày 31/03/2018, nhờ quá trình tái cấu trúc khách thuê và nhiều trung tâm thương mại bước vào giai đoạn hoạt động ổn định.

Tỷ lệ lấp đầy trung bình của Vincom Center giảm 2 điểm phần trăm, đạt 92,8% do một số diện tích bán lẻ tại Vincom Center Bà Triệu, Vincom Center Landmark 81 và Vincom Center Metropolis đang đàm phán với khách thuê. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của Vincom Mega Mall tăng lên 90,5% (tăng 1,5 điểm %), Vincom Plaza là 92,3% (tăng 0,7 điểm %) và Vincom+ là 85,7% (tăng 12,4 điểm %).

Ba trung tâm mới sẽ được khai trương vào quý II/2019 bao gồm Vincom Center Trần Duy Hưng tại Hà Nội, Vincom Plaza Skylake tại Hà Nội và Vincom Plaza Móng Cái ở Quảng Ninh. VRE có kế hoạch mở 13 trung tâm thương mại mới vào năm 2019, nâng tổng số lên 79 với tổng GFA bán lẻ ước tính hơn 1,6 triệu m2 vào cuối năm 2019.

Trong năm 2019, doanh thu từ cho thuê bất động sản đầu tư ước tăng 26%, đạt 6.916 tỷ đồng, trong khi doanh thu chuyển nhượng bất động sản ước giảm 35% xuống còn 2.241 tỷ đồng do có ít sản phẩm cao tầng được bàn giao hơn năm 2018. Chúng tôi ước tính tổng doanh thu ở mức 9.490 tỷ đồng (tăng 4% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế ở mức 2.730 tỷ đồng (tăng 14%).

Nhìn chung, VRE là công ty phát triển bất động sản bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam với thị phần dẫn đầu, nhận được sự hỗ trợ từ công ty mẹ (HSX: VIC), đội ngũ quản lý tích cực và tỷ lệ nợ thấp. Chúng tôi lặp lại khuyến nghị mua với giá mục tiêu là 39.441 đồng/CP, sử dụng kết hợp các phương pháp DCF, P/B và EV/EBITDA.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan