Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/3

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/3

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 8/3 của các công ty chứng khoán.

Nhà đầu tư có thể chốt lãi khi cổ phiếu POW tiếp cận ngưỡng giá 16.0

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP đã hình thành xu hướng tăng giá sau khi tích lũy quanh ngưỡng 13.0. Thanh khoản cổ phiếu nằm trên giao dịch trung bình 20 phiên đồng thuận với nhịp tăng giá cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng tăng giá cổ phiếu. Đường giá cổ phiếu sắp cắt lên dải mây Ichimoku báo hiệu xu hướng tăng giá trung hạn sắp hình thành.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh vùng giá 13.5 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 16.0. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 12.5.

Khuyến nghị mua cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 1 năm là 25.100 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 1 năm là 25.100 đồng bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF, với WACC là 10,9% và tăng trưởng dài hạn là 1%, tương đương P/B kì vọng là 1,2x.

Hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công giúp cho mức độ tiêu thụ thép toàn thị trường quay lại tăng trưởng dương (2020: +4,9%, 2019: - 2,1%, tính riêng tôn mạ và ống thép). Trong năm 2020, NKG ghi nhận sản lượng bán tăng 3,7% so với năm 2019 (2019: -8,9%) bất chấp giá nguyên vật liệu đầu vào biến động tiêu cực.

Bên cạnh đó, NKG có hoạt động xuất khẩu ổn định, chiếm khoảng 40- 50% sản lượng thép bán ra thị trường, trong đó 50% đơn hàng xuất khẩu đi EU, được coi là thị trường khó tính, thường nhập số lượng lớn, nhiều yêu cầu nhưng giá cả tốt.

So với các doanh nghiệp thép có cùng quy mô làm POM và TIS, NKG đã thành công vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 và duy trì thị phần ổn định tầm 3%. Cả năm 2020, NKG ghi nhận 11,560 tỷ VND doanh thu và 295 tỷ lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 96,3% và 147% kế hoạch đề ra đầu năm.

Tuy ghi nhận lãi hoạt động ấn tượng cùng các biên lợi nhuận cải thiện, chúng tôi nhận thấy giá bán thép 3 năm qua của NKG giảm đáng kể (2019: -10%, 2020: -8%). Tuy nhiên với động thái tăng giá gần đây của 2 doanh nghiệp đầu ngành là HPG và HSG, chúng tôi kỳ vọng giá bán ra của NKG sẽ tăng 15% trong năm.

Hoạt động mở rộng kho bãi gần đây cho phép doanh nghiệp có thể tích trữ hàng hóa nhiều hơn trong các điều kiện diễn biến giá phức tạp. Cùng với đòn bẩy giảm dần, chúng tôi cho rằng vị thế của NKG hiện tại tốt hơn các năm trước và có thể gia tăng biên lợi nhuận trong các năm tới.

Chúng tôi dự phóng năm 2021, NKG sẽ ghi nhận 15,454 nghìn tỷ doanh thu và 670 tỷ lợi nhuận sau thuế nhờ tăng sản lượng tiêu thụ cùng với tăng giá bán. Hiện tại, sản lượng sản xuất của NKG mới đạt 70% công suất thiết kế. Chúng tôi nâng dự phóng năm 2021 - 2022, sản lượng tiêu thụ của NKG sẽ lần lượt tăng 16% và 10% trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và đón làn sóng FDI do chuyển dịch chuỗi cung ứng về Việt Nam.

Sau 2 năm liên tiếp giảm giá bán, với tình hình thiếu nguyên liệu thép trong nước cũng như kì vọng phục hồi nhu cầu tiêu thụ thép quốc tế khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chúng tôi kì vọng giá bán sẽ tăng lần lượt 15% và 3% trong 2 năm tới.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BVH với giá mục tiêu 74.400 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho Tập đoàn Bảo Việt (BVH) và tăng giá mục tiêu thêm 8,8% lên 74.400 đồng/CP. Mức giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ (1) mức tăng 15,1% trong lợi nhuận sau thuế 2021 và (2) mức tăng trong P/B mục tiêu của BVH từ 2,4 lần trước đây lên 2,6 lần.

Chúng tôi nâng dự phóng thu nhập ròng giai đoạn 2021/2022/2023 thêm lần lượt 15,1%/12,7%/24,6% chủ yếu do (1) chi phí dự phòng toán học 3 năm giảm trung bình 1,0% sau tác động tích cực của TT89, (2) mức tăng trung bình 3 năm 4,9% trong thu nhập tài chính và (3) mức giảm trung bình 2,0% trong chi phí Hành chính & Quản lý phần nào bù đắp bởi mức tăng trung bình 5,9% trong chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm 3 năm.

Rủi ro: Lợi suất trái phiếu Chính phủ kéo dài có thể ảnh hưởng đáng kể đến định giá của chúng tôi.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu CTR

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan cho Tổng CTCP Công trình Viettel (CTR) khi chúng tôi duy trì quan điểm tích cực cho khả năng của CTR trong việc tận dụng đà tăng trưởng tiêu thụ dữ liệu di động ngày càng tăng của Việt Nam, đặc biệt với sự tham gia vào mảng cho thuê hạ tầng (towerco) hấp dẫn.

Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 9% khi tăng dự báo EBITDA giai đoạn 2021-2023 thêm tổng cộng 6% khi kết quả kinh doanh quý 4/2020 vượt kỳ vọng của chúng tôi cho phần lớn các mảng kinh doanh - đặc biệt đối với biên EBITDA của mảng towerco và doanh thu của mảng tích hợp hệ thống.

Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EBITDA đạt 34% trong giai đoạn 2020-2023, dẫn dắt bởi CAGR mảng towerco đạt 133% khi chúng tôi dự phóng CTR sẽ mở rộng số lượng trạm viễn thông của công ty từ 1.500 vào cuối năm 2020 lên 6.000 vào cuối năm 2023. Chúng tôi dự báo mảng towerco sẽ gia tăng đóng góp EBITDA từ 10% trong năm 2020 lên 50% trong năm 2023.

Giá mục tiêu của chúng tôi dựa theo định giá chiết khấu dòng tiền DCF và EV/EBITDA mục tiêu là 16 lần đối với mảng towerco (cao hơn 10% so với mức trung bình 5 năm của các công ty towerco tại Châu Á mới nổi) và 7-9 lần đối với các mảng kinh doanh khác.

Yếu tố hỗ trợ: Hiện thực hóa kế hoạch của Tập đoàn Viettel (Viettel – công ty mẹ của CTR) chuyển giao 10,000 trong số 40,000 trạm viễn thông hiện có sang CTR trong giai đoạn 2021-2025; triển khai 5G nhanh chóng thúc đẩy nhu cầu small cell.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: tăng trưởng tiêu thụ dữ liệu di động chậm; Viettel ưu tiên tự sở hữu trạm viễn thông thay vì thuê ngoài từ CTR; các nhà khai thác mạng di động khác không muốn chia sẻ trạm viễn thông

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu MSN

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan khi chúng tôi duy trì quan điểm tích cực về khả năng MSN sẽ tận dụng được tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngành tiêu dùng Việt Nam. Đồng thời, việc VCM - mảng bán lẻ của Masan - đang có sự cải thiện tốt về biên lợi nhuận cũng làm giảm lo ngại về việc mảng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận chung của tập đoàn.

Chúng tôi nâng giá mục tiêu 15% khi chúng tôi điều chỉnh tăng dự phóng tổng lợi nhuận EBITDA giai đoạn 2021-2023 thêm 15% chủ yếu nhờ VCM, Techcombank (kết quả kinh doanh 2020 tốt hơn kỳ vọng) và MHT (giả định giá bán trung bình cao hơn).

Các yếu tố hỗ trợ tiềm năng: Các giao dịch huy động vốn ở cấp độ tập đoàn hoặc công ty con mà trong đó các giao dịch này sẽ giúp củng cố định giá cho các công ty này cũng như giúp MSN giảm nợ vay.

Các rủi ro tiềm năng: Không thành công trong việc huy động vốn, tạo áp lực lên vị thế tài chính của MSN trong bối cảnh nợ vay của công ty đang ở mức cao; nỗ lực tái cấu trúc VCM không mang lại nhiều hiệu quả; MCH triển khai các sản phẩm mới cũng như marketing không hiệu quả khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Tin bài liên quan