Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/2

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 8/2 của các công ty chứng khoán.

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu VIB nằm tại mức 43

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế có sự hồi phục trở lại sau khi có nhịp điều chỉnh vào cuối tháng trước và hiện tại đã tiến gần sát về mức đỉnh lịch sử. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn giữ giá trị ổn định.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Phiên giao dịch 5/2, đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu đồng thời chỉ báo động lượng RSI vẫn đang cách khá xa vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VIB nằm tại khu vực xung quanh 34.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 43, cắt lỗ nếu ngưỡng 32.8 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị khả quan cho PLX với giá mục tiêu 55.600 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi đã tham gia cuộc họp gặp gỡ nhà đầu tư trực tuyến của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (PLX) diễn ra ngày 05/02/2021. Sau đây là một số ghi nhận chính của chúng tôi từ cuộc họp.

Kết quả kinh doanh năm 2020: Theo PLX, công ty ghi nhận doanh thu đạt 124 nghìn tỷ đồng (giảm 34,6% so với năm trước) trong khi lợi nhuận trước thuế đạt 1,4 nghìn tỷ đồng (giảm 75,2%). Kết quả kinh doanh năm này đến từ sản lượng bán trong nước giảm 5% do dịch COVID-19 và giá xăng giảm.

Cụ thể, mảng phân phối xăng dầu ghi nhận lỗ 382 tỷ đồng trong khi các mảng còn lại (xăng dầu, vận tải, ngân hàng, bảo hiểm và dầu nhiên liệu máy bay, một số mảng khác) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1,8 nghìn tỷ đồng. Các con số này tương ứng lợi nhuận trước thuế mảng xăng dầu đạt 718 tỷ đồng trong quý 4/2020, cải thiện đáng kể so với các quý trước.

Kế hoạch sơ bộ cho năm 2021: Dù PLX chưa hoàn thành kế hoạch năm 2021, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế sơ bộ năm 2021 đạt tối thiểu 3,5-4 nghìn tỷ đồng – tăng 2,5-2,8 lần so với năm 2020. Kế hoạch sơ bộ này tương ứng 75%-86% dự báo cả năm của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng công ty thường thận trọng trong việc đề ra kế hoạch trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay.

PLX có kế hoạch bán 75 triệu cổ phiếu quỹ trong năm 2021. Vào cuối tháng 1, PLX công bố kế hoạch bán 25 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng cộng 75 cổ phiếu quỹ của công ty.

Thông tin chi tiết về giá và khung thời gian thực hiện giao dịch này chưa được công bố. PLX cho biết nhà đầu tư chiến lược của công ty là Tập đoàn ENOES (hiện sở hữu 9% cổ phần tại PLX), vẫn muốn mua cổ phần và nâng tỷ lệ sở hữu tại PLX lên 20%.

Chúng tôi lưu ý rằng Tập đoàn ENOES đã thành công mua 13 triệu cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu tại PLX từ 8% lên 9%. Đồng thời, PLX đang chờ dự thảo nghị định 83 được hoàn tất để tăng mức trần sở hữu khối ngoại từ 20% hiện tại lên 35% cho lượng cổ phần Chính phủ thoái vốn tại PLX.

Khả năng điều chỉnh Nghị định 83 trong năm 2021. PLX cho biết Chính phủ đang thực hiện dự thảo thông tư và kỳ vọng quy định mới này sẽ được hoàn tất vào cuối quý 2/2020.

Đồng thời, PLX kỳ vọng các thay đổi này sẽ có tác động tích cực nhẹ đến công ty. Các thay đổi quan trọng trong dự thảo nghị định để thay thế cho nghị định 83 bao gồm: 1) giảm thời gian kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 ngày còn 10 ngày, giúp giảm độ trễ giữa giá đầu vào và đầu ra;

2) giảm thời gian lưu kho nguồn cung tối thiểu từ 30 ngày còn 20 ngày, sẽ hạn chế tác động tiêu cực của việc lỗ hàng tồn kho khi giá dầu thô giảm;

3) quy định mức trần sở hữu khối ngoại của các công ty phân phối xăng dầu là 35%, so với mức hiện tại của PLX là 20%. Do đó, về sơ bộ, chúng tôi ghi nhận tác động tích cực nhẹ từ dự thảo nghị định này cho đến khi nghị định chính thức được công bố.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho PLX với giá mục tiêu 55.600 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 10,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,2%). Theo giá đóng cửa hôm nay, PLX hiện được giao dịch tại P/E dự phóng năm 2021 đạt 21,4 lần.

Khuyến nghị phù hợp thị trường cho VNM với giá mục tiêu 112.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Sữa Việt Nam (VNM) công bố đã nhận được giấy phép đăng ký đầu tư tại nước ngoài từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, liên quan đến việc thành lập liên doanh tại Philippines. Các hoạt động kinh doanh chính của liên doanh này bao gồm nhập khẩu, marketing cũng như phân phối sữa và các sản phẩm từ sữa tại Philippines.

Vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là 6 triệu USD, trong đó VNM và đối tác liên doanh sẽ đóng góp 50% mỗi bên. Theo trao đổi trước đây của chúng tôi với VNM, nếu giai đoạn 1 thành công (cụ thể, doanh số đạt kỳ vọng), VNM sẽ cân nhắc việc xây một nhà máy để sản xuất tại Philippines. Kế hoạch này tương tự diễn biến mà VNM đã thực hiện tại Cambodia khi thành lập liên doanh (Angkormilk) vào năm 2013, xây dựng nhà máy vào năm 2016 và sau đó tăng tỷ lệ sở hữu tại Angkormilk lên 100% vào năm 2017.

Chúng tôi cho rằng liên doanh mới này sẽ giúp đa dạng hóa sự hiện diện của VNM tại nước ngoài khi mảng xuất khẩu của công ty vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Đông (đóng góp hơn 80% trong doanh thu xuất khẩu trực tiếp của VNM, theo ước tính của chúng tôi).

Ngoài ra, HĐQT của VNM thông qua thành lập thêm một liên doanh – Vibev – hợp tác cùng CTCP Tập đoàn Kido (HOSE: KDC). Các sản phẩm chính của Vibev là thức uống không ga, có ích cho sức khỏe và kem. Vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là 400 tỷ đồng, trong đó VNM đóng góp 51% và KDC đóng góp 49%.

KDC là công ty sản xuất kem hàng đầu trong nước và là một trong những công ty sản xuất dầu ăn lớn nhất Việt Nam. Chúng tôi cho rằng liên doanh này là một diễn biến tích cực cho VNM khi công ty và KDC có thể tận dụng danh mục thương hiệu và hệ thống phân phối của nhau cho các sản phẩm đồ uống và kem.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị phù hợp thị trường cho VNM với giá mục tiêu 112.200 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 6%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,6%, theo giá đóng cửa hôm nay.

Tin bài liên quan