Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/5

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/5

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 6/5 của các công ty chứng khoán.

Cổ phiếu PET có nhiều điểm hấp dẫn

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Với kế hoạch năm 2019, EPS của CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (mã PET) được ước tính là 1.559 đồng/cổ phần. Theo đó, cổ phiếu PET đang giao dịch tại mức P/E forward 2019 là 5,8 lần tại mức giá đóng cửa ngày 26/04/2019 là 8.990 đồng/ cổ phần so với mức P/E trượt trung vị ba năm là 6,6 lần.

Mặc dù, kế hoạch kinh doanh 2019 của Công ty dường như là thận trọng, chúng tôi nhận thấy lịch sử hoàn thành kế hoạch kinh doanh của PET giai đoạn 2014- 2018 là ở mức cao.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy những điểm hấp dẫn đối với cổ phiếu này bao gồm chính sách cổ tức 2018 và dự kiến 2019 được duy trì ở mức 10% ứng với suất cổ tức 11% là hấp dẫn theo quan điểm của chúng tôi;

Câu chuyện thoái vốn của PVN trong thời gian tới là yếu tố thay đổi cục diện câu chuyện tăng trưởng và hỗ trợ giá của cổ phiếu trong thời gian tới;

Hoàn thành pháp lý và chuyển nhượng dự án Cape Pearl sớm hơn dự kiến theo đó Công ty có thể ghi nhận một khoản lợi nhuận bất thường từ dự án này vẫn là một điểm nhấn đầu tư đáng chú ý với cổ phiếu này.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua FPT với giá mục tiêu 59.100 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Quý I/2019, CTCP FPT (mã FPT) đạt doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt 5.666 tỷ (tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái) và 960 tỷ (tăng trưởng 23%) với đóng góp chính từ Xuất khẩu phần mềm và Dịch vụ viễn thông. 

Trong đó, khối Công nghệ ghi nhận 2,984 tỷ doanh thu và 361 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng lần lượt 21,7% và 44,4%. Xuất khẩu phần mềm tiếp tục là đóng góp chính với các thị trường đều tăng trên 27%. 

Khối Viễn thông ghi nhận doanh thu 2.377 tỷ (tăng trưởng 18,3%) và lợi nhuận trước thuế 368 tỷ (tăng trưởng 8,4%). Dịch vụ Viễn thông ghi nhận tốc độ tăng trưởng thuê bao đạt 50% so với cùng kỳ, trong khi Quảng cáo trực tuyến tiếp tục đi ngang do cạnh tranh gay gắt. 

Tại đại hội cổ đông thường niên 2018, FPT đã công bố Định hướng chiến lược giai đoạn 2019 – 2021: Chuyển dịch từ Công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành Tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện, với bước đầu là chuyển dịch FPT thành Doanh nghiệp số. 

Năm 2019, BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của FPT lần lượt đạt 26.180 tỷ (tăng 14,7% so với năm ngoái) và 4.569 tỷ (tăng trưởng 19%). EPS FW 2019 sẽ đạt 4.702 đồng/CP (tăng 20%) (đã trích quỹ khen thưởng và phúc lợi)

Kết thúc phiên ngày 24/04/2019, FPT đóng cửa ở mức giá 48.550 đồng/CP; tương đương với mức P/E dự phóng là 10.6, chiết khấu 11.2% so với P/E trung vị khu vực là 12.x. Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu giữ nguyên là 59.100 đồng/CP theo phương pháp định giá P/E và FCFE với tỷ trọng 30%/70%.

TNG sẽ duy trì xu hướng tích lũy tại vùng giá 20-21

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) hiện đang nằm trong xu hướng tích lũy tại ngưỡng giá 20.4 sau khi điều chỉnh từ vùng đỉnh 24. Thanh khoản vẫn đang suy yếu cho thấy chu kỳ tích lũy còn kéo dài.

Chỉ báo RSI đang đi ngang cũng ủng hộ xu hướng này trong khi chỉ bao MACD vẫn đang duy trì xu hướng điều chỉnh.

3 đường MA đang hội tụ tại ngưỡng giá 20-21 với xu hướng đi ngang. Dải mây ichimoku vẫn đang nằm trên đường giá với xu thế đi ngang cho thấy nhịp tích lũy vẫn tiếp tục.

Như vậy, TNG sẽ duy trì xu hướng tích lũy tại vùng giá 20-21 trong trung hạn.

Lạc quan về triển vọng của VJC

CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong quý 1/2019, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của CTCP Hàng không VietJet (VJC) tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 23% dự báo chúng tôi đưa ra cho cả năm.

Nếu không tính dự phòng cho khoản đầu tư vào Tổng công ty Dầu Việt Nam (UPCoM:OIL), lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của VJC tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,6 nghìn tỷ đồng, hoàn tất 24% dự báo cả năm của chúng tôi.

Lợi nhuận sau thuế cốt lõi của VJC (nghĩa là không tính các thương vụ bán và thuê lại – SALB) tăng mạnh 19% so với cùng kỳ năm ngoái lên 739 tỷ đồng, hoàn tất 24% dự báo cả năm của chúng tôi. Nếu không tính dự phòng cho OIL, lợi nhuận sau thuế cốt lõi của VJC tăng mạnh 37% so với cùng kỳ năm ngoái lên 851 tỷ đồng, hoàn tất 25% dự báo cả năm của chúng tôi.

Chúng tôi cho rằng lợi nhuận cốt lõi tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái mạnh nhờ VJC tiếp tục mở thêm nhiều tuyến bay quốc tế, doanh thu phụ trợ cao và chi phí nhiên liệu ổn định.

Vì kết quả quý 1 nhìn chung phù hợp với dự báo của chúng tôi, chúng tôi cho rằng sẽ không điều chỉnh đáng kể dự báo cả năm.

Chúng tôi tiếp tục lạc quan về triển vọng dài hạn của VJC nhờ tiềm năng tăng trưởng lớn, hiệu suất hoạt động cao, và kiểm soát chi phí hiệu quả. Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2018-2023 sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm lần lượt 16% và 8,2% và cho rằng định giá của VJC hấp dẫn với PEG 2018-2021 là 0,7.

Tin bài liên quan