Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/1

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/1

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích các cổ phiếu đáng quan tâm như ACB, CTG, FPT... của một số công ty chứng khoán.

CTG: NẮM GIỮ cổ phiếu tại thời điểm hiện tại

(CTCK Sài Gòn – SSI)

Năm 2013, CTG duy trì được hoạt động kinh doanh ổn định hơn so với các ngân hàng thương mại khác. Tăng trưởng tín dụng tăng từ 3,7% vào cuối quý 3 lên 11% vào cuối năm. Lợi nhuận trước thuế năm 2013 ước tính đạt 7.700 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với năm ngoái và cao hơn kế hoạch điều chỉnh (7.500 tỷ đồng). Với lợi nhuận giảm, cổ tức dự kiến sẽ giảm từ 12% xuống 10%. Với tăng trưởng tín dụng tăng trong quý 4, tỷ lệ nợ xấu sau khi xóa nợ dự kiến giảm về 1% vào cuối năm (9 tháng đầu năm tỷ lệ nợ xấu là 2,47%). Hiện tại, CTG đang giao dịch với PE 2014 khoảng 10,8x và PB 2014 khoảng 1x. Chúng tôi duy trì quan điểm NẮM GIỮ cổ phiếu tại thời điểm hiện tại.

 

HLA: Bán ra để giảm rủi ro

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Theo báo cáo tài chính hợp nhất niên độ 2012-2013 vừa được CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) công bố thì doanh thu trong kỳ đạt 4.053 tỷ đồng (-14% cùng kỳ). Theo số liệu từ báo cáo hàng tháng của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) từ tháng 9/2012-9/2013 thì sản lượng tiêu thụ ống thép của HLA giảm 21% cùng kỳ đạt 59.896 tấn (chưa bao gồm sản lượng tiêu thụ từ hoạt động thương mại). Như vậy sự sụt giảm doanh thu của HLA chủ yếu do hoạt động sản xuất và tiêu thụ ống thép của công ty sụt giảm. Ngoài ra, lợi nhuận gộp biên của HLA cũng sụt giảm mạnh từ 5,8% trong năm 2012 xuống chỉ còn 0,3% trong năm 2013. Chúng tôi cho rằng sự sụt giảm Lợi nhuận gộp biên này là do ảnh hưởng của lượng hàng tồn kho giá cao mà HLA đã nắm giữ trong năm qua. Vì vậy, mặc dù chi phí tài chính ròng của HLA giảm hơn 7% n/n xuống còn 193 tỷ đồng trong năm 2013 thì HLA vẫn chịu khoản lỗ lên tới 235 tỷ đồng trong năm 2013 so với lợi nhuận sau thuế 15,7 tỷ đồng trong cùng kỳ.

Như vậy, sau khi lợi nhuận sau thuế cải thiện nhẹ trong năm 2012 thì HLA lại tiếp tục chịu lỗ nặng trong năm 2013. Do đó, lỗ lũy kế của HLA vào cuối năm 2013 lên đến 236 tỷ đồng, bằng 68% vốn điều lệ của HLA. Nếu hoạt động kinh doanh của HLA không có sự cải thiện trong năm 2014 thì rủi ro bị hủy niêm yết của công ty là rất cao. Theo quy định của Sở Giao dịch chứng khoán thì doanh nghiệp niêm yết sẽ bị hủy niêm yết nếu kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo kiểm toán năm gần nhất. Do đó, nếu HLA tiếp tục chịu lỗ trong năm 2014 và khoản lỗ vượt quá 108 tỷ đồng thì công ty sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Chúng tôi cho rằng rủi ro hoạt động hiện tại của HLA rất lớn do hệ số đòn bẩy tài chính quá cao. Đến ngày 30/9/2013 vừa qua thì hệ số nợ ròng/VCSH của HLA lên đến 5,26 lần, cao nhất trong ngành thép hiện tại. Với khoản nơ ròng lên đến 1.326 tỷ đồng và lãi suất tín dụng bình quân khoảng 14%/năm thì chi phí lãi vay hàng năm ước tính lên đến 185 tỷ đồng. Với tỷ lệ lợi nhuận gộp biên của HLA rất thấp như trong năm 2013 vừa qua thì lợi nhuận hoạt động làm ra sẽ khó bù đắp nổi chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp. Vì vậy chúng tôi cho rằng HLA sẽ khó cải thiện kết quả kinh doanh trong năm 2014 so với năm 2013.

Ngoài ra, áp lực dòng tiền để đáo hạn các khoản nợ vay ngắn hạn của HLA cũng khá lớn. Khoảng 92,4% dư nợ vào ngày 30/9/2013 của HLA là nợ ngắn hạn có thời hạn vay không quá 6 tháng. Như vậy HLA phải thực hiện đảo nợ các khoản nợ vay này vào tháng 3/2014. Với hệ số đòn bẩy tài chính quá cao và hiệu quả hoạt động thấp như vậy chúng tôi chưa rõ HLA có thể được đảo nợ hoặc gia hạn nợ từ các ngân hàng. Với các yếu tố như đã nêu trên, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể xem xét bán hoặc giảm tỷ trọng đối với cổ phiếu HLA để giảm rủi ro và đầu tư vào các cổ phiếu khác có hoạt động kinh doanh ổn định hơn.  

 

ACB: Năm 2014 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Tóm tắt kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2013. Lợi nhuận ròng hợp nhất của ACB tăng nhẹ 2,8% cùng kỳ, đạt 1.117,6 tỷ đồng dù tổng thu nhập hoạt động giảm 6,2% cùng kỳ đạt 4.622 tỷ đồng. Trong đó thu nhập lãi thuần giảm 34% còn 3.499,5 tỷ đồng trong khi thu nhập ngoài lãi chuyển từ lỗ 375 tỷ trong 9 tháng năm 2012 sang lãi 1.123 tỷ trong 9 tháng năm 2013. Thu nhập lãi ròng giảm chủ yếu do tỷ lệ lãi biên giảm 70 điểm cơ bản xuống còn 3,4% trong 9 tháng năm 2013 và do tiền gửi và cho vay liên ngân hàng giảm 55%. Lợi nhuận ròng tăng nhẹ chủ yếu nhờ vào tiết kiệm chi phí hoạt động và chi phí dự phòng ít hơn cùng kỳ.

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/1 ảnh 1

Nợ xấu tăng lên 3,34% chủ yếu do tăng nợ nhóm 3. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 2,99% cuối quý II/2013 lên 3,34% cuối quý III/2013, trong đó chủ yếu là do nợ nhóm 3 tăng lên gấp 4 lần so với quý trước. ACB cho biết có thể sẽ bán được khoảng 600 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm 2013 mặc dù trước đó, ACB đã đánh tiếng muốn bán tới 1.500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. ACB cho biết đang cố gắng bán các tài sản thế chấp của khoản nợ hơn 3.500 tỷ đồng đã quá hạn của 6 công ty liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên để thu hồi nợ. Ngoài ra, khoản nợ của Vinalines sẽ được trích lập dự phòng theo lộ trình từ 2013-2015.

Thay đổi chiến lược kinh doanh. Sau “khủng hoảng” hồi tháng 8/2012, ACB đã thay đổi chiến lược kinh doanh: tập trung trở lại mảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là chiến lược kinh doanh từ ban đầu thành lập của ACB. ACB cho biết sẽ làm mới hình ảnh ACB bằng cách thay đổi cung cách phục vụ khách hàng. Bên cạnh đó, ACB cũng đầu tư hạ tầng để phát triển internet banking.

Khó khăn vẫn còn. Tăng trưởng cho vay và huy động cuối quý III/2013 so với đầu năm chỉ đạt 1,6% và 6,7%. Tổng tài sản của ACB tính đến 30/9/2013 vẫn đang bị thu hẹp còn 160.477 tỷ đồng từ mức 176.308 tỷ đồng cuối năm 2012. Năm 2014, ACB sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn không chỉ từ nợ xấu mà còn từ việc sụt giảm cho vay do nhu cầu yếu và vấn đề chất lượng tài sản đảm bảo. ACB đang giao dịch tại PE và PB kỳ vọng 2013 là 9,1 lần và 1,0 lần.

 

FPT: Duy trì khuyến nghị MUA vào

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Lĩnh vực công nghệ và tiềm năng tăng trưởng từ thị trường nước ngoài. Chúng tôi dự đoán thị trường này sẽ tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm. Kết thúc năm 2013, doanh thu lĩnh vực phần mềm của FPT ước đạt 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 593 tỷ đồng, tương ứng tăng 24% và 20% so với năm 2012.

Lĩnh vực viễn thông duy trì tăng trường ổn định. Mảng dịch vụviễn thông – internet vẫn duy trì hoạt động hiệu quả nhờ vào tăng trưởng ổn định của dịch vụ băng thông rộng - lĩnh vực hoạt động chính của FPT Telecom.

Phân phối, bán lẻ và giáo dục: Doanh thu cao hơn kỳ vọng. Doanh thu của toàn hệ thống phân phối và bán lẻ của FPT năm 2013 ước đạt 16.858 tỷ đồng, tăng 18%, lợi nhuận trước thuế ước đạt 412 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2012.

Khuyến nghị đầu tư. Trong ngắn hạn 2013, chúng tôi dự báo FPT sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khoảng 9,9%. Với mục tiêu ngắn hạn, mức giá hiện nay của FPT là 47.100 đồng/ cổ phiếu, tương đương P/E 2013 dự báo ở mức 7,6 lần, tương đối hấp dẫn với một bluechips dẫn đầu ngành công nghệ như FPT.

Về dài hạn, FPT có vị thế dẫn đầu thị trường, hoạt động kinh doanh tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi – ngành CNTT với triển vọng tăng trưởng 16%/năm, là một cổ phiếu hấp dẫn để đầu tư dài hạn. Vì vậy, chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu FPT cho mục tiêu đầu tư trong cả ngắn và dài hạn.

>> Chứng khoán tuần mới: “Trung thành sẽ có lãi”

>> Tự doanh sau "chốt sổ" sẽ mua mạnh tuần tới?

>> Khối ngoại đổ hàng trăm tỷ đồng vào PVS