Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/10

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 5/10 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị chốt lãi khi cổ phiếu GVR tiếp cận ngưỡng 44.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang nằm trong xu hướng hồi phục từ ngưỡng đáy ngắn hạn 36.0 Thanh khoản cổ phiếu tuy nằm dưới ngưỡng trung bình 20 phiên nhưng đang có xu hướng tăng trở lại.

Đồng thời, đường giá cổ phiếu đang kiểm tra lại ngưỡng MA20, cho thấy xu hướng tăng giá ngắn hạn sắp hình thành. Chỉ báo MACD đang có dấu hiệu chuyển sang xu hướng tích cực và chỉ báo RSI đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 37.0, chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 44.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 36.0.

Khuyến nghị mua cổ phiếu LPB với giá mục tiêu 26.100 đồng/CP

CTCK Phú Hưng (PHS)

Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LPB) được thành lập vào năm 2008. Ngân hàng định hướng bán lẻ trên cơ sở khai thác thế mạnh mạng lưới giao dịch rộng lớn, dịch vụ ngân hàng hướng đến nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng ở những vùng miền khác nhau, và cung cấp dịch vụ tài chính vi mô đến tận vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn.

Do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội lên tình hình kinh tế, chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2021 của LPB sẽ đạt 15%, thấp hơn mức tăng 25,7% vào năm 2020.

Nhằm hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, LPB đã áp dụng mức giảm từ 0,25-2% đối với khách hàng cá nhân và 0,25-3% đối với khách hàng doanh nghiệp từ ngày 20/7/2021.

Ở chiều huy động vốn, chúng tôi ước tính lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn trung bình của LPB sẽ giảm 0,19% trong nửa cuối năm 2021 so với cuối nửa đầu năm 2021. Qua đó, đưa NIM năm 2021 giảm 28 bps so với nửa cuối năm 2021 còn 3,35%, nhưng tăng 15 bps so với cuối năm 2020, do đó thu nhập lãi thuần ước đạt 8.220 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái).

Thông tư 14/2021/TT-NHNN (Thông tư 14) sửa đổi Thông tư 01/2020/TT- NHNN (Thông tư 01) và Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm sáu tháng – đến ngày 30/06/2022, đồng thời giữ nguyên tiến độ trích lập dự phòng theo quy định tại Thông tư 01.

Qua đó, chúng tôi ước tính tỷ lệ nợ xấu của LPB đạt 1,51% trong năm 2021 và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2021 tăng 50,9% lên 1.230 tỷ đồng, chiếm 11% tổng thu nhập hoạt động, qua đó đưa Tỷ lệ bao phủ nợ xấu vào cuối năm 2021 đạt 95,9% và lợi nhuận sau thuế đạt 2.508 tỷ đồng (tăng trưởng 26,8%).

Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, chúng tôi xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu LPB là 26.100 đồng/CP. Khuyến nghị Mua đối với cổ phiếu này.

Rủi ro: (1) Áp lực từ dịch bệnh Covid-19 có thể ảnh hưởng tới hoạt động của LPB trong năm nay; (2) Rủi ro pha loãng cổ phiếu; (3) Rủi ro cạnh tranh; (4) Hợp đồng bancassurance của Dai-chi Life kết thúc vào năm 2021, đặt ra thách thức cho LPB kiếm đối tác để thúc đẩy thu nhập phí vào năm 2022 trở đi.

Tin bài liên quan