Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/8

DHG: PE dự phóng 14x

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Kết quả doanh thu sát với dự báo của chúng tôi trong khi kết quả lợi nhuận thấp hơn khoảng 9% so với dự báo do DHG chưa áp dụng thuế suất ưu đãi 0% cho nhà máy mới trong năm nay.

Doanh thu tăng trưởng tốt chủ yếu nhờ hàng sản xuất tăng mạnh 29,6% so với cùng kỳ, giúp tỷ trọng doanh thu nhóm hàng này tăng trở lại trên mức 91%, so với mức 88% của cùng kỳ 2013. Điều này góp phần giúp biên lợi nhuận gộp quý II/2014 cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, do đẩy mạnh OTC nên chi phí bán hàng cũng gia tăng.  Dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2014 của DHG sẽ tăng 12,3% và 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.963 và 594 tỷ đồng. Lưu ý, nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường từ thương vụ Eugica thì lợi nhuận sau thuế 2014 ước tăng 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chúng tôi duy trì đánh giá lạc quan về triển vọng dài hạn của DHG nhờ: (1)năng lực sản xuất tăng gấp đôi; (2)đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; và (3)định hướng sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc dược liệu. Ngoài ra DHG còn có khoản ưu đãi thuế khoảng 1.000 tỷ đồng trong 15 năm tới.

DHG đang giao dịch ở mức PE dự phóng khoảng 14x, so với bình quân các công ty trong khu vực khoảng 22x.

VSC: Khuyến nghị mua vào

CTCK Vietcombank (VCBS)

VSC vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm 2014. Cụ thể doanh thu quý II đạt 238 tỷ đồng (+22% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 65 tỷ đồng (+15,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Tính theo lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, VSC đã có được 437 tỷ đồng doanh thu (+20,4% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 56% kế hoạch năm) và 137 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 57% kế hoạch năm).

Chúng tôi cho rằng nhiều khả năng VSC sẽ vượt kế hoạch năm với doanh thu có thể đạt 910 tỷ đồng (+14% so với năm ngoái, vượt 16% kế hoạch) và lợi nhuận trước thuế đạt 310 tỷ đồng (+2% so với năm ngoái, vượt 29% kế hoạch).

Theo đó, EPS có thể đạt 7.390 đồng/CP và P/E forward ở mức 7x, tương đương các doanh nghiệp cảng khác trong ngành. Hiện tại VSC đang tập trung vào dự án đầu tư cảng biển tại bán đảo Đình Vũ theo hình thức mua đất hoặc liên doanh, liên kết với vốn đầu tư gần 786 tỷ đồng.

Do đó, triển vọng dài hạn của VSC trong lĩnh vực khai thác cảng biển, kho bãi là rất lớn. Đồng thời, VSC có lịch sử trả cổ tức tương đối cao, cổ tức năm 2012 và 2013 đều là 40%. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị NĐT MUA VSC cho mục tiêu dài hạn.

PVD: Khuyến nghị mua vào

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Chúng tôi ước tính doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 tăng ấn tượng chủ yếu là giá cho thuê giàn khoan bình quân trong kỳ tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, số giàn khoan thuê ngoài 6 tháng đầu năm 2014 đạt 6 giàn, tăng gấp đôi so với 6 tháng đầu năm 2013. lợi nhuận sau thuế ước tăng hơn 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 1.200 tỷ đồng.

Chúng tôi dự kiến trong quý II/2014, PVD sẽ ghi nhận hơn 100 tỷ đồng lơi nhuận 2013 từ Liên doanh PVD – Baker Hughes (PVD sở hữu 51%) trong khi 6T13 không ghi nhận lợi nhuận từ liên doanh này.

PVD cho biết 5 giàn (bao gồm PVD I, II, III, IV, V) đã được cho thuê đến hết quý I/2015 với giá cho thuê không thấp hơn năm trước (xem trang sau). Giàn khoan tự nâng thế hệ mới - PVD VI (thuộc công ty con PVDO) đang được đóng đúng tiến độ, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 2/2015. Với thị trường khoan đang sôi động, PVD tự tin sẽ có được hợp đồng khoan ngay khi được bàn giao.

Với kết quả kinh doanh ước tính 6 tháng đầu năm 2014, chúng tôi cho rằng gần như PVD sẽ vượt kế hoạch 2014 khá tốt. Hiện tại PVD ước đạt được 65,7% và 73% kế hoạch Doanh thu và Lợi nhuận 2014. PVD thận trọng đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2014 lần lượt giảm 7,9% và 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái còn 13.700 tỷ đồng và 1.650 tỷ đồng do PVD ước đơn giá cho thuê và số giàn khoan thuê ngoài sẽ không tăng so 2013.

Ngoài ra, PVD mẹ không còn được hưởng ưu đãi thuế trong 2014. Chúng tôi tiếp tục đưa ra khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 109.000 đồng (+16% so với giá hiện tại) dựa trên P/E kỳ vọng 2014 là 12,5x, xấp xỉ trung bình ngành trong khu vực.

FCN: PE được giao dịch khoảng 7x             

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

FCN công bố báo cáo tài chính quý II/2014 và 6 tháng 2014 của công ty mẹ với kết quả kinh doanh giảm khá nhiều so với cùng kỳ. Doanh thu chưa hợp nhất quý II/2014 giảm 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 215,3 tỷ và lợi nhuận sau thuế giảm 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 19,5 tỷ.

Tính trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu chưa hợp nhất đạt 416,1 tỷ, giảm 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái với doanh thu tăng trưởng không đồng đều ở các mảng hoạt động chính. Doanh thu xây dựng giảm 49,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi doanh thu bán hàng (cung cấp cọc bê tông) lại tăng tới 92,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, hoạt động xây dựng vẫn là mảng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nên sự sụt giảm ở mảng này đã kéo doanh thu của công ty mẹ giảm theo.

Lợi nhuận sau thuế giảm 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 36,9 tỷ do, giảm nhiều hơn doanh thu do (1) chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 55,4% so với cùng kỳ năm ngoái khiến tỷ suất lợi nhuận hoạt động giảm so với cùng kỳ (12,1% so với 13,2% trong 6 tháng đầu năm 2013); (2) chi phí tài chính ròng tăng so với cùng kỳ do thu nhập cổ tức/lợi nhuận được chia giảm, không đủ bù đắp chi phí lãi vay như trong cùng kỳ.

Giá trị hợp đồng mà FCN đã trúng thầu trong 6 tháng đầu năm và được thực hiện trong năm nay đạt khoảng 1.000 tỷ, gồm một số dự án lớn như dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình. Với thời gian thi công trung bình một dự án khoảng 4-5 tháng, các dự án có thể được thực hiện đúng tiến độ, tuy nhiên, chúng tôi vẫn khá lo ngại về rủi ro chậm nghiệm thu thanh toán có thể ảnh hưởng đến việc ghi nhận doanh thu lợi nhuận.

FCN đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay với kế hoạch doanh thu 1.500 tỷ, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận trước thuế 197 tỷ, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả kinh doanh sụt giảm trong 6 tháng đầu năm, việc hoàn thành mục tiêu đặt ra là thách thức khá lớn.

Về định hướng phát triển trong dài hạn, ngoài các mảng hoạt động hiện có, FCN hướng tới lĩnh vực xây dựng hạ tầng và công trình ngầm. Theo kế hoạch, FCN sẽ góp vốn thành lập liên doanh với Cienco 1 và Cotecons, trước mắt sẽ tham gia dự án BOT đường tránh Phủ Lý; trong đó FCN dự kiến góp 160 tỷ (sử dụng vốn trái phiếu chuyển đổi mới phát hành) để nắm giữ khoảng 30%. Ngoài ra, FCN có kế hoạch thành lập công ty con chuyên về công trình ngầm, tập trung vào các dự án metro ở hai thành phố Hà Nội và HCM City.

Báo cáo hợp nhất quý II/2014 chưa được công bố, tuy nhiên kết quả kinh doanh trước và sau hợp nhất thường cũng không chênh lệch nhiều do FCN hiện chỉ có 4 công ty con được hợp nhất (gồm CTCP Fecon Miltec, Công ty TNHH Fecon Shanghai Harbour, Viện nền móng và công trình ngầm, Trường THPT Ý Yên) với doanh thu và lợi nhuận không đáng kể. Cổ phiếu FCN được giao dịch với P/E 7x, tương đối thấp so với các công ty cùng ngành.

JVC: PE khá thấp khoảng 6,6x

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) vừa công bố 11/08/2014 là ngày đăng ký cuối cùng quyền:

(1) Nhận cổ phiếu thưởng tỷ lệ 10%

(2) Nhận cổ tức 2013 bằng tiền 500 đồng/cp, thời gian thực hiện là 11/09/2014

(3) Tổ chức ĐHCĐ bất thường thông qua phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ 2014, dự kiến trong tháng 8/2014.

Như vậy, thời gian thực hiện việc chi trả cổ tức 2013 và cổ phiếu thưởng của JVC là sát với kỳ vọng của chúng tôi.

Công ty vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý II/2014. Chúng tôi nhắc lại kết quả ước tính sơ bộ 6 tháng đầu năm 2014 của công ty doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 300 và 40 tỷ đồng, tăng lần lượt 24,4% và 195,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 tăng chủ yếu nhờ một số dự án cũ từ 2013 đã được hoàn tất và ghi nhận doanh thu trong những tháng đầu năm 2014. Lưu ý là do ảnh hưởng bởi việc cắt giảm chi tiêu công và một số dự án quốc tế tạm ngưng giải ngân, DT 2013 của JVC đã giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, đóng góp vào tăng trưởng doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 còn có phần doanh thu hợp nhất từ Kyoto Medial Science do JVC sở hữu 100% từ 2/5/2013.

Theo chúng tôi, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 tăng mạnh có thể nhờ:

(1) Biên lợi nhuận gộp cải thiện do giá bán tốt hơn khi công ty gia tăng đấu thầu trực tiếp và bán hàng qua dự án.

(2) Chi phí tài chính giảm do giảm nợ vay. Năm 2013, tình hình kinh doanh khó khăn khiến hàng tồn kho tăng cao (96% so với cùng kỳ năm ngoái) đã tạo áp lực dòng tiền cho JVC. Với doanh thu 6 tháng đầu năm 2014  khả quan, khả năng JVC đã giải phóng một phần lượng tồn kho. Ngoài ra, JVC còn hưởng chính sách trả chậm từ Hitachi (JVC đang là nhà phân phối độc quyền về thiết bị y tế của Hitachi tại VN).

JVC đặt kế hoạch doanh thu 2014 tăng 52% so với năm ngoái. Các mảng kinh doanh khác trong 2014 đều khá lạc quan. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh chính là phân phối thiết bị y tế (chiếm 60% tổng doanh thu) hiện vẫn còn là ẩn số do khách hàng chủ yếu của JVC là các đơn vị sử dụng ngân sách công (như bệnh viện, dự án công,...), trong đó 75% (307 tỷ đồng) là từ các dự án tài trợ bằng trái phiếu Chính phủ. Lưu ý là trong 2013, JVC chỉ thực hiện chỉ khoảng 4% kế hoạch 300 tỷ đồng doanh thu từ các dự án. Mặc dù không loại trừ khả năng JVC có thể hoàn thành kế hoạch đề ra, nhưng chúng tôi cũng lưu ý rằng rủi ro là không nhỏ. Nếu đạt kế hoạch, EPS 2014 của JVC sẽ đạt 2.464đ/cp, tương đương PE khá thấp, khoảng 6,6x.

HVG: Kỳ vọng lợi nhuận quý III

CTCK BIDV (BSC)

HVG tiếp tục tăng trưởng Doanh thu ấn tượng, + 45% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7.473 tỷ đồng, nhưng  lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 273 tỷ, giảm 4% so với 6 tháng đầu năm 2013. Động lực tăng trưởng chính của doanh thu là từ xuất khẩu cá tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái và bán bánh dầu đậu nành, tăng gần 3 lần so với 6 tháng đầu năm 2013.

Tuy nhiên, do kim ngạch xuất khẩu cá tra có xu hướng giảm trong mấy tháng gần đây ở cả EU và Mỹ, thuế CBPG tại Mỹ cho Tập đoàn HVG ở mức cao 1.2 USD/kg, giá cá xuất khẩu giảm trong khi sản lượng trong nước thu hẹp và giá cá nguyên liệu dao động mạnh là yếu tố chính ảnh hưởng không tốt tới lợi nhuận của cả Tập đoàn.

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 171 tỷ, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái do trong quý II/2014 HVG đã nâng sở hữu ở VTF và AGF, lần lượt từ 55% và 51% lên 67% và 75%, trong khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 của 2 doanh nghiệp này đều giảm.

Riêng lợi nhuận sau thuế của AGF giảm 60%, chủ yếu do doanh số xuất cá sang Mỹ giảm 100% trong Quý II. Kết quả kinh doanh Quý III của HVG kỳ vọng tích cực hơn khi lợi nhuận từ liên doanh nuôi và xuất khẩu tôm với FBT được ghi nhận.

Tin bài liên quan