Cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/3

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/3

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 31/3 của các công ty chứng khoán.

Cân nhắc đầu tư vào cổ phiếu VNG

CTCK MB (MBS)

Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công (mã VNG) được thành lập từ việc đổi tên công ty cổ phần du lịch Golf Việt Nam. Hiện VNG đã sở hữu hệ thống khách sạn 286 phòng bao gồm: 2 khách sạn là Golf 1, tiêu chuẩn 2 sao, 36 phòng và Golf 3, tiêu chuẩn 4 sao, 78 phòng (chi nhánh Đà Lạt) khách sản Golf Cần Thơ 4 sao có quy mô hiện đại nhất tại Cần Thơ với quy mô 107 phòng – 10 tầng (chi nhánh Cần Thơ), khách sạn Indochine tại Hội An, tiêu chuẩn 3 sao, 65 phòng.

Sau khi VNG về sở hữu của CTCP Đầu tư Thành Thành Công, VNG dự tính sẽ tiến hành xây dựng khách sạn Golf 1 – Đà lạt với chuẩn 4 sao, với quy mô 12 tầng (và 3 hầm) gồm 144 phòng. VNG cũng mở rông hoạt động thông qua việc đầu tư vào công ty du lịch Vinagolf Angkor (49%) với số vốn góp là 1,19 triệu USD.

Sau quá trình tái cơ cấu , hiện nay cổ đông chính của VNG là CTCP đầu tư Thành Thành Công (39,27%), Tạ Thị Phương Trang (7,05%) và Huỳnh Văn Thành (5,09%) (theo số liệu báo cáo bạch đợt phát hành thêm cổ phiếu).

Năm 2016, Công ty cũng có mức tăng trưởng khá, với tỷ lệ tăng trưởng EPS 2,5 lần, tăng trưởng doanh thuần 184% cùng với đó tăng trưởng lợi nhuận 142%.

Chúng tôi đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của VNG khi công ty sẽ đạt một quy mô mới với số phòng lên tới gần 818 phòng, với quy mô vốn chủ sở hữu dự kiến khoảng 799 tỷ và vốn điều lệ là 750 tỷ. Ở mức hiện tại, tính trung bình, VNG đang sở hữu một phòng khách sạn với chi phí vốn sở hữu là 917 triệu đồng/phòng.

Hiện nay VNG đang giao dịch ở mức P/B là 1 lần, thấp hơn 37% so với các công ty cùng lĩnh vực trong khu vực theo dự liệu chúng tôi thu thập trên Bloomberg. Chúng tôi kỳ vọng sau khi tái cơ cấu và triển khai các dự án hiện tại, VNG sẽ đạt mức định giá tương đương với các công ty trong khu vực (+ 37%), tương đương mức giá 14.200 đồng/cổ phiếu. Những nhà đầu tư muốn nắm bắt xu thế tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam có thể cân nhắc đầu tư cổ phiếu ở mức giá hiện tại.

Khuyến nghị mua cổ phiếu GIL

CTCK MB (MBS)

Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (mã GIL) vừa công bố báo cáo tài chính Hợp nhất kiểm toán của năm 2016. Theo đó, mặc dù có ảnh hưởng do kết quả kinh doanh quý IV sụt giảm so với cùng kỳ nhưng tính cả năm, công ty vẫn đạt kết quả ấn tượng và duy trì tốc độ tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu năm 2016 đạt 1.290 tỷ đồng, tăng trưởng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 18% lên 21% trong năm 2016.

Mặc dù các chi phí như chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng cao so với cùng kỳ tuy nhiên, GIL vẫn đạt mức lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi 122,5 tỷ đồng tương ứng mức tăng trưởng 45,3% so với 2015.

Lợi nhuận sau thuế 2016 đạt 95,33 tỷ tăng trưởng 39,1% so với cùng kỳ, và theo đó EPS đạt 6.345 đồng/CP.

Chúng tôi cho rằng khả năng trong quý I/2017, GIL có khả năng hạch toán những đơn hàng giá trị trong quý IV/2016 chuyển sang. Doanh thu quý I dự phóng đạt 464 tỷ đồng (tăng trưởng 20% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 40-42 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2017 chúng tôi dự phóng doanh thu GIL đạt 1.549 tỷ đồng (tăng trưởng 20%), và lợi nhuận sau thuế đạt 107 tỷ đồng (tăng trưởng 35%), EPS năm 2017 dự kiến đạt 6.986 đồng/CP.

Hiện tại GIL đang giao dịch tại mức PE 9,02 lần thấp hơn PE trung bình ngành (9,73 lần) và PE thị trường (16 lần). P/E trung bình trong những năm gần đây của GIL 7 lần. Với mức P/E forward năm 2017 là 9 lần, giá hợp lý đối với cổ phiếu GIL là 62.900 đồng/cp và tiếp tục giữ nguyên quan điểm cùng khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GIL.

Tin bài liên quan