Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/8 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu SCG với giá mục tiêu 100.700 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Công ty cổ phần Xây dựng SCG (SCG) là doanh nghiệp xây dựng hàng đầu ở Việt Nam với hàng loạt các dự án lớn và nổi tiếng nhờ ứng dụng các giải pháp thi công hiện đại trên nền tảng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực xây dựng, phát triển mạnh giải pháp BIM để nâng cao hiệu quả mô hình tổng thầu (Build & MEP) và tổng thầu D&B.

Đồng thời mục tiêu của SCG là triển khai những công trình cao tầng và siêu cao tầng, hệ thống các khu công nghiệp, cầu cảng, Metro…, các dự án tầm cỡ khu vực được Nhà nước và Chính phủ tin tưởng giao thầu.

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, đầu tư công trở thành bệ đỡ, đầu kéo khả thi nhất cho tăng trưởng. Có thể nói, phát triển cơ sở hạ tầng trong lịch sử đã tạo ra một cú hích cho tăng trưởng kinh tế và đang được coi là phương tiện hiệu quả nhất để đảm bảo tăng trưởng việc làm và phục hồi tài chính. Theo đó các dự án được chấp thuận đầu tư theo Luật đầu tư 2014 hoặc/và Luật nhà ở 2014 sẽ không cần phải xin chấp thuận đầu tư theo Nghị định 13/2013/NĐ-CP.

Giá trị backlog cuối năm 2020 có thể tạo lợi thế rất lớn cho doanh thu 2021 và năm 2022 khi điểm rơi lợi nhuận sẽ phần lớn rơi vào thời gian này nhờ các dự án trọng điểm sẽ hoàn thành. Đến nay, tổng giá trị một số hợp đồng lớn mà SCG đã ký với khách hàng đã đạt hơn 22,14 nghìn tỷ đồng

6 tháng đầu năm 2021, SCG đạt tổng doanh thu thuần gấp 3,1 lần cùng kỳ, lên 1.608 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt hơn 102 tỷ đồng, gấp 3,2 lần và thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu là 2.053 đồng. Với kết quả kinh doanh hiện tại, SCG đã có kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch, qua đó làm tăng sức hút đối với cổ phiếu SCG.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu SCG với giá mục tiêu 100.700 đồng/CP.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu DRC

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu DRC của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng với giá mục tiêu 34.600 đồng/CP trên cơ sở (i) nhu cầu sử dụng lốp radial ngày càng tăng trong tương lai, (ii) Nhà máy Radial giai đoạn không còn trích khấu hao từ 2021, và (iii) nhu cầu tiêu thụ xe trong nước tăng trở lại nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước.

Thông tin cập nhật: Lãi ròng nửa đầu năm 2021 tăng 100% so với mức nền thấp cùng kỳ, đạt tương ứng 170 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh khả quan đạt được nhờ (i) sản lượng tiêu thụ tăng mạnh với động lực chính đến từ hoạt động xuất khẩu, (ii) CP nguyên vật liệu tăng khiến giá bán bình quân tăng, (iii) chi phí khấu hao giảm mạnh do phần lớn máy móc thiết bị của nhà máy Radial giai đoạn 1 đã hết khấu hao từ quý IV 2020, (iv) chi phí lãi vay giảm mạnh trong khi lãi tiền gửi tăng khá nhờ nguồn tiền dồi dào hơn.

Xuất khẩu lốp radial tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong khi xuất khẩu lốp bias chứng kiến tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ DRC đã tiếp cận thành công thị trường ngách nông nghiệp & công trình tại Mỹ.

Chủ trương đầu tư mở rộng nhà máy Radial giai đoạn 3. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 830 tỷ đồng, thực hiện xây dựng trong thời gian từ quý IV/2021 đến quý II/2024. Với công suất giai đoạn 3 là 400.000 lốp/năm, tổng công suất sản xuất Radial của DRC sẽ đạt 1 triệu lốp/năm sau khi dự án hoàn thành. Dự kiến dự án này sẽ được tài trợ bằng 40% vốn chủ sở hữu và 60% vốn vay.

Sản lượng tiêu thụ xe ô tô tại Mỹ chứng kiến tăng khá trong 1 năm trở lại đây khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát tại quốc gia này nhờ chương trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. DRC hiện đang xuất khẩu 13.000 – 15.000 lốp radial/tháng sang Mỹ và dự kiến sẽ tăng lên hơn 20.000 lốp/tháng trong thời gian tới.

Biến động giá nguyên vật liệu (cao su, than…) và giá cước vận chuyển cao ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất săm lốp, đặc biệt trong 2 quý cuối năm mặc dù các doanh nghiệp áp dụng tăng giá bán đề bù đắp phần chi phí tăng của nguyên vật liệu.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị tích cực dành cho MSH với giá mục tiêu 74.000 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP May Sông Hồng (MSH) công bố Báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 1.207 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái) và 124 tỷ đồng (tăng trưởng 114%), với các động lực chính (1) phục hồi mạnh mẽ đơn hàng từ đáy khủng hoảng quý II/2020, (2) GPM cải thiện lên mức 19.8% (so với 16.2% cùng kỳ) và (3) hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi. Loại trừ giá trị hoàn nhập, lợi nhuận cốt lõi ước tăng 41%.

BVSC ước tính, trong quý II/2021, MSH đã thu hồi hơn 74 tỷ từ khoản phải thu 218 tỷ từ nhóm khách hàng NY&C, qua đó ghi hoàn nhập khoảng 53 tỷ vào kết quả kinh doanh.

Nhìn chung, doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm 2021 của MSH đạt 2.152 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái) và 216 tỷ đồng (tăng 77%), tương đương 47% dự báo cả năm trước đây của chúng tôi.

Với tiến độ triển khai tiêm chủng, chúng tôi vẫn đánh giá khả quan về xu hướng phục hồi ổn định tại thị trường Mỹ cũng như dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm 2021 của MSH đạt 4.531 tỷ đồng (tăng 19% so với năm ngoái) và 469 tỷ đồng (tăng trưởng 102%).

Trong trung hạn, chúng tôi vẫn duy trì triển vọng tích cực của MSH nhờ (1) lợi thế chung của dệt may Việt Nam về chi phí nhân công, (2) năng lực sản xuất giúp MSH tiếp cận được tệp khách hàng có quy mô/thương hiệu lớn và (3) nhà máy Sông Hồng 10 đi vào hoạt động vào 2022 sẽ đóng góp vào tăng trưởng.

BVSC hiện tại xác định giá hợp lý cho MSH theo DCF là 74.000 đồng/CP, tương đương lợi suất đầu tư 15%, bên cạnh suất cổ tức dự kiến là 7%. Do đó, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu MSH.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị trung lập dành cho DHC với giá mục tiêu 90.000 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

BVSC chưa nhìn thấy động lực tăng trưởng mạnh sau 2021, ít nhất là đến khi Giao Long 3 được đưa vào vận hành. Với việc Giao Long 2 đã vượt công suất, chúng tôi cho rằng tăng trưởng trong 2022 chủ yếu sẽ đến từ mảng bao bì và giá OCC đầu vào hạ nhiệt. Xem xét các yếu tố trên, chúng tôi đang dự báo lợi nhuận 2022 tăng trưởng khoảng 11%. EPS 2022 là 8.915 đồng/cp và P/E dự phóng 9x.

Về Giao Long 3, hiện tại DHC đang tiến hành nghiên cứu khả thi và sẽ tiến hành phương án thuê đất tại Khu công nghiệp Phú Thuận – Bến Tre và triển khai xin các giấy phép liên quan. Dự án dự kiến sẽ tăng ít nhất gấp đôi năng lực sản xuất hiện tại của DHC và có thể sẽ chia làm nhiều giai đoạn.

Khuyến nghị đầu tư: Với việc giá DHC đã có mức tăng khá ấn tượng trong thời gian qua, BVSC hạ khuyến nghị xuống NEUTRAL với giá mục tiêu 90.000 đồng/cp bằng phương pháp DCF, tương ứng với P/E 2022 là 10x.

>> Tải báo cáo

Chốt lãi khi cổ phiếu TNG tiếp cận ngưỡng giá 27.0

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu TNG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đang nằm trong xu hướng hồi phục từ vùng đáy 18.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều cho thấy tín hiệu hồi phục. Đường giá cổ phiếu đã cắt lên dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 22.0 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 27.0 Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 20.0.

Tin bài liên quan