Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/3

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/3

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/3 của các công ty chứng khoán.

SVC: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

BVSC khuyến nghị OUTPERFORM cổ phiếu SVC của CTCP Dịch vụ tổng hợp với giá mục tiêu 20.900 đồng/cổ phiếu bằng 3 phương pháp định giá DCF, P/E và P/B. Nhìn chung, SVC thích hợp đối với các nhà đầu tư giá trị với các điểm nhấn đầu tư chính:

- SVC là một trong nhà phân phối ôtô hàng đầu trong khối VAMA, chiếm 10,3% thị phần với các thương hiệu như Toyota và Ford. Đây đều là những tên tuổi có thị phần đáng kể và đạt mức tăng trưởng tốt trong năm 2014. Nhờ cơ cấu sản phẩm tập trung ở phân khúc giá trung bình – thấp phù hợp với nhu cầu và thu nhập tại Việt Nam, BVSC cho rằng SVC sẽ tiếp tục đạt được mức tăng trưởng doanh số tương đương với toàn ngành trong thời gian tới.

- Dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2015 SVC đạt 61,5 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với năm 2014. EPS dự phóng đạt 2.460 đồng/cổ phiếu.

- Cổ phiếu SVC đang giao dịch ở mức P/E forward 6,7 lần – thấp hơn trung bình ngành 7,2 lần; với những chuyển biến tích cực trong tiêu thụ ôtô, SVC nói riêng cũng như ngành ôtô nói chung có thể được thị trường đánh giá ở các mức P/E cao hơn.

- SVC có lịch sử trả cổ tức tiền mặt đều đặn với tỉ lệ trên 10% mệnh giá, tương ứng với suất cổ tức 7,1%.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần chú ý đến rủi ro nhà điều hành có thể ban hành nhiều biện pháp hành chính nhằm kiểm soát tình trạng nhập khẩu ôtô ồ ạt khi thuế suất bắt buộc phải giảm theo lộ trình hợp tác AFTA. Bên cạnh đó, để đón đầu việc mở cửa ngành ôtô trong nước, nhiều doanh nghiệp phân phối ôtô mới có thể sẽ được hình thành và qua đó, cạnh tranh trong ngành sẽ gia tăng trong thời gian tới.

>> Tải báo cáo

DPM: Khuyến nghị nắm giữ dài hạn

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Trong báo lần đầu Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (DPM), chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ dài hạn.  

Dẫn đầu thị trường urê tại Việt Nam nhưng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt: DPM chiếm 40% thị phần urê tại Việt Nam với mạng lưới phân phối rộng khắp và một thương hiệu mạnh, những yếu tố này giúp DPM có lợi thế về giá bán. Tuy nhiên, do sự mở rộng của các đối thủ trong ngành, nên thị phần của DPM gặp phải sự cạnh tranh gay gắt.  

Lợi nhuận cao so với nhóm tương đương cùng ngành nhưng đang sụt giảm: DPM có biên và chỉ số lợi nhuận cao hơn nhóm tương đương cùng ngành trong nước cũng như trong khu vực. Tuy nhiên doanh thu và lợi nhuận đang sụt giảm kể từ năm 2012. Mặc dù DPM có kế hoạch cho các dự án lớn nhưng vẫn chưa thể đảm bảo được tính khả thi và khả năng sinh lời.  

Xu hướng giảm của giá urê thế giới sẽ tiếp diễn: Giá urê sẽ tiếp tục giảm do cung vượt cầu, đặc biệt là nguồn cung từ Trung Quốc, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng và biên lợi nhuận.  

Việc không còn được hỗ trợ về giá khí đã phản ánh lên giá cổ phiếu: Giá cổ phiếu của DPM đã giảm khoảng 30% vào năm ngoái khi công ty chính thức áp dụng giá khí đầu vào thả nổi, trước đó công ty được nhận hỗ trợ từ PVGas (có chung công ty mẹ là PVN).  

Giá dầu thấp sẽ làm tăng lợi nhuận: Giá khí tự nhiên có mối tương quan mật thiết với giá dầu (đã giảm khoảng 50% trong năm trước), sẽ giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận.  

Tỷ suất cổ tức cao: DPM đã chi trả cổ tức ở mức hấp dẫn với tỷ lệ chia cổ tức là 35% trên mệnh giá (năm 2011), 45% (năm 2012), và 50% (năm 2013). DPM dự định giảm tỷ lệ cổ tức năm 2014 xuống 25% dẫn đến tỷ suất cổ tức giảm xuống 7,9%, tuy nhiên, mức này vẫn hấp dẫn hơn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện tại.

FCN: Quý I/2015 tiếp tục khả quan

CTCK MB (MBS)

FCN công bố kết quả kinh doanh năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 1353 tỷ VNĐ, tăng 12.3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 142 tỷ VNĐ, tăng 39% so với cùng kỳ, đạt 96% kế hoạch năm.

Trong thời gian tới, FCN tiếp tục được tổng thầu của Tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Tổ hợp nhà máy Samsung Thái Nguyên tin tưởng, trở thành nhà thầu cung cấp và thi công cọc ly tâm dự ứng lực cho các dự án trên.

Triển vọng kinh doanh của FCN trong quý 1 năm 2015 vẫn tiếp tục khả quan khi Công ty ký được một số dự án mới trong những tháng đầu năm 2015 với giá trị lên tới 123 tỷ VNĐ, chủ yếu là các hợp đồng cung cấp và thi công cọc. Chúng tôi vẫn đánh giá cao mảng kinh doanh cốt lõi là sản xuất và thi công cọc dự ứng lực của FCN.

FECON cũng đã tiến hành đầu tư sang mảng thi công công trình ngầm khi chính thức thành lập Công ty CP Công trình ngầm FECON có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông sáng lập gồm FECON, Công ty Cổ Phần Đầu Tư và Thương Mại Sông Đà, Công ty Cổ Phần Toyo Industry.

Tin bài liên quan