Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 28/7 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/7

FPT: Không còn hấp dẫn như trước

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

FPT mới công bố kết quả kinh doanh sơ bộ trong 6 tháng đầu năm 2014, theo đó doanh thu hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2014 vẫn tiếp tục đà tăng trưởng từ các tháng trước với mức tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 15.211 tỷ.

Khối phân phối và bán lẻ vẫn là động lực chính thúc đấy tăng trưởng doanh thu của Tập đoàn với mức tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó mảng phân phối và sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin và điện thoại di động tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái và mảng bán lẻ tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khối viễn thông vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu ở mức khá 17%. Trong khi đó khối công nghệ (gồm phát triển phần mềm, tích hợp hệ thông và dịch vụ công nghệ thông tin) doanh thu lại giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái do doanh thu mảng tích hợp hệ thống giảm tới 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về lợi nhuận, FPT ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 790 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2014, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo của chúng tôi. Lợi nhuận hợp nhất sụt giảm chủ yếu do kết quả kinh doanh kém khả quan của khối công nghệ.

Khối công nghệ ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh nhất (-23% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó lợi nhuận mảng tích hợp hệ thống giảm tới 61% n/n đạt 44 tỷ; mảng giải pháp phần mềm giảm 77% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ 10 tỷ; mảng dịch vụ công nghệ thông tin giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 45 tỷ; và chỉ duy nhất mảng xuất khẩu phần mềm tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân sụt giảm là do các nhóm khách hàng chủ yếu trong nước (như ngân hàng) vẫn cắt giảm và trì hoãn đầu tư công nghệ thông tin, cạnh tranh ngày càng gia tăng, chi phi marketing và tham dự thầu để thâm nhập thị trường mới.

Khối viễn thông ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái do khó khăn ở mảng game online và tăng chi phí ở mảng dịch vụ viễn thông. Mảng dịch vụ viễn thông ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng doanh thu 16% so với cùng kỳ năm ngoái do phát sinh chi phí 34 tỷ để chuyển đổi từ cáp đồng sang cáp quang khiến tỷ suất lợi nhuận của mảng này sẽ giảm.

Điều này chúng tôi đã ước tính trong mô hình dự báo và cũng đã đề cập trong báo cáo trước. Lợi nhuận trước thuế mảng nội dung số giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sụ sụt giảm ở mảng game online đã được bù đắp phần nào nhờ tăng trưởng từ quảng cáo và thanh toán trực tuyến.

Khối phân phối và bán lẻ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao 23% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợi nhuận từ phân phối điện thoại di động tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ đóng góp từ sản phẩm iPhone và Lenovo và mảng bán lẻ ghi nhận lợi nhuận 17 tỷ lợi nhuận trước thuế so với lỗ 20 tỷ cùng kỳ và đạt 71% kế hoạch cả năm.

Kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2014 của FPT giảm 2% n/n là khá bất ngờ vì trước đó lợi nhuận 5 tháng đầu năm 2014 đã tăng trưởng 4%, cao hơn so với mức tăng trưởng trong mấy tháng đầu năm. Do FPT hiện chưa công bố báo cáo tài chính chi tiết, chúng tôi tạm thời giữ nguyên dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 2014 đạt 1.720 tỷ, tăng 7% so với năm ngoái và giá mục tiêu 55.000 đồng/cp.

Giá cp FPT đã tăng 38% so với đầu năm và hiện giao dịch với P/E dự phóng 10,3x, không còn hấp dẫn như trước đây nên khả năng giá cổ phiếu tiếp tục tăng mạnh là không cao.

PVT: P/E đang giao dịch ở mức 14x

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) vừa công bố kết quả kinh doanh công ty mẹ quý II/2014 với doanh thu giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 397 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu mảng vận tải giảm 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn đóng góp 55,7% tổng doanh thu, so với mức 69,6% của quý II/2013.

Ngoài việc PVT đưa tàu dầu thô vào sửa chữa định kỳ theo kế hoạch từ 22/03 đến 01/05/2014 thì nguyên nhân chính là do nhà máy lọc dầu Dung Quốc đã tạm ngưng hoạt động để bảo trì trong 2 tháng như kế hoạch.

PVT hiện là công ty độc quyền vận chuyển 100% nguyên liệu dầu thô và 50% sản lượng đầu ra cho nhà máy này. Tuy nhiên, mảng dịch vụ OFS/FPSO vẫn tăng trưởng tốt, với doanh thu tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 37,7% tổng doanh thu, so với mức 23,7% cùng kỳ và biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện đáng kể từ 10% trong Q2/13 lên 24% trong quý II/2014.

Quý III và quý IV/2013, PVT đã đưa thêm 2 tàu mới là PVT Mercury (104.000 DWT) và tàu Oceanus 09 (4.900 m3) vào hoạt động làm chi phí khấu hao quý II/2014 tăng 167% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí khấu hao hiện chiếm hơn 10% tổng chi phí giá vốn của PVT.

Ngoài ra, chi phí nhân công cũng tăng mạnh so với cùng kỳ khiến biên lợi nhuận gộp của mảng vận tải giảm đáng kể từ 16,7% trong quý II/2013 xuống còn 7,7% trong quý II/2014. Do vậy, biên lợi nhuận gộp chung của PVT vẫn giảm 2 điểm phần trăm n/n, xuống còn 14% trong quý II/2014.

Chi phí tài chính quý II/2014 tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 2 lên 14 tỷ trong quý II/2014.

Do vậy, lợi nhuận sau thuế quý II/2014 của PVT đã giảm 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 58,2 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2014, doanh công ty mẹ tăng nhẹ khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 940 tỷđồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 87,3 tỷ đồng.

Được biết, trong tháng 5 vừa qua, PVT đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ vận chuyển đường bộ, đường biển và kho hàng cho sản phẩm phân bón của Công ty Lâm Thao từ kho nhà máy đi các thị trường tiêu thụ tại khu vực Miền Trung và Miền Nam.

Ngoài ra, PVTrans cũng đang thực hiện nhiều hợp đồng với Công ty CP Sản xuất Ống thép Dầu khí Việt Nam (PVPipe) - Đơn vị thành viên của Tổng Công ty Khí Việt Nam về cung cấp dịch vụ thông quan và vận chuyển cho khối lượng lớn thép tấm, ống thép từ cảng TP.HCM về Khu Công nghiệp Soài Rạp tại Tiền Giang nhằm phục vụ việc sản xuất ống dẫn khí cho các dự án Bạch Hổ, Sư Tử Nâu, Nam Côn Sơn 2… Tuy nhiên, giá trị các hợp đồng này vẫn chưa được công bố.

Cổ phiếu PVT đang giao dịch ở mức PE và PB khoảng 14x và 1,2x, so với bình quân ngành 12x và 0,7x.

SBA: PE giao dịch dự phóng khoảng 7,8x

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

CTCP Thuỷ điện Sông Ba (SBA) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2014 đạt 7,6 tỷ, cải thiện đáng kể so với số lỗ 14,9 tỷ trong cùng kỳ quý II/2013 mặc dù doanh thu giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 26,3 tỷ.

Doanh thu quý II/2014 giảm là do sản lượng điện trong quý đạt 21,4 triệu kWh, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó sản lượng của nhà máy Khe Diên (công suất 9MW) vẫn tăng trưởng tốt 70,8% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 8,2 triệu kWh, trong khi sản lượng của nhà máy Krong Hnang (công suất 64MW) giảm 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 13,2 triệu kWh.

Về giá bán điện, giá bình quân quý II/2014 ước tính tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Yếu tố giúp lợi nhuận quý II/2014 cải thiện đáng kể so với cùng kỳ là việc chi phí lãi vay giảm. SBA ghi nhận 10,5 tỷ lãi vay trong quý II/2014, giảm 69% so với cùng kỳ do nợ vay giảm, đồng thời nhận được 3,5 tỷ tiền hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Ngân hàng phát triển Việt Nam so với mức hỗ trợ 1,5 tỷ trong cùng kỳ.

Tính 6 tháng đầu năm 2014, kết quả kinh doanh của SBA khá ấn tượng với doanh thu đạt 72,5 tỷ, tăng 50,2% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 16 tỷ, tăng đáng kể so với số lỗ 12,7 tỷ trong cùng kỳ. Về sản lượng, trong 6 tháng đầu năm 2014 công ty đã hoàn thành 25% kế hoạch, cao hơn so với mức 21% trong cùng kỳ.

Đặc thù trong sản xuất kinh doanh của công ty là sản lượng điện cao nhất vào quý IV của năm do vào mùa mưa, thường chiếm từ 40-50% sản lượng cả năm. Đồng thời với sản lượng cao hơn, tỷ suất lợi nhuận trong quý cuối năm cũng thường cao hơn các quý đầu năm, nên lợi nhuận quý cuối năm thường đóng góp rất nhiều vào lợi nhuận cả năm (bình quân xấp xỉ 80%).

Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 2014 đạt 78 tỷ, tăng 17% so với cùng kỳ; với kết quả kinh doanh tốt trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi cho rằng mục tiêu lợi nhuận đặt ra có thể thực hiện được. Về định giá, cổ phiếu SBA giao dịch với PE dự phóng 7,8x, khá thấp so với trung bình ngành 9x.

Tình hình tài chính của công ty cũng ghi nhận một số điểm cải thiện do thời gian qua công ty đã tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc nợ vay và cũng nhận được hỗ trợ từ phía các ngân hàng. Tính đến cuối quý II/2014, tổng nợ vay là 743,3 tỷ, giảm 10% n/n; trong số đó chủ yếu là vay dài hạn để đầu tư xây dựng nhà máy Krong Hnang từ Ngân hàng phát triển Việt nam VDB với lãi suất từ 6,9%-8,4%/năm.

Ngoài ra, nhà máy thuỷ điện Khe Diên được Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB chi nhánh Quảng Nam) chấp thuận hỗ trợ sau đầu tư với số tiền 20,5 tỷ và 28.351US$ từ 2008 đến 2016.

Đển hết năm 2013, công ty đã nhận được 10,88 tỷ và 20.234US$. Trong 6 tháng 2014, số tiền hỗ trợ lãi suất sau đầu tư công ty nhận được là 3,5 tỷ. Theo chúng tôi được biết, từ nay đến cuối năm công ty còn nhận được khoảng 8 tỷ tiền hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ VDB.

NBB: Khuyến nghị mua vào

CTCK Maritimebank (MSBS)

Kết quả kinh doanh năm 2013 của Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) chỉ đạt 204 tỷ đồng doanh thu thuần và 25 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với năm 2012 do thị trường BĐS vẫn trầm lắng và kết quả kinh doanh năm 2012 có sự đột biến do sự thay đổi của chính sách kế toán.

Quý I/2014, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng mạnh nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính, đạt gần 24 tỷ (đạt 34% kế hoạch), giúp NBB lọt vào Top 5 doanh nghiệp BĐS báo lãi cao nhất trên sàn chứng khoán, đây được xem là một kết quả khá bất ngờ giữa bối cảnh thị trường BĐS còn ảm đạm.

Kế hoạch năm 2014, NBB đặt mục tiêu tổng doanh thu 307 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 70 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến là 10%/VĐL. Tập trung triển khai 5 dự án lớn: NBB1, NBB3, City Gate tại TP. HCM và Sơn Tịnh - Quảng Ngãi; Đồi Thủy Sản -Quảng Ninh với mức lợi nhuận kỳ vọng 800 tỷ đồng từ 5 dự án trọng tâm trong 5 năm tới.

Khối lượng cổ phiếu giao dịch trung bình 23 phiên gần đây là 279.865 cổ phiếu/ngày.

Cổ phiếu NBB thích hợp nhiều với giao dịch ngắn hạn hơn là với mục đích trung và dài hạn.

Diễn biến giao dịch khá tốt với 5 phiên giao dịch đột biến lớn gần đây với thanh khoản trên 500.000 cp/phiên

Các tín hiệu MA 20 và MA50 đang cho tín hiệu mua vào.

Tín hiệu fastSTO, RSI cũng đang phát tín hiệu tăng điểm trong ngắn hạn.

Các phiên tăng điểm điểm và giao động xít giá ở biên độ hẹp với KLGD lớn cho thấy cầu cổ phiếu là tiềm năng và hứa hẹn các phiên bứt phá về điểm số.

>> Tải báo cáo

LSS: Chưa thể khởi sắc trong thời gian tới

CTCK MB (MBS)

Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm theo đó doanh thu đạt 303 tỷ giảm 47% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 19.5 tỷ giảm 62% so với cùng kỳ.

Chúng tôi nhận thấy, lượng tiền mặt của Công ty suy giảm mạnh và chỉ còn 334 triệu trong khi đó lượng hàng tồn kho tăng mạnh lên mức 92.5 tỷ trong đó tồn kho thành phẩm là 83.7 tỷ. Bên cạnh đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Công ty bị âm hơn 16 tỷ gây sức ép lên hoạt động của Công ty. Vay nợ của Công ty hiện vẫn ở mức vừa phải tuy nhiên dòng tiền từ hoạt động kinh doanh yếu và lượng tiền mặt thấp khiến chúng tôi lo ngại về khả năng thanh khoản của Công ty.

Khả năng tiêu thụ sản phẩm của Công ty đang suy giảm thể hiện qua việc doanh thu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và hàng tồn kho thành phẩm tăng cao sẽ tiếp tục tạo áp lực lên hoạt động kinh doanh của Công ty trong thời gian tới. Thêm vào đó, biên lợi nhuận gộp cũng giảm mạnh xuống mức 11 % so với mức 15% của cùng kỳ năm ngoái cho thấy áp lực cạnh tranh trong ngành đang tăng lên, tác động tiêu cực đến giá bán sản phẩm của Công ty.

Chúng tôi đánh giá, triển vọng kinh doanh của Công ty chưa thể khởi sắc trong thời gian tới khi ngành đường hiện tại vẫn đang trong tình trạng dư thừa công suất và Công ty không có một lợi thế cạnh tranh đăc biệt nào.

FMC: Chắc chắn hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Phiên cuối tuần trước, cổ phiếu FMC tăng trần tại mức 17.900 đồng/cp do kết quả kinh doanh quý II khá tích cực vừa được công bố. Theo đó doanh thu đạt 689 tỷ đồng, +52%, trong khi lợi nhuận sau thuế gấp hơn 20 lần so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt khoảng 1.244 tỷ đồng (+66% cùng kỳ), 23 tỷ đồng (gấp 12 lần cùng kỳ), hoàn thành 74% kế hoạch lợi nhuận.

Doanh thu quý II tăng mạnh chủ yếu do việc đẩy mạnh xuất khẩu, giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đã tăng ~70%. Trong đó giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 604 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Đồng thời, đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của FMC trong 6 tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng 48% tổng doanh thu xuất khẩu.

Do những yêu cầu khắt khe trong chất lượng sản phẩm, giá bán xuất sang Mỹ luôn có giá khá cao, từ 13-14 USD/kg. Vì vậy, thị trường này được doanh nghiệp đánh giá khá tiềm năng nếu có thể tăng thị phần tại đây.

Trong năm 2013, Công ty đã chủ trương nâng cao khả năng tự chủ vùng nuôi khi đầu tư khoảng 160 ha tại Vĩnh Tân (Sóc Trăng). Đến cuối năm 2013, FMC thu hoạch được khoảng 565 tấn nguyên liệu, đáp ứng khoảng 5,5% nhu cầu nguyên liệu.

Do vậy, 6 tháng đầu năm 2014, ưu thế về khả năng tự chủ vùng nuôi tiếp tục được tận dụng; kết quả là biên lợi nhuận gộp đã cải thiện khoảng 3% so với 6 tháng đầu năm 2013.

Đánh giá về triển vọng doanh nghiệp, chuyên viên ngành của chúng tôi cho rằng với KQKD 6 tháng vừa công bố thì khả năng hoàn thành kế hoạch khá chắn chắn.

Theo yếu tố mùa vụ, doanh thu thường tập trung vào các tháng cuối năm đặc biệt trong quý IV khi nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh. Đồng thời, để đáp ứng cho việc mở rộng thị trường, năng lực sản xuất của FMC cũng sẽ được nâng cao với việc xưởng chế biến tôm cao cấp được đưa vào hoạt động vào tháng 11/2014. Do đó, nguồn thu trong những tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ gia tăng mạnh.

L10: Khuyến nghị mua vào

CTCK Vietcombank (VCBS)

L10 là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành lắp máy và chế tạo, đặc biệt trong lĩnh vực lắp máy thủy điện. Sau nửa đầu năm 2014, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty lần lượt đạt 475,5 tỷ đồng (+3% so với cùng kỳ năm ngoái, 59% kế hoạch) và 16,3 tỷ đồng (+11% so với cùng kỳ năm ngoái, 65% kế hoạch).

Hoạt động xây lắp đóng góp chiếm 96% tổng doanh thu thuần, trong đó chủ yếu đến từ dự án thủy điện Lai Châu và nhiệt điện Mông Dương 1.

Ngoài ra, trụ sở cũ của công ty tại 989 đường Giải Phóng, Hà Nội nhiều khả năng được chuyển nhượng trong năm nay.

Với kế hoạch 2014 thận trọng, chúng tôi cho rằng L10 sẽ tiếp tục hoàn thành kế hoạch được đề ra. EPS forward theo kế hoạch 2014 là 2.767 đ/cp, P/E forward đạt mức 5,06 lần, thấp so với trung bình ngành xây lắp. Lợi suất cổ tức của L10 ở mức 8,6%. Do đó, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu L10.

Tin bài liên quan