Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/5

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu nhà đầu tư cần quan tâm trước phiên 28/5 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/5

BSC: Khuyến nghị MUA cổ phiếu CSM

CTCK BIDV (BSC)

CTCP Công nghiệp cao su miền Nam (CSM) là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường săm lốp tại Việt Nam. CSM chiếm 33% tổng thị phần nội địa và 12% thị phần xuất khẩu, cao nhất trong số các doanh nghiệp săm lốp Việt Nam. Trong đó, CSM vượt trội về phân khúc săm lốp ô tô (25% thị phần), xe máy (35% thị phần). Trong phân khúc săm lốp ô tô tải, CSM đứng sau DRC với 8% thị phần.

Giá cao su thiên nhiên tiếp tục giảm mang lại lợi thế về chi phí cho các doanh nghiệp săm lốp: Cao su nguyên liệu chiếm 85% cơ cấu nguyên liệu của CSM. Quý 1/2014, giá cao su thiên nhiên tiếp tục giảm 10,83% so với cuối năm 2013.

Động lực tăng trưởng trung và dài hạn từ nhà máy lốp radial mới và mở rộng thị trường xuất khẩu: Nhà máy lốp radial (với tổng công suất 1 triệu lốp, dự kiến xuất khẩu 60% sản lượng) được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính của công ty trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trong nước ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nhà máy radial sẽ chưa đóng góp nhiều vào doanh thu và lợi nhuận của công ty trong năm 2014.

Năm 2013, công ty đã thoái vốn tại cao su Phước Hòa. Dự kiến, năm 2014, công ty tiếp tục thoái vốn đối với Philip Carbon (8%) và chuyển nhượng các dự án số 9 Nguyễn Khoái, dự án 504 Nguyễn Tất Thành; đồng thời ngừng triển khai một số dự án tại TP Hồ Chí Minh.

Kết quả kinh doanh quý I/2014 tiếp tục khả quan với lợi nhuận sau thuế đạt 79 tỷ đồng, tăng 14,42% so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu nhờ giá cao su nguyên liệu giảm mạnh và tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp (10 tỷ đồng).

Chúng tôi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của CSM năm 2014 lần lượt là 3.252 tỷ đồng, tăng 3,77% và 336 tỷ đồng (EPS 4.996 đồng), giảm 6,63% so với năm 2013. Năm 2014, Công ty tiếp tục được hưởng lợi từ mặt bằng giá cao su thấp. Tuy nhiên, biên lợi nhuận sau thuế có thể giảm (từ 11,49% năm 2013 xuống còn 10,34% năm 2014) do tăng chi phí khấu hao và chi phí lãi vay.

CSM có các chỉ tiêu cơ bản khá tốt, cổ tức cao (dự kiến 23% năm 2013); sản phẩm lốp radial nếu tiêu thụ tốt sẽ mang lại triển vọng tăng trưởng trong dài hạn cho công ty. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu CSM với giá kỳ vọng trong 12 tháng tới là 43.500 đồng, cao hơn giá hiện tại 13,28%.

>> Tải báo cáo

FCN: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Kết thúc 3 tháng đầu năm 2014, doanh thu hợp nhất CTCP Kỹ thuật nền móng và công nghệ ngầm FECON (FCN – sàn HOSE) đạt 209 tỷ đồng, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2013. Giá vốn hàng bán của FCN khá hiệu quả nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 2,6% so với cùng kỳ, đạt 28 tỷ đồng và lợi nhuận gộp vẫn tăng 7,44% (từ 14,92% lên 22,36%).

Doanh thu từ hợp đồng xây dựng vẫn là hoạt động đóng góp chủ yếu vào tổng doanh thu của FCN dù giảm từ 241 tỷ năm 2013 xuống 117 tỷ vào quý 1/2014, ứng với 55,8% trong 3 tháng đầu năm. Qua trao đổi với lãnh đạo FCN, từ đầu năm đến nay tổng giá trị những hợp đồng nhận được đã lên tới 1.800 tỷ, dự kiến tháng 9/2014 sẽ có thêm những hợp đồng mới, do đó FCN lạc quan cho rằng doanh thu sẽ vượt ngưỡng kế hoạch 1.500 tỷ đề ra. Tuy nhiên, doanh thu quý 1/2014 giảm so với cùng kỳ năm trước ở các hợp đồng xây dựng (mảng kinh doanh đem lại nguồn thu chính) nên chúng tôi cho rằng việc đạt được doanh thu 1.500 tỷ vào cuối năm là rất thách thức với FCN.

Quý I/2014 cũng đánh dấu việc FCN đầu tư dài hạn 70 tỷ vào Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO 1) và 6,25 tỷ vào Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) theo Nghị quyết Đại hội cổ đông 2014 vừa phê duyệt.

Cơ cấu tài sản của FCN đang được tài trợ khá cân đối bởi 42% nguồn vốn chủ sở hữu 58% nợ (95% ngắn hạn và 5% dài hạn). Chuyển dịch cơ cấu từ vốn vay sang vốn chủ nhằm giảm gánh nặng chi phí lãi vay và rủi ro từ đòn bẩy tài chính. Dự kiến đến năm 2017, sau khi hoàn thành chuyển đổi 500 tỷ đồng trái phiếu, vốn điều lệ của FCN sẽ đạt 700 tỷ.

Bên cạnh tiềm năng phát triển của FCN, những rủi ro tài chính xuất phát từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi khiến EPS bị pha loãng, gây áp lực lên doanh thu và lợi nhuận.

Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục theo dõi nhằm MUA và tích lũy thêm cổ phiếu FCN cho trung và dài hạn với giá mục tiêu là 29.365 đồng/cổ phiếu.

>> Tải báo cáo

FPT: Mức giá hợp lý ước tính 51.591 đồng/CP

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Mảng phân phối và bán lẻ sản phẩm công nghệ thông tin tiếp tục thể hiện kết quả doanh thu khả quan. Ngoài ra, tiềm năng tăng trưởng của mảng công nghệ thông tin, đặc biệt khi FPT là doanh nghiệp đầu ngành và đang bắt đầu triển khai chiến lược toàn cầu hóa, cho thấy Tập đoàn vẫn là công ty trong giai đoạn tăng trưởng. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn thận trọng khi dự phóng lợi nhuận năm 2014 của Tập đoàn, do các kế hoạch mở rộng kinh doanh chỉ mới bước đầu được triển khai và cần chờ thêm thời gian kiểm chứng về hiệu quả.

Với lợi nhuận trước thuế dự phóng năm 2014 vào khoảng 2.763 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.775 tỷ đồng và EPS tương ứng khoảng 5.159 đồng. Sử dụng PE tham chiếu từ trung bình các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực và cùng quy mô với FPT là 10x, mức giá hợp lý ước tính của FPT vào khoảng 51.591 đồng/CP.

FPT là một trong những cổ phiếu công nghệ đầu ngành, được cả nhà đầu tư nước ngoài lẫn các quỹ đầu tư ưa thích. Do đó, các thông tin xoay quanh việc tăng giới hạn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cùng với xu thế thành lập các quỹ mở có thể là những yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu FPT trong thời gian tới.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan