Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/10

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 28/10 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 120.000 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Cổ phiếu FPT của CTCP FPT đã tăng hơn 60% kể từ đầu năm phản ánh sự đánh giá lại về chỉ số định giá của các công ty công nghệ, là một xu hướng được quan sát trên toàn thế giới, qua đó thể hiện vai trò quan trọng của những công ty như vậy trong thời đại mới.

Tuy nhiên, với việc không chịu ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19, FPT có vẻ đang chưa phải là lựa chọn ưu tiên của nhiều nhà đầu tư để đón đầu sự hồi phục trở lại của nền kinh tế.

Dù vậy, với những thuận lợi và thế mạnh hiện có, chúng tôi cho rằng FPT sẽ tiếp tục mang lại tăng trưởng đều đặn 2 chữ số trong 5 năm tới và là một trong những lựa chọn hàng đầu để nắm giữ dài hạn.

BVSC tiếp tục khuyến nghị OUTPERFORM đối với FPT với giá mục tiêu 120.000 đồng/cp, tương ứng với PER 2022 là 22,5 lần.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu VSH với giá mục tiêu 36.000 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu VSH của Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh cho giá mục tiêu 12 tháng tới là ở mức 36.000 đồng/CP. Chúng tôi tin rằng cơ hội đầu tư dài hạn vào cổ phiếu doanh nghiệp thủy điện là hấp dẫn, đặc biệt từ năm 2021 Công ty đã đưa nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum vào hoạt động nâng công suất thêm 220MW, tương ứng tăng 162% lên 356 MW.

Điểm nhấn đầu tư: Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đi vào hoạt động từ đầu năm 2021. Đây là nhà máy có công suất 220 MW và đặc biệt là sản lượng điện trung bình hàng năm là 1.080 triệu kwh, khi đi vào hoạt động đưa công ty trở thành doanh nghiệp thủy điện lớn nhất trên HSX với tổng công suất 356 MW, đưa kết quả kinh doanh của công ty lên tầm cao mới với doanh thu dự kiến tăng 300% so với hiện tại, lợi nhuận giai đoạn 2021-2025 dự báo tăng trưởng kép ở mức 21%/năm.

Chi phí sản xuất điện tại nhà máy Vĩnh Sơn - Sông Hinh ở mức thấp, tạo ra sức cạnh tranh lớn: Nhà máy Vĩnh Sơn và Sông Hinh có tổng công suất 136 MW, máy móc thiết bị cơ bản đã được khấu hao hết, không còn nợ vay, dẫn đến chi phí sản xuất điện hàng năm ở mức thấp, cạnh tranh rất tốt trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh doanh cao.

Có khả năng mở rộng các dự án hiện tại và các dự án nguồn điện mới: Công ty hiện có các dự án đầu tư nguồn điện mới hấp dẫn như dự án nâng cao năng lực hồ chứa Sông Hinh, nhà máy Vĩnh Sơn 2&3 có thể gia tăng công suất thêm 120 MW. Chúng tôi cho rằng sau khi nhà máy Thượng Kon Tum đi vào hoạt động ổn định, công ty sẽ bắt tay vào thực hiện dự án Vĩnh Sơn 2&3, hồ Sông Hinh mở rộng.

Thời tiết tiếp tục ủng hộ thủy điện: Theo báo cáo mới nhất của Cục khí tượng thủy văn, hiện tượng El nino tiếp tục kéo dài đến hết 2021 và sang tháng 4/2022, gây ra hiện tượng bão biển đông và mưa nhiều hơn cộng mưa trái mùa khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, điều này có lợi cho các nhà máy thủy điện của VSH tại khu vực.

Cơ hội từ thoái vốn nhà nước: hiện tại GENCO3 (PGV) đang sở hữu 26,7% cổ phần tại VSH, theo kế hoạch PGV sẽ thực hiện thoái hết vốn tại VSH trong thời gian tới khi nhà máy Thượng Kon Tum đi vào hoạt động ổn định và đàm phán được giá bán điện mới với EVN. Chúng tôi cho rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư tổ chức quan tâm đến khoản thoái vốn này.

Nhu cầu điện trong dài hạn vẫn tăng mạnh: Giai đoạn 2021 - 2025, EVN dự báo 2 kịch bản nhu cầu phụ tải điện: Phương án cơ sở, tăng trưởng nhu cầu điện khoảng 8,6%/năm và Phương án cao (với kịch bản kinh tế phục hồi mạnh sau COVID-19, đồng thời có xem xét đến khả năng có làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam) tăng trưởng 9,4%/năm. Theo EVN, với hai kịch bản tăng trưởng này, hệ thống đảm điện sẽ bảo cung ứng đủ điện trong toàn bộ giai đoạn 2021 – 2025

Rủi ro đầu tư: Rủi ro đặc thù doanh nghiệp thủy điện là tình hình thời tiết, lượng mưa và thủy văn tại khu vực nhà máy, chúng tôi đánh giá đây là những rủi ro mang tính thời điểm và có tính chất chu kỳ, trong dài hạn sẽ được quân bình qua các năm.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu FRT tại ngưỡng 58.0

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu FRT của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT đã hình thành phiên bứt phá mạnh sau khi tích lũy trung hạn quanh ngưỡng giá 48.0. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI báo hiệu nhịp điều chỉnh nhẹ trong khi chỉ báo MACD đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 trong phiên hôm nay, ủng hộ xu hướng tăng giá tích cực.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 51.1, chốt lãi tại ngưỡng 58.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 48.0.

Khuyến nghị mua cổ phiếu HII với giá mục tiêu 30.500 đồng/CP

CTCK Phú Hưng (PHS)

CTCP An Tiến Industries (HII) dẫn đầu sản xuất hạt phụ gia cho ngành nhựa và có quy mô hoạt động thương mại hạt nhựa lớn thứ 2 tại Việt Nam (sản lượng tiêu thụ hạt nhựa 250 nghìn tấn/năm).

Hiện công ty sỡ hữu nhà máy sản xuất hạt phụ gia và nhà máy sản xuất bột đá siêu mịn CaCO3 với công suất thiết kế lần lượt khoảng 150.000 tấn/năm và 222.000 tấn/năm. Thị trường xuất khẩu hạt nhựa chính của HII là EU, UAE, Nga và Ấn Độ, doanh thu từ các thị trường này chiếm 50% doanh thu mảng thương mại.

Triển vọng tăng trưởng của thị trường bột đá CaCO3: Theo báo cáo độc quyền của Marketandmarkets, thị trường bột đá CaCO3 sẽ tăng trưởng đột biến, đặc biệt trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ước tính thị trường bột đá CaCO3 toàn cầu đat 28,3 triệu USD vào 2024, với tốc độ tăng trưởng CAGR 6% trong giai đoan 2019-2024 nhờ bột đá CaCO3 có những ứng dụng tiềm năng, được sử dụng chủ yếu trong ngành công nghiệp giấy, nhựa, ô tô…

Ngoài ra, các vật liệu dựa trên CaCO3 có đặc tính phân hủy sinh học, đang trở thành xu hướng toàn cầu.

Hưởng lợi từ giá hạt nhựa tăng cao: Hạt nhựa là chế phẩm dầu mỏ nên có độ tương quan cao với giá dầu, đặc biệt là hạt nhựa PE và PP. Giá hạt nhựa PE và PP trong nửa đầu năm 2021, tăng lần lượt 44% và 74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo giá hạt nhựa tiếp tục tăng vào cuối năm 2021 và quý I/2022 nhờ giá dầu Brent có thể đạt 90 - 100 USD/thùng vào cuối 2021 do nhu cầu sử dụng dầu thô tăng mạnh trong khi khủng hoảng nguồn cung tại Châu Âu ngày càng leo thang. Ngoài ra, cước phí vận tải tăng và các nhà máy sản xuất hạt nhựa đang bảo trì cũng là nguyên nhân khiến giá hạt nhựa tăng.

Cải thiện biên lãi gộp nhờ tái cơ cấu sản phẩm sản xuất: HII đang thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ bột đá sang sản xuất hạt phụ gia có biên lãi gộp cao hơn. Biên lãi gộp mảng sản xuất tăng từ 20,4% lên 27,2% trong nửa đầu năm 2021.

Năm 2021, chúng tôi kỳ vọng doanh thu đạt 7.735 tỷ đồng (tăng 89,5% so với năm ngoái) với sản lượng tiêu thụ ước tính tăng 14% và mảng thương mại hưởng lợi từ giá hạt nhựa tăng. Chúng tôi ước tính biên lãi gộp của Công ty đạt 7,4%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với 2020 nhờ đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có giá trị cao. Lợi nhuận sau thuế dự phóng đạt 147 tỷ đồng (tăng 177%).

Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, mức giá hợp lý cho cổ phiếu HII khoảng 30.500 đồng/cổ phiếu (+64% so với giá hiện tai). Từ đó khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Rủi ro: (1) Biến động giá hạt nhựa nguyên sinh; (2) Rủi ro về thuế nhập khẩu; (3) Rủi ro về thị trường tiêu thụ tại nước ngoài.

Tin bài liên quan