Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 28/10 của các công ty chứng khoán.

NT2: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu thuần của NT2 đạt 5.021 tỷ đồng (+8,5% so với cùng kỳ năm ngoái). Sở dĩ doanh thu 9 tháng chỉ đạt 84,1% kế hoạch 2015 là bởi việc NT2 phải điều chỉnh giảm doanh thu từ việc hồi tố giá khí như đã đề cập ở trên. Chi phí khấu hao 9 tháng giảm 22% so với cùng kỳ do NT2 thực hiện giãn thời gian khấu hao đối với khoản mục máy móc thiết bị từ 10 lên 14 năm từ quý 03/2014.

Tình hình sản xuất khả quan, chi phí khấu hao và chi phí nhiên liệu đầu vào giảm mạnh đã giúp biên lợi nhuận gộp của NT2 có sự cải thiện mạnh mẽ, đạt 28% trong quý 03/2015 từ khi áp dụng cơ chế giá khí theo thị trường. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận gộp đạt 1.120 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ.

Tại ngày 30/09/2015, tỷ giá VND/EUR và VND/USD đã tăng lần lượt 3.85% và 3.08% so với thời điểm 30/06/2015. Do đó, với khoản nợ vay ngoại tệ 123 triệu EUR và 135 triệu USD, NT2 đã phải ghi nhận khoản lỗ tỷ giá -205.8 tỷ đồng trong quý 03 (100% là lỗ tỷ giá chưa thực hiện do NT2 chỉ thực hiện trả nợ gốc vay 06 tháng/lần). Lũy kế từ đầu năm, NT2 đang bị lỗ tỷ giá chưa thực hiện khoảng -102 tỷ đồng (ở cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp có lãi tỷ giá lên đến 301 tỷ đồng).

Chi phí lãi vay giảm mạnh 22% xuống chỉ còn 131 tỷ đồng nhờ chính sách trả nợ nhanh (trên 1.000 tỷ/năm). Bên cạnh đó, phần phân bổ lỗ tỷ giá trong quá trình XDCB cũng giảm mạnh 52% chỉ còn 66 tỷ trong năm 2015.

Theo dự báo thận trọng của chúng tôi, sản lượng điện quý IV sẽ đạt 1.2 tỷ kWh (vượt 7.7% kế hoạch); NT2 sẽ chính thức lập kỷ lục mới về sản lượng điện thương phẩm phát trong 1 năm ở mốc 5.2 tỷ kWh (+9.2% so với cùng kỳ năm ngoái).

Lũy kế cả năm 2015, doanh thu thuần ước đạt 6,300 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế từ hoạt động kinh doanh chính dự báo tăng gấp đôi so với 2014, đạt 1,100 tỷ đồng (tương đương core EPS 2015F là 4.000 đồng/cp).

Năm 2016, do nguồn điện bổ sung từ các nhà máy nhiệt điện mới đi vào hoạt động ở miền Nam như Vĩnh Tân 2 (1.244MW), Duyên Hải 1 (1.244MW), tổ máy 2 Nhiệt điện Ô Môn I (330MW),… chúng tôi dự báo nhiều khả năng NT2 sẽ khó đạt được mức sản lượng cao kỷ lục như 2015, tuy nhiên vẫn sẽ mức cao khoảng 4.8 tỷ kWh bởi tình hình thủy văn nửa đầu 2016 vẫn chưa thật sự khả quan cho nhóm thủy điện.

Động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận năm 2016 sẽ đến từ việc NT2 tận dụng lợi thế giá khí đầu vào thấp để gia tăng biên lợi nhuận gộp ngay từ quý I. Bên cạnh đó, NT2 sẽ không còn khoản lỗ tỷ giá 66 tỷ trong quá trình XDCB, cộng với việc chi phí lãi vay tiếp tục giảm. Do đó chúng tôi dự báo lợi nhuận ròng từ hoạt động kinh doanh của NT2 năm 2016 sẽ đạt 980 tỷ đồng, tương đương với core EPS (2016F) đạt 3,600 đồng/cp.

Cổ phiếu NT2 đang giao dịch ở mức giá 27,100 đồng/cp, tương đương với P/E 2015F là 7.4x và P/E 2016F là 7.6x, thấp hơn 16% so với P/E trung bình của các doanh nghiệp ngành điện là 8.5x và thấp hơn 29% so với mức P/E của các cổ phiếu đầu ngành điện như PPC, VSH là 10x.

Xem xét nhiều yếu tố như vị trí chiến lược trong hệ thống điện miền Nam, hiệu suất hoạt động cao, khả năng chào giá hiệu quả trên VCGM, độ ổn định của nguồn nhiên liệu đầu vào,… chúng tôi vẫn đánh giá cao NT2 là một trong những nhà máy điện tốt nhất đang niêm yết cũng như trong trong toàn hệ thống điện Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA cổ phiếu NT2 với giá mục tiêu là 32.000 đồng/cp (Upside +21%).

SRC: Có thể xem xét mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Kể từ cuối năm 2014, Công ty Cổ phần Cao Su Sao Vàng (SRC – sàn HOSE) rơi vào một đợt điều chỉnh khá mạnh từ mức đỉnh giá 41 và tạo đáy ở mức 22, đường giá cũng rớt xuống dưới đường trung bình động MA200. Toàn bộ quá trình này diễn ra trong nửa đầu năm 2015.

Kể từ đầu Tháng 6/2015, xu hướng giá đã có những thay đổi tích cực khi SRC vận động trong một kênh tăng hồi quy có độ dốc nhẹ hướng tới mục tiêu giá 30. Đáng chú ý là đường giá SRC đã chính thức bứt phá khỏi kênh hồi quy trên, đồng thời vượt MA200 và tiếp tục tăng dốc và tạo ra một kênh vận động mới hưởng tơi mục tiêu 32 và 34.

Cho tới phiên 23/10 , SRC đã hoàn thành mục tiêu đầu tiên và bắt đầu điều chỉnh giá từ mức giá 32. Sử dụng kênh hồi quy hiện tại, dự đoán SRC sẽ giảm trở về khu vực hỗ trợ tạo bởi trục giữa của kênh tăng tại mức giá 30. Đây là mức hỗ trợ khá cứng. Trong 03 phiên điều chỉnh gần nhất thanh khoản chỉ ở mức thấp cho thấy lực bán ra không lớn và diễn biến hiện tại mang tính điều chỉnh kỹ thuật. MACD và RSI đang giữ ở mức tích cực và cho tín hiệu hỗ trợ cho xu hướng hồi phục trong ngắn hạn.

Khuyến nghị: Đối với nhà đầu tư có mức chịu rủi ro cao, có thể xem xét tích lũy SRC thông qua tận dụng nhịp tích lũy của cổ phiếu này trong vùng giá 28.5-30. Theo đó, mục tiêu cho nhịp tăng này sẽ lần lượt xuất hiện tại giá 32; 34 và 41.5. Điểm cắt lỗ tập trung tại mức giá 28.

FPT: Giá mục tiêu 54.000 đồng/CP

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP FPT (mã CK: FPT) mới công bố số liệu KQKD 9 tháng 2015 với doanh thu hợp nhất đạt 29.257 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.270 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 8% so với cùng kỳ.

Với tỷ lệ tăng trưởng 20% so với cùng kỳ, doanh thu hợp nhất 9 tháng 2015 duy trì mức cao, tuy nhiên thấp hơn đôi chút so với các tháng trước của năm 2015, chủ yếu do tăng trưởng của khối phân phối bán lẻ (với tỷ trọng lớn trong doanh thu hợp nhất) chậm lại so với các tháng trước. Ở lĩnh vực phân phối bán lẻ, tăng trưởng doanh thu chậm hơn so với các tháng trước, theo thông tin từ công ty, là do có thay đổi trong việc nhập khẩu và phân phối sản phẩm iPhone theo hướng có lợi cho mảng bán lẻ nhưng mảng phân phối sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó, tăng trưởng doanh thu cao ở các lĩnh vực chủ đạo khác vẫn được duy trì như viễn thông (+30,7%), phát triển phần mềm (+50,9%).

Về lợi nhuận, lợi nhuận từ các lĩnh vực hoạt động SXKD chính đạt 2.030 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Tương tự như các tháng trước đó, lợi nhuận tăng trưởng chậm hơn doanh thu do chi phí liên quan đến dự án quang hoá ở lĩnh vực viễn thông, chi phí cơ cấu lại công ty FPT Slovakia ở lĩnh vực phát triển phần mềm, và đồng VND giảm giá ảnh hưởng đến lĩnh vực tích hợp hệ thống (do thiết bị phần cứng được nhập khẩu); kéo tỷ suất lợi nhuận ở các lĩnh vực này giảm so với cùng kỳ.

Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.969 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 1.270 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, thấp hơn tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động SXKD chính. Nguyên nhân có thể do phát sinh chi phí tài chính hoặc chi phí khác, tuy nhiên công ty chưa công bố báo cáo tài chính đầy đủ.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo 2015 với doanh thu ước tính đạt 39.208 tỷ đồng, tăng 20% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 1.852 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm ngoái. EPS 2015 ước tính đạt 4.933 đồng/cp. FPT giao dịch với P/E dự phóng 9,7x. Duy trì giá mục tiêu 54.000 đồng/cp.

HBC: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

* Nhận định của MBKE:

HBC chính thức tạo lập đỉnh cao nhất của mình trong năm 2015, đồng nghĩa với việc đường giá thành công vượt qua vùng kháng cự mạnh tại khu vực 18.3  

Xu hướng trung hạn và ngắn hạn của HBC đều đang là tăng. Kết qủa vừa tạo lập của giá một lần nữa xác nhận điều này.  

Thanh khoản tăng đột biến trong hôm nay, củng cố thêm độ tin cậy của điểm bứt phá. KLGD cần thường xuyên duy trì trên mức trung bình 50 ngày để ủng hộ xu hướng tăng của giá.  

Chỉ báo kỹ thuật tích cực. MACD tăng trở lại, thành công cắt lên phía trên đường tín hiệu, xác nhận kết thúc phá điều chỉnh ngắn trước đó. Các chỉ báo khác trong vùng lạc quan.

* Chiến lược đầu tư: NĐT có thể mua vào HBC quanh giá hiện tại 19.1; Mục tiêu gần nhất tại: 22.0 (+15,2%); Dừng lỗ tại: 17.4 (-8,9%).

SBA: Kết quả kinh doanh quý IV sẽ không khởi sắc

CTCK MB (MBS)

SBA công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2015 không được khả quan. Theo đó, doanh thu đạt mức 99 tỷ VNĐ, giảm 29% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 10.6 tỷ VNĐ, giảm 74.5% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính khiến doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh trong năm 2015 là do sản lượng điện sản xuất của Công ty giảm đáng kể khi điều kiện thủy văn không thuận lợi. Cụ thể, sản lượng điện giảm 16.27 triệu Kwh điện, giảm 31.4% so với cùng kỳ. Chi phí lãi vay của SBA cũng tăng khá đáng kể với mức tăng thêm 6.6 tỷ VNĐ, do Công ty không còn được hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay đầu tư thủy điện Khe Diên.

Mặc dù quý IV thường là một trong hai quý cao điểm lợi nhuận của SBA song với tình hình lượng nước về hồ trong các tháng qua không khả quan do hiện tượng El nino, trong khi cao điểm mùa mưa đã gần hết, Chúng tôi đánh giá nhiều khả năng kết quả kinh doanh quý IV/2015 của SBA cũng sẽ không khởi sắc đáng kể so với quý III.

Hiện tại, nhà máy thủy điện Khe Diên của SBA đang tạm dừng để dự phòng, trong khi đó nhà máy thủy điện Krong Hnang đang hoạt động bình thường. Sản lượng điện trong tháng 10 của Krong Hnang không cao, chỉ đạt mức 12,78 triệu KWh điện.

Tin bài liên quan