Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 27/10 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/10

SAM: Khuyến nghị theo dõi

CTCK MaritimeBank (MSBS)

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển SACOM được thành lập từ năm 1986. Vào ngày 02/06/2000, công ty trở thành 1 trong 2 doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã giao dịch là SAM. Khởi đầu từ lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất và phân phối các loại cáp và dây cáp, hiện nay SACOM đang phát triển theo hướng tập đoàn đã ngành bằng việc mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản, đầu tư tài chính.

Kết quả kinh doanh 9 tháng 2014: Theo báo cáo tài chính công ty 9 tháng đầu năm 2014 mới được công bố, lũy kế 9 tháng doanh thu và lợi nhuận của công ty mẹ SAM đạt 1.408 tỷ đồng và 742 triệu đồng, giảm 22% và gần 99% so với cùng kỳ năm 2013. Kết quả kinh doanh doanh công ty mẹ chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính do lĩnh vực kinh doanh cốt lõi cáp và vật liệu viễn thông đã chuyển sang công ty TNHH dây và cáp SACOM. Như vậy, kết quả kinh doanh hợp nhất của SAM có thể sẽ khả quan hơn.

Triển vọng năm 2014: Doanh thu chính đến từ mảng kinh doanh cáp và vật liệu viễn thông; bất động sản chưa có nhiều đột biến, định hướng thoái vốn đầu tư tài chính: Năm 2014, SAM đạt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 1.243 tỷ đồng và 135 tỷ đồng.

- Kinh doanh cáp và vật liệu viễn thông: Đây vẫn sẽ là mảng hoạt động cốt lõi, dự kiến đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu và lợi nhuận của SAM. Mảng dây cáp của công ty được dự kiến có thể tăng trưởng 12% trong năm 2014. Tuy nhiên mảng hoạt này của công ty đang phải chịu sự cạnh tranh lớn trong nước khiến biên lợi nhuận của công ty đang có xu hướng sụt giảm. Trong năm 2014, công ty định hướng mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.

- Xây dựng và kinh doanh bất động sản: Chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2014, SAM đạt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế cho mảng hoạt động này là 155 tỷ đồng và 7 tỷ đồng.

- Đầu tư tài chính: Lợi nhuận từ đầu tư tài chính giảm mạnh trong năm 2014 khi công tư có chủ trương thực hiện thanh lý gần hết các khoản đầu tư tài chính nhằm tập trung vốn cho lĩnh vực bất động sản. Các khoản đầu tư cổ phiếu còn lại của SAM đều không có nhiều khả năng đem lại lợi nhuận cho công ty.

VNPT thoái vốn tại SAM: Thực hiện chủ trương của Chính phủ theo quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 10/06/2014, VNPT đã tìm kiếm đối tác và thoái vốn thành công tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom. Cụ thể, Số lượng, tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ trước khi thoái vốn là 40.596.532 cổ phiếu, chiếm 31,02% vốn điều lệ Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom. Số lượng cổ phiếu bán là 40.577.792 cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu nắm giữ sau khi thoái vốn là 18.470 cổ phiếu.

Hiện nay cổ phiếu SAM của công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển SACOM đang được giao dịch tại mức giá là 12.800 đ/cp tương ứng với P/E là 20 lần và P/B là 0,69 lần. Với mức định giá P/E tương đối cao và triển vọng 2014 không tích cực, chúng tôi chỉ khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu SAM.

RAL: Sẽ hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh cả năm

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

RAL công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 với doanh thu 1.895 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 44,3 tỷ đồng , giảm 37% so với cùng kỳ. Chúng tôi cho rằng mức tăng doanh thu chủ yếu đến từ sự tăng trưởng của sản phẩm mới. Trước bối cảnh các mặt hàng đèn chiếu sáng chủ lực (huỳnh quang, compact) đã bão hòa và đang chuyển sang sử dụng đèn LED, đồng thời các đối thủ lớn như Philips, Điện Quang…đều đang nâng công suất đèn LED, RAL đang thúc đẩy mạnh doanh số sản phẩm đèn LED tại thị trường nội địa và xuất khẩu từ cuối 2013.

Nhờ sản phẩm mới có biên lợi nhuận ròng tốt hơn nên lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm 2014 tăng 24% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng của doanh thu. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 20,7% 9 tháng đầu năm 2013 lên 21% 9 tháng đầu năm 2014. Chi phí tài chính ròng tăng 4,6x so với cùng kỳ lên 31 tỷ đồng do mất đi đóng góp từ lãi tỷ giá và khoản thu phạt trả chậm của lô hàng bán cho Cuba từ 2007 nên doanh thu tài chính giảm 58% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng 2 điểm phần trăm lên mức 16% do tăng chi phí để mở rộng thị phần cho sản phẩm mới cao lên. Lợi nhuận sau thuế giảm 37% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, công ty đã hoàn thành 80% và 87% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Với quý IV thường là mùa cao điểm, chúng tôi cho rằng RAL có khả năng vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Doanh thu cả năm 2014 ước tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 2.596 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 2014 ước giảm 29% so với cùng kỳ, còn 60,8 tỷ đồng. EPS dự phóng đạt 5.290 đồng; P/E dự phóng đạt 8,4 lần, tương đương trung bình lịch sử.

BMP: Lợi nhuận cả năm dự phóng đạt 264 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

BMP vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 1796 tỷ VNĐ, tăng 13.2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đat 274 tỷ VNĐ, giảm 3% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng lợi nhuận của BMP đang cho thấy dấu chững lại trong vài quý gần đây sau một thời gian dài ổn định. Nguyên nhân chính đến từ các chi phí trung gian như giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý gia tăng nhanh hơn doanh thu.

Áp lực cạnh tranh trên thị trường tăng cao khiến BMP không thể tăng giá sản phẩm để bù đắp sự gia tăng chi phí như trong quá khứ khiến biên lợi nhuận gộp thấp hơn. Chi phí quản lý gia tăng do BMP phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi hơn 12 tỷ VNĐ. Chi phí bán hàng gia tăng khi Công ty phải tăng chi phí quảng cáo, khuyến mại và chiết khấu cho các đại lý nhằm giữ thị phần.

Dự án xây dựng nhà máy thứ tư của BMP tại Long An đang được triển khai. Dự kiến khi dự án trên hoàn thành từ năm 2018 sẽ nâng tổng công suất thiết kế toàn công ty lên trên 200.000 tấn sản phẩm/năm.

Chúng tôi dự phóng, lợi nhuận sau thuế của BMP sẽ đạt mức 264 tỷ VNĐ trong năm 2014, tương ứng với mức EPS là 8,000 VNĐ/cp.

SBA: Khuyến nghị mua trong trung hạn

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Trong quý III/2014, SBA công bố kết quả kinh doanh khá khả quan với doanh thu tăng 20% và lợi nhuận sau thuế tăng 16% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng này là sản lượng điện tiêu thụ trong quý 3 tăng 30% so với cùng kỳ đạt 52 triệu KwH và giá bán điện tăng bình quân cũng tăng 3% so với quý 3 năm 2013. Ngoài ra, trong kỳ, SBA còn nhận được khoản hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 5 tỷ đồng.

Do tính mùa vụ của các doanh nghiệp thủy điện, sản lượng điện tiêu thụ thường tập trung nhiều vào quý IV. Trên cơ sở đó, chúng tôi ước tính sản lượng điện kinh doanh của SBA trong quý IV năm nay vào khoảng 111 triệu Kwh. Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý IV được dự báo sẽ tăng khoảng 2 lần so với quý 3. Tuy vậy, so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế quý IV vẫn có thể giảm nhẹ do năm 2013, nhà máy Krông H’Năng được miển thuế TNDN nhưng năm nay mức ưu đãi chỉ còn 50%. Tính chung cả năm 2014, doanh thu và lợi nhuận sau thuế có thể đạt lần lượt 273 tỷ đồng và 97 tỷ đồng, tăng 23% và 45,8% so với năm 2013; EPS cả năm ước đạt 1.611 đồng/cp.

Về dài hạn, tiềm năng tăng trưởng của SBA đến chủ yếu từ khả năng tăng trưởng cả giá bán và sản lượng tiêu thụ. Với đà tăng trưởng kinh tế hiện tại, nhu cầu điện trong các năm tới là rất lớn. Theo Quy hoạch điện Việt Nam VII, tăng trưởng sản lượng điện cả nước bình quân trong giai đoạn 2015-2020 là 11,5%/năm. Trong đó, việc nhà máy Krông H’năng công suất 67MW hiện đã vận hành theo cơ chế phát điện cạnh tranh là một lợi thế lớn của SBA.

Tuy nhiên, quan ngại của chúng tôi đối với SBA hiện nay là khả năng mở rộng sản xuất của doanh nghiệp khi mà việc triển khai nhà máy Krông H’năng GĐ 2 và Sông Tranh GĐ 1 hiện vẫn gặp khó khăn do chưa tìm được nguồn vốn đầu tư với chi phí hợp lý (tổng vốn đầu tư 2 dự án là 960 tỷ).

Với các luận điểm trên, chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA trong TRUNG HẠN cổ phiếu SBA với giá mục tiêu 14.500 đồng/cp.

Tin bài liên quan