Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/1

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/1

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 27/1 của các công ty chứng khoán.

KHA: Khuyến nghị mua

CTCK APEC (APS)

Chúng tôi định giá mỗi cổ phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu Khánh Hội (KHA – sàn HOSE) ở mức 37,760 đồng. Giá hiện tại của KHA là 27,000 đồng. Do đó chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư mua cổ phiếu này với tầm nhìn đầu tư 1 năm, lợi nhuận kỳ vọng 40%.

* Điểm nổi bật:

Hoạt động chính của Khahomex gồm hoạt động phát triển dự án bất động sản, cho thuê văn phòng và cung cấp các dịch vụ như đào tạo mầm non và quản lý cao ốc.

Nhờ vị trí thuận lợi và sự phát triển cơ sở hạ tầng của Quận 4, cùng với giá cho thuê rẻ, việc kinh doanh văn phòng cho thuê của Khahomex đã đem lại nguồn doanh thu cao và ổn định. Phần diện tích mới từ các dự án hiện tại hứa hẹn sẽ tạo ra doanh thu cho thuê văn phòng lớn hơn nhiều lần so với hiện tại

Các hoạt động dịch vụ của Khahomex như giáo dục mầm non, quản lý cao ốc và dịch vụ đám cưới đem lại nguồn doanh thu và lợi nhuận ổn định hàng năm. Các sản phẩm này không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn gia tăng giá trị cho các sản phẩm bất động sản của Khahomex.

Các dự án bất động sản hiện tại của Khahomex như chung cư Trúc Giang hay Khahomex Parkview hứa hẹn đem lại lợi nhuận lớn trong tương lai. Các dự án này có nhiều điểm tương tự với các dự án thành công trước đây như Chung cư Khánh Hội 1, 2 và 3 nên có tiềm năng lớn và ít rủi ro.

Với Khahomex, chúng tôi đánh giá cao của đội ngũ lãnh đạo của Công ty. Đây là những người có tầm nhìn, có khả năng và có sự thận trọng. Họ đã thay đổi thành công Khahomex, đem lại nhiều lợi nhuận cho cổ đông. Trong tương lai, chúng tôi tin rằng họ sẽ tiếp tục đưa Khahomex đến nhiều thành công mới.

Các điều kiện thuận lợi về kinh tế và lãi suất cùng nhu cầu về nhà ở còn rất lớn của người dân sẽ giúp thị trường bất động sản phục hồi và phát triển nhanh trong những năm tới. Khaomex sẽ được hưởng lợi từ điều kiện khách quan này.

* Điểm hạn chế: Sau nhiều năm đầu tư khai thác, quỹ đất của Khahomex đã giảm đi đáng kể. Thêm vào đó, sự khó khăn của cả thị trường bất động sản trong những năm qua đã làm Khahomex không thực hiện được thêm dự án lớn nào kể từ 2011 đến nay.

>> Tải báo cáo

DMC: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBankKimEng (MBKE)

Quý IV/2014, CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (mã DMC) lãi ròng tăng 20,9% cùng kỳ dù doanh thu thuần giảm 9,3% cùng kỳ. Tiếp tục quá trình tái cơ cấu danh mục hàng hoá theo hướng tập trung vào hàng sản xuất và các mặt hàng có biên lợi nhuận cao đồng thời ngưng phân phối các sản phẩm không hiệu quả, doanh thu hàng sản xuất quý IV/2014 của DMC tăng 3% cùng kỳ trong khi doanh thu từ mảng phân phối giảm mạnh 40% cùng kỳ.

Theo đó, tỷ trọng doanh thu hàng sản xuất quý IV/2014 đã tăng mạnh lên mức 82%, so với mức 72% của cùng kỳ năm trước. So với mảng phân phối, biên lợi nhuận gộp bình quân của nhóm hàng sản xuất gấp 6-7 lần. Nhờ vậy, biên lợi nhuận gộp của DMC đã cải thiện thêm 1 điểm % cùng kỳ, đạt 29,5% trong quý IV/2014. Ngoài ra, chi phí bán hàng cũng được kiểm soát tốt hơn, giúp tỷ lệ CPBH/DT giảm đáng kể từ mức 12,2% trong quý IV/2013 xuống còn 9,5% trong quý IV/2014. Nhờ đó, dù doanh thu thuần quý IV/2014 giảm 9,3% cùng kỳ, xuống còn 383,9 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế quý IV/2014 vẫn tăng mạnh 20,9% cùng kỳ, đạt 36,9 tỷ đồng.

Doanh thu thuần 2014 tăng nhẹ 4% cùng kỳ, đạt 1.484,8 tỷ đồng.... Trong đó, tỷ trọng doanh thu đóng góp từ hàng sản xuất đạt 77%, so với mức 71% trong 2013. Điều này là do doanh thu hàng sản xuất tăng 12% cùng kỳ trong 2014, trong khi doanh thu mảng phân phối trong kỳ giảm 15% n/n. Lưu ý, tăng trưởng doanh thu cả năm 2014 của DMC thấp hơn nhiều so với mức tăng 20,8% hồi 6 tháng năm 2014. Nguyên nhân là do quá trình tái cơ cấu danh mục sản phẩm, đặc biệt là việc ngưng phân phối các sản phẩm không hiệu quả được tiến hành chủ yếu trong quý III và quý IV/2014. Do vậy, biên lợi nhuận gộp cả năm 2014 nhìn chung không nhiều thay đổi. ...

nhưng lợi nhuận sau thuế 2014 tăng mạnh 24,9% năm trước, đạt 132,4 tỷ đồng, nhờ:(1)tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu giảm 1,8 điểm % năm trước; và (2)chi phí tài chính ròng giảm, chủ yếu nhờ khoản dự phòng đầu tư tài chính giảm từ 5,3 tỷ đồng trong 2013 xuống còn hơn 500 triệu đồng trong 2014. Trong kỳ, DMC đã thoái vốn hoàn toàn khỏi các khoản đầu tư tài chính, cụ thể là tại CTCP Dược phẩm An Giang. Kết quả lãi ròng này cũng sát với dự báo của chúng tôi (133,1 tỷ đồng).

Biên lợi nhuận ròng cải thiện. Lãi ròng tăng trưởng cao hơn doanh thu giúp biên lợi nhuận ròng của DMC cải thiện từ mức 7,4% trong 2013 lên 8,9% trong 2014, cao hơn đáng kể so với mức bình quân 7,3% của giai đoạn 2009- 2013. Chúng tôi cho rằng, xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong 2015 khi mục tiêu của DMC trong giai đoạn này vẫn là tập trung đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của công ty. Duy trì khuyến nghị MUA. Với kỳ vọng hiệu quả từ việc tái cơ cấu sẽ tiếp tục trong 2015, chúng tôi dự báo doanh thu và lãi ròng 2015 của DMC sẽ tăng lần lượt khoảng 10% và 15% n/n. DMC đang giao dịch ở mức PE 2015 hấp dẫn, chỉ 7,6 lần, so với mức khoảng 11 lần bình quân ngành. Duy trì khuyến nghị MUA, mục tiêu 56.000 đồng/cp.

VPK: PE dự báo khoảng 7 lần

CTCK MayBankKimEng (MBKE)

Không còn được hưởng lợi từ những hợp đồng có giá bán tốt như năm trước, kết quả kinh doanh 2014 bị sụt giảm mạnh về doanh thu lẫn lợi nhuận sau thuế. Kết thúc 2014, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VPK đạt lần lượt 298 tỷ và 23 tỷ, giảm 21% và 50% so với năm 2013. Trong bối cảnh sản lượng bán ra vẫn không đổi, giá bán giảm mạnh, ước khoảng 20% năm trước, là nguyên nhân chính đã khiến doanh thu sụt giảm. Bên cạnh đó, chi phí giấy nguyên liệu (chiếm 74% giá vốn thành phẩm) cũng tăng lên nên biên lợi nhuận gộp giảm 3 điểm phần trăm. Lợi nhuận gộp giảm 40% năm trước và đạt 50,3 tỷ. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 0,6 điểm phần trăm nên lợi nhuận từ HĐKD giảm 53% năm trước. Nhờ lãi vay giảm nên lỗ từ HĐ tài chính còn âm 621 triệu, cải thiện so với mức 930 triệu của năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 23,4 tỷ.

Điểm sáng cho VPK là trong quý IV/2014, doanh thu giảm 10% n/n, thấp hơn so với mức trung bình 25% của 3 quý đầu năm. Điều này cho thấy khả năng giá bán đang có chiều hướng cải thiện. Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp quý IV/2014 của VPK đã cải thiện vượt trội đạt 20% từ mức trung bình 17% trong 9 tháng đầu năm 2014. Lợi nhuận sau thuế quý IV/2014 tăng 10% n/n. Trước dấu hiệu khởi sắc này, HĐQT đã ra kế hoạch 2015 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 320 tỷ và 24 tỷ đồng, +7% và +2% cùng kỳ. Do phải chi trả lãi vay cho dự án trong 2015 nên lợi nhuận sau thuế kế hoạch tăng thấp hơn mức tăng trưởng của doanh thu. Trong 2015, VPK dự kiến tiến hành đầu tư dự án mở rộng của nhà máy bao bì thùng carton với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Dự kiến trong 2015 sẽ giải ngân 150 tỷ cho giai đoạn 1 với 70% nguồn vốn đầu tư được vay của ngân hàng. Theo ước tính đầu 2016, giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động giúp sản lượng tăng khoảng 30%.

Với mục tiêu tăng trưởng như kế hoạch đề ra, chúng tôi cho rằng VPK có khả năng đạt được. Tuy nhiên, để có mức tăng trưởng đột biến như năm 2012 & 2013 là điều khó dự báo. Mặc dù VPK và VNM là đối tác trong hoạt động SXKD, tuy nhiên, sản phẩm VPK cung cấp là hàng công nghiệp phụ trợ nên khó có thể đạt mức tăng trưởng mạnh như hàng tiêu dùng – sữa tươi của VNM. Điểm hấp dẫn đối với VPK là mức chỉ trả cổ tức 20%, tương ứng lợi suất cổ tức là 9,7%. Với kế hoạch lợi nhuận sau thuế như trên, EPS 2015 dự báo khoảng 3.000 đồng, PE tương ứng khoảng 7 lần, tương đương trung bình ngành.

FCN: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBankKimEng (MBKE)

FCN di chuyển theo xu hướng giảm liên tục từ tháng 9/2014. Bước sang năm 2015, sự chuyển biến đã xuất hiện khi đường giá bắt đầu hồi phục.  

Phiên hôm nay đánh dấu sự bứt phá của đường giá, thành công vượt đường xu hướng giảm trung hạn và đồng thời vượt MA trung hạn.  

Xu hướng của FCN vì vậy chuyển sang tăng.

Thanh khoản có cải thiện, đặc biệt mạnh trong phiên bứt phá kháng cự hôm nay. Nếu KLGD được duy trì như hiện tại, dòng tiền được nhìn nhận sẽ mở rộng với FCN.  

Chỉ báo kỹ thuật cố lên vùng tích cực. MACD đang tăng nhanh về sát bên dưới đường 0, nếu thành công cắt lên trên mức này, sự ủng hộ dành cho đường giá sẽ rõ nét hơn.

Chiến lược đầu tư:  NĐT có thể xem xét mua vào FCN ở quanh mức giá hiện tại 21.9  Mục tiêu đầu tiên: 25.0 (+14,2%) Mức dừng lỗ: 20.3 (-7,3%).

HNM: Hoạt động kinh doanh sẽ khó khăn hơn

CTCK MB (MBS)

HNM công bố BCTC quý VI/2014. Theo đó, doanh thu đạt 66 tỷ VNĐ, tăng 56% so với cùng kỳ 2013; lãi ròng đạt 387 triệu, giảm 67% so với cùng kỳ 2013. Tính chung cả năm 2014, HNM đạt 221.87 tỷ doanh thu thuần, giảm 7% so với năm 2013; Lãi ròng cả năm đạt 160 triệu, giảm 95% so với kết quả năm 2013.

Hoạt động kinh doanh của HNM chủ yếu là sản xuất kinh doanh sữa nước, những sản phẩm chính của Công ty là nhãn hiệu IZZI, Yotuti, Sữa tươi Hanoimilk 100%. Nhìn chung vị thế kinh doanh của Công ty là yếu khi mảng hoạt động này Công ty chịu áp lực cạnh tranh ác liệt từ các Doanh nghiệp lớn trong ngành là Cô Gái Hà Lan, Vinamilk và THtrue milk.

Năng lực tài chính và sản xuất yếu khiến Công ty hoàn toàn lép vế tại các kênh phân phối chính so với các doanh nghiệp trên và chiếm thị phần không đáng kể. Thị phần của Công ty đang trong giai đoạn co hẹp.

Mặc dù trong quý 4 2014, chi phí đầu vào của HNM giảm mạnh nhờ giá sữa bột trên thị trường thế giới giảm mạnh (khoảng 50% so với cùng kỳ), song áp lực cạnh tranh mạnh khiến Công ty vẫn gần như không có lãi.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý trong kỳ tăng mạnh trong quý IV/2014, cụ thể, chi phí bán hàng quý 4/2014 tăng 98% so với cùng kỳ lên 15.4 tỷ, chi phí quản lý tăng 37% lên 2.7 tỷ.

Chúng tôi đánh giá, hoạt động kinh doanh của HNM sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.

Tin bài liên quan