Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/11

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/11

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 26/11 của các công ty chứng khoán.

Cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu APC trở về vùng giá 24-25

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu APC của Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú vừa hình thành phiên bứt phá vượt ngưỡng tích lũy 20.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ nhịp hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku trong phiên hôm nay, cho thấy tín hiệu khởi đầu xu hướng tăng giá trung hạn.

Như vậy, nhà đầu có thể mở vị thế cổ phiếu quanh vùng giá 21.5-22.0 và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu trở về vùng giá 24-25, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 20.5.

Khuyến nghị mua cho QNS với giá mục tiêu 40.200 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Điểm nhấn đầu tư đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS): Hồi phục nhu cầu tiêu thụ sữa đậu nành hậu Covid. Trong kịch bản diễn biến dịch bệnh được kiểm soát tốt như hiện tại, chúng tôi kì vọng sản lượng tiêu thu sẽ phục hồi rõ nét trong quý 4, giúp thu hẹp mức giảm doanh thu trong năm 2020, ước giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, kỳ vọng vào các chính sách bảo hộ các doanh nghiệp ngành đường trong nước. Bộ Công Thương gần đây đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trên cơ sở Hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước.

Ngoài ra, kỳ vọng vào diễn biến khởi sắc của giá đường trong thời gian tới. Giá đường trong nước nhận được một số yếu tố hỗ trợ tích cực trong thời gian tới đến từ: 1) giá đường thế giới phục hồi; 2) nguồn cung nhập khẩu giảm sút nếu Bộ Công Thương ra quyết định áp thuế bảo hộ; 3) nguồn cung trong nước gặp nhiều thách thực do sản lượng mía suy giảm; 4) nhu cầu tiêu thụ đường tăng lên vào thời điểm cuối năm.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua với mã cổ phiếu QNS, doanh nghiệp sản xuất sữa đậu nành, đường hàng đầu Việt Nam nhờ sự phục hồi tiêu thụ sữa đậu nành cùng với việc hưởng lợi từ xu hướng của giá đường tăng và kỳ vọng vào khả năng sẽ có những biện pháp bảo hộ ngành đường của Chính phủ. Giá mục tiêu 40.200 đồng/CP, theo phương pháp định giá so sánh P/E.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cho DHC với giá mục tiêu 66.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) công bố tài liệu ĐHCĐ bất thường dự kiến tổ chức ngày 10/12/2020. Theo tài liệu này, ĐHCĐ tăng lợi nhuận sau thuế mục tiêu cho năm 2020 từ 200 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, thấp hơn một chút so với dự báo của chúng tôi là 325 tỷ đồng.

Công ty cũng tăng mức thanh toán cổ tức cho năm tài chính 2020 từ 30% mệnh giá lên 45%. Tuy nhiên, tỷ lệ cụ thể giữa cổ tức cổ phiếu và cổ tức tiền mặt chưa được công bố. Chúng tôi hiện dự báo cổ tức tiền mặt đạt 2.000 đồng/CP (lợi suất 3,7%) cho năm tài chính 2020.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho DHC với giá mục tiêu 66.800 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 26,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,7%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Khuyến nghị mua cho PHR với giá mục tiêu 70.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) công bố sẽ thanh toán cổ tức tiền mặt tạm ứng cho năm tài chính 2020 ở mức 2.500 đồng/CP, tương ứng với lợi suất cổ tức 3,9%. Ngày chốt danh sách là ngày 10/12/2020, và ngày thanh toán là ngày 04/02/2021.

Chúng tôi hiện đang dự phóng PHR sẽ thanh toán cổ tức tiền mặt 4.000 đồng/CP cho năm tài chính 2020 – tương ứng với lợi suất cổ tức 6,2% - phù hợp với mức cổ tức tối thiểu 40% mệnh giá mà PHR đã công bố tại ĐHCĐ thường niên 2020 của công ty.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho PHR với giá mục tiêu 70.800 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 15,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 6,2%.

Khuyến nghị mua cho BVH với giá mục tiêu 68.400 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho Tập đoàn Bảo Việt (BVH) và nâng giá mục tiêu 15,0% lên 68.400 đồng/CP. Mức tăng trong giá mục tiêu của chúng tôi chủ yếu đến từ mức tăng 18,6% trong dự phóng thu nhập ròng 2021 cũng như tác động tích cực từ việc cập nhật mô hình định giá đến cuối 2021 và việc giảm 1,2 điểm % trong dự phóng chi phí vốn của chúng tôi.

Chúng tôi nâng thu nhập ròng 2020/2021/2022 thêm lần lượt 18,6%/18,6%/22,1% chủ yếu do (1) mức giảm trung bình 2,2% trong chi phí dự phòng toán học dựa trên kỳ vọng của chúng tôi về sự phục hồi của lợi suất trái phiếu Chính phủ (2) mức tăng trung bình 2,0% trong thu nhập tài chính ròng và (3) mức giảm trung bình lần lượt 5,9% và 2,6% trong tỷ lệ bồi thường ròng và chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm. 3 khoản mục này phần nào bù đắp cho mức giảm trung bình 4,2% trong dự báo doanh thu phí bảo hiểm gộp (GWP) của chúng tôi.

Rủi ro tăng giá: Bất kỳ sự thay đổi nào trong luật lệ cho phép một mức trần cao hơn trong phương pháp tính lãi suất kỹ thuật để ước lượng chi phí dự phòng toán học có thể dẫn đến chi phí toán học dự phòng thấp hơn so với dự báo của chúng tôi.

Rủi ro giảm giá: Thời gian lợi suất trái phiếu duy trì ở mức thấp kéo dài có thể ảnh hưởng đáng kể đến định giá của chúng tôi.

Khuyến nghị mua cho NLG với giá mục tiêu 38.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) trong khi tăng giá mục tiêu thêm 11% lên 38.000 đồng/CP, chủ yếu đến từ cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2021 và tỷ lệ WACC thấp hơn do chi phí vốn chủ sở hữu dự phóng thấp hơn của chúng tôi.

Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 thêm 3% còn 853 tỷ đồng (giảm 11% so với năm trước) khi chúng tôi dời việc ghi nhận diễn biến thoái vốn khỏi dự án Paragon sang năm 2021 trong khi tiếp tục kỳ vọng bàn giao tại dự án Southgate P1 và khoản lãi từ thoái vốn một nửa khỏi dự án Waterfront sẽ được ghi nhận trong quý 4.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 tăng 37% so với năm 2020 đạt 1,2 nghìn tỷ đồng – nhìn chung không đổi so với dự báo trước đây của chúng tôi – chủ yếu đến từ (1) kế hoạch bàn giao tại dự án Akari City P1 và Southgate P1 cũng như (2) khoản lãi từ thoái vốn toàn bộ khỏi dự án Paragon.

Chúng tôi duy trì dự báo giá trị hợp đồng bán hàng đạt 4,6 nghìn tỷ đồng (giảm 16%) khi chúng tôi tiếp tục kỳ vọng NLG sẽ mở bán Mizuki Park P2 trong vài tuần tiếp theo.

Chúng tôi cho rằng định giá hiện tại của NLG là hấp dẫn tại P/E dự phóng năm 2021 là 6,9 lần và P/B là 1,1 lần cùng với PEG giai đoạn 2019-2022 là 0,8 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi. Chúng tôi kỳ vọng tâm lý thị trường đối với NLG sẽ duy trì mạnh mẽ trong bối cảnh triển vọng lợi nhuận và doanh số bán hàng tích cực trong quý 4/2020.

Rủi ro: trì hoãn mở bán lô tiếp theo của dự án Akari City và Mizuki Park.

Khuyến nghị mua cho VRE với giá mục tiêu 40.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Vincom Retail (VRE) trong khi tăng giá mục tiêu 14% đạt 40.000 đồng/CP, chủ yếu do 1) cập nhật mô hình giá mục tiêu đến cuối năm 2021, 2) giả định tỷ lệ vốn hóa (cap rate) thấp hơn cho các trung tâm thương mại VCC và VMM, và 3) tỷ lệ WACC thấp hơn đến từ giả định chi phí vốn chủ sở hữu thấp hơn.

Chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 đạt 2,1 nghìn tỷ đồng (giảm 27% so với năm trước) khi kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2020 nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.

Chúng tôi cũng kỳ vọng việc nâng cấp cơ cấu khách thuê sắp tới tại một số trung tâm thương mại và kỳ vọng của chúng tôi cho lưu lượng khách gia tăng tại các trung tâm thương mại của VRE trong mùa lễ hội cuối năm sẽ hỗ trợ lợi nhuận của VRE trong quý 4/2020.

Chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 đạt 3 nghìn tỷ đồng (+45% so với năm 2020) sẽ được hỗ trợ bởi sự phục hồi của mảng cho thuê bán lẻ từ mức cơ sở thấp của năm 2020 một phần do gói hỗ trợ khách thuê của VRE, cũng như đóng góp từ các dự án đại trung tâm thương mại mới.

Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2021-2024 đạt 16% cho tổng diện tích sàn bán lẻ gộp (GFA) của VRE khi chúng tôi kỳ vọng VRE sẽ thực hiện trở lại kế hoạch triển khai trung tâm thương mại trong năm 2021 sau khi trì hoãn phần lớn các trung tâm thương mại mới trong năm 2020.

Định giá của VRE hấp dẫn tại P/E năm 2021 đạt 21,2 lần (dựa theo dự báo của chúng tôi) so với trung vị P/E của các công ty cùng ngành trong khu vực là 29,6 lần (dựa theo dự báo chung của Bloomberg).

Rủi ro: hoạt động bán lẻ có khả năng bị ảnh hưởng nếu có các đợt bùng phát dịch COVID-19 khác.

Tin bài liên quan