Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/6

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/6 của các công ty chứng khoán.

DRC: Khuyến nghị nắm giữ dài hạn

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Trong báo cáo lần đầu về CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC), chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ dài hạn. Nhà đầu tư nên chờ đợi và cân nhắc mua vào tại ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật là 45.000 đồng/cổ phiếu.

Dự án lốp radial sẽ là động lực cho sự tăng trưởng: Hệ số sử dụng công suất của các sản phẩm truyền thống đang ở mức cao, nên tốc độ tăng trưởng trong tương lai sẽ phụ thuộc lớn vào sự thành công của dự án lốp radial. Dự án lốp radial giai đoạn 2 kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động từ năm 2017, có công suất thiết kế bằng với giai đoạn 1 nhưng vốn đầu tư chỉ khoảng 40%, do vậy sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận của công ty khi được đưa vào hoạt động.

Khả năng sinh lợi hiện ở mức cao nhưng dự kiến sẽ giảm dần: DRC có khả năng sinh lợi ấn tượng trong các năm qua, tuy nhiên những chỉ số này dự kiến sẽ giảm dần trong tương lai do:

- Biên lợi nhuận của lốp radial ở mức thấp: Sản phẩm lốp radial sẽ có đóng góp lớn vào sự tăng trưởng doanh thu, tuy nhiên biên lợi nhuận thấp hơn các sản phẩm truyền thống và phải chịu chi phí khấu hao lớn.

- Chi phí đầu vào ổn định: Chúng tôi kỳ vọng giá cao su thiên nhiên sẽ dần phục hồi, dẫn đến biên lợi nhuận của DRC sụt giảm.

Thị trường săm lốp trong nước sẽ tăng trưởng mạnh trong khi thị trường xuất khẩu rất tiềm năng: Thị trường ô tô Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới nhờ vào: quy định mới về giới hạn tải trọng phương tiện lưu thông, và việc xóa bỏ thuế nhập khẩu xe ô tô từ năm 2018 theo ATIGA. Thị trường xuất khẩu sẽ rất tiềm năng khi TPP được thông qua.

Đang được định giá cao hơn so với các công ty cùng ngành trong khu vực: DRC đang giao dịch tại mức P/E tương đối cao hơn nhiều so với nhóm tương đương cùng ngành trong khu vực. P/E tương đối cao hơn là hợp lý do DRC có tiềm năng tăng trưởng lớn và biên lợi nhuận tốt hơn, tuy nhiên chúng tôi cho rằng mức thặng dư này hiện quá cao.

HHG: Khuyến nghị mua vào

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu HHG vì những lý do sau:

Công ty đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh về lợi nhuận: Sau giai đoạn lợi nhuận thấp do ghi nhận chi phí đầu tư và lãi suất cao cho Bến xe khách – Tòa nhà Văn phòng Hoàng Hà, công ty đang bước vào thời kỳ tăng trưởng mạnh về lợi nhuận từ hoạt động vận tải, cho thuê tòa nhà và thanh lý tài sản. Năm 2015, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 565% so với số thực hiện năm 2014 và được đánh giá là khả thi.

P/E dự phóng 2015 ở mức rất hấp dẫn: Thu nhập trên cổ phiếu (EPS) dự phóng cho năm 2015 của HHG đạt khoảng 2.000 đ/cp, tương ứng với hệ số P/E 5,3x, thấp hơn nhiều so với mức P/E bình quân của ngành vận tải hiện nay (20,5x) và của VN-Index (12,7x).

Triển vọng lợi nhuận dài hạn từ hợp tác đầu tư dự án BT đường Kỳ Đồng kéo dài và hai dự án đối ứng: Công ty đang thực hiện hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Thăng Long góp vốn đầu tư dự án BT đường Kỳ Đồng kéo dài và hai dự án đối ứng với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.885 tỷ đồng (HHG góp 282 tỷ đồng). Dự án nằm trong khu vực trung tâm chính của Thái Bình và dự kiến mang lại lợi nhuận rất lớn cho HHG trong tương lai.

Đồ thị kỹ thuật nằm trong nhịp điều chỉnh ngắn hạn: Giá cổ phiếu HHG đã vượt qua đường MA50 để hình thành một xu hướng tăng giá trung hạn. Sau khi tăng nhanh tới mức giá 14.600 đồng, cổ phiếu HHG đã điều chỉnh ngắn hạn về kiểm tra vùng hỗ trợ trung hạn tại 9.500-10.000 đồng/cp, tạo bởi đường MA50 ngày. Lực bán ra không mạnh, do đó chúng tôi tin rằng HHG sẽ sớm tìm lại điểm cân bằng quanh vùng hỗ trợ này.

VHC: PE thấp hơn trung bình ngành, ở mức 8,2 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Ngày 6/7/2015 là ngày chốt quyền tạm ứng cổ tức (đợt 1) năm 2015 bằng tiền tỷ lệ 10% (1.000 đồng) của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC). Thời gian thanh toán vào ngày 22/7/2015. Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch tổng mức cổ tức 2015 là 15% bằng tiền mặt, tương ứng lợi suất cổ tức là 4%. Tỷ lệ chi trả cổ tức/EPS của 2015 ước khoảng 34%. Như vậy, còn lại 5% sẽ được chi trả vào đợt 2. VHC sẽ cần khoảng 92 tỷ cho đợt tạm ứng cổ tức đợt này và nguồn vốn để thực hiện chi trả cổ tức được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối đến thời điểm hiện tại. Tính đến hết quý I/2015, lợi nhuận giữ lại của VHC là 828 tỷ.

VHC công bố giá trị xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 32% n/n, tương đương 103 triệu USD và đang giữ vị thế đứng đầu trong ngành. ĐHCĐ của VHC đã thông qua kế hoạch 2015 với mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 240 triệu USD. Như vậy, kết thúc 5 tháng 2015 VHC đã hoàn thành 43% kế hoạch kim ngạch xuất khẩu.

EPS 2015 ước đạt 4.389 đồng/cp, tương đương PE 2015 là 8,2 lần, thấp hơn mức 10 lần của trung bình ngành.

TTF: PE dự kiến ở mức 9,3 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF) đã thực hiện phát hành cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10:4, tương đương khoảng 40 triệu cổ phần. Theo kế hoạch ban đầu, Công ty dự kiến sẽ thu về 400-600 tỷ đồng tiền mặt từ đợt phát hành này. Tuy nhiên, chỉ có 2 triệu cổ phần được chào bán, tương đương tỷ lệ 5%. Do vậy, TTF quyết định phân phối gần 38 triệu cổ phiếu còn lại cho các nhà đầu tư bên ngoài là cá nhân hoặc tổ chức với giá không thấp hơn mệnh giá. Thời gian phân phối trong tháng 6/2015.

Bên cạnh đó, Ông Võ Trường Thành - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TTF vừa đăng ký bán ra 3 triệu cổ phiếu vì nhu cầu tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến khớp lệnh từ 25/6 đến 24/7/2015. Hiện Ông nắm giữ 10 triệu cổ phiếu công ty, nếu thành công, số lượng cổ phiếu của Ông nắm giữ còn 7 triệu đơn vị - tương đương 7% số lượng cổ phiếu lưu hành.

Sau nhiều nỗ lực tái cơ cấu, tình hình chi phí tài chính của TTF có cải thiện. Tổng nợ của TTF vào thời điểm 31/03/2015 là 1.729 tỷ (94% là nợ ngắn hạn) với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,46x, giảm so với mức 1,7x cuối 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu này vẫn ở mức cao so với các DN cùng ngành (<1x) nói riêng và các DN sản xuất nói chung. Trong 2015, TTF tiếp tục đàm phám đối với khoản nợ các ngân hàng BIDV, STB, Pvcombank, Vietcombank, SHB (2014 đã bán nợ thành công khoản nợ của VCB, MBB cho DATC). Dự kiến việc tái cơ cấu hoàn thành trong quý II/2015. Với kế hoạch như trên, EPS 2015 ước đạt 1.080 đồng/cp, tương đương PE 9,3 lần.

PVS: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Triển vọng hoạt động kinh doanh trong năm 2015 của PVS dự báo sẽ có nhiều khó khăn do việc giá dầu suy giảm đã làm ảnh hưởng đến giá các dịch vụ dầu khí và khối lượng công việc.

Thêm vào đó, từ năm 2013 các dự án ngoài biển (Offshore) trong nước có xu hướng giảm cả về quy mô lẫn số lượng nên hiện không có nhiều các dự án cho mảng hoạt động cơ khí, chế tạo, xây lắp công trình dầu khí trên biển có quy mô trên 500 triệu USD, đây là mảng đem lại doanh thu và lợi nhuận chủ lực kéo theo sự tăng trưởng của các hoạt động dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật dầu khí khác. PVS đang phải làm các công việc trên bờ (Onshore) để có công việc, các công việc tại dự án Nghi Sơn, Thái Bình 2, Long Phú, Sông Hậu… với tỷ suất lợi nhuận thấp hơn các dự án Offshore.

Do đó, chúng tôi ước tính đạt 24.121 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ 2015 đạt 1.466 tỷ đồng, theo đó EPS 2015 là 3.283 đ/cp giảm 19% so với cùng kỳ, ROE 2015F đạt 12,6%.

Tuy nhiên, về trung và dài hạn giai đoạn 2016-2020 chúng tôi cho rằng doanh thu và lợi nhuận của PVS sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan với trung bình 15-20% về doanh thu và 13-18% về lợi nhuận nhờ:

- Cơ hội tham gia vào các dự án dầu khí lớn trong nước do PVN là chủ đầu tư giúp mảng dịch vụ cơ khí, căn cứ Cảng và dịch vụ Hậu cần dầu khí sẽ có mức tăng trưởng khả quan;

- Tiếp tục đầu tư thêm tàu chuyên dụng và tàu FSO/FPSO.

Với giá hiện tại là 27.400 đồng/cp tương ứng với mức P/E forward năm 2015 là 8,28 lần và P/B 1,19 lần (Book value 2015F là 22.289 đồng, đã trừ phần lợi nhuận chưa phân phối cho mức chi trả cổ tức 2014 là 12%, trừ trích Quỹ khen thưởng, phúc lợi là 12%). Mức giá hiện nay của PVS đang thấp hơn trung bình ngành dịch vụ dầu khí hàng đầu trong khu vực với ROE trung bình chỉ khoảng 10,80% và P/E forward đạt 10,56 lần. Vì vậy chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể mua THÊM đối với cổ phiều này. Với giá mục tiêu trong vòng 12 tháng là 31.200 đồng (P/E 9.5x).

Tin bài liên quan