Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/2

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/2

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/2 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị theo dõi VCB

CTCK BIDV (BSC)

VCB đang trong đà lấp khoảng gap của vùng giai đoạn điều chỉnh trước. Thanh khoản cổ phiếu trong hai phiên tăng điểm gần đây vượt mức trung bình 20 phiên.

Chỉ báo MACD cho thấy động lực tăng khá mạnh khi phân kỳ dương trong khi chỉ báo RSI báo hiệu đà tăng có thể dừng lại do RSI đang ở vùng quá mua.

Nhịp vận động 3 đường MA cho thấy cổ phiếu vẫn đang nằm trong xu hướng tăng giá với ngưỡng hỗ trợ vững tại ngưỡng giá MA200 tại ngưỡng giá 58. VCB sẽ tăng trở lại và gặp ngưỡng cản tại mức giá 65.

Nếu thanh khoản tiếp tục duy trì đà tăng, VCB sẽ trở về vùng giá 70. Mua cổ phiếu tại ngưỡng giá 61-62, cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng giá 60 và chốt lãi tại ngưỡng giá 65 nếu thanh khoản trong phiên vượt ngưỡng này thấp.

Nếu thanh khoản phá ngưỡng 65 ở mức cao, nhà đầu tư nên chốt lãi tại vùng giá 68-70.

Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu NLG, giá mục tiêu 36.000 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Với bối cảnh kinh tế dự báo chậm lại và câu chuyện pháp lý vẫn còn nhiều khó khăn trong 2019, chúng tôi cho rằng cơ hội đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ lựa chọn thận trọng.

Theo quan điểm BVSC, lợi nhuận tăng trưởng cao, tình hình tài chính tốt, có sản phẩm kinh doanh là điểm nhấn quan trọng để xem xét đầu tư. Tổng thể chúng tôi cho rằng CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG) là 1 trong những doanh nghiệp có được những yếu tố trên.

Thêm vào đó, định giá của công ty vẫn đang có mức premium 33% so với giá thị trường ngày 18/2/2019. Do đó, chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu Nam Long với giá mục tiêu 36.000 đồng/cp với thời gian nắm giữ 6 – 12 tháng.

Điểm lưu ý với nhà đầu tư là room cho nhà đầu tư nước ngoài đạt 49%, nên thanh khoản cũng như tính thị trường Nam Long sẽ điểm hạn chế với cổ phiếu NLG.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu MWG

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 01/2019 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh lần lượt 32% và 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi lưu ý rằng Tết Âm lịch năm nay đến sớm (đầu tháng 2 thay vì giữa tháng 2 như năm ngoái) nên nhu cầu tập trung mạnh vào tháng 1/2019 thay vì trong tháng 2 như năm 2018.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế sẽ thấp hơn trong các tháng tới. Nhìn chung, kết quả này phù hợp với dự báo của chúng tôi. Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho MWG với giá mục tiêu 162.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng mức sinh lời 84,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,7% theo giá đóng cửa phiên hôm nay là 89.000 đồng/cổ phiếu.

Kết quả ấn tượng trong tháng 01/2019 được dẫn dắt bởi Điện Máy Xanh, với tăng trưởng doanh thu 45% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng trưởng doanh số tại các cửa hàng hiện hữu ở mức cao, mở thêm các cửa hàng mới (tính đến cuối tháng 1, MWG có 764 cửa hàng Điện Máy Xanh so với 750 cửa hàng vào cuối năm 2018), đóng góp đầy đủ từ các cửa hàng đã mở năm 2018.

Doanh thu Thế Giới Di Động tăng nhẹ 1% trong tháng 01/2019 so với cùng kỳ năm ngoái khi công ty tiếp tục chuyển đổi các cửa hàng Thế Giới Di Động có doanh thu cao thành các cửa hàng Điện Máy Xanh để đẩy mạnh doanh số. Đây là lý do chính khiến số cửa hàng Thế Giới Di Động giảm còn 1.025 vào cuối tháng 01/2019 từ 1.032 cuối năm 2018.

Doanh thu bán hàng online trong tháng 01/2019 tăng mạnh 76% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 16% tổng doanh thu. Doanh thu bán hàng online của MWG tăng mạnh nhờ mô hình bán hàng đa kênh vượt trội với mạng lưới cửa hàng rộng khắp trên toàn quốc.

Doanh thu/cửa hàng/tháng của chuỗi Bách Hóa Xanh tiếp tục tăng trưởng, ước đạt 1,5 tỷ đồng trong tháng 01/2019, so với mức trung bình 900 triệu đồng trong năm 2018 và 1,2 tỷ đồng trong tháng 12/2018. Mặc dù doanh số/cửa hàng tháng 01/2019 được hỗ trợ một phần nhờ nhu cầu Tết, sự cải thiện về doanh thu/cửa hàng đã phản ánh kết quả tích cực từ những thay đổi chiến lược của ban lãnh đạo trong tháng 04/2018. Cụ thể, từ tháng 04/2018 trở đi, các cửa hàng mới sẽ được mở ở các tuyến đường phụ, kết nối các tuyến đường chính với các khu dân cư.

Ngoài ra, các cửa hàng này sẽ theo mô hình cửa hàng chuẩn (150-200m2/cửa hàng, khoảng 2.000SKU), có một khu vực lớn bán thực phẩm tươi sống. Ngoài ra, Bách Hóa Xanh còn mở thêm các cửa hàng quy mô lớn (300m2/cửa hàng, khoảng 3.000SKU) tại các khu vực có mật độ dân cư cao. Tính đến cuối tháng 01/2019, Bách Hóa Xanh có 38 cửa hàng quy mô lớn.

Trong khi đó, Bách Hóa Xanh đang mở rộng mạng lưới sang các tỉnh lân cận TP. HCM và miền Đông Nam Bộ như Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Tây Ninh và Trà Vinh với tổng cộng 55 cửa hàng tại các tỉnh thành này tính đến cuối tháng 01/2019.

Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu MSN

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị khả quan dành cho CTCP Tập đoàn MaSan (MSN) đồng thời điều chỉnh tăng giá mục tiêu 4% vì định giá cao hơn dành cho Masan Consumer Holding (MCH, chiếm 54% tổng định giá của chúng tôi dành cho MSN) bù đắp được cho việc định giá giảm đối với Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB), CTCP Tài nguyên Masan (MSR) và Masan Nutri-Science (MNS).

Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2019/2020/2021 lần lượt 13%, 15%, và 13% với việc phản ánh giá tungsten giảm (thực tế, giá tungsten giảm khoảng 25% kể từ khi đạt đỉnh giữa năm 2018 đến nay), điều chỉnh giảm giả định dành cho MNS và giãn thời gian trả nợ vay phù hợp với kế hoạch của ban lãnh đạo.

Dự báo của chúng tôi cho thấy EPS cốt lõi sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 26% giai đoạn 2018-2021 nhờ MCH, TCB và giảm đòn bẩy tài chính.

Chúng tôi dự báo doanh thu MCH sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 2 chữ số nhờ tung ra sản phẩm mới, cao cấp hóa danh mục sản phẩm và hoạt động tiếp thị hiệu quả hơn.

Tuy dự báo mảng thức ăn chăn nuôi của MNS sẽ phục hồi trong năm 2019 song song với hoạt động chăn nuôi heo nhưng chúng tôi cho rằng mảng thịt mát giai đoạn đầu sẽ chịu lỗ và ảnh hưởng đến lợi nhuận chung.

Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu ACB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu 35.500 đồng/cổ phiếu dành cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với việc điều chỉnh giảm dự báo ROE 2019-2020 do điều chỉnh loại bỏ phương án chia cổ tức bằng tiền mặt. Bù lại, chúng tôi điều chỉnh P/B mục tiêu 2019 từ 1,4 lần lên 1,5 lần nhờ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đã được cải thiện đáng kể.

Triển vọng lợi nhuận 2019-2023 chúng tôi đưa ra không thay đổi so với báo cáo trước. Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh giảm khuyến nghị từ mua xuống khả quan vì giá cổ phiếu đã tăng 10,5% trong 3 tháng qua.

Chúng tôi dự báo ACB sẽ bán ra 41,443 triệu cổ phiếu quỹ trong năm 2019 để tạo ra vùng đệm CAR an toàn trước hạn chót áp dụng Basel II ngày 01/01/2020. Sau giao dịch nói trên, CAR (Basel I) dự kiến sẽ đạt 14,4%, và nằm trong vùng an toàn nếu như điều chỉnh giảm 100 đến 175 điểm cơ bản theo cơ chế của Basel II.

Chúng tôi dự báo EPS pha loãng 2019 và 2020 sẽ đạt tăng trưởng lần lượt 13,1% và 11,8%. Chúng tôi dự báo ROAA và ROAE 2019 sẽ đạt lần lượt 1,7% và 24,3% và năm 2020 đạt lần lượt 1,7% và 21,3%.

Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu POW

CTCK Bản Việt (VCSC)

Dù điều chỉnh tăng giá mục tiêu 1,6% do hệ số mục tiêu tăng, chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị của Tổng CTCP Điện lực Dầu khí (POW) từ mua thành khả quan do giá cổ phiếu đã tăng 21,0% từ tháng 11/2018.

Chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận sau thuế cốt lõi 2019, nhưng giảm dự báo lợi nhuận sau thuế cốt lõi giai đoạn 2019- 2028 trung bình 1% do chúng tôi dự phóng tỷ trọng sản lượng điện hợp đồng sẽ giảm dần trong những năm tới so với giả định đi ngang trước đây.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế cốt lõi 2019 đạt 3,2 nghìn tỷ đồng, tăng 67,1% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm mạnh mẽ với viễn cảnh thiếu hụt điện ngày càng trầm trọng hơn, biên lợi nhuận gộp phục hồi 168% từ nhà máy Vũng Áng từ mức cơ sở thấp năm 2018 (do vấn đề kỹ thuật trong quý 4/2018) và chi phí khấu hao của nhà máy Cà Mau giảm mạnh.

Yếu tố hỗ trợ: bỏ cơ chế giá khí bao tiêu cho các đối thủ cạnh tranh của nhà máy Nhơn Trạch 1 và NT2, tình hình thiếu hụt khí giai đoạn 2020-2021 thấp hơn dự báo.

Rủi ro: yêu cầu đánh giá lại hợp đồng mua bán điện (PPA) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho các nhà máy của POW, các vấn đề kỹ thuật ngoài dự kiến tại nhà máy Vũng Áng.

EV/EBITDA dự phóng 2019 của POW đạt 7,0 lần và P/E 12,5 lần thấp hơn lần lượt 29% và 15% so với các công ty cùng ngành, POW hiện có định giá hấp dẫn dựa theo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS giai đoạn 2018-2021 đạt 18,4% và PEG 0,7.

Tin bài liên quan