Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/3

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu nhà đầu tư cần quan tâm khi bước vào phiên giao dịch ngày 24/3 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/3

PHR: Khuyến nghị nắm giữ

(CTCK Maybank KimEng – MBKE)

Kế hoạch 2014 của CTCP Cao su Phước Hòa (PHR – sàn HOSE) khá thận trọng.

Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng của PHR năm 2014 ước lần lượt giảm 7,7% và 14,4% so với năm ngoài, còn 1.750 tỷ đồng và 321 tỷ đồng. Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu 35.000 đồng dựa trên P/E 2014 là 7,8 lần, tương đương bình quân ngành. Khuyến nghị GIỮ

>> Tải báo cáo

IMP: PE cao hơn doanh nghiệp cùng ngành

(CTCK Maybank KimEng – MBKE)

CTCP Dược phẩm IMEXPHARM (mã IMP) hoàn toàn có khả năng thực hiện việc chia cổ phiếu thưởng như quyết định của HĐQT. Với hơn 16,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành và tỷ lệ chia dự kiến 2:1, Công ty cần khoảng 83,5 tỷ đồng để thực hiện việc chia thưởng này. Chưa tính đến phần lợi nhuận giữ lại và các quỹ khác, tại 31/12/2013, Công ty có số dư khoản mục thặng dư vốn cổ phần tới hơn 315 tỷ đồng.

Về việc phát hành cho cổ đông chiến lược, qua trao đổi nhanh với ban lãnh đạo của IMP, chúng tôi được biết, mục đích của đợt phát hành này là nhằm phát triển hệ thống phân phối ra khu vực miền Trung và miền Bắc – hai thị trường còn nhiều tiềm năng nhưng hiện chỉ mới đóng góp dưới 15% tổng doanh thu của công ty. Công ty dự kiến sẽ mua đất và đầu tư xây dựng thêm khoảng 2-3 chi nhánh mới trong 2014.

Như vậy, nếu tất cả các quyết định về việc chia cổ phiếu thưởng cũng như phát hành thêm được ĐHCĐ 2014 thông qua, thì vốn điều lệ của IMP sẽ tăng lên 275,6 tỷ đồng. Giả sử với mức giá đóng cửa ngày 21/03/2014 là 67.500 đồng, giá cổ phiếu IMP điều chỉnh sau phát hành sẽ là 45.000 đồng/cp. Theo đó, EPS ước tính cho 2014 cũng sẽ điều chỉnh giảm 42%, xuống còn 3.110 đồng/cp, tương đương với mức PE 2014 là 14x, cao hơn mức bình quân ngành 12x, do giá cổ phiếu IMP đã tăng rất mạnh, khoảng 85%, tính từ đầu năm đến nay. Trong đó có sự dẫn dắt bởi các thông tin đồn đoán trên thị trường trong thời gian qua về việc chia tách cổ phiếu cũng như mua bán sáp nhập của công ty.

Kết quả kinh doanh 2013 khá lạc quan với doanh thu thuần đạt 842,3 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 3% so với cùng kỳ. Điều này là nhờ công ty đã đẩy mạnh phát triển thị trường OTC để bù đắp phần doanh thu sụt giảm từ kênh bệnh viện. Doanh thu kênh OTC 2013 đã tăng mạnh 40% so với cùng kỳ, đóng góp 60% tổng doanh thu cho IMP, thay vì 40% như các năm trước.

Năm 2014, Công ty dự kiến tỷ trọng doanh thu của kênh OTC sẽ tăng lên mức 70% tổng doanh thu trong 2014. Trên cơ sở hệ thống phân phối đã được phát triển trong 2013 sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và phần lớn hợp đồng thầu bệnh viện cũ vẫn còn duy trì trong 2014, chúng tôi đánh giá, năm 2014 đối với IMP sẽ lạc quan hơn. Tuy nhiên, so với kế hoạch 1.000 tỷ đồng doanh thu (+19% so với cùng kỳ), dự báo 2014 của chúng tôi có phần thận trọng hơn một chút với 945 tỷ đồng doanh thu (+13% so với cùng kỳ) do e ngại về khả năng tăng trưởng mạnh của kênh OTC.

Chúng tôi cho rằng việc này sẽ không thật sự dễ dàng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 2014 theo dự báo của MBKE sẽ tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 117 tỷ đồng, so với 120 tỷ đồng theo kế hoạch của IMP. EPS dự phóng cho 2014 ở mức 5.356 đồng/cp, tương đương với mức PE gần 12x.

VSC: Lạc quan với triển vọng kinh doanh 2014

(CTCK Maybank KimEng – MBKE)

CTCP Container Việt Nam (VSC – sàn HOSE) vẫn thường thận trọng trong việc đặt kế hoạch kinh doanh.

Thống kê 3 năm gần nhất (từ 2011-2013) cho thấy kết quả doanh thu thực hiện hàng năm đều cao hơn so với kế hoạch khoảng 17-21%, lợi nhuận cũng cao hơn chỉ tiêu đặt ra bình quân khoảng 35%. Do vậy, chúng tôi không quá bất ngờ khi công ty lại một lần nữa đặt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận 2014 giảm so với cùng kỳ.

Chúng tôi lạc quan hơn với dự báo doanh thu và lợi nhuận 2014 của VSC sẽ tăng lần lượt khoảng 10 và 7% cùng kỳ, đạt 871 và 257 tỷ đồng.

Trong năm 2013, công ty đã tạm ứng cổ tức tiền mặt 1.500 đồng/cp. Như vậy, công ty sẽ còn thực hiện việc chi trả thêm cổ tức 500 đồng/cp và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%, thời gian dự kiến là trong quý II/2014.

Giả sử với giá đóng giá đóng cửa ngày 21/3 là 74.000, giá cp VSC sau khi phát hành cp thưởng sẽ là 61.700 đồng/cp. EPS ước tính cho 2014 cũng sẽ điều chỉnh về mức 7.660 đồng/cp, so với 9.249 đồng/cp trước đó.

VNC: PE đang khá thấp so với doanh nghiệp cùng ngành

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Trong năm 2014, doanh thu của CTCP Tập đoàn Vinacontrol (mã VNC) dự kiến đạt khoảng 320,1 tỷ đồng (tăng 7%) và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt khoảng 21,8 tỷ đồng (tăng 36%). EPS 2014 dự kiến đạt khoảng 2.080 đồng/cổ phần.

Chúng tôi khuyến nghị Tích cực hơn (OUTPERFORM) đối với cổ phiếu VNC. VNC là một công ty đầu ngành, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực giám định hàng hóa. Hoạt động của VNC tương đối ổn định mặc dù nền kinh tế đang trải qua giai đoạn suy thoái. Lợi nhuận của VNC năm 2014 dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh so với năm 2013. VNC hiện đang được giao dịch ở mức P/E là 7,25 lần, là mức khá thấp so với mức trung bình của thị trường hiện nay.  

Rủi ro lớn nhất của VNC là rủi ro về cạnh tranh, đặc biệt là áp lực cạnh tranh từ các công ty nước ngoài. Hiện nay, công ty nước ngoài mạnh nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực giám định hàng hóa là Công ty TNHH SGS Việt Nam, là một công ty đa quốc gia và có uy tín trên thị trường thế giới. SGS cũng là công ty có thị phần tương đương với VNC ở Việt Nam.

>> Tải báo cáo

DRC: Khuyến nghị mua

(CTCK BIDV – BSC)

Kết quả kinh doanh của CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC – sàn HOSE) năm 2013 khả quan với lợi nhuận sau thuế đạt 375 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2012 chủ yếu nhờ giá cao su nguyên liệu giảm mạnh.

Theo chúng tôi đánh giá, năm 2014, công ty tiếp tục được hưởng lợi từ mặt bằng giá cao su thấp.

Năm 2014, công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 3.350 tỷ đồng (tăng 20%) và 425 tỉ đồng (giảm 15%). Chúng tôi đánh giá đây là một kế hoạch khá thận trọng của ban lãnh đạo công ty.

Chúng tôi cũng kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế DRC đạt lần lượt là 3.458 tỷ đồng và 365 tỷ đồng (tương đương EPS là 4.389 đồng), giảm nhẹ so với năm 2013 (-2,85%). Dự báo, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng hàng năm là 12,70% từ 2013-2020, giai đoạn nhà máy lấp đầy công suất.

Quan điểm đầu tư: DRC có các chỉ tiêu cơ bản khá tốt, sản phẩm lốp radial nếu tiêu thụ tốt sẽ mang lại triển vọng tăng trưởng trong dài hạn cho công ty. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu DRC với giá kỳ vọng trong 12 tháng tới là 51.800 đồng, cao hơn giá hiện tại 17,19%.

>> Tải báo cáo

PVS: Khuyến nghị mua mạnh trong kỳ đầu tư 12 tháng

(CTCK BIDV – BSC)

Năm 2014, BSC dự báo doanh Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC – mã PVS) có khả năng đạt 26,900 tỷ doanh thu, tăng 6.2% so với năm 2013 và lợi nhuận sau thuế ước đạt 1,600 tỷ đồng nhờ sự tăng trưởng mạnh của hoạt động FSO/FPSO khi bắt đầu thực hiện hợp đồng cho thuê FPSO Lam Sơn. Ngoài ra kết quả trên chưa tính đến khả năng  hoàn nhập dự phòng từ dự án Ethanol Dung Quất (492 tỷ) trong năm 2014, mang lại thu nhập bất thường, cải thiện mạnh mẽ lợi nhuận 2014 cho doanh nghiệp.

PVS là cổ phiếu rất đáng quan tâm của ngành dầu khí, có quy mô lớn thứ 2 trong ngành, cùng với các chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh ROA, ROE thuộc nhóm tốt nhất của ngành. Tuy nhiên xét về giá cổ phiếu, PVS hiện vẫn nằm trong nhóm có P/E và P/B thấp nhất của ngành dầu khí.

Trên cơ sở đánh giá tiềm năng tăng trưởng trong năm 2014, sử dụng 2 phương pháp định giá so sánh là P/E và P/B tham chiếu các công ty dịch vụ dầu khí tại khu vực châu Á, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu của PVS là 44,100. Chúng tôi cho rằng, PVS là một cổ phiếu đáng quan tâm cho cả việc trading ngắn hạn hay đầu tư dài hạn.

Khuyến nghị mua mạnh PVS với giá mục tiêu 44,100 đồng/cp trong kỳ đầu tư 12 tháng.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan