Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/1

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/1

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 23/1 của các công ty chứng khoán.

DLG: Khuyến nghị mua mạnh

CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Chúng tôi khuyến nghị MUA MẠNH trung và dài hạn đối với cổ phiếu DLG với mức giá mục tiêu kỳ vọng 1 năm là 16.570 đồng, tăng 43% so với mức giá ngày 16/1/2014 dựa trên phương pháp định giá FCFF và so sánh P/E. Mức EPS forward 2015 được dự báo ở mức 1.084 đồng căn cứ trên những số liệu có thể tính toán được từ kế hoạch kinh doanh năm 2015 của DLG.

DLG đang có những bước chuyển mình tích cực sau khi tiến hành tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng tập trung vào các dự án sinh lời ngắn hạn sau một thời gian dài tập trung đầu tư vào các lĩnh vực dài hạn chậm thu hồi vốn như bất động sản, cao su. Sự chuyển dịch này sẽ giúp DLG có những bước tiến vượt bậc trong thời gian tới với doanh thu, lợi nhuận tiếp tục có sự tăng trưởng tốt hơn trong năm 2015 nhờ các yếu tố sau:

(1) Các dự án hạ tầng BOT đang trong quá trình gấp rút triển khai, dự kiến sẽ thông tuyến vào giữa Quý 2/2015 để đưa vào khai thác hoàn vốn

(2) Hoạt động trồng trọt cây nông nghiệp ngắn ngày tận dụng được lợi thế đất, điều kiện khí hậu thuận lợi, thời gian quay vòng vốn nhanh sẽ đem lại lợi nhuận đột biến trong năm 2015.

(3) Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác tiếp tục duy trì ổn định

(4) Tình hình tài chính lành mạnh hơn. Dự triến năm 2015 sẽ trả hết các khoản nợ ngắn hạn, giảm tối đa chi phí hoạt động tài chính

(5) Quỹ đầu tư GEM sẽ sớm tham gia HĐQT ngay trong quý I sau khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 20% tại DLG.

Dự báo kết quả kinh doanh 2015: Dự báo doanh thu 2.000 tỷ đồng và 200 tỷ lợi nhuận, chưa kể phần hợp nhất khoản doanh thu và lợi nhuận rất lớn từ mảng sản xuất và kinh doanh linh kiện điện tử ngay trong năm nay sau khi thương vụ giao dịch hoán đổi cổ phiếu với công ty Massnoble hoàn tất trong quý 1/2015.

Ngành xây dựng: Chu kì tăng trưởng mới

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Tiếp nối chuỗi bài đánh giá về triển vọng ngành năm 2015, hôm nay chúng tôi tiếp tục gửi đến quý nhà đầu tư một số điểm nhấn của ngành xây dựng. Tuy trong năm vừa qua, các cổ phiếu trong ngành này chưa ghi nhận các đợt “sóng” trên thị trường như ngành bất động sản nhưng nội tại ngành đang có những bước chuyển biến đáng chú ý.

Năm 2014 được xem là khởi đầu chu kỳ tăng trưởng mới đối với ngành xây dựng. Và năm 2015, ngành này đang được kì vọng từ sự hồi phục của thị trường bất động sản, việc đẩy mạnh các dự án hạ tầng giao thông trên cả nước và dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực sản xuất.

Năm 2015, Chính phủ sẽ kết hợp triển khai mới 54 dự án hạ tầng giao thông cũng như đẩy mạnh tiến độ nhiều dự án cầu đường quan trọng như Quốc lộ 1A mở rộng tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Hà Nội – Hải Phòng, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, tuyến metro số 1 Suối Tiên – Bến Thành.... Tuy vậy, các doanh nghiệp xây lắp và xây dựng cầu đường tiếp tục đối mặt rủi ro về dòng tiền tiến độ thanh toán từ ngân sách Nhà nước cho các dự án thường khá chậm. Ngoài ra, năm nay, kế hoạch giải ngân từ ngân sách Nhà nước cho các dự án cơ sở hạ tầng chỉ bằng nột nửa so với con số thực hiện năm 2014. Tuy nhiên, sự ra đời của Luật Đấu thầu 2014 được kỳ vọng sẽ thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân cho ngành giao thông thông qua các hợp đồng hợp tác công-tư (PPP) và tạo ra cú huých đối với lĩnh vực xây dựng hạ tầng từ năm nay.

Riêng về mảng xây dựng dân dụng, dù không tăng trưởng như mảng xây dựng hạ tầng, nhưng mảng này cũng có thể tăng tốc trong năm nay nhờ sự ấm lên của thị trường bất động sản. Từ đó, nguồn công việc mới cho các nhà thầu xây dựng được dự báo sẽ dồi dào hơn khi nhiều dự án BĐS được đầu tư hoặc khởi động lại. Chúng tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp là khá đảm bảo nhưng chúng tôi cho rằng khả năng thu tiền của các doanh nghiệp xây dựng vẫn chưa thể thể cải thiện trong năm nay. Bên cạnh đó, do cạnh tranh nên biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp xây dựng dân dụng có thể vẫn duy trì ở mức thấp.

Qua đó, chúng tôi nhận thấy chuyển biến về mặt vĩ mô ngành đang có những bước tiến triển khả quan nhưng đặc thù riêng của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành (dòng tiền, biên lợi nhuận,…) vẫn đang còn nghi ngại.

CVT: Giữ quan điểm lạc quan

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh quý IV/2014 tăng đột biến. Doanh thu đạt 200 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 16.3 tỷ. Năm 2014, doanh thu đạt 672 tỷ (+18.3% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 49.99 tỷ (+172% so với năm trước), tương đương với EPS là 3.125 đồng/cp. Như vậy, lợi nhuận sau thuế thực lớn hơn dự báo của chúng tôi là 5.5 tỷ đồng.

Quan điểm đầu tư: CVT là doanh nghiệp sản xuất gạch men, có hiệu quả kinh doanh tốt, với tăng trưởng doanh thu, và biên lợi nhuận lớn hơn so với các công ty sản xuất gạch men niêm yết. Dự báo triển vọng ngành BĐS, xây dựng khả quan dẫn tới nhu cầu cho gạch men sẽ tăng trong tương lai. Hiện doanh nghiệp đang đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất gạch Granit với công suất khoảng 5 triệu m2/ năm, kỳ vọng sẽ làm tăng kết quả kinh doanh đột biến. Bên cạnh đó, nhà máy CMC1 hết khấu hao sẽ làm giảm chi phí, tăng khả năng sinh lời cho doanh nghiệp. Chúng tôi lấy những yếu tố cơ bản làm nền móng, vẫn giữ quan điểm lạc quan với CVT.

DHA: Giữ quan điểm lạc quan

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh quý IV/2014 của CTCP Hóa An (mã DHA) khả quan. Doanh thu đạt 47.2 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 5.2 tỷ. Năm 2014, doanh thu đạt 171 tỷ (+15.5% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 14.847 tỷ (+75% so với năm trước). Như vậy, lợi nhuận sau thuế thực lớn hơn dự báo của chúng tôi là 1.2 tỷ đồng. Điều này là do lượng tiêu thụ đá xây dựng riêng trong tháng 12 tăng đột biến.

Quan điểm đầu tư: Chúng tôi đánh giá cao kịch bản doanh thu, lợi nhuận DHA đã chạm đáy trong năm 2013, và từng bước đi lên trong thời gian tới. Nhu cầu đá xây dựng được dự báo tăng khi nhu cầu xây dựng hạ tầng cũng như dân dụng tăng trong 2015. Bên cạnh đó, tổng trữ lượng các mỏ đá của doanh nghiệp lớn, hoạt động ổn định. Tình hình tài chính ổn định; công ty hầu như không có vay nợ ngân hàng. Chúng tôi giữ quan điểm lạc quan với DHA.

NTL: Rủi ro và gánh nặng tài chính tiếp tục giảm

CTCK BIDV (BSC)

NTL – CTCP PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỪ LIÊM (HSX)

Trong quý IV/2014, CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (mã NTL) ghi nhận doanh thu giảm mạnh, đạt 47,6 tỉ đồng (-65% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 14,7 tỉ đồng (-73% cùng kỳ). Cả năm 2014, doanh thu chỉ gần 180 tỉ đồng (-58% yoy) và lợi nhuận sau thuế còn 37 tỉ đồng (-60% yoy), tương đương EPS~ 579 đồng/cổ phiếu.

Hàng tồn kho tiếp tục tăng lên 1.039 tỉ đồng, chủ yếu vẫn từ dự án Bắc Quốc Lộ 32 - Trạm Trôi- Hoài Đức. Dự án Bắc Quốc Lộ 32 trong năm 2014 vẫn khó khăn trong tiêu thụ và NTL chỉ bàn giao được một căn còn tồn của năm 2013. Số lượng căn bán mới không nhiều, doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá bán và kì vọng vào sự phục hồi của thị trường trong năm sau với số lượng tiêu thụ khả quan hơn.

Hiện dự án N04B1 Dịch Vọng đã được tiếp tục xây dựng sau một thời gian tranh chấp pháp lý. Tòa nhà đã xây dựng đến 9/17 tầng, sẽ bàn giao và ghi nhận doanh thu dự kiến trong quý 4 năm 2015. Dự án đã bán hết với giá 31,5 triệu đồng/m2 và hiện đã thu được 60% tiền khách hàng trả trước. Như vậy trong năm 2015, tình hình kinh doanh của NTL sẽ được cải thiện nhờ doanh thu đến từ N04B1.

Dự án 202 Hồ Tùng Mậu bao gồm nhà thấp tầng và căn hộ đã xong thủ tục pháp lý, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2015. Ngày 21/01/2015 BTS đã công bố báo cáo tài chính năm 2014 với doanh thu thuần đạt 2.930 tỷ đồng (+2,09% so với năm trước). Biên lợi nhuận gộp trong năm 2014 đạt 20,47% tăng mạnh so với mức biên 18,62% của năm 2013. Ngoài ra, do lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện ghi nhận trong năm 2014 đạt 128,66 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế cả năm đạt tới 121,9 tỷ đồng (trong khi năm 2013 âm 228 tỷ đồng). EPS 2014 của cổ phiếu BTS đạt 1.118 đồng/cp. BTS đang được giao dịch với PE = 9,12x (21/01/2015)

Về hoạt động kinh doanh chính: Tổng lượng xi măng tiêu thụ trong năm 2014 của BTS đạt 2,8 triệu tấn. Hà Nội là thị trường chính, chiếm 47 – 48% lượng xi măng tiêu thụ nội địa của BTS, trong khi đó BTS có lợi thế cung đường gần Hà Nội hơn so với các nhà máy xi măng lớn khác, do đó doanh nghiệp đã được hưởng lợi thế từ chính sách kiểm soát tải trọng trong thời gian qua.

Về khoản dư nợ EUR dài hạn: Chúng tôi tính toán tại thời điểm 31/12/2014 BTS còn khoảng 41,72 triệu EUR; dự kiến thời điểm 31/12/2015 khoản dư nợ ngoại tệ dài hạn của BTS sẽ còn 34,14 triệu EUR và sẽ tiếp tục ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá trong năm 2015.

Về việc phân bổ lỗ chênh lệch tỷ giá trong VCSH: Đáng chú ý khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong Vốn chủ sở hữu đã được doanh nghiệp phân bổ hoàn toàn trong năm 2014 (59,23 tỷ đồng). Chúng tôi đánh giá việc phân bổ này có lợi cho doanh nghiệp trong việc giảm rủi ro và gánh nặng tài chính trong những năm tới.

HT1: PE đang giao dịch ở mức 20,29x

CTCK BIDV (BSC)

Ngày 21/01/2015, CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (mã HT1) công bố BCTC 2014, theo đó doanh thu thuần đạt 6.758 tỷ đồng (+6,11% so với năm trước); lợi nhuận sau thuế đạt con số ấn tượng 308,64 tỷ đồng, gấp 122 lần so với năm 2013, trong đó đóng góp chủ yếu bởi lợi nhuận sau thuế của quý IV/2014 (217,64 tỷ). EPS 2014 là 971 đồng/cp; HT1 đang giao dịch với PE = 20,29x (ngày 21/01/2015)

Về hoạt động kinh doanh chính: Sản lượng tiêu thụ của HT1 trong năm 2014 là 4,88 triệu tấn xi măng (năm 2013 là 4,36 triệu tấn); tiêu thụ clinker là 500 nghìn tấn (năm 2013 là 836 nghìn tấn) cho thấy tình hình tiêu thụ xi măng thực sự khởi sắc.

Về khoản dư nợ EUR dài hạn: Chúng tôi dự tính HT1 còn khoảng 77,14 triệu EUR thời điểm 31/12/2014 và sẽ còn 65 triệu EUR thời điểm 31/12/2015. Với diễn biến tỷ giá EUR theo xu hướng giảm giá và diễn biến kinh tế châu Âu, chúng tôi dự đoán HT1 sẽ tiếp tục được ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá trong năm 2015.

Về việc phân bổ lỗ chênh lệch tỷ giá trong VCSH: trong năm 2014 với việc có thêm lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại khoản dư nợ ngoại tệ, HT1 đã phân bổ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong Vốn chủ sở hữu là 208,25 tỷ đồng vào chi phí tài chính, hoàn thành nghĩa vụ phân bổ lỗ chênh lệch tỷ giá, giúp HT1 giảm nhẹ gánh nặng tài chính trong các năm tới.

DHC: Duy trì kểt quả kinh doanh khả quan

CTCK BIDV (BSC)

Năm 2014, CTCP Đông Hải Bến Tre (mã DHC) doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DHC lần lượt đạt 543 tỷ đ, (+19% so với năm trước) và 43 tỷ đồng (+59% năm trước, vượt so với kế hoạch kinh doanh đã điều chỉnh- 38 tỷ đ). Q4 2014, biên lợi nhuận gộp của DHC giảm so với cùng kỳ năm ngoái do (1) tăng chi phí khấu hao, (2) thay đổi cơ cấu hàng bán (năm 2014, DHC có ghi nhận thêm doanh thu từ đổi hàng giấy phế liệu với biên lợi nhuận gộp thấp, khoảng 3,5% nhỏ hơn nhiều so với biên lợi nhuận mảng giấy Kraft khoảng 17.5%) và (3) giá trấu tăng từ khoảng 600đ/kg lên hơn 1000đ/kg.

Chúng tôi cho rằng DHC sẽ tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh khả quan trong năm tới nhờ (1) tăng sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm giấy Kraft và bao bì Carton, (2) chi phí sản xuất kinh được kiểm soát chặt chẽ và duy trì ở mức thấp hơn so với nhiều đối thủ cạnh tranh.

DRC: Năm 2015, lợi nhuận sẽ tăng nhẹ

CTCK BIDV (BSC)

Năm 2014, CTCP Cao su Đà Nẵng (mã DRC) doanh thu thuần đạt 3.251 tỷ đ, (+16% so với năm trước). Lợi nhuận sau thuế đạt 352 tỷ đ (-6.24%) do tăng khấu hao và chi phí lãi vay nhà máy lốp Radial.

Tiêu thụ lốp Radial khả quan, đạt trung bình 7.000 lốp/tháng trong 6 tháng đầu năm 2014, đạt 10.400 lốp/tháng quý III/2014 và lên tới 12.000 lốp/tháng vào quý IV/2014. Tổng lốp Radial tiêu thụ trong năm 2014 là 114.900 lốp, tương đương với doanh thu là 564 tỷ đồng, chiếm 17% tổng doanh thu thuần. DRC đặt kế hoạch tiêu thụ 200.000 lốp Radial trong năm 2015, đóng góp khoảng 982 tỷ đồng.

Quý IV/2014, công ty có điều chỉnh khoản chiết khấu thương mại 56 tỷ đồng sang chi phí bán hàng làm chi phí bán hàng tăng mạnh (đạt 91 tỷ đồng, chiếm đến 10% doanh thu thuần). Tuy nhiên, sự thay đổi trong cách hạch toán này không làm thay đổi kết quả kinh doanh của công ty.

Biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng tăng nhẹ trong năm 2015 do: (1) giá cao su tự nhiên và cao su nhân tạo giảm (do dư cung và do giá dầu giảm) ; (2) tăng tiêu thụ sản phẩm lốp Radial.

CSM: Biên lợi nhuận gộp được cải thiện

CTCK BIDV (BSC)

Năm 2014, CTCP Công nghiệp cao su miền Nam (mã CSM) doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 3.178 tỷ đồng, (+1.41% so với năm trước) và 331 tỷ đ (-7.98% do tăng khấu hao và chi phí lãi vay nhà máy lốp Radial trong khi nhà máy chưa đạt sản lượng hòa vốn). Trong năm 2014, công ty chưa hạch toán lợi nhuận từ dự án 9 Nguyễn Khoái (63 tỷ đồng).

Ngày 9/1/2015, công ty đã ký hợp đồng tiêu thu lốp Radial vơi US tires (công ty con do chính CSM lập ra để phân phối sản phẩm tại Mỹ). CSM ước tính tiêu thụ lốp Radial tại Mỹ năm tới là 200.000 lốp. Đây là mức sản lượng tiêu thụ rất cao so với tình hình tiêu thụ hiện tại của CSM (khoảng 4000-5000 lốp/tháng). Nếu CSM đạt được kế hoạch này, biên lợi nhuận gộp năm 2015 sẽ được cải thiện nhiều. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp của CSM sẽ được cải thiện nhờ xu hướng giảm giá cao su tự nhiên và cao su tổng hợp trong năm tới (chiếm 58% cơ cấu nguyên liệu đầu vào).

HUT: Dấu hiệu tăng trưởng trở lại

CTCK BIDV (BSC)

CTCP Tasco (HUT) là một trong những doanh nghiệp đứng đầu ngành Xây dựng Cơ sở hạ tầng tại Việt Nam (đặc biệt là lĩnh vực giao thông – đường). Analyst ngành Xây dựng của chúng tôi nhận định doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội lớn khi ngành Xây dựng/BĐS đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.

Quan điểm dài hạn: Ngành xây dựng, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng có quan hệ tương quan cùng chiều với chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế. Từ lúc kinh tế Việt Nam chững lại từ 2008 tới nay đã 6 năm, vượt qua một chu kỳ suy thoái bình thường (5 năm). Những tín hiệu khả quan từ ngành xây dựng (tăng trưởng 6-7% năm 2014), và ngành BĐS (lượng giao dịch lớn, tồn kho giảm), chúng tôi nhận thấy tiềm tăng tăng trưởng của HUT qua những kế hoạch, dự án, và quỹ đất mà doanh nghiệp đang có.

Kết quả kinh doanh 2014 đột biến. Doanh thu ước đat 2,700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 260 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra hơn 40%. Lợi nhuận sau thuế tăng vọt chủ yếu là do ghi nhận hết lợi nhuận từ dự án BT21 trong năm 2014. EPS tăng từ 244 đồng/cp (2013) lên tới khoảng 3,000 đồng/cp (2014).

Kế hoạch 2015. Doanh thu ước đạt 2,500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 150 tỷ đồng, tương đương với EPS khoảng 1,750 đồng/cp. Như vậy, kế hoạch kết quả kinh doanh thấp hơn so với 2014. Tuy nhiên việc này là không ngạc nhiên do trong năm 2015 chưa phải là điểm rơi kết quả kinh doanh của HUT.

Quan điểm đầu tư: Chúng tôi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp còn lớn trong khi rủi ro đầu tư tương đối thấp. Doanh nghiệp là một trong những công ty có năng lực và uy tín hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Hoạt động thầu xây dựng và xây dựng theo hình thức BT, BOT tăng trưởng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô. Hoạt động dịch vụ thu phí giao thông tại các trạm đầu mối cho doanh thu, dòng tiền ổn định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sở hữu quỹ dự án khá lớn được kỳ vọng sẽ tạo doanh thu lớn khi thị trường BĐS tăng trưởng trở lại. Chúng tôi thận trọng dự báo năm 2015, doanh thu đạt 2488 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, tương đương với EPS đạt 1760 đồng/cp; cùng với giá mục tiêu 1 năm là 18,100 đồng/cp.

SHP: Lợi nhuận năm 2015 sẽ không giảm nhiều

CTCK MB (MBS)

SHP công bố kết quả kinh doanh quý 4 2014. Theo đó, doanh thu quý IV/2014 đạt 348 tỷ đồng, tăng 29% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 216 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ, tăng mạnh so với mức lỗ gần 27 tỷ của quý 2 và 3.

Lũy kế cả năm 2014, doanh thu thuần của CHP ở mức 626.5 tỷ đồng, tăng 18% so năm 2013. Lợi nhuận sau thuế 213 tỷ đồng, tăng 69%, EPS tương ứng 1,776 đồng. Với kết quả này, CHP đã vượt 19% kế hoạch về doanh thu và 85% về lợi nhuận.

Theo CHP, điều kiện thủy văn quý 4/2014 thuận lợi, lượng nước về hồ nhiều so với cùng kỳ trước nên sản lượng phát điện tăng. Ngoài ra, công ty cũng đã được điều chỉnh giá điện từ 804.3 đồng/kwh lên 926.33 đồng/kwh cũng góp phần làm tăng thêm doanh thu quý 4. CHP hiện đang vận hành nhà máy thủy điện A Lưới có công suất 170 MW, sản lượng điện trung bình khoảng 686 triệu Kwh/năm.

Theo Trung tâm khí tượng thuỷ văn trung ương, nhiều khả năng sẽ xảy ra El Nino trong những tháng đầu năm 2015. Diễn biến thuỷ văn trong mùa khô 2015 có xu hướng thiếu hụt mưa và dòng chảy, xuất hiện khô hạn. Lưu lượng dòng chảy về hồ chứa của CHP được dự báo sẽ giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên với giá bán điện được điều chỉnh tăng, chúng tôi đánh giá lợi nhuận của CHP trong năm 2015 sẽ không giảm nhiều so với năm 2014.

DHG: Khuyến nghị mua

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Dược Hậu Giang (DHG – sàn HOSE) cho biết, doanh thu thuần 2014 tăng 15,4% năm trước, sát dự báo của chúng tôi, đạt 3.913 tỷ đồng, chủ yếu là do sản lượng tăng. Trong đó, doanh thu hàng sản xuất tăng 18,8% năm trước và doanh thu hàng phân phối giảm 10,4% năm trước. Nhờ đó, tỷ lệ đóng góp doanh thu của hàng sản xuất 2014 đã tăng lên mức 91% tổng doanh thu, so với mức 89% của cùng kỳ. Như đã đề cập trong các phân tích trước, sự thay đổi cơ cấu doanh thu của DHG trong năm nay phần lớn là do công ty không còn phân phối sản phẩm Eugica cho đối tác Mega Lifesciences nữa. Theo hợp đồng thoả thuận, DHG sẽ chỉ gia công các sản phẩm Eugica từ 2014-2017 thay vì vừa gia công và phân phối như 2013.

Lợi nhuận gộp 2014 tăng mạnh 30,9% năm trước, nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể từ 48% trong 2013 lên 54,4% trong 2014. Ngoài việc do cơ cấu doanh thu thay đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng doanh thu hàng sản xuất (nhóm hàng có biên lợi nhuận gộp cao nhất), thì biên lợi nhuận gộp 2014 của DHG còn bị ảnh hưởng từ việc thay đổi cách ghi nhận kế toán về các khoản chiết khấu. Cụ thể, thay vì được ghi nhận vào doanh thu như các năm trước, thì nay các khoản chiết khấu bán hàng và chiết khấu thanh toán sẽ được hạch toán lần lượt vào chi phí bán hàng và chi phí tài chính của công ty. Thực tế, tỷ lệ CPBH&QL/DT 2014 đã tăng 5,7 điểm phần trăm n/n lên mức 36% và chi phí tài chính (chủ yếu là khoản chiết khấu thanh toán) tăng gấp 3 lần n/n.

Loại trừ thu nhập bất thường, lợi nhuận trước thuế 2014 tăng 9,8% năm trước. Trong quý III/2013, thương vụ chuyển nhượng Eugica đã đem về cho DHG khoảng 122 tỷ đồng lợi nhuận. Do không có khoản thu nhập bất thường nào trong năm nay, nên lợi nhuận trước thuế 2014 chỉ đạt 713,3 tỷ đồng, giảm 8,7% cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu loại trừ thu nhập bất thường trong 2013 này, lợi nhuận trước thuế 2014 vẫn tăng trưởng khoảng 9,8% cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế 2014 tăng khoảng 6,5% n/n, đạt 530 tỷ đồng. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế thấp hơn lợi nhuận trước thuế là do thuế suất thuế TNDN bình quân 2014 của DHG khá cao, khoảng 26,8%, so với mức 22% hiện hành. Nguyên nhân có thể do các khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị,... trong kỳ vượt mức trần chi phí được khấu trừ thuế theo quy định là 15%, nên phần chi phí vượt không được khấu trừ thuế. Tuy nhiên, từ 2015, mức trần này sẽ không còn nữa.

Triển vọng 2015 - Tăng trưởng doanh thu ổn định nhưng lợi nhuận sẽ có đột biến. Dẫn đầu các doanh nghiệp dược phẩm nội địa, với thế mạnh là hệ thống phân phối sâu rộng, DHG vẫn duy trì được đà tăng trưởng đều qua các năm với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2008-2014 ở mức 17%/năm. Trong 2015, theo dự báo của chúng tôi, tăng trưởng doanh thu của DHG có phần sẽ chậm lại so với giai đoạn trước, khoảng 10%, do ảnh hưởng bởi quy định đấu thầu mới đối với hệ điều trị cũng như áp lực cạnh tranh gia tăng trên kênh thương mại (hệ thống nhà thuốc). Tuy nhiên, nhờ:

(1)năng lực sản xuất tăng gấp đôi; và (2)tiềm năng từ việc đẩy mạnh xuất khẩu cũng như định hướng phát triển các sản phẩm có nguồn gốc dược liệu – xu hướng tiêu dùng hiện nay, chúng tôi kỳ vọng doanh thu của DHG từ 2016 sẽ tăng nhanh hơn.Điểm nhấn đầu tư cho năm 2015 đối với cổ phiếu DHG là tăng trưởng đột biến về lợi nhuận, hơn 30% n/n, chủ yếu nhờ khoản tiết kiệm tiền thuế. DHG sẽ bắt đầu hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN 0% cho nhà máy mới trong 4 năm tới 2015-2018. Với giả định tỷ lệ doanh số sản suất tại nhà máy mới là 50% thì mức thuế suất bình quân 2015 của DHG chỉ khoảng 11%, so với mức thuế suất thông thường là 22%. Mức thuế suất bình quân của DHG sẽ còn thấp hơn đáng kể từ 2016 khi tỷ lệ đóng góp doanh số của nhà máy mới gia tăng như kỳ vọng.

Khuyến nghị. DHG đang giao dịch ở mức 11 lần PE 2015. Duy trì khuyến nghị MUA, với giá mục tiêu 120.000 đồng/cp, cao hơn gần 30% so với mức giá hiện tại.

IMP: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Doanh thu quý IV/2014 của IMP tăng mạnh 30,1% cùng kỳ, đạt 306 tỷ đồng, so với mức giảm 2,6% hồi 9 tháng đầu năm 2014. Điều này là nhờ kênh thương mại (OTC) vẫn tăng trưởng rất tốt, tốc độ bình quân khoảng 35%/năm trong 2013-2014. Với mức đóng góp gần 80% tổng doanh thu, tăng trưởng từ kênh OTC không chỉ giúp IMP bù đắp được sự sụt giảm doanh thu từ hệ điều trị (kênh phân phối chính trước đây của công ty) do ảnh hưởng bởi quy định đầu thầu mới, mà còn tạo ra tăng trưởng chung cho cả công ty. IMP đã có sự thay đổi chiến lược khá hợp lý. Lợi nhuận sau thuế quý IV/2014 đạt 22 tỷ đồng, so với mức lỗ khoảng 100 triệu đồng của quý IV/2013, nhờ chi phí bán hàng và quản lý được kiểm soát tốt hơn.

Lãi ròng 2014 tăng mạnh 41% năm trước, cao hơn dự báo khoảng 3%. Nhờ tăng trưởng tốt quý IV/2014, doanh thu cả năm 2014 của IMP tăng 6,6%, đạt 897,1 tỷ đồng, sát với dự báo của chúng tôi (899,7 tỷ đồng). Biên lợi nhuận gộp vẫn duy trì ổn định ở mức hơn 46%. Đặc biệt, việc kiểm soát tốt hơn các CPBH&QL đã giúp IMP tránh được tình trạng vượt trần khống chế các khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị được khấu trừ thuế theo quy định. Nhờ vậy, thuế suất thuế TNDN bình quân trong 2014 vẫn ở mức thông thường, khoảng 22%, so với mức 36,5% trong 2013. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của IMP trong 2014 đã tăng trưởng rất cao, đến 41% n/n, đạt 85,5 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng cũng trở lại mức 9,5%, tương đương với mức bình quân 5 năm từ 2008-2012, và so với mức 7,2% của năm 2013.

Triển vọng 2015. IMP đã công bố đối tác chiến lược cho đợt phát hành riêng lẻ 10% vốn điều lệ hôm 05/01/2015 vừa qua. Đó là CTCP Dược phẩm Pha No, đơn vị sở hữu hệ thống khoảng 40 nhà thuốc đạt chuẩn GPP mang thương hiệu Phano Pharmacy tại Tp.HCM. Xét về số lượng, mạng lưới hoạt động của Phano vượt trội hơn so với con số khoảng 10 nhà thuốc của 2 chuỗi nhà thuốc khá lớn và nổi tiếng khác tại Tp.HCM là Mỹ Châu và Eco Pharmacy .

Chúng tôi đánh giá tích cực về tiềm năng từ đối tác chiến lược Phano nhờ sự phù hợp với chiến lược hiện tại của IMP. Do vậy , chúng tôi kỳ vọng kênh OTC sẽ tiếp tục là yếu tố dẫn dắt cho tăng trưởng của IMP trong 2015 với mức tăng khoảng 15% và 20% n/n cho doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, do bị pha loãng, EPS 2015 ước chỉ tăng hơn 6% n/n.

Định giá. Cổ phiếu IMP đang giao dịch ở mức 13,4 lần PE 2015, cao hơn mức 11 lần bình quân ngành. Duy trì khuyến nghị nắm giữ.

DHC: PE kỳ vọng ở mức 7 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

DHC vừa công bố KQKD 2014 với doanh thu đạt 543 tỷ đồng, tăng 19% n/n và lợi nhuận sau thuế đạt 43 tỷ đồng, tăng 59% năm trước. Mức tăng này nhờ (i) sản lượng giấy công nghiệp và bao bì bán ra tăng; (ii) kiểm soát hàng tồn kho tốt hơn giúp cải thiện vốn lưu động, giảm nợ vay và chi phí lãi vay.

Chúng tôi ước tính doanh thu 2015 của DHC khoảng 568 tỷ, tăng 5% n/n nhờ gia tăng sản lượng giấy bán ra. Trước tình hình giá dầu giảm mạnh, giá giấy nguyên liệu cũng đang trong xu hướng giảm. Từ đầu năm đến nay, giá giấy nguyên liệu đầu vào đã giảm khoảng 5% năm trước. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cũng giảm. Tuy nhiên, giá bán ra dự báo cũng sẽ giảm nhẹ nên chúng tôi ước tính biên LNG sẽ ở mức 17,3%, tăng nhẹ so với mức 16,8% của 2014. Lợi nhuận gộp đạt 97,9 tỷ, tăng 9% năm trước.

DHC đang có kế hoạch đầu tư giai đoạn 2 nhà máy (NM) giấy Gia Long với công suất khoảng 60.000 tấn/năm trong 2015. Hiện tại, NM giấy Gia Long giai đoạn 1 có công suất là 60.000 tấn/năm, ngoài ra DHC còn có NM bao bì Bến Tre, công suất là 15 triệu sản phẩm/năm. DHC kì vọng sẽ hoàn thành giai đoạn 2 trong 2017 và việc nâng công suất có thể giúp gia tăng sản lượng sản xuất, mở rộng thị phần. Tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ với 60% nguồn vốn đến từ vốn vay. Theo đó, tỷ lệ nợ/VCSH sẽ tăng từ mức 0,36 trong 2014 lên 0,56 trong 2015. Chi phí lãi vay ước tăng 12% n/n và lỗ từ tài chính tăng 13% năm trước. Lợi nhuận sau thuế 2015 ước đạt 47 tỷ, tăng 8,9% năm trước. EPS 2015 dự phóng đạt 3.000 đồng/cp và PE kỳ vọng 2015 của DHC ở mức 7 lần, thấp hơn trung bình ngành là 8 lần.  

TTF: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

TTF di chuyển đi ngang trong biên độ 9.5 – 11.5 liên tục trong suốt quý IV/2014. Bước sang 2015, đường giá có những biểu hiện tích cực khi bật tăng mạnh từ cận dưới vùng tích lũy ngang.

Trong phiên hôm nay, lần đầu tiên TTF đóng cửa thành công trên kháng cự 11.5 điểm và tiếp tục tạo lập đỉnh liền sau cao hơn.

Xu hướng của TTF vì vậy được xác nhận chuyển sang tăng.

Thanh khoản có thể xem là điểm trừ nhỏ của TTF khi ghi nhận “sự thất thường”. Ở phiên vượt kháng cự hôm nay, KLGD vẫn còn thấp hơn đôi chút mức trung bình 50 ngày.

Chỉ báo kỹ thuật tích cực. MACD đã cắt lên trên đường 0, ủng hộ TTF di chuyển theo xu hướng tăng. Các chỉ báo còn lại cũng nằm trong vùng tích cực.

Chiến lược đầu tư: NĐT có thể xem xét mua vào TTF ở quanh mức giá hiện tại 11.8. Mục tiêu đầu tiên: 13.6 (+15,3%), Mức dừng lỗ: 11.1 (-5,9%).

Tin bài liên quan