Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/7

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/7 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu FMC

CTCK Phú Hưng (PHS)

Kết thúc 6 tháng đầu năm, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) công bố kết quả sơ bộ với doanh số tiêu thụ (bao gồm tôm và nông sản) đạt 73.3 triệu USD, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ 2018.

Nếu chỉ tính riêng tháng 5 và tháng 6, doanh số FMC đã có sự hồi phục trở lại khi tăng 5% do bước vào vụ thu hoạch chính từ cuối tháng 5 và thu hoạch rộ trong tháng 6. Đồng thời, năm nay thời tiết thuận lợi, thả nuôi tốt, đạt sản lượng trên 6.800 tấn (+7%) và có lãi khá, lợi nhuận dần được cải thiện trong quý II với mức lãi sau thuế ước tính là 45 tỷ, tương ứng với mức lãi ròng trong 6 tháng đầu năm đạt 86 tỷ (+40%).

Giá tôm trải qua giai đoạn rớt giá mạnh về dưới 90 nghìn đồng/kg trong tháng 6. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá tôm tiếp tục duy trì ở mức thấp nhưng không giảm sâu nữa do nhu cầu gia tăng vào dịp cuối năm.

Với giả định giá tôm trung bình năm 2019 giảm nhẹ 4% so với năm 2018 và sản lượng tăng đều 10% mỗi năm, chúng tôi dự phóng doanh thu FMC đạt 4.023 tỷ đồng (tăng 6% so với năm ngoái). Giả định biên lợi nhuận duy trì ở mức 10,4%, lợi nhuận sau thuế ước tính của FMC đạt 205 tỷ (tăng trưởng 13%).

Bằng phương pháp DCF và P/E, mức giá hợp lý cho FMC sau pha loãng là 34.462 đồng/ cổ phiếu (tương ứng P/E forward 8.x), từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu DRC

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DRC của CTCP Cao su Đà Nẵng với giá mục tiêu 23.780 đồng dựa trên phương pháp so sánh P/E. Mức P/E kỳ vọng được xác định trên cơ sở P/E trung vị của cổ phiếu DRC trong 2 năm trở lại đây.

DRC kỳ vọng tăng trở lại giá mục tiêu 21-21.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã DRC) có tín hiệu hồi phục sau khi tạo đáy tại ngưỡng 17.95. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt xa ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên, cho thấy tín hiệu hồi phục khá mạnh mẽ.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD cũng đều ủng hộ xu hướng này. Cổ phiếu vẫn nằm trong xu hướng tăng giá sau khi có tín hiệu hội tụ. Tuy nhiên, đường MA200 cho thấy tín hiệu phục hồi chưa vững vàng trong trung hạn.

Như vậy, DRC được kỳ vọng tăng trở lại và test MA200 với giá mục tiêu 21 – 21.5 trong các phiên giao dịch tới.

Khả năng điều chỉnh tăng dự báo giá trị bán hợp đồng 2019 của NLG

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng 2019 với doanh thu thuần 935 tỷ đồng (giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 266 tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái). Các kết quả này tương ứng với lần lượt 26% và 28% dự báo lần lượt cho doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2019 của chúng tôi.

Chúng tôi kỳ vọng không có thay đổi đáng kể đến dự báo doanh thu 3,6 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 3%) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 951 tỷ đồng (tăng 25%) cho năm 2019 của chúng tôi, khi chúng tôi kỳ vọng ghi nhận doanh thu từ doanh số bán bất động sản đã bán và chuyển nhượng cổ phần dự án sẽ thúc đẩy lợi nhuận cốt lõi trong nửa cuối 2019.

Tăng trưởng doanh thu 6 tháng 2019 chậm hơn tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số. Chúng tôi cho rằng doanh thu 6 tháng 2019 giảm so với cùng kỳ chủ yếu đến số lượng bàn giao dự án thấp hơn trong khi các dự án trọng điểm (Mizuki Park, Novia, Akari City, Waterpoint giai đoạn 1) vẫn đang được xây dựng.

Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 6 tháng 2019 chủ yếu đến từ thu nhập khác trong quý 1/2019 bao gồm 110 tỷ đồng lãi sau thuế từ ghi nhận lợi thế thương mại âm sau khi thâu tóm quỹ đất Paragon Đại Phước (Đồng Nai, 45ha).

Các đợt mở bán thời gian qua thực hiện với giá chào bán cao hơn dự kiến. Trong 3 tuần qua, NLG đã mở bán giai đoạn 1 dự án Akari CIty với 1.200 căn hộ (giá bán khởi điểm 1.350 USD/m2) và đã tổ chức sự kiện khởi động bán hàng cho dự án Waterpoint, trong đó công ty có kế hoạch mở bán lên đến 1.700 căn hộ (giá bán khởi điểm dự kiến 950 USD/m2 diện tích sàn) cho đợt đầu tiên.

Cả hai mức giả khởi điểm đề cập ở trên đều cao hơn lần lượt 20% và 130% giả định của chúng tôi cho các dự án này, là điều hiểu được trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung hiện tại trường nhà ở sơ cấp tại TP. HCM. Do đó, chúng tôi cho rằng sẽ có khả năng điều chỉnh tăng dự báo giá trị bán hợp đồng 2019 hiện tại của chúng tôi là 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 65%), dù cần đánh giá chi tiết hơn.

Lợi nhuận PNJ sẽ tiếp tục phục hồi trong 6 tháng cuối năm

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2019 với doanh thu giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 6%. Tuy nhiên, theo ước tính của chúng tôi, sau khi giảm trong tháng 4 và 5/2019 so với cùng kỳ năm ngoái do một số sự cố không lường trước trong hoạt động liên quan đến việc đưa hệ thống ERP mới vào hoạt động hồi cuối tháng 3/2019, lợi nhuận sau thuế của PNJ đã tăng trưởng trở lại trong tháng 6/2019. Các kết quả nói trên phù hợp với dự báo của chúng tôi và chúng tôi cho rằng lợi nhuận sẽ tiếp tục phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2019.

Doanh thu từ bán lẻ trang sức đạt tăng trưởng 2 chữ số trong 6 tháng đầu năm nhờ doanh số các cửa hàng hiện hữu đạt tốc độ tăng trưởng 1 chữ số, mở thêm 16 cửa hàng trang sức vàng và đóng góp của các cửa hàng mới mở năm 2018.

Việc phục hồi trong tháng 6/2019 cho thấy PNJ đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Tốc độ mở cửa hàng trang sức vàng phù hợp với dự báo mở mới 35 cửa hàng trong năm 2019 của chúng tôi.

Việc mở rộng mạng lưới bán lẻ đồng hồ được đẩy mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019, tập trung vào hình thức cửa hàng đồng hồ đi kèm cửa hàng trang sức.

Doanh thu bán buôn trong 6 tháng đầu năm 2019 giảm vì hoạt động kinh doanh này cũng bị ảnh hưởng bở sự cố liên quan đến hệ thống ERP nói trên.

Chi phí quản lý và bán hàng tăng mạnh do mở rộng mạng lưới cửa hàng và đầu tư vào chuyển đổi số. Phù hợp với dự phóng của chúng tôi.

Duy trì quan điểm tích cực đến triển vọng dài hạn của SCS

CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong 6 tháng 2019, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) đã đạt tăng trưởng doanh thu 15% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 362 tỷ đồng và tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 21% đạt 240 tỷ đồng.

Chúng tôi cho rằng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đến từ tăng trưởng sản lượng hàng hóa quốc tế mạnh mẽ - vốn là yếu tố dẫn dắt lợi nhuận chính của SCS - khi đã tăng 12% YoY trong 6 tháng 2019.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 6 tháng 2019 của SCS đã hoàn thành lần lượt 48% và 51% dự báo cả năm của chúng tôi. Dù các kết quả kinh doanh này phần lớn phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi, thông qua quá trình đánh giá chi tiết hơn, chúng tôi có khả năng điều chỉnh tăng dự báo 2019 trong bối cảnh việc bảo trì đường băng tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) nhiều khả năng không diễn ra trong năm nay (vui lòng xem thêm chi tiết trong báo cáo ĐHCĐ ACV của chúng tôi).

Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm tích cực đến triển vọng dài hạn của SCS, khi chúng tôi dự báo công ty sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép doanh thu 19% trong giai đoạn 2018-2023, với biên lợi nhuận ròng mạnh mẽ 63-75% và ROE 48-60%.

Chúng tôi kỳ vọng diễn biến này đến từ (1) nhu cầu vận tải hàng hóa hàng không mạnh mẽ tại Việt Nam. (2) vị thế thị trường chỉ có 2 công ty hoạt động với rào cản tham gia ngành cao và (3) tỷ lệ chuyển đổi tiền mặt 90% do nhu cầu vốn xây dựng cơ bản thấp chỉ 8 triệu USD trong giai đoạn 2019-2023 và không có nợ.

Tin bài liên quan