Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 21/7 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/7

HPG: Khuyến nghị mua vào

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 của HPG tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ mảng sản xuất thép và bất động sản. Doanh thu trong 6 tháng đạt 13.339 tỷ đồng (hoàn thành 58% kế hoạch, +58% so với cùng năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 1.874 tỷ đồng (hoàn thành 85,2% kế hoạch, +85% so với cùng năm ngoái). Mức tăng tuyệt đối 862 tỷ đồng so với cùng kỳ là do có sự đóng góp sản lượng thép xây dựng (50%), ống thép (10%) và còn lại phần lớn là từ dự án Mandarin Garden.

Tính đến hết tháng 5/2014, thị phần thép xây dựng của HPG vẫn tiếp tục dẫn đầu đạt 18%, theo sau là POM (15,4%), Vinakyoei, Tisco (8,8%)… Đối với mảng ống thép, HPG vẫn duy trì vị trí thứ 2 với mức thị phần 18,3%, đứng đầu là HSG với 20,1%; các doanh nghiệp theo sau là SeAH (12,7%), công ty 190 (8,2%)…

Trong 6 tháng cuối năm Hòa Phát sẽ khởi công xây dựng Khu liên hợp - giai đoạn III tại Hải Dương. Công suất đạt 750.000 tấn phôi thép/năm, dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 4 năm 2016. Sau khi hoàn thành, sản lượng thép xây dựng toàn Tập đoàn ước đạt gần 2 triệu tấn/năm.

Với đà tăng trưởng tốt, HPG ước đạt 26.000 tỷ đồng doanh thu (vượt 13% kế hoạch), 3.100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (vượt 43,9 % kế hoạch). Theo ước tính này, EPS 2014 đạt 6.450 đồng/CP, P/E forward đạt 8,7 lần (giá ngày 14/7/2014 là 56.000 đồng/CP), thấp hơn so với mức trung bình ngành thép là 13 lần cũng như vị thế dẫn đầu của HPG hiện nay. Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị MUA HPG.

SHP: Khuyến nghị mua vào

CTCK Maritimebank (MSBS)

Được thành lập từ năm 2004, Công ty cổ phần thủy điện Miền Nam đến nay đã có 3 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, sản lượng điện dự kiến hàng năm khoảng 550 triệu kWh.

Với đơn vị góp vốn chính là Tổng công ty điện lực Miền Nam, SHP nhận được sự hậu thuẫn tài chính vững mạnh cũng như công nghệ và kỹ thuật sản xuất hiệu quả.

Kết quả kinh doanh của SHP luôn rất khả quan. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế luôn cao, ổn định kể từ khi các nhà máy thủy điện đầu tiên vận hành. 6 tháng đầu năm 2014, bất chấp khấu hao tăng mạnh khi nhà máy lớn nhất Đa M’Bri đi vào hoạt động, lợi nhuận sau thuế của SHP vẫn tăng 56% so với cùng kỳ năm 2013 và đã hoàn thành hơn 76% kế hoạch năm.

Những năm gần đây, nhà máy thủy điện Đa Dâng 2 và Đasiat luôn đạt sản lượng vượt kế hoạch. Trong năm 2014, nhà máy thủy điện Đa M’bri có công suất thiết kế lớn nhất trong 3 nhà máy của SHP đi vào hoạt động với sản lượng điện dự kiến hàng năm là 338 triệu kWh.

Hiện tại, Công ty cổ phần Thủy điện Miền Nam đã thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UpCom. Thanh khoản cổ phiếu SHP trong 1 tháng qua là gần 14.000 đơn vị/phiên.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, điện không chỉ là an ninh năng lượng quốc gia mà còn là một lĩnh vực kinh tế quan trọng. Với chủ trương xã hội hóa đầu tư ngành điện, SHP đã nhận được nhiều ưu đãi trong việc xây dựng, phát triển các công trình thủy điện. Tiến độ xây dựng được đảm bảo giúp dòng tiền của SHP rất ổn định. Giá bán điện khá cao cùng suất đầu tư các dự án thủy điện đều ở mức hợp lý giúp Công ty đảm bảo hiệu quả tài chính. Bên cạnh đó, SHP cũng đã đăng ký thành công cả 03 dự án của Công ty thành dự án CDM theo Nghị định thư Kyoto đảm bảo vấn đề môi trường đồng thời tạo điều kiện phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Dựa trên những luận điểm đã nêu, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu SHP cho mục tiêu trung và dài hạn.

>> Tải báo cáo

CTCK FPT (FPTS)

Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao trong năm nay là một điểm nhấn đầu tư cho SHP. Ngoài ra, với thế mạnh về địa hình và điều kiện thủy văn, chúng tôi kỳ vọng mức ổn định về sản lượng và doanh thu trong các năm sau đó. Chi phí lãi vay sẽ giảm dần theo từng năm sẽ giúp tăng dần lợi nhuận của SHP trong các năm tiếp theo. EPS ước tính khoảng 2.289 VND trong năm 2014 được kỳ vọng được giữ ở mức này và sẽ tăng chậm đều trong các năm tiếp theo. Sử dụng phương pháp so sánh P/E, chúng tôi kỳ vọng mức giá khoảng 17.800VND (sau khi đã chiết khấu rủi ro thanh khoản) và đưa ra khuyến nghị MUA dài hạn cho mã cổ phiếu này.

>> Tải báo cáo

SBT: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Chúng tôi tiến hành định giá lần đầu mã cổ phiếu SBT của CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh niêm yết trên sàn HSX.

Bằng cách sử dụng phương pháp chiết khấu dòng ngân lưu tự do FCFF để xác định giá trị nội tại một cổ phiếu SBT trong vòng 12 tháng tới là 15.400 đồng/cp, cao hơn 26,2% so với giá hiện tại. Chúng tôi khuyến nghị MUA cho mục tiêu trung và dài hạn.

Chúng tôi ước tính doanh thu năm 2014 của SBT đạt 2.167 tỷ đồng (-2,4% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 2014 ước đạt 196 tỷ (-17,6% so với cùng năm ngoái) tương ứng với EPS 2014 đạt 1.319 đồng/cp (-17,6% so với cùng năm ngoái). Có thể thấy trong năm 2014, hoạt động kinh doanh của SBT vẫn còn nhiều khó khăn dưới những biến động bất lợi của giá đường, thặng dư cung nội địa cũng như toàn cầu. Tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng vào sự phục hồi mang tính chu kỳ, vốn là một đặc thù của ngành mía đường, cùng với những dự báo về nhu cầu tiêu thụ nội địa để đưa ra đánh giá về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong trung và dài hạn. Tốc độ tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn 2014 – 2023 ước tính khoảng 4,2%/năm.

SBT là doanh nghiệp sản xuất đường lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ, vị trí nhà máy gần các khu công nghiệp lớn nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm TP.HCM – Đồng Nai – Bình Dương nên có lợi thế cung cấp trực tiếp cho các khách hàng công nghiệp lân cận.

Vùng nguyên liệu rộng 15.000 ha và công suất thiết kế đạt 9.800 tấn mía/ngày dễ dàng đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô. Tuy khó mở rộng vùng trồng thời điểm hiện tại nhưng doanh nghiệp đang tập trung phát triển theo chiều sâu: nghiên cứu giống mía mới, triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hoá để gia tăng năng suất và chữ đường trong mía.

Khả năng luyện đường thô từ 30.000 đến 35.000 tấn/năm giúp giảm tính thời vụ trong hoạt động sản xuất đường từ mía. Đầu tư nâng cấp công suất nhà máy điện từ 24 MW lên 34 MW để đón đầu chính sách tăng giá điện sinh khối theo Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg.

Dự án Ethanol thực phẩm đi vào hoạt động từ vụ 2015/16 giúp giảm giá thành đường thêm từ 500 đồng/kg.

>> Tải báo cáo

HSG: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Rồng Việt (VDSC)

HSG vừa công bố kết quả kinh doanh quý III niên độ tài chính 2013-2014, theo đó, doanh thu đạt 4.322,7 tỷ đồng (+32% so với cùng kỳ), tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 110,7 tỷ đồng (-40% so với cùng kỳ). Đáng lưu ý, sản lượng tiêu thụ trong quý này tăng trưởng mạnh so với quý trước (+32%) nhờ thị trường vật liệu xây dựng trong nước vào mùa cao điểm trong tháng 4, tháng 5. Ngoài ra, đầu tháng 6, dây chuyền thép cán nguội số 4 của công ty đã chính thức đi vào hoạt động. Lượng hàng bán xuất khẩu duy trì ổn định trong ba quý đầu năm, bình quân xuất khẩu khoảng 28.500 tấn thành phẩm/tháng.

Tính chung 3 quý của niên độ tài chính 2013-2014, công ty ước đạt 10.963,3 tỷ đồng doanh thu (+28%) và 281,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (-47%). Theo đánh giá của chuyên viên ngành, doanh thu tăng trưởng nhờ sản lượng tiêu thụ của công ty tăng mạnh (+37% so với cùng kỳ niên độ trước), đạt 595.411 tấn. Ngược lại, lợi nhuận giảm mạnh do công ty không còn được hưởng lợi từ đầu cơ nguyên liệu, chúng tôi ước tính biên lợi nhuận bình quân từ đầu năm đến nay chỉ khoảng 12%, giảm mạnh so với mức 16% cùng kỳ.

Theo tính mùa vụ, biên lợi nhuận gộp quý cuối niên độ thường giảm do đây là mùa thấp điểm của tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cũng khó khăn bởi rơi vào mùa lễ hội Ramandan ở một số thị trường quan trọng của công ty (điển hình là Indonesia). Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ được duy trì nhờ: (1) hậu quả do tích trữ nguyên liệu giá cao đã được chiết khấu vào các quý đầu năm và (2) dây chuyền cán nguội số 5 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 8/2014 giúp giảm chi phí gia công ngoài. Lợi nhuận sau thuế ước tính cho niên độ tài chính 2013-2014 đạt khoảng 404 tỷ đồng (-30% so với cùng kỳ), tương đương với EPS là 4.013 đồng/cp. P/E dự phóng tương ứng là 11,3x, nếu chỉ nhìn kết quả của niên độ tài chính 2013-2014, chúng tôi không cho rằng HSG còn hấp dẫn. Tuy nhiên, kể từ đầu niên độ tài chính 2014-2015 (bắt đầu từ tháng 10/2014), khi các dây chuyền mới đi vào hoạt động ổn định, chúng tôi đánh giá triển vọng kinh doanh của HSG sẽ có chuyển biến tích cực. Vì vậy, NĐT có thể THEO DÕI diễn biến giá của HSG trong vòng 3-6 tháng tới để chọn được thời điểm đầu tư hợp lý.

IJC: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

IJC có lợi thế về quỹ đất do công ty mẹ Becamex có quỹ đất lên đến 10.000 ha ở Bình Dương, vị trí đắc địa trong quy hoạch các quận trung tâm Tp.Bình Dương, Tp Thủ Dầu Một và các thị xã lân cận. Hoạt động bán đất nền giá rẻ kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại DT khả quan trong những năm tới.

Cuối quý I/2014, hệ số Nợ/tổng tài sản của IJC vẫn ở mức an toàn, đạt 36,5%. Tuy nhiên tiền và tương đương tiền chỉ đạt 33 tỷ đồng trong khi các khoản nợ chịu lãi ngắn hạn, phải trả người bán lên tới 470 tỷ đồng (10% tổng tài sản) và lưu chuyển tiền thuần tiếp tục ghi nhận giá trị âm (-12 tỷ đồng). Để có thêm tiền đầu tư vào các dự án và chi trả các khoản nợ, IJC có kế hoạch phát hành 1000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2014.

Quý I/2014, IJC đạt 85,2 tỷ đồng doanh thu thuần (+2,1% so với cùng kỳ năm ngoái) và 18,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+18,3% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 6% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2014. Trong đó: (1) Hoạt động thu phí giao thông đạt 48 tỷ đồng, chiếm 56,4% tổng doanh thu (tương đương cùng kỳ năm ngoái); (2) Hoạt động Kinh doanh bất động sản đạt 20,8 tỷ (+3,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái), chiếm 24,4% tổng doanh thu, (3) Hoạt động kinh doanh bất động sản thương mại dịch vụ đạt 4,5 tỷ (+2,3% so với cùng kỳ năm ngoái), chiếm 5,3% tổng doanh thu, (4) Hoạt động khác đạt 13,3 tỷ đồng (-47,8% so với cùng kỳ năm ngoái).

Chúng tôi dự phóng năm 2014, IJC ước đạt 822,5 tỷ đồng doanh thu (+33,7% so với năm ngoái), và 199,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+23% so với năm ngoái). EPS forward đạt 723 đồng, với mức giá ngày 17.07.2014 là 13.600 đồng, P/E forward 2014 là 18,81 lần – tương đối cao so với trung bình ngành bất động sản (đang là 12,x lần). Cổ tức 2014 là 8% - thị giá cổ tức/cổ phiếu đạt 5,84% - chưa thực sự hấp dẫn.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đánh giá cao IJC trong dài hạn do: (1) IJC là DN bất động sản có cơ cấu nguồn vốn duy trì ở mức an toàn, vay nợ ít; (2) hoạt động thu phí có doanh thu và lợi nhuận ổn định, đem lại dòng tiền đều đặn cho DN, giúp DN duy trì hoạt động, vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường BĐS không thuận lợi; (3) trong hoạt động kinh doanh BĐS, IJC là DN có quỹ đất rộng, vị trí đắc địa, giá trị thương mại cao; (4) tỉ lệ chi trả cổ tức tương đối tốt và hầu hết đều chi trả bằng tiền mặt: năm 2013: 6% (tiền mặt, ngày chốt quyền là 31.07.2014); (5) thanh khoản của cổ phiếu IJC được duy trì tương đối tốt, khối lượng giao dịch bình quân 3 tháng đạt trên 2 triệu cổ phiếu/phiên. Do đó, VCBS khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu IJC.

>> Tải báo cáo

TDH: Có thể xem xét tích lũy dần

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Ngày 16/7/2014, BVSC có buổi gặp với đại diện phía TDH và ghi nhận một số thông tin chính như sau:

Kết quả kinh doanh quý II/2014 dự kiến đạt khoảng 8 - 10 tỷ đồng, trong khi, cùng kỳ ghi nhận lỗ 8 tỷ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 18 tỷ, hoàn thành 28% kế hoạch 2014. Doanh thu trong kỳ đóng góp từ các dự án còn tồn đọng, hoạt động cung cấp dịch vụ ở chợ Thủ Đức và kinh doanh nông sản. Tiến độ kinh doanh các dự án đã đầu tư cải thiện tốt dần lên góp phần bù đắp cho phần doanh thu cho thuê dài hạn các ô chợ đã ghi nhận xong. Tính đến hiện tại, lượng hàng tồn kho còn lại cụ thể như sau:

Dự án

Số nền/căn

Tồn kho cuối 2013

Hiện tại

Long Hội City

186

74

34

Phước Long Spring Town (GDD1)

38

22

8

TDH-Trường Thọ

262

73

60

TDH-Phước Bình

86

16

10

Dự án Cantavil Primier: đã bán 148/184 căn và đã bàn giao khoảng 44 căn. Giá bán khoảng 2.000USD/m2 với biên lãi gộp công ty công bố 30 – 35%. Phần khối đế thương mại đã chuyển nhượng phần lớn cho các đối tác. Lợi nhuận thuộc về TDH dự kiến trong năm 2015 mới kịp ghi nhận. Nguyên nhân dự án đang thực hiện quyết toán chi phí đầu tư với thời gian kéo dài 5 – 7 tháng.

Như vậy, để hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2014, TDH có kế hoạch mở bán mới một số dự án Phước Long SpringTown GĐ 2, dự án đất nền Bình Chiểu, chung cư Toncocap…Quỹ đất triển khai các dự án này phần lớn là đất sạch có thể đưa vào đầu tư. Nguồn vốn sẽ huy động từ phát hành thêm, thanh lý khoản đầu tư tài chính hoặc tài trợ bằng nợ vay. Doanh thu chủ yếu ghi nhận từ các dự án đất nền.

Thông tin cơ bản và tiến độ các dự án chuẩn bị triển khai.

Dự án

Tổng vốn đầu tư

Diện tích

Giá bán

Tiến độ

Bình Chiểu

-

40.340

10 -12tr/m2

Lập quy hoạch 1/500 và hoàn chỉnh đền bù 100%

Spring Town –GĐ 2 (TDH: 66,9%)

-

57 nền

20 – 25tr/m2

Đang đầu tư hạ tầng. Mở bán quý 4/2014

KDC Bến Lức (TDH: 49%)

315

260.000

4 – 4,5 tr/m2

Đầu tư hạ tầng khu 1 (15,2ha). Tiếp tục đền bù hoàn thiện khu 2 (11,4ha)

TDH – Phước Long (TDH: 100%)

192

3.573

15 tr/m2

Thi công xong móng, tầng hầm. Mở bán trong quý 4/2014.

TDH – Tocontap (TDH : 65%)

480

11.634

-

Đã có quyết định giao đất

Kế hoạch thoái vốn các khoản đầu tư và tiến độ phương án phát hành hiện hữu Các khoản đầu tư sẽ thanh lý trong năm 2014:

- Ngân hàng TMCP Phương Đông (31,8 tỷ): nắm giữ 3,6 triệu cp, giá bình quân 8.900 đồng/cp. Giá bán mục tiêu từ 10.000 – 11.000 đồng/cp.

- Tổng công ty cổ phần Phong Phú (37 tỷ): số cổ phiếu nắm giữ là 3,3 triệu với giá vốn khoảng 11.000 đồng/cp. Khả năng bán lại cho Vinatex.

- CTCP Tài chính dệt may (41 tỷ): giá vốn 12.000 đồng/cp. Số lượng nắm giữ là 3,45 triệu cp. Kỳ vọng bán bằng giá vốn đầu tư.

- Một số khoản đầu tư nhỏ khác: SC5, Chứng khoán Sen Vàng, PVI…

Tiến độ phương án phát hành hiện hữu: đang hoàn thiện hồ sơ phát hành (điều chỉnh kế hoạch sử dụng vốn và chờ bổ sung báo cáo tài chính quý 2). Thời điểm phát hành dự kiến quý 3/2014. Giá phát hành tối thiểu 12.500 đồng/cp. Số tiền dự thu khoảng 240 tỷ sẽ dùng để tài trợ cho 5 dự án như trên.

Khả năng hoàn thành kế hoạch 2014 và tiềm năng trong trung hạn

Theo đánh giá phía TDH, công ty kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2014 nhờ vào doanh thu các dự án đất nền sắp mở bán như Long Hội, Phước Long SpringTown GĐ 2, Bình Chiểu. Tuy nhiên, BVSC lưu ý một số điểm có thể ảnh hưởng không tích cực khả năng thực hiện kế hoạch, cụ thể (i) Thời điểm mở bán tương đối trễ (quý IV) sẽ ảnh hưởng tiến độ ghi nhận doanh thu (ii) Nguồn vốn thực hiện phụ thuộc vào kết quả đợt phát hành (iii) Giá bán dự án đất nền (Phước Long SpringTown) tương đối cao (iv) Nguồn thu từ kinh doanh cho thuê dài hạn ô chợ không còn để ghi nhận trong năm 2014. Do đó, dù thị trường có tín hiệu ủng hộ cho công ty bất động sản, BVSC cho rằng ngắn hạn hoạt động kinh doanh của TDH vẫn còn nhiều thách thức.

Triển vọng dài hạn hơn, TDH cho thấy những cơ hội tốt khi danh mục dự án sắp triển khai phù hợp nhu cầu thị trường (căn hộ bình dân và đất nền). Các khoản đầu tư tài chính sẽ được thanh hoán để thu hồi tiền cho công ty. Ngoài ra, lợi nhuận từ liên doanh dự án Cantavil Premier vẫn chưa ghi nhận và có thể tạo ra đột biến trong 2015. Điểm hạn chế của TDH là tài sản nhiều nhưng phân bổ khá rộng nên chưa mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Nhận định: Từ những thông tin trên, BVSC bắt đầu lạc quan hơn về triển vọng của TDH kể từ năm 2015. Nếu tiến độ dự án như Cantavil Premier, SpringTown GĐ 2, Bình Chiểu…triển khai như dự tính, thời điểm tăng trưởng lợi nhuận sẽ tập trung trong năm 2015 và 2016. Còn trong ngắn hạn, hoạt động kinh doanh dự án còn tồn, cung cấp dịch vụ khu chợ chỉ mang lại lợi nhuận ổn định cho công ty chứ chưa đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2014.

Điểm quan trọng mà chúng ta nên quan tâm hiện nay là kết quả đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu trong quý 3. Nếu đợt phát hành thành công, BVSC cho rằng triển vọng của TDH sẽ thay đổi tích cực hơn trong tương lai. Do đó, nhà đầu tư trung hạn quan tâm cổ phiếu bất động sản có thể xem xét tích lũy dần cổ phiếu TDH trong danh mục đầu tư của mình.

BMP: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

CTCP Nhựa Bình Minh (BMP – sàn HOSE) không bị phạt vi phạm hành chính, khoảng 42 tỷ đồng, về hành vi chậm nộp thuế TNDN.

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 ước giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 49% kế hoạch năm. Với EPS 2014 dự phóng đạt 8.066 đồng/cp, PE 2014 ở mức 9,0x, tương đương mức trung bình lịch sử 5 năm là 9,5x. Khuyến nghị NẮM GIỮ.

Theo Quyết định trước đây của Cục Thuế, tổng số tiền mà BMP phải nộp là khoảng 117 tỷ, trong đó 75 tỷ thuế truy thu đã nộp trong 2013 ngay sau khi nhận được thông báo từ Cục Thuế và 42 tỷ phạt vi phạm hành chính. Xin nhắc lại, BMP được hưởng 50% thuế do cổ phần hóa (2006-2008) và 50% thuế do lần đầu niêm yết trước 2007 (2006-2007), nhưng theo luật thì BMP không được áp dụng 2 ưu đãi cùng 1 lúc nên thuế ưu đãi do niêm yết đã áp dụng trong 2009-2010. Do thay đổi trong chính sách thuế nên BMP bị truy thu khoản thuế ưu đãi của 2009-2010. Việc được bãi bỏ khoảng phạt hành chính là thông tin tích cực cho BMP. Bên cạnh đó, do vẫn chưa hài lòng với quyết định trên nên BMP cho biết đang tiếp tục kiến nghị lên Bộ Tài Chính để được hoàn lại tiền thuế truy thu đã nộp. Khoản chi phí này BMP đang ghi nhận trên khoản mục “Phải thu khác” trên bảng Cân đối kế toán trong thời gian chờ kết quả cuối cùng từ  Bộ Tài Chính. Theo đó, lợi nhuận sau thuế 2014 sẽ không bị ảnh hưởng.

VNS: P/E dự phóng ở mức 7,9 lần

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Theo báo cáo công ty mẹ quý II/2014, tổng số xe hiện đang kinh doanh của VNS đến 30/06/2014 ước đạt 5.573 chiếc, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, doanh thu công ty mẹ quý II/2014 tăng 18% n/n và đạt khoảng 870 tỷ. Do lỗ từ hoạt động tài chính giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức âm 17 tỷ xuống còn 13,6 tỷ, chủ yếu do lãi vay giảm, nên lợi nhuận từ hoạt động tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 75 tỷ. Thêm vào đó, lợi nhuận đến từ thanh lý xe cũ tăng mạnh 8x so với cùng kỳ năm ngoái nên lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ - VNS đạt 72 tỷ, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý II/2014, VNS đã thanh lý là 89 xe, tăng đáng kể so với cùng kỳ chỉ 10 chiếc, ước tính lợi nhuận từ thanh lý xe cũ khoảng 192 triệu đồng/chiếc.

Mặc dù 6 tháng đầu năm thường là quý thấp điểm nhưng VNS ước hoàn thành 52,25% và 60,32% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ. Đồng thời cũng đã đầu tư thêm 768 xe và thanh lý 242 xe, đạt 66,5% và 51% kế hoạch. Công ty Mẹ thường đóng góp 96% vào tổng doanh thu và lợi nhuận, do đó, chúng tôi kì vọng kết quả hợp nhất của 2 quý đầu 2014 cũng khả quan. Quý III và IV là mùa cao điểm du lịch nên hoạt động kinh doanh của công ty sẽ tiếp tục khả quan hơn so với 2 quý đầu năm. Chúng tôi giữ nguyên dự phóng doanh thu hợp nhất 2014 sẽ tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, lợi nhuận ròng khác từ hoạt động thanh lý xe cũ cũng sẽ tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế 2014 ước khoảng 355 tỷ, tăng 58% so với năm ngoái. Cuối tháng 5/2014, VNS đã tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, nâng vốn điều lệ lên 565 tỷ. Từ trước đến nay, vốn để đầu tư xe của VNS chủ yếu là từ vốn chủ sở hữu thông qua việc giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, kết hợp với huy động một lượng nợ vay cân đối. Chiến lược này vẫn được VNS sử dụng khi đầu tư thêm xe trong năm 2014. EPS 2014 ước đạt 5.744 đồng/cp, tăng 45% so với năm ngoái và PE dự phóng là 7,9 lần, thấp hơn mức trung bình lịch sử là 13x.

Tin bài liên quan