Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/4

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/4

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 2/4 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu DCM với giá 21.100 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2020 của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) lần lượt đạt 7.563 tỷ đồng (tăng 7% so với năm trước) và 665 tỷ đồng (tăng trưởng 56%), nhờ giá khí đầu vào giảm mạnh và nhu cầu xuất khẩu phân bón tăng cao.

DCM đặt kế hoạch 2021 với doanh thu thuần đạt 7.839 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 197 tỷ đồng, sản lượng ure quy đổi 860 nghìn tấn

BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2021 lần lượt đạt 9.493 tỷ đồng (tăng trưởng 23,5% so với năm ngoái) và 888 tỷ đồng (tăng trưởng 34,3%). EPS fwd = 1.366 đồng và P/E fwd= 13x, P/B fwd =1.4x

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu DCM với giá 21.100 đồng/CP, upside 20,9% so với giá ngày 31/3/2021 với phương pháp DCF và P/E, với tỷ trọng là 40% - 60%.

Chốt lãi khi cổ phiếu VNM tiếp cận ngưỡng đỉnh cũ tại vùng giá 110

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam đang vừa có dấu hiệu bứt phá khỏi ngưỡng tích lũy ngắn hạn 100.0. Thanh khoản cổ phiếu nằm trên ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên, đồng thuận với nhịp tăng giá cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng tăng giá cổ phiếu. Đường giá cổ phiếu vẫn nằm dưới dải mây Ichimoku báo hiệu xu hướng tăng giá trung hạn chưa hình thành.

Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 101.0 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng đỉnh cũ tại vùng giá 110. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 98.0.

Khuyến nghị mua SCS và khả quan dành cho ACV

CTCK Bản Việt (VCSC)

Theo các nguồn truyền thông trong nước, Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) đề xuất mở đường bay quốc tế thường lệ, đưa khách vào Việt Nam theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 sẽ chỉ khôi phục các chuyến bay trọn gói (full combo), áp dụng với công dân Việt Nam. Ở giai đoạn này, chi phí trọn gói vé máy bay, xét nghiệm Covid19, khách sạn cách ly, tiền ăn trong 15 ngày, phương tiện mặt đất đón về nơi cách ly.

Các chuyến bay này sẽ được thực hiện cùng với các chuyến bay giải cứu của Chính phủ với tần suất tùy thuộc vào công suất cách lý của các tỉnh thành trong nước. Chuyến bay chỉ được cấp phép sau khi chính quyền địa phương thông qua phương án tiếp nhận cách ly. Chúng tôi cho rằng giai đoạn này sẽ bắt đầu thực hiện khi Chính phủ thông qua kế hoạch.

Giai đoạn 2 dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 7/2021. Giai đoạn này sẽ tổ chức các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam. Hành khách được cách ly sau khi nhập cảnh áp dụng với cả công dân Việt Nam và nước ngoài (hành khách phải có xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi bay).

Ban đầu, các chuyến bay được nối lại giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với tần suất 4 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên. Để thức hiện chuyến bay, các hãng hàng không và kế hoạch cách ly cần được chính quyền địa phương nơi máy bay hạ cánh phê duyệt.

Dự kiến hàng tuần sẽ có 24 chuyến bay từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trong đề xuất, với lượng hành khách cần cách ly là 6.000 - 7.000 người.

Giai đoạn 3 dự kiến thực hiện từ tháng 9/2021, tùy thuộc vào tiến độ tiêm chủng vaccine tại Việt Nam và thế giới cũng như đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng. CAAV sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế "hộ chiếu vaccine".

Các đường bay trong giai đoạn này được triển khai giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận hiệu quả loại vaccine mà Việt Nam đã công bố để áp dụng rộng rãi. Tần suất ban đầu dự kiến 7 chuyến/tuần/chiều bay cho các hãng hàng không của mỗi bên.

Khi đó, hành khách sẽ không phải cách ly tập trung nếu có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 và giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế với loại vaccine phòng Covid-19 được Việt Nam công nhận.

Hành khách sau nhập cảnh phải khai báo với chính quyền nơi cư trú và tự cách ly tại nơi cư trú từ 7 đến 14 ngày. Hành khách không có đủ giấy xét nghiệm COVID-19 và giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế buộc phải cách ly 14 ngày theo hình thức chi phí trọn gói tương tự chuyến bay combo.

Các thông tin mới này là thông tin tích cực cho ngành hàng không và phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi rằng các chuyến bay quốc tế sẽ bắt đầu được nối lại trong nửa cuối 2021.

2 cổ phiếu được chúng tôi đánh giá cao là SCS (khuyến nghị mua) với giá mục tiêu 155.100 đồng/CP và ACV (khuyến nghị khả quan) với giá mục tiêu 86.800 đồng/CP.

Khuyến nghị khả quan dành cho KBC với giá mục tiêu 43.500 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020, trong đó doanh thu đạt 2,2 nghìn tỷ đồng (giảm 33% so với năm trước đó) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 224 tỷ đồng (giảm 76%), tương ứng với 100% và 109% con số tương ứng trước kiểm toán. Chênh lệch giữa lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trước và sau kiểm toán chủ yếu do điều chỉnh chi phí phát triển khu công nghiệp của KBC và thuế TNDN công ty mẹ riêng lẻ thấp hơn.

Ngoài ra, BCTC kiểm toán của KBC có vấn đề nhấn mạnh từ kiểm toán liên quan đến Khu đô thị Tràng Cát, được đầu tư bởi công ty con mà KBC sở hữu 100% vốn – Công ty TNHH MTV Tràng Cát (TC).

Ngày 30/12/2020, KBC và TC ký kết thỏa thuận cam kết hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ cho Ngân hàng TMCP PVCombank (PVCombank) liên quan đến khoản nợ của TC để tài trợ cho dự án Khu đô thị Tràng Cát. KBC đã ký kết thoả thuận trước khi xin ý kiến phê duyệt tại ĐHCĐ, không phù hợp với Điều lệ của công ty.

Theo giải thích từ KBC, thỏa thuận này là phục lục hợp đồng vay vốn giữa TC và PVcombank, được ký vào năm 2013. Thỏa thuận này là quan trọng cho khoản giải ngân vốn 2,5 nghìn tỷ đồng bổ sung vào cuối năm 2020, được sử dụng thanh toán phí quyền sử dụng đất (LUR) cho Khu đô thị Tràng Cát là 3,5 nghìn tỷ đồng.

KBC cũng chia sẻ trong phần giải trình rằng dự án Khu đô thị Tràng Cát về cơ bản đã hoàn thành nộp phí LUR, và dự án sẽ có định giá cao hơn so với chi phí đầu tư hiện tại, theo các công ty độc lập. Do đó khung thời gian nộp phí LUR là quan trọng để tạo ra giá trị gia tăng cho công ty và cổ đông.

Chúng tôi tin rằng vấn đề nhấn mạnh này sẽ được loại bỏ trong BCTC kiểm toán kế tiếp sau khi KBC nhận được phê duyệt tại ĐHCĐ thường niên sắp tới diễn ra ngày 10/04/2021, nhằm điều chỉnh Điều lệ Công ty cho phép ủy quyền cho HĐQT đưa ra các quyết định quan trọng trước khi báo cáo cho cổ đông tại ĐHCĐ gần nhất.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan dành cho KBC với giá mục tiêu 43.500 đồng/CP

Tin bài liên quan