Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/3

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/3

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 2/3 của các công ty chứng khoán.

MAC: Khuyến nghị mua vào

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Trong giai đoạn vừa qua, CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải (MAC) đã nắm bắt được cơ hội tăng trưởng từ hoạt động giao thương qua cụm cảng Hải Phòng và đã đẩy mạnh vào hoạt động sửa chữa và lắp đặt container, là một dịch vụ quan trọng và không thể thiếu trong chuỗi logistics.

Kết quả kinh doanh năm 2016 của công ty sẽ tiếp tục được hỗ trở tốt bởi tăng trưởng sản lượng hàng hóa ở khu vực cảng Hải Phòng, phát hành tăng vốn thành công giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực mở rộng đầu tư sản xuất, các chi phí tiếp tục được quản lý hiệu quả.

P/E forward năm 2016 vào khoảng 8 lần, chưa tính đến khoản lợi nhuận MAC đầu tư vào HAH và HMH mà doanh nghiệp chưa hiện thực hóa, theo chúng tôi là một mức hấp dẫn để đầu tư vào cổ phiếu MAC.

Vì vậy, chúng tôi duy trì khuyến nghị đầu tư đối với cổ phiếu MAC với giá mục tiêu 16.000 đồng/cổ phiếu.

>> Tải báo cáo 

HPG: Lợi nhuận dự phóng 3.700 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG – sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh năm 2015. Theo đó, doanh thu đạt mức 27,869 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 3485 tỷ đồng, tăng 10.8% so với cùng kỳ.  

Trong năm 2015, HPG vẫn tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trong mảng thép xây dựng và mảng ống thép với thị phần cả nước cho hai sản phẩm này lần lượt là 22.1% và 21.9%. Mặc dù nhiều doanh nghiệp trong ngành thép gặp khó khăn do giá thép giảm song nhờ công nghệ sản xuất tiên tiến và vị thế thị trường cao, HPG vẫn kinh doanh khả quan và có lợi nhuận tăng trưởng khá so với năm 2014. Khu liên hợp gang thép tại Hải Dương của Công ty đã chạy gần tối đa công suất và sẽ tiếp tục mở rộng khi giai đoạn 3 của khu liên hợp đi vào hoạt động.

Hiện tại, HPG đã đầu tư hơn 4,000 tỷ đồng vào dự án giai đoạn 3 của khu liên hợp tại Hải Dương . Nhờ cơ sở hạ tầng và nhiều hạng mục có sẵn nên HPG đã tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư do đó hiệu quả kinh doanh của khu liên hợp sẽ tăng lên đáng kể nếu hoạt động tiêu thụ sản phẩm tăng trưởng thuận lợi. Dự kiến công suất sản xuất của giai đoạn 3 sẽ là 750.000 tấn thép/năm, đưa hòa phát lên vị trí số 1 về sản xuất thép xây dựng tại Việt Nam.

Về sản phẩm ống thép, mặc dù đang tiêu thụ và tăng trưởng thuận lợi, HPG chủ trương đầu tư từng giai đoạn và phù hợp với nhu cầu của thị trường.  HPG đang mở rộng đầu tư sản mảng sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi và đang trong giai đoạn đầu triển khai do đó chưa phát sinh hiệu quả. Trong quý 4 thì mảng kinh doanh báo lỗ hơn 51 tỷ đồng.

Về tổng thể, Chúng tôi đánh giá HPG sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ khi trong ngành thức ăn chăn nuôi đã có các đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ như Cargill, CP và Proconco hiện đang chiếm hơn 70% thị phần.  

Chúng tôi dự phóng, lợi nhuận sau thuế của HPG trong năm 2016 nhiều khả năng đạt mức 3.700 tỷ đồng, tương đương mức EPS là 5.045 đồng.

DHC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

CTCP Đông Hải Bến Tre (mã DHC) cho biết kết quả kinh doanh năm 2015 tăng trưởng mạnh với 640 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 17,5% và 77 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 78,89% nhờ (1) Hưởng lợi từ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm, (2) Tăng sản lượng nhà máy bao bì lên 10% từ Tháng 10/2015 và tối đa năng suất nhà máy giấy và (3) nhà máy giấy Giao Long đã được miễn thuế năm 2015 và chịu mức thuế 10% trong năm 2016 so với mức 20% như quy định trước đó.

Lợi thế của công ty là (1) Thị trường giấy Testliner đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung và được dự báo sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 10% trong giai đoạn 2015-2018 ; (2) các dự án mở rộng nhà máy giấy khác trong nước đều không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm testliner của DHC và (3) hiệp định TPP sẽ thúc đẩy nhu cầu bao bì và giấy công nghiệp sản xuất bao bì lên cao.

Tuy nhiên hạn chế của DHC là (1) nhà máy hiện tại đang hoạt động ở công suất cận ngưỡng tối đa nên công ty sẽ phải đầu tư cải tiến máy móc nhằm tăng năng suất khiến giá thành sản xuất tăng và (2) vị trí nhà máy bao bì ở khu vực Tây Nam Bộ không thực sự thuận lợi, chủ yếu phục vụ các khách hàng thủy sản và dược phẩm.

Triển vọng kinh doanh 2016 tích cực với các động lực: (1) Năng suất nhà máy bao bì tăng trưởng khoảng 20%; (2) Sản lượng nhà máy giấy tăng trưởng nhẹ khoảng 5% , (3) Đầu ra sản phẩm vẫn được đảm bảo bới các khách hàng truyền thống (ngoài HVG) và một số nhà máy mới trong Khu công nghiệp Giao Long và (4) Công ty tiếp tục được hưởng lợi từ việc áp dụng thuế suất 10% đối với nhà máy giấy trong năm 2016.

Theo đó, chúng tôi dự phóng sợ bộ kết quả kinh doanh năm 2016 ước đạt 720 tỷ đồng doanh thu, tăng 12,59% so với năm trước và 83,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 8,5% so với năm trước. Tại mức giá ngày 01.03.2016 là 31.800 đồng/ cổ phẩn, P/E trailing là 6,8 lần, P/E forward ước đạt 6,6 lần (điều chỉnh cho phát hành thêm) - tương đối hấp dẫn đối với một doanh nghiệp bao bì. Do đó chúng tôi khuyến nghị Nắm Giữ đối với cổ phiếu DHC.

Tin bài liên quan