Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/12

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 2/12 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/12

ACV: Hoạt động kinh doanh sẽ cải thiện trong các năm tới

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sẽ tổ chức IPO vào ngày 10/12/2015 tới đây, hạn chót đăng ký tham gia đấu giá là 16h ngày 02/12/2015.

Từ 2012-2014, nhờ nhu cầu vận chuyển hàng không cả nước gia tăng, ACV đã duy trì đà tăng trưởng cao cả về lưu lượng vận chuyển (hành khách, hàng hoá,…) lẫn doanh thu, bình quân đạt lần lượt 16,2%/năm và 13,5%/năm.

Theo IATA, tốc độc tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam dự báo sẽ đạt được mức cao hơn bình quân ngành trong khu vực và toàn cầu trong giai đoạn 20 năm tới. Cụ thể, tổng lưu lượng hành khách hàng không Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 60 triệu lượt khách vào năm 2034, tương đương với mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 7,3%/năm, cao hơn mức 5,7%/năm bình quân khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lẫn mức 4,6%/năm bình quân toàn cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2015, sản lượng hành khách và hàng hoá hàng không Việt Nam tăng lần lượt 21% và 17% so với cùng kỳ.

ACV được hưởng nhiều lợi thế nhờ có vai trò chiến lược trong kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng cũng như an ninh hàng không quốc gia. Công ty có thể được lợi từ chính sách giá cũng như khả năng tiếp cận vốn, đặc biệt là vốn ODA. Hiện tại vốn vay của ACV chủ yếu là từ nguồn ODA từ Nhật Bản, thời hạn vay kéo dài tới 40 năm và chi phí lãi vay thấp (0,2%-1,6%).

Biên lợi nhuận kỳ vọng được cải thiện sau IPO nhờ chi phí khấu hao giảm. Sau IPO, ACV sẽ không còn áp dụng chính sách khấu hao nhanh (gấp 2 lần bình quân khu vực). Do vậy, từ năm 2015, với tỷ lệ khấu hao mới tương đương bình quân ngành trong khu vực (từ 4-6%), chúng tôi ước tính ACV khả năng sẽ tiết kiệm được khoản chi phí gần 40% lợi nhuận trước thuế 2014.

Với mức giá khởi điểm 11.800 đồng/cp, cổ phiếu ACV đang giao dịch ở mức P/B khoảng 1,2 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình và trung vị của các công ty trong khu vực (loại trừ Thái Lan) là 2,3 lần và 1,8 lần. P/E 2014 của ACV là 19 lần (trong đó lợi nhuận chỉ tính từ hoạt động kinh doanh chính, không bao gồm lãi chênh lệch tỷ giá).

Tuy nhiên, nhờ nhu cầu vận chuyển hàng không đang ngày càng gia tăng và chi phí khấu hao giảm, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của ACV kỳ vọng sẽ cải thiện trong các năm tới.

CSM: Lợi nhuận kỳ vọng đạt 274 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM – sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý III/2015. Theo đó, doanh thu đạt mức 841 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 52 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ.  

Kết quả kinh doanh của CSM chưa được như kỳ vọng chủ yếu do hoạt động tiêu thụ lốp radial chưa được như dự kiến khiến doanh thu chỉ tăng nhẹ trong khi chi phí khấu hao và chi phí lãi vay tăng mạnh do vận hành nhà máy lốp radial. Chi phí lãi vay trong 9 tháng đầu năm đạt mức 52,9 tỷ tăng 44,5% so với cùng kỳ; khấu hao tài sản cố định 9 tháng đạt mức 125 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ.  

Trong năm 2015, CSM đặt mục tiêu tiêu thụ 100 nghìn lốp radial tuy nhiên sản lượng tiêu thụ 6 tháng chỉ đạt khoảng 40 nghìn lốp xe và cách khá xa so với công suất giai đoạn 1 của nhà máy là 350 nghìn lốp. Chúng tôi đánh giá với mức tiêu thụ thấp, sản phẩm lốp radial vẫn chưa thể đem lại hiệu quả kinh doanh cho CSM trong năm nay. Về dài hạn, sản phẩm lốp radial của CSM sẽ phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc (có giá bán rẻ hơn khoảng 10%) và các công ty FDI tại Việt Nam như Bridgestone Việt Nam, Kenda, Kumho, Dunlop… tại thị trường nội địa. Đối với thị trường xuất khẩu, CSM mới dừng ở mức độ chào hàng và thử phản ứng thị trường do đó chưa thể tác động đáng kể đến hiệu quả kinh doanh của Công ty.  

Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của CSM 274 tỷ đồng, tương đương mức EPS đạt mức 3.670 đồng.

Tin bài liên quan