Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/2

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu nhà đầu tư cần quan tâm khi bước vào phiên giao dịch ngày 19/2 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/2

HPG: Khuyến nghị NẮM GIỮ

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Lợi nhuận sau thuế quý IV/2013 tăng 179% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu tăng 53,6% so với cùng kỳ đạt 6.460 tỷ, nhờ HPG ghi nhận 1.292 tỷ doanh thu bất động sản và ngành kinh doanh sắt thép vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt. sản lượng thép tiêu thụ trong quý ước tăng 33% so với cùng kỳ đạt 210.000 tấn. Lợi nhuận gộp biên quý IV/2013 vẫn ổn định ở mức cao 16,9% làm lợi nhuận gộp tăng 152% so với cùng kỳ đạt 1.091 tỷ. Chi phí quản ký và bán hàng/ doanh thu cũng giảm từ 10,5% trong quý IV/2012 xuống 6,1% trong quý IV/2013.

Vì vậy, lợi nhuận sau thuế quý IV/2013 tăng 179% so với cùng kỳ đạt 489,6 tỷ đồng.

Doanh thu tăng 12,5% so với cùng kỳ đạt 18.934 tỷ, nhờ doanh thu từ ngành sắt thép (chiếm gần 80% tổng doanh thu) tăng 10,9% so với cùng kỳ và doanh thu bất động sản tăng 118% so với cùng kỳ. Sản lượng thép tiêu thụ cả năm 2013 tăng 14,4% so với cùng kỳ đạt gần 700.000 tấn. Lợi nhuận gộp biên 2013 tăng mạnh lên 17,3% so với 14,8% trong 2012 nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh hơn giá bán thành phẩm. Ngoài ra, HPG còn có các khoản lợi nhuận bất thường khoảng 270 tỷ trong năm 2013.

Vì vậy, Lợi nhuận sau thuế cả năm 2013 tăng 96% n/n đạt 1.954 tỷ.  

Khu liên hợp thép Hòa Phát – Yếu tố chính gia tăng lợi nhuận. Sự thành công của HPG trong 2013 ngoài việc được hưởng lợi từ xu hướng đi xuống của giá nguyên liệu đầu vào còn có sự đóng góp rất lớn từ việc đưa toàn bộ khu liên hợp thép tại Hải Dương vào vận hành. Khu liên hợp này sử dụng công nghệ lò cao với quy trình sản xuất khép kín từ quặng sắt và than cốc đến thép thành phẩm. Nhờ vậy, giá thành của thép HPG thấp các đối thủ từ 5-10%. Lợi thế này đã giúp HPG tăng mạnh thị phần lên trên 15% vào cuối 2013 từ mức 13,7% trong 2012.

Thành công sẽ nối tiếp trong năm 2014. Chúng tôi dự báo doanh thu 2014 của HPG tăng 24% so với cùng kỳ đạt 23.500 tỷ nhờ sản lượng thép tiêu thụ dự báo tăng 28% so với cùng kỳ đạt 900.000 tấn. Lợi nhuận gộp biên 2014 có thể giảm nhẹ do chi phí khấu hao từ nhà máy mới. Chi phí quản lý và bán hàng 2014 dự báo tăng 37% so với cùng kỳ do HPG sẽ đẩy mạnh công tác bán hàng để tiêu thụ sản phẩm từ nhà máy mới. Ngoài ra, chi phí tài chính ròng năm 2014 dự báo tăng trở lại lên 622 tỷ do HPG không còn các khoản thu nhập tài chính bất thường và hoàn nhập dự phòng tài chính. Cuối cùng chúng tôi dự đoán HPG có thể ghi nhận khoảng 400 tỷ LN còn lại từ dự án Mandarin Garden. Do đó, lợi nhuận sau thuế 2014 của HPG dự báo tăng 12,7% so với cùng kỳ đạt gần 2.200 tỷ.

Định giá hợp lý. PE dự phóng 2014 của HPG đã hợp lý ở mức 9,2 lần do giá cp HPG đã tăng 27,6% kể từ tháng 12/2013 vừa qua. Giữ nguyên khuyến nghị NẮM GIỮ

KDC: Khuyến nghị NẮM GIỮ trong dài hạn

(CTCK FPT – FPTS)

KDC hiện dẫn đầu ngành sản xuất bánh kẹo trong nước (doanh thu nội địa khoảng  4.500 tỷ so với quy mô thị trường khoảng hơn 26.100 tỷ, theo BMI), cộng với lợi thế rất lớn ở mạng lưới phân phối rộng.

Tuy nhiên những sản phẩm do công ty sản xuất đa phần vẫn không phải là mặt hàng thiết yếu và có nhiều sản phẩm thay thế, nên khi sức mua suy giảm ngay lập tức bị ảnh hưởng và mức độ mạnh hơn so với những mặt hàng tiêu dùng hằng ngày. Sự chững lại của nền kinh tế đã khiến dư địa tăng trưởng không còn nhiều như trong quá trình 20 năm phát triển trước đây.

KDC đã nhận ra vấn đề này và đã nhắm đến việc phát triển các sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng thiết yếu từ lâu, nhưng vẫn phải trì hoãn khi diễn biến thị trường không thuận lợi.

Chúng tôi nhận thấy, doanh nghiệp thực sự vẫn chưa bước vào một giai đoạn tăng trưởng ổn định, hoặc chưa đủ ổn định để tăng trưởng đều đặn trong dài hạn. Một sự hợp tác với đối tác chiến lược hoàn toàn mới vẫn còn nhiều rủi ro, khi trước đó KDC đã thất bại với Ezaki Glico. Cùng với đó, chiến lược M&A để tăng trưởng của doanh nghiệp vẫn chưa cho thấy sự đột phá ngoài những thương vụ mang tính chất tái cơ cấu và những thất bại với Nutifood và TRI.

Xét các công ty trong nước đang hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng nói chung và ngành sản xuất bánh kẹo nói riêng, chúng tôi nhận thấy rằng KDC đang bị định giá cao hơn một cách tương đối trong ngắn hạn.

Nếu dùng VNM, một công ty đã bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định và có vị thế tương đương để so sánh với KDC thì mức P/E hợp lý là 17,9x. Với ước tính lợi nhuận trong 2013 của KDC vào khoảng 489 tỷ tương ứng với EPS 2013 là 2.943 đồng/cp thì giá mục tiêu trong ngắn hạn của KDC sẽ là 53.000 đồng/cp, thấp hơn 14,5% so với giá giao dịch trên thị trường ngày 17/02.

Căn cứ theo thang đo, chúng tôi đưa ra khuyến nghị GIẢM tỷ trọng của KDC trong ngắn hạn. Chúng tôi cũng lưu ý rằng gần đây, việc hở room cũng đã khiến cổ phiếu KDC tạo lập được mặt bằng giá mới ở mức 6x so với vùng giá 49-50 trước đó. Sắp tới, việc KDC công bố đối tác chiến lược mới có thể tạo đà tâm lý khiến cổ phiếu này tăng trong thời gian ngắn. Xét các công ty ở trong khu vực và cùng hoạt động ở lĩnh vực sản xuất bánh kẹo thì ngược lại, KDC đang bị định giá thấp hơn.

Mức P/E hợp lý sau khi điều chỉnh rủi ro tương quan giữa thị trường Việt Nam và thị trường quốc gia của các công ty được xét là 24,6x. Với đánh giá rằng nền kinh tế sẽ hồi phục một cách chậm rãi từ năm 2014 trở đi, thị trường sẽ dần chấp nhận một mặt bằng P/E cao hơn trước cùng những nỗ lực tái cơ cấu và thế mạnh sẵn có của KDC, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp hoàn toàn có tiềm năng trong dài hạn.

Dự báo của BMI còn đưa ra con số 9,9%/năm tăng trưởng về giá trị của ngành sản xuất bánh kẹo trong giai đoạn từ 2012-2017. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị NẮM GIỮ trong dài hạn.

PVD: Nắm giữ với giá mục tiêu 82.000 đồng/CP

(CTCK Sài Gòn – SSI)

Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD) công bố kết quả kinh doanh quý IV/2013, trong đó doanh thu thuần đạt 4.428 tỷ đồng (+25% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 480 tỷ đồng (+124% so với cùng kỳ).

Dựa trên kết quả này, cả năm 2013, công ty đạt doanh thu 14.863 tỷ đồng (+25% so với năm trước) và lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.878 tỷ đồng (+42% so với năm trước).

Kết quả này là nhờ ba yếu tố chính: (i) giá thuê ngày trung bình tăng (hợp đồng của các giàn khoan tự nâng của PVD được gia hạn từ tháng 7/2013 với giá thuê trung bình tăng khoảng 12%); (ii) số lượng giàn khoan đi thuê tăng trong quý 4/2013, giúp PVD phát triển các dịch vụ khoan khác; (iii) lợi nhuận từ các công ty liên doanh/liên kết tăng mạnh (lợi nhuận từ các công ty liên doanh trong quý 4/2013 đạt 101 tỷ đồng so với 6 tỷ đồng trong quý IV/2012, chúng tôi giả định rằng chủ yếu là nhờ ghi nhận lợi nhuận từ liên doanh Baker Hughes).

Trong năm 2014, chúng tôi cho rằng thuế thu nhập doanh nghiệp có thể tăng từ 14% lên 18% do các giàn khoan PV Drilling II và PV Drilling III có thể phải chịu mức thuế 22% mà không còn được ưu đãi 50% như trong năm 2012 và 2013. Tuy nhiên, giá thuê ngày trung bình tăng và chi phí lãi vay giảm đối với khoản vay của giàn khoan PV Drilling I có thể giúp công ty đẩy mạnh tăng trưởng lợi nhuận.

Theo ước tính của chúng tôi, lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ năm 2014 có thể đạt 2.253 tỷ đồng (+20% so với năm trước), tương ứng EPS 2014 là 8.180 đồng (+20%). Dựa trên giả định rằng sẽ không có bảo dưỡng lớn trong năm 2014, tại mức giá hiện tại là 74.000 đồng, PVD đang được giao dịch tại PE 9x, thấp hơn PE thị trường (12x).

Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu với giá mục tiêu 1 năm 82.000 đồng, tăng 10,8% so với giá hiện tại. Trong ngắn hạn, thông tin về cổ tức năm 2013 có thể hỗ trợ giá cổ phiếu.

SBT: Nắm giữ với giá mục tiêu 13.892 đồng/CP

(CTCK Sài Gòn – SSI)

Năm 2013, CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) đạt doanh thu 2.220 tỷ đồng (+13% so với năm trước), và lợi nhuận trước thuế 275 tỷ đồng (-35% so với năm trước), do sản lượng tiêu thụ tăng 29%, và giá bán trung bình giảm khoảng 11%, và năm 2012 có kết quả cao, tương ứng EPS đạt 1.744 đồng/cổ phiếu. Nhờ xây dựng được mối quan hệ tốt với khách hàng và sản phẩm uy tín, công ty đã đạt tăng trưởng sản lượng trong 3 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, xu hướng chung của ngành đường cho thấy năm 2014 dự kiến là một năm khó khăn với ngành. Cho tới ngày 15/1/2014, ngành đã sản xuất 603.600 tấn đường (+16,7% so với cùng kỳ), và tổng lượng tồn khho đạt 315.000 tấn (+44% so với cùng kỳ).

Trong vụ 2013-2014, tổng sản lượng đường dự kiến đạt 1,6 triệu tấn trong khi nhu cầu dự kiến vào khoảng 1,5 triệu tấn. Về cơ bản, tình hình cung – cầu cho thấy năm 2014 sẽ dư 0,1 triệu tấn đường. Hơn nữa, ngành đường còn có nhiều nguồn cung khác bao gồm tồn kho từ vụ trước và hạn ngạch nhập khẩu của WTO, đóng góp thêm khoảng 300.000 tấn và 80.000 tấn đường. Tổng lượng cung dự kiến sẽ vượt cầu khoảng 380.000 tấn. Bên cạnh đó, đường nhập lậu có tác động tiêu cực tới giá bán đường trong nước. Những yếu tố này sẽ gây áp lực giảm giá bán đường trong năm 2014. Giá đường giảm tới đâu còn phụ thuộc vào việc kiểm soát đường nhập lậu và các giải pháp của ngành đường nhằm giải phóng lượng hàng tồn kho.

Trong năm 2014, SBT dự báo đạt 2.304 tỷ đồng doanh thu (+4%) và 296 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+6%), tương ứng EPS đạt 1.766 đồng/cổ phiếu (+1,2%). Tại mức giá hiện tại là 12.700 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu SBT đang được giao dịch với PE 2014 là 7,26x, tương đương với 2 năm trước. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu với giá mục tiêu 1 năm là 13.892 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan