Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/10

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 19/10 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị chốt lãi khi cổ phiếu SD9 tiếp cận ngưỡng 12.35

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu SD9 của CTCP Sông Đà 9 đang nằm trong xu hướng hồi phục từ vùng đáy 9.0. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Đồng thời, đường giá cổ phiếu đã vượt lên 2 đường MA20 và MA50, củng cố vị thế tăng giá ngắn hạn. Chỉ báo MACD đang dần chuyển sang xu hướng tích cực trong khi chỉ báo RSI ủng hộ xu hướng tăng giá này.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 10.3, chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 12.35 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ 9.0.

Khuyến nghị mua cổ phiếu DPM với giá mục tiêu 48.800 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Giá than tại Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục, đạt 276 USD/tấn do tình trạng khan hiếm nguồn cung trầm trọng. Bên cạnh đó, giá khí đốt cũng tăng cao khiến nhiều nhà máy phân bón ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng, ảnh hưởng đến nguồn cung và đẩy giá phân bón lên cao.

Giá phân Ure đã vượt 620 USD/tấn, bên cạnh đó giá phân bón MAP và DAP cũng đã vượt 800 USD và 700 USD/tấn, và là mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Vì vậy, giá phân ure và các loại phân bón khác như DAP, kali, NPK… trong nước dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

BSC đánh giá việc giá phân ure trong nước vượt 16.000 đồng/Kg, cùng với việc nhu cầu tiêu thụ nội địa tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý IV/2021, sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ lợi nhuận của nhóm phân bón.

Vì vậy, BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2021 của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM – sàn HOSE) lần lượt ước đạt 11.732 tỷ đồng (tăng 51% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.014 tỷ đồng (tăng trưởng 191%). EPS FW 2021 là 4.525 đồng/CP.

BSC khuyến nghị mua cổ phiếu DPM trong năm 2021 với giá mục tiêu 48.800 đồng/CP (tăng 17,6% so với giá đóng cửa ngày 18/10/2021) dựa trên 2 phương pháp P/E và FCFF với tỷ lệ 50%-50%.

Khuyến nghị mua cổ phiếu LTG với giá mục tiêu 52.800 đồng/CP

CTCK Phú Hưng (PHS)

CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG – UPCoM) dẫn đầu thị phần ngành thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam. Mảng kinh doanh này đóng góp 60% trong cơ cấu doanh thu và 80% cơ cấu lợi nhuận gộp. Công ty có biên lãi gộp hơn trung bình ngành do lợi thế kinh tế về quy mô khi doanh nghiệp sở hữu nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật với công suất lớn nhất Việt Nam.

Trọng tâm của LTG là hướng đến các sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, đồng thời mang lại biên lợi nhuận gộp tốt hơn trong bối cảnh thị trường thuốc bảo vệ thực vật đã ở trong giai đoạn bão hòa.

Nỗ lực hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất gạo, tập trung phân khúc gạo thương hiệu: Đầu năm 2020, LTG đã hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất gạo khi triển khai thêm mảng dịch vụ nông nghiệp (phun thuốc bằng máy bay drone, bán vật tư nguyên liệu) cho những vùng nguyên liệu liên kết nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng nguyên liệu đầu vào. Từ đó, Công ty tập trung vào phân khúc gạo thương hiệu tại thị trường nội địa và xuất khẩu, đáp ứng xu hướng cao cấp của người tiêu dùng và chiến lược tái cơ cấu của ngành gạo giảm dần từ lượng sang chất.

Năm 2021, chúng tôi ước tính doanh thu thuần đạt 12.178 tỷ đồng (tăng 62% so với năm trước), chủ yếu nhờ tăng trưởng ngành sản xuất chính. Giá nguyên liệu gạo biến động mạnh tác động tiêu cực đến biên lãi gộp của Công ty. Ước tính biên lãi gộp của Công ty đạt 20,5% trong 2021 từ mức 22,1% của 2020.

Lợi nhuận sau thuế dự phóng đạt 635 tỷ đồng (tăng 72% so với năm trước). Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, mức giá hợp lý cho cổ phiếu LTG khoảng 52.800 đồng/cổ phiếu (+25% so với giá hiện tại). Từ đó khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Rủi ro: (1) Rủi ro thị trường thuốc bảo vệ thực vật bước vào ngưỡng bão hòa; (2) Rủi ro thời tiết tác động tới hoạt động sản xuất nông nghiệp; (3) Rủi ro đòn bẩy tài chính và chiếm dụng vốn cao.

Khuyến nghị mua cổ phiếu OCB với giá mục tiêu 31.100 đồng/CP

CTCK Phú Hưng (PHS)

Kết thúc nửa đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB – sàn HOSE) đạt 7,1%. Do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội lên tình hình kinh tế, chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2021 của OCB sẽ đạt 16,1%, thấp hơn mức tăng 25,7% vào năm 2020.

Năm 2022, khi hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại bình thường, hoạt động sản xuất và kinh doanh phục hồi, chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2022 của OCB sẽ phục hồi lên mức 25,4%.

Chúng tôi ước tính OCB sẽ giảm khoảng 100 bps lãi suất cho vay so với nửa cuối năm 2021 trên 20% dư nợ cho vay. Ở chiều huy động vốn, chúng tôi ước tính lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn trung bình của OCB sẽ giảm 20 bps trong nửa cuối năm 2021 so với cuối quý II/2021. Qua đó, đưa NIM năm 2021 giảm 6 bps so với cuối quý II/2021 còn 4,01%, nhưng tăng 11 bps so với cuối năm 2020.

Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà Nước sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp trong nửa đầu năm 2022 để kích thích nền kinh tế phục hồi, và mặt bằng lãi suất có thể sẽ tăng nhẹ vào nửa cuối năm 2022 do áp lực của lạm phát, qua đó đưa NIM 2022 đạt 4,07%

Ngân hàng Nhà Nước ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN (Thông tư 14) sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) và Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến ngày 30/06/2022. Qua đó, chúng tôi ước tính tỷ lệ nợ xấu của OCB đạt 1,80% trong năm 2021 và đạt 1,92% vào năm 2022.

Thông tư 14 giữ nguyên tiến độ trích lập dự phòng của Thông tư 01. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của OCB vào cuối tháng 6/2021 là 70%, thấp hơn mức trung bình ngành là 88%. Do đó, chúng tôi ước tính chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2021 và năm 2022 tăng lần lượt là 43,1% so với cùng kỳ năm trước và 49,4% lên 1.807 tỷ đồng và 2.700 tỷ đồng, qua đó đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu năm 2021 và năm 2022 lên lần lượt là 74,4% và 83,4%.

Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, chúng tôi xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu OCB là 31.100 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.

Rủi ro: (1) Áp lực từ dịch bệnh Covid-19 có thể ảnh hưởng tới hoạt động của OCB trong năm nay; (2) Rủi ro pha loãng cổ phiếu; (3) Rủi ro cạnh tranh; (4) Rủi ro từ nguồn doanh thu từ mua bán chứng khoán đầu tư không bền vững.

Tin bài liên quan