Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/2

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu nhà đầu tư cần quan tâm khi bước vào phiên giao dịch ngày 18/2 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/2

DIC: Có thể xem xét mua vào

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

DIC sau quá trình tích lũy đi ngang kéo dài 3 tháng đã bắt đầu trở lại với những chuyển động tăng giá tích cực. Sau hai phiên tăng mạnh liên tiếp, đường giá chính thức bứt phá thành công kháng cự 7.800 đồng (cạnh trên vùng tích lũy), xác nhận quay lại với xu hướng tăng.

Relative Strength cũng đồng thời tạo lập đỉnh cao mới, cho thấy mức độ hoạt động của DIC đang tốt hơn bình quân thị trường chung (VN-Index là đại diện). Kết quả này củng cố khả năng DIC duy trì xu hướng tăng.

Thanh khoản: Liên tiếp trong một tuần qua thanh khoản duy trì mức cao hơn hẳn giao dịch trung bình 50 ngày, cho thấy dòng tiền đang mở rộng rất nhanh đối với DIC và điều này giúp gia tăng độ tin cậy của điểm bứt phá.

Khuyến nghị: NĐT có thể xem xét mua DIC ở giá hiện tại 8.500 đồng. Mục tiêu đầu tiên kỳ vọng tại 10.500 đồng (+23,5%), mức dừng lỗ tại 7.600 đồng (-10,5%).

PPC sẽ không ghi nhận lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá năm 2014

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh điện tiếp tục tăng trưởng trong quý IV/2013... PPC ghi nhận 49,6 tỷ lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện quý IV/2013, tăng 337,6% so với cùng kỳ do doanh thu tăng 39,9% so với cùng kỳ đạt 1.736,9 tỷ trong khi chi phí sản xuất kinh doanh tăng 37,1% so với cùng kỳ (chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu tăng).

Doanh thu tăng trưởng khá cao nhờ sản lượng điện trong quý IV/2013 cao hơn so với cùng kỳ (tăng khoảng 20% so với cùng kỳ theo ước tính của chúng tôi). Giá bán điện 2013 vẫn chưa được ký kết nên doanh thu quý 4/2013 được tính theo giá tạm tính, ước tính cao hơn 19% so với cùng kỳ.

... tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý IV/2013 giảm 46% so với cùng kỳ do lãi chênh lệch tỷ giá thấp hơn cùng kỳ. Trong quý IV/2013, PPC ghi nhận 395,5 tỷ lãi chênh lệch tỷ giá do đồng Yên giảm 7% so với cuối quý 3/2013, thấp hơn khoản lãi chênh lệch tỷ giá 585 tỷ trong quý IV/2012 do đồng Yên đã biến động mạnh hơn vào cuối năm 2012. Do đó, lợi nhuận sau thuế quý 4/2013 đạt 232,1 tỷ, giảm 46% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 2013, doanh thu đạt 6.582,6 tỷ, tăng 59% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.631,5 tỷ, tăng 223% so với cùng kỳ. Tăng trưởng lợi nhuận 2013 của PPC không chỉ từ lãi chênh lệch tỷ giá mà còn có đóng góp đáng kể từ sản xuất kinh doanh điện. Lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh điện luỹ kế 2013 đạt 901,9 tỷ, tăng 145,8% so với cùng kỳ, cho thấy sự tăng trưởng trở lại của hoạt động sản xuất kinh doanh chính sau ba năm giảm sút (2010-2012).

Lưu ý, doanh thu luỹ kế 2013 được tính theo giá tạm tính do chưa ký xong hợp đồng giá điện 2013 với Công ty mua bán điện. Theo chúng tôi, giá điện chính thức 2013 sẽ không chênh lệch nhiều so với giá bình quân tạm tính đang áp dụng (cao hơn khoảng 30% so với giá bình quân 2012).

Chúng tôi điều chỉnh dự báo 2014 với giả định sản lượng tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ và giá bán bình quân tăng 5% so với cùng kỳ, theo đó doanh thu 2014 ước tăng 8% so với cùng kỳ đạt 7.100 tỷ. Chi phí sản xuất kinh doanh ước tăng 6% so với cùng kỳ, do đó lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh cốt lõi ước tăng khoảng 19% đạt 1.074 tỷ.

Về chênh lệch tỷ giá, theo dự báo của MBKE, tỷ giá USDJPY sẽ ở mức 105 vào cuối 2014, không thay đổi so với cuối 2013. Theo đó, chúng tôi giả định PPC sẽ không ghi nhận lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá năm 2014. lợi nhuận sau thuế 2014 ước đạt 1.166 tỷ, giảm 29% so với 2013.

Định giá. Cổ phiếu PPC giao dịch với PE dự phóng 7,2x so với PE trung bình ngành 8x. Chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu 29.300 đồng/cp và điều chỉnh khuyến nghị từ Mua sang Nắm giữ do giá PPC đã tăng 7% so với khi chúng tôi ra báo cáo cập nhật ngày 27/12/2013.

HAG: Phù hợp cho nhà đầu tư dài hạn để mua vào

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Doanh thu quý IV/2013 của HAG giảm 56,4% so với cùng kỳ đạt 755 tỷ mặc dù doanh thu thủy điện sụt giảm mạnh do việc tái cơ cấu của HAG. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp biên của HAG tăng mạnh từ 23,6% trong quý IV/2012 lên 44% trong quý IV/2013 do mía đường và cao su có lợi nhuận gộp biên cao 71% và 72,4%. Chi phí tài chính ròng trong kỳ giảm 89% so với cùng kỳ nhờ khoản thu nhập bất thường từ việc chuyển nhượng cổ phần. Hơn nữa, thuế suất TNDN trong quý IV vừa qua của HAG cũng giảm mạnh còn 2,3% so với 53% trong cùng kỳ.

Vì vậy, lợi nhuận sau thuế quý IV/2013 của HAG tăng mạnh 368% so với cùng kỳ đạt 295,6 tỷ. lợi nhuận sau thuế 2013 tăng mạnh mặc dù doanh thu 2013 của HAG giảm 37% so với cùng kỳ đạt 2.769 tỷ. Điều này là do lợi nhuận gộp biên tăng mạnh từ 27% năm 2012 lên 43,7% năm 2013 nhờ lợi nhuận biên của ngành mía đường và cao su rất cao.

Ngoài ra nhờ khoản thu nhập tài chính bất thường từ việc chuyển nhượng cổ phần tại các công ty con mà HAG có khoản thu nhập tài chính ròng 215 tỷ trong 2013 so với chi phí tài chính ròng 175 tỷ trong 2012. Cuối cùng, thuế TNDN ròng 2013 của HAG giảm chỉ còn 7% so với 30% trong 2012 (xem bên dưới) đã góp phần làm lợi nhuận sau thuế 2012 tăng mạnh 158% n/n đạt 901 tỷ đồng.

Gặt hái thành quả từ lĩnh vực nông nghiệp. Sự đảo chiều lợi nhuận sau thuế 2013 của HAG có sự đóng góp rất lớn từ lĩnh vực cao su và mía đường mà HAG đã đầu tư từ năm 2007. Trong năm qua mía đường và cao su đã thay thế bất động sản trở thành ngành có đóng góp lớn nhất vào doanh thu của HAG, chiếm gần 40% tổng doanh thu.

Kỳ vọng 2014 sẽ lớn hơn. Chúng tôi cho rằng doanh thu và lợi nhuận từ lĩnh vực nông nghiệp có thể sẽ tăng mạnh trong năm 2014. Trong đó, diện tích trồng mía của HAG tăng thêm khoảng 80% lên 10.000 ha. Tương tự, diện tích cạo mủ cao su năm 2014 cũng sẽ tăng thêm khoảng 86% lên gần 10.000 ha.

Chúng tôi cho rằng mía đường vào cao su sẽ giúp ổn định doanh thu và lợi nhuận của HAG trong dài hạn. Hơn nữa, khi toàn bộ diện tích cao su đi vào khai thác trong 3-5 năm tới thì doanh thu và lợi nhuận của HAG sẽ có sự đột biến. Vì vậy, chúng tôi cho rằng HAG sẽ phù hợp cho nhà đầu tư dài hạn để mua vào.

OPC: Đang ở mức PE 13x

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

CTCP Dược phẩm OPC công bố kết quả kinh doanh 2013 với doanh thu tăng gần 12% so với cùng kỳ, đạt 564,4 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ, lên mức 50,7% trong 2013 giúp lợi nhuận gộp tăng 16% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của doanh thu. Chi phí tài chính giảm 80% so với cùng kỳ, xuống còn 2,9 tỷ đồng trong 2013, chủ yếu nhờ lãi vay giảm. Tổng nợ vay của OPC tính đến 31/12/2013 là 71,4 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu an toàn 0,2x.

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế 2013 của OPC chỉ tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 83,5 tỷ đồng do tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng từ 31,2% trong 2012 ên 35,8% trong 2013.

Chúng tôi cho rằng chi phí bán hàng tăng mạnh là do công ty đầu tư mở rộng cho kênh OTC trong năm qua. Cũng giống như các công ty dược phẩm khác, do quy định chặt chẽ về việc đấu thầu thuốc từ Thông tư 01/2012 TTLT-BTC-BYT, 2013 là năm khó khăn cho hoạt động phân phối vào bệnh viện. Để bù đắp sự sụt giảm này, các công ty đã đẩy mạnh kênh OTC.

Điều này cũng đồng hành với việc gia tăng chi phí cho các hoạt động quảng cáo, tiếp thị,... Đáng chú ý, theo quy định của luật thuế TNDN, mức khống chế cho tỷ lệ chi phí marketing/ tổng chi phí sản xuất được khấu trừ là 10%.

Phần chi phí vượt sẽ không được khấu trừ thuế, do đó sẽ đẩy tỷ suất thuế TNDN tăng cao hơn. Thực tế, mức thuế suất của OPC đã tăng mạnh từ 26% trong 2012 lên đến 33% trong 2013. Kết quả, lợi nhuận sau thuế 2013 chỉ còn 56,3 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng 1% so với cùng kỳ.

Như vậy, so với kế hoạch 550 tỷ đồng doanh thu và 80 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho năm 2013, OPC đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Cổ phiếu này đang ở mức PE 13x, cao hơn bình quân ngành (11-12x).

LSS: EPS ước tính sẽ bi pha loãng khoảng 9%

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Theo báo cáo quý IV/2013, công ty đạt 405 tỷ doanh thu và 51 tỷ lợi nhuận gộp, lần lượt tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái và 34% so với cùng kỳ năm ngoái, do yếu tố chu kỳ.

Như vậy, kết quả kinh doanh cả năm 2013 của LSS với doanh thu thuần đạt 1,815 tỷ đồng, giảm 4% n/n nhưng lợi nhuận gộp lại tăng 28% với mức biên lợi nhuận gộp đạt 12%, tăng 3 điềm phần trăm n/n nhờ chi phí mua nguyên liệu giảm mạnh gần 15% n/n. Hoạt động tài chính 2013 lỗ 103 tỷ, trong đó 62 tỷ là chi phí lãi vay ngắn hạn và 24 tỷ lãi vay đến từ trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ). lợi nhuận ròng 2013 đạt 38 tỷ đồng, tăng 2% n/n, EPS 760 đồng/cp, tương đương P/E 16,2x.

LSS đã chào bán 2 triệu TPCĐ cho cổ đông hiện hữu, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu tại ngày 10/10/2012. Kỳ hạn trái phiếu 2 năm, lãi suất 12%/năm. Toàn bộ TPCĐ này bắt buộc chuyển đổi thành cổ phiếu tại 10/10/2014 theo tỷ lệ 1 trái phiếu đổi thành 10 cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng.

Như vậy, trong 3 quý đầu năm 2014, LSS vẫn tiếp tục chịu gánh nặng chi phí lãi vay từ khoản TPCĐ này. Sang quý IV, 200 tỷ TPCĐ này sẽ đến kỳ đáo hạn và LSS ước tính sẽ giảm đáng kể chi phí tài chính và cải thiện lợi nhuận. Tuy nhiên khi ước tính 100% TPCĐ được chuyển thành cổ phiếu, EPS ước tính sẽ bi pha loãng khoảng 9%, tức là từ 760 đồng/cp xuống còn 690 đồng/cp, tương đương P/E 17,8x.

Sự bất cân đối cung -cầu về đường (sản lượng đường tiêu thụ chỉ bằng 90% lượng đường sản xuất trong năm 2013), lượng hàng tồn kho cao (+20% so với cùng kỳ) và tiêu thụ khó khăn do ảnh hưởng suy thoái là những áp lực khiến giá đường chưa thể hồi phục.

Giá bán đường trung bình từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 7% (-8,6% n/n cho đường Rs và -6,3% n/n cho đường Re). LSS cũng bị ảnh hưởng chung với những khó khăn của ngành, điều này sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng đến doanh thu LSS trong năm 2014.

Chúng tôi nhận thấy trong năm 2013, các cổ phiếu ngành đường đã liên tục giảm hoặc đứng giá. Trong bối cảnh năm 2014 vẫn chưa có thông tin tích cực nào hỗ trợ ngành đường, chúng tôi cho rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp để đầu tư các cổ phiếu ngành này nói chung hay LSS nói riêng.

Tin bài liên quan