Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/2

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu nhà đầu tư cần quan tâm khi bước vào phiên giao dịch ngày 17/2 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/2

HVG: Khuyến nghị NẮM GIỮ

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Theo ước tính, doanh thu hợp nhất cả năm 2013 của CTCK Hùng Vương (HVG- sàn HOSE) tăng khoảng 52%, đạt 11.690 tỷ đồng nhờ đóng góp nhiều từ việc hợp nhất 4.080 tỷ đồng doanh thu từ VTF (HVG nắm giữ 56% VTF). Riêng hoạt động xuất khẩu cá tra của HVG lại giảm khoảng 0,6% so với cùng kỳ do sản lượng xuất khẩu ước tăng 3% so với cùng kỳ nhưng giá bán bình quân lại giảm 3,2% so với cùng kỳ.  

Biên lợi nhuận gộp hợp nhất 2013 ước khoảng 10%, giảm 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do biên lợi nhuận gộp của VTF rất thấp chỉ khoảng 5 - 5,2% kéo theo biên lợi nhuận gộp hợp nhất cũng sụt giảm. Tuy nhiên, cũng nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh từ VTF, HVG đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước tính khoảng 460 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ, trong đó 137 tỷ đồng đến từ VTF. Tuy nhiên, EPS cả năm 2013 giảm 22% do loại trừ lợi ích cổ đông thiểu số và HVG tăng vốn trong năm để thực hiện các kế hoạch M&A.

Chúng tôi dự đoán tổng doanh thu 2014 tăng 8%, thấp hơn mức 27% CARG (2008-2012), đạt 12.618 tỷ đồng. Kết quả này đến từ: (i) mức tăng 4% so với cùng kỳ của doanh thu xk nhờ mở rộng thị phần sang vùng Trung và (ii) mức tăng 11% so với cùng kỳ của hoạt động kinh doanh thức ăn thủy sản từ VTF do HVG kế hoạch sẽ tăng cường hoạt động này sau khi đã mua lại VTF. Biên lợi nhuận gộp kỳ vọng được cải thiện lên 11% do giá nguyên liệu cá tra thấp. lợi nhuận trước thuế 2014 ước khoảng 501 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

Sản lượng và giá trị cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ đang đóng góp lần lượt 14% và 19% vào tổng doanh số HVG. DOC có thể áp thuế chống bán phá giá cho HVG (bao gồm AGF) là 2,15 USD/kg. Kết quả sẽ được ban hành tháng 3/2014. Để giữ thị phần, HVG cần đánh đổi lợi nhuận của mình.

Kỳ vọng thị trường Nga vẫn ổn định. Sản lượng và giá trị cá tra xuất khẩu sang thị trường Nga đang đóng góp lần lượt 20% và 16% vào tổng doanh số HVG. Từ ngày 31/1/2014, Nga đã cấm việc nhập khẩu tất cả các sản phẩm cá tra từ 8 doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó không có HVG. Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội cho HVG để mở rộng thêm thị phần tại Nga khi các đối thủ khác đang dần bị loại bỏ do không đáp ứng được tiêu chuẩn kháng khuẩn của VPSS.

Dựa trên khó khăn chung của ngành (dự báo giá trị xuất khẩu cá tra 2014 cả ngành cao nhất chỉ đạt 1,75 tỷ USD,-3% so với cùng kỳ) và rủi ro thị trường Mỹ của HVG, chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận của HVG năm 2014 khá thận trọng. Kỳ vọng cổ phiếu HVG sẽ giao dịch với mức P/E và P/B bằng mức trung bình 5 năm qua của công ty. Giá mục tiêu của chúng tôi được xác định dựa trên phương pháp P/E (70%) tại 9,3x và P/B (30%) tại 1,4x. Khuyến nghị NẮM GIỮ.

VCG giao dịch với PE khá thấp đạt 10,6x

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VCG - sàn HNX) báo cáo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ quý IV/2013 đạt 421,5 tỷ, tăng 453,7% so với cùng kỳ mặc dù doanh thu hợp nhất giảm 41,7% đạt 2.932,2 tỷ. Luỹ kế 2013, doanh thu hợp nhất đạt 11.413,8 tỷ, giảm 10,4% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 523% so với cùng kỳ lên 544,8 tỷ.

Lợi nhuận sau thuế tăng đột biến đánh dấu bước chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của VCG sau khi công ty hoàn tất việc chuyển nhượng 70% cổ phần của Nhà máy xi măng Cẩm Phả cho Viettel vào cuối tháng 11/2013.

Lưu ý rằng Xi măng Cẩm Phả đã liên tục thua lỗ kể từ khi đi vào hoạt động vào năm 2008. Sau khi chuyển nhượng, Xi măng Cẩm Phả không còn là công ty con mà chuyển thành công ty liên kết nên kết quả kinh doanh của Xi măng Cẩm Phả không còn được hợp nhất nữa, do đó doanh thu hợp nhất giảm trong khi lợi nhuận tăng lên so với cùng kỳ.

Theo hợp đồng chuyển nhượng, Viettel không chỉ mua lại cổ phần mà còn mua cả phần nợ vay của Xi măng Cẩm Phả để VCG thanh toán trước hạn toàn bộ dư nợ liên quan đến dự án Xi măng Cẩm Phả. Nhờ đó, tình hình tài chính của VCG cũng được cải thiện rõ rệt.

Cuối quý IV/2013, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của VCG là 6.484,6 tỷ, giảm 3.000 tỷ so với cuối quý 3/2013 và giảm 4.312 tỷ so với cuối 2012. Theo đó, tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu giảm xuống còn 99,8% cuối quý IV/2013 so với 201,9% cuối 2012.  

Dựa vào lợi nhuận sau thuế luỹ kế 2013, EPS 2013 đạt khoảng 1.306 đồng/cp, tăng 369% so với cùng kỳ. Theo đó, cổ phiếu VCG giao dịch với PE (4 quý gần nhất) 10,6x, thấp hơn nhiều so với PE của các năm trước.

VNM: Bất lợi do giá nguyên liệu tăng cao

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Việc tăng giá bán chủ yếu ở dòng sản phẩm sữa nước và sữa bột, theo đó BVSC dự báo doanh thu quý I/2014 sẽ đạt khoảng 7.653 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp sụt giảm còn 30,3% so với mức 32,6% vào quý IV/2013, do Công ty bắt đầu sử dụng nguyên vật liệu giá cao, với việc sử dụng tồn kho trong vòng 3 quý, hiện tại VNM đang sử dụng sữa bột tồn kho vào quý II/2013 với mức giá trung bình vào khoảng 4.850 USD/tấn tăng 52% so với cùng kỳ, đồng thời tăng giá mua sữa Nông dân thêm 22,6%. Cụ thể như sau:

Doanh thu quý I/2014 dự kiến sẽ đạt khoảng 7.653 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Đối với dòng sản phẩm sữa nước (đóng góp 35% doanh thu), với mức tăng giá trung bình 6% và sản lượng tiêu thụ tăng trưởng 12%.

Chúng tôi dự báo sẽ đem lại khoảng 2.691 tỷ đồng doanh thu trong quý. Đối với sản phẩm sữa chua, chúng tôi quan ngại về việc cạnh tranh với sản phẩm của TH milk và Ba Vì trong hệ thống siêu thị, do đó chúng tôi dự báo sản lượng chỉ tăng nhẹ ở mức 5% thấp hơn mức tăng 10% trong năm 2013, đồng thời giá bán tăng 5% do tăng giá nguyên liệu.

Dự báo doanh thu từ sản phẩm sữa chua sẽ đóng góp 1.191 tỷ đồng trong quý. Sản phẩm sữa bột, với mức tăng giá trung bình 7%, đồng thời sản lượng vẫn duy trì mức tăng 20% nhờ các dòng sản phẩm cao cấp và từ nhà máy mới, chúng tôi dự báo doanh thu sẽ đóng góp 1.454 tỷ đồng trong quý.

Dòng sản phẩm sữa đặc vẫn duy trì mức 80% thị phần và nhà máy đã hoạt động đủ công suất. Đồng thời, giá bán tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ, do đó sản phẩm sữa đặc ước tính mang lại 793.58,47 tỷ đồng doanh thu trong quý.

Đặc biệt, chúng tôi đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng doanh thu thị trường xuất khẩu, với mức tăng sản lượng dự kiến 18% chủ yếu sản phẩm sữa nước và sữa bột, dự báo doanh thu từ thị trường xuất khẩu đạt khoảng 1.201 tỷ đồng trong quý này.

Tỷ suất lợi nhuận gộp sụt giảm còn 30,3% so với mức 32,6% vào quý IV/2013. Nguyên liệu sữa chiếm khoảng 60% giá vốn hàng bán, do đó biến động giá sữa đầu vào ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận của VNM trong quý I/2014.

Theo đánh giá của BVSC, với chính sách sử dụng tồn kho trong vòng 3 quý, hiện tại VNM đang sử dụng sữa bột tồn kho vào quý 2/2013 với mức giá trung bình vào khoảng 4.850 USD/tấn, tăng 52% so với cùng kỳ. Đồng thời giá mua sữa nguyên liệu của Nông dân cũng tăng hơn 22%.

BVSC ước tính tỷ trọng sữa tươi thu mua nội địa và sữa bột nhập khẩu lần lượt chiếm 19% và 56% trong tổng chi phí nguyên vật liệu sản xuất sản phẩm sữa nước, và với việc tăng giá đầu vào như đề cập ở trên, tỷ suất lợi nhuận gộp của dòng sản phẩm sữa nước vào khoảng 35%. Tỷ suất lợi nhuận gộp của dòng sản phẩm sữa chua, sữa bột và sữa đặc theo ước tính lần lượt là 37%, 31% và 11%.

Tóm lại, tỷ suất lợi nhuận gộp trung bình các dòng sản phẩm của VNM trong quý I/2014 theo ước tính BVSC đạt 30,3%, giảm so với mức 32,6% của quý IV/2013.

Khuyến nghị:

Chúng tôi vẫn đánh giá cao triển vọng phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinamilk trong dài hạn, với chiến lược củng cố và phát triển những sản phẩm chủ lực, tăng mạnh thị phần dòng sản phẩm cao cấp trong nước và đa dạng hóa sản phẩm sang thị trường Campuchia.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, với diễn biến giá nguyên liệu đầu vào đang ở mức cao, chúng tôi cho rằng việc biên lợi nhuận giảm trong quý này có thể là một thông tin bất lợi cho diễn biến giá cổ phiếu trong nửa đầu năm 2014.

Đồng thời, BVSC sẽ tiếp tục theo dõi thêm diễn biến giá nguyên vật liệu đầu vào trong thời gian tới và sẽ cập nhật khi có những thay đổi bất thường.

VIP sẽ trả cổ tức năm 2013 bằng tiền hoặc cổ phiếu

(CTCK Sài Gòn – SSI)

CTCP Vận tải xăng dầu Vipco (VIP – sàn HOSE) công bố doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2013 đạt tương ứng 785 tỷ đồng và 145 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu giảm 22% so với năm trước do VIP giảm quy mô phân phối xăng dầu do tỷ suất lợi nhuận thấp, lợi nhuận tăng mạnh gấp 3 lần do VIP ghi nhận thu nhập bất thường 140 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng cảng Nam Hải Đình Vũ.

Trong năm 2013, EPS đạt 2.429 đồng, +165% so với năm trước, do đó, chúng tôi dự kiến VIP sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu cho năm 2013.

PVT: Nhiệt điện Vũng Áng 1 có thể bù đắp doanh thu sụt giảm

(CTCK Sài Gòn – SSI)

CTCP Vận tải dầu khí (PVT – sàn HOSE) báo cáo doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2013 đạt 4.971 tỷ đồng và 388,8 tỷ đồng, tương ứng tăng 11% và 107% so với năm trước. Trong năm 2014, mặc dù có 2 tháng bảo trì nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể tác động tới doanh thu mảng vận tải. Tuy nhiên, hoạt động vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 có thể bù đắp doanh thu sụt giảm.

Trong năm 2014, chúng tôi dự kiến doanh thu và lợi nhuận trước thuế có thể đạt 5.168 tỷ đồng và 410 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm trước, tương ứng EPS đạt 1.200 đồng.

VIC: Thận trọng về tăng trưởng trong năm 2014

(CTCK Sài Gòn – SSI)

Tập đoàn Vingroup – CTCK (VIC – sàn HOSE) công bố bổ nhiệm bà Dương Thị Mai Hoa làm Tổng giám đốc mới của Vingroup, thay cho bà Lê Thị Thuy Thủy. Bà Thủy được bổ nhiệm làm Chủ tịch và Tổng giám đốc VinE-com – một lĩnh vực kinh doanh chiến lược mới của Vingroup với mục tiêu tạo ra một kênh giao dịch thương mại điện tử toàn diện tại Việt Nam.

VinE-com sẽ được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn với vốn điều lệ 1.050 tỷ đồng, trong đó VIC nắm giữ 70%. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng về tăng trưởng của công ty trong năm 2014 và có quan điểm Trung lập với cổ phiếu trong thời điểm hiện tại.

Tin bài liên quan