Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/10 của các công ty chứng khoán.

Vẫn đánh giá cao tiềm năng của BMC

CTCK MB (MBS)

CTCP Khoáng sản Bình Đình (BMC) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014. Theo đó, doanh thu của Công ty đạt mức 108 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 18 tỷ đồng, giảm 70% so cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh của Công ty gây thất vọng này là do hoạt động kinh doanh chính của Công ty là khai thác và chế biến quặng Titan không thuận lợi. Thị trường tiêu thụ quặng Titan của Công ty trong năm 2014 gặp nhiều khó khăn và giá bán giảm sâu so với cùng kỳ.

Hiện tại, giá xuất khẩu titan giảm khoảng 40% so với cùng kỳ qua đó tác động tiêu cực đến doanh thu và biên lợi nhuận của Công ty . Thêm vào đó, thuế tài nguyên đã tăng lên mức 16% từ mức 11% của năm ngoái.

Nhìn chung, chúng tôi vẫn đánh giá cao tiềm năng của BMC khi Công ty sở hữu Mỏ Ilmenite với trữ lượng khoảng 1,5 triệu tấn. Bên cạnh đó, Công ty là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khai thác và chế biến quặng Titan. Hiện nay, BMC là một trong 5 công ty sản xuất Xỉ Titan (titan tinh chế) tại Việt Nam với công suất đạt 30.000 tấn/năm.

Chúng tôi dự phóng, BMC sẽ đạt mức lợi nhuận sau thuế là 24 tỷ đồng, tương ứng với mức EPS là 1.937 đồng/cp.

GMD: Trong dài hạn, có thể MUA để nắm giữ

CTCK FPT (FPTS)

Chúng tôi cập nhật tình hình kinh doanh của CTCP Gemadept (GMD - sàn HOSE) trong 6 tháng đầu năm 2014 với triển vọng khả quan từ hoạt động khai thác cảng và logistics. Doanh thu thuần đạt 1.352,7 tỷ đồng (+15,2% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế và lãi vay đạt 107 tỷ đồng (+61,3% so với cùng kỳ).

Mức tăng trưởng này xuất phát từ việc GMD đã liên tục mở rộng, phát triển hoạt động khai thác cảng có biên lợi nhuận gộp cao. Điển hình là các dự án mở rộng Cảng Dung Quất và đưa vào hoạt động cảng Nam Hải Đình Vũ...

Chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính này trong năm 2014 lần lượt là 2,813.8 tỷ và 514.3 tỷ, cùng với khoản thu nhập 612.6 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Maproco.

Tổng lợi nhuận sau thuế 2014 ước đạt 555,1 tỷ đồng, tương đương với mức EPS forward 2014 đạt 4,800 đồng/cổ phiếu. Với mức giá hiện tại là 35.700 đồng, giá trị P/E trailing và P/E forward lần lượt là 7.13x và 7.47x. Do đó, trong ngắn hạn chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên THEO DÕI cổ phiếu này.

Trong dài hạn, chúng tôi vẫn giữ giá mục tiêu theo báo cáo định giá lần đầu (ngày 25/12/2013) là 43,500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 23,23% so với giá hiện tại nên nhà đầu tư có thể MUA cổ phiếu GMD để nắm giữ khi các tài sản được đưa vào khai thác hoặc chuyển nhượng sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho GMD.

Mức khuyến nghị trên dựa vào việc xác định mức chênh lệch giữa giá trị mục tiêu so với giá trị thị trường hiện tại của mỗi cổ phiếu nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho nhà đầu tư trong thời gian đầu tư 12 tháng kể từ ngày đưa ra khuyến nghị. Mức kỳ vọng 18% được xác định dựa trên mức lãi suất trái phiếu chính phủ 12 tháng cộng với phần bù rủi ro thị trường cổ phiếu tại Việt Nam.

>> Tải báo cáo

HPG: Duy trì khuyến nghị Mua trung và dài hạn

CTCK BIDV (BSC)

Hôm nay 16/10/2014, CTCP Tập đoàn hòa phát (HPG) đã tổ chức cuộc họp nhà đầu tư quý III tại trụ sở chính. Chúng tôi có tham dự và cập nhật kết quả kinh doanh của Tập đoàn như sau:

Tổng kết 9 tháng, doanh thu thuần của HPG đạt 19.166 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch năm và tăng 51%yoy. lợi nhuận sau thuế đạt 2.754 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch năm và tăng 81%yoy; trong phần tăng thêm của lợi nhuận sau thuế, 43% đóng góp bởi giai đoạn 2 Khu liên hợp thép Hòa Phát sau khi đi vào hoạt động, 34% đóng góp bởi Mandarin Garden. Xét trong 4 quý gần nhất, ROE đạt 27,5% (năm 2013 là 21,2%), ROA đạt 14,9% (năm 2013 là 8,7%) và EPS đạt 6.555 đồng/cp.

Về hoạt động kinh doanh cốt lõi, cả hai mặt hàng thép xây dựng và ống thép đều giữ thị phần số 1 cả nước. Trong đó, tổng lượng sản xuất thép xây dựng trong 9 tháng của HPG đạt 707.000 tấn, tiêu thụ đạt 686.000 tấn (trong đó tiêu thụ tại miền Bắc đạt 79%, miền Trung là 10% và miền Nam là 11%). Tổng lượng ống thép sản xuất là 166.000 tấn, tiêu thụ 158.000 tấn, chiếm 20% thị phần cả nước.

Về hoạt động bảo dưỡng lò cao số 1 và xây dựng lò cao số 3: Hoạt động bảo dưỡng lò cao số 1 được thực hiện từ T8 - T11/2014, công suất của lò sẽ được tăng lên từ 350.000 tấn/năm lên thành 380.000 tấn/năm; tổng chi phí dự kiến là 150 tỷ đồng. Với lò cao số 3, đang được tiến hành xây dựng, thời gian dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2016, với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Về dự án Bất động sản mới: dự án có vị trí tại khu Trương Định, gần đường Kim Đồng thông ra Giải Phóng. Công ty cho biết quy mô sẽ ở mức vừa phải, bằng 50% dự án Mandarin Garden và thuộc phân khúc trung cấp. Tổng diện tích của dự án là 1,25 ha, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, dự án cao 30 tầng, gồm 600 căn hộ. Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành trong khoảng từ 3 – 3,5 năm và có thể bàn giao nhà vào đầu năm 2018.

Chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị Mua trung và dài hạn với cổ phiếu HPG, với EPS 2014 dự kiến là 6.537 đồng/cp và mức giá kỳ vọng 68.000 đồng/cp (chưa kể số cổ phiếu phát hành thêm cho người lao động, tương đương 2% cổ phiếu đang lưu hành sẽ được phát hành trong năm 2014 và 2015).

CHP: Mức định giá không hấp dẫn

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

CTCP Thuỷ điện Miền Trung (CHP - sàn HNX) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2014 với kết quả kinh doanh không khả quan do sản lượng điện quý sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ. Sản lượng quý III vừa qua chỉ đạt 88,25 triệu kWh, giảm 37,7% so với cùng kỳ do tình hình thuỷ văn trên các sông ở Trung Bộ không thuận lợi, lượng dòng chảy thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường.

Doanh thu do đó giảm 30,5% so với cùng kỳ xuống 81,9 tỷ đồng. Chi phí sản xuất kinh doanh tăng 24,1% so với cùng kỳ do chi phí nhân công, chi phí khấu hao và chi phí thuế tài nguyên nước tăng (thuế suất thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4% từ tháng 2/2014), đã kéo lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm 68,2% so với cùng kỳ chỉ đạt 22,2 tỷ.

Chi phí lãi vay ròng 35,8 tỷ, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay, đã khiến công ty ghi nhận lỗ 13,6 tỷ so với lãi ròng 28,2 tỷ trong cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng 2014, sản lượng của công ty đạt 260,1 triệu kWh, giảm 12% so với cùng kỳ nhờ sản lượng trong quý 1 tăng khá cao với cùng kỳ. Giá bán điện bình quân tăng khoảng 22,8% so với cùng kỳ, nhờ đó doanh thu 9T/2014 tăng 8% so với cùng kỳ đạt 280,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, do lỗ liên tiếp hai quý 2 và 3, luỹ kế 9T/2014 công ty vẫn ghi nhận lỗ 2,7 tỷ đồng.

CHP hiện có một nhà máy là nhà máy thuỷ điện A Lưới, công suất 170MW tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà máy bắt đầu phát điện thương mại từ tháng 5/2012. Về chu kỳ sản xuất của nhà máy, do điều kiện tự nhiên tại địa bàn hoạt động, sản lượng điện tập trung chủ yếu vào quý IV. Như trong năm 2013, sản lượng 2 tháng 10 và 11 rất cao nên sản lượng quý 4 đóng góp tới 52% sản lượng cả năm. Bắt đầu quý 4 năm nay, từ 1-14/10, sản lượng của nhà máy mới đạt 29,1 triệu kWh, chỉ bằng 24% sản lượng tháng 10/2013 (121,9 triệu kWh), cho thấy dấu hiệu không khả quan về tình hình sản xuất kinh doanh quý cuối năm.

CHP đang giao dịch với P/E 4 quý gần nhất 11,1x, mức định giá không hấp dẫn so với các công ty cùng ngành.

Tin bài liên quan