Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 16/7 của các công ty chứng khoán.

LCG: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

Licogi 16 (LCG – sàn HOSE) khá hấp dẫn với quỹ đất sạch khá lớn và có giá vốn rẻ, nhưng các dự án đều đang triển khai dở dang.

Trong các năm 2012 và 2013, công ty đã làm ăn thua lỗ, chủ yếu do mảng kinh doanh bất động sản gặp quá nhiều khó khăn cũng như thua lỗ từ nhà máy ethanol. Tuy nhiên LCG đã định hướng lại và tập trung vào mảng xây lắp công trình với nhiều dự án xây dựng đã được thi công và ký kết trong thời gian qua. Trong đó nổi bật trong năm 2014 là dự án xây dựng đường và công trình thoát nước của nhà máy gang thép Formosa, doanh thu hơn 700 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành hơn 50% tiến độ.

Sau 2 năm lỗ liên tiếp, mặc dù công ty mẹ LCG sẽ có lãi trong năm 2014 khi các dự án xây lắp thi công đúng tiến độ nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ nhà máy ethanol của công ty liên kết OBF. EPS theo kế hoạch 2014 của LCG đạt 294 đồng/CP, tương ứng với P/E forward đạt 26,8 lần.

Chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI tình hình của OBF để ra quyết định đầu tư vào cổ phiếu LCG.  

VCB: Khuyến nghị mua vào

CTCK Vietcombank (VCBS)

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB – sàn HOSE) đạt 2.778 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+6,8% so với cùng kỳ năm ngoái; hoàn thành 51% kế hoạch năm) trong 6 tháng đầu năm 2014 với tăng trưởng tốt của các nguồn thu nhập chính. Nợ xấu gia tăng và chiếm 3,06% tổng dư nợ khi áp dụng phân loại nợ theo thông tư 09; tuy nhiên tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tiếp tục được giữ ở mức cao, đạt 90%. Chúng tôi duy trì đánh giá tích cực đối với VCB xét về sự ổn định hoạt động, cơ cấu thu nhập đa dạng và chính sách quản trị rủi ro thận trọng.

Ngân hàng đang có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc cải thiện các chỉ số sinh lời. Trong bối cảnh triển vọng chung toàn ngành chưa có nhiều khởi sắc, VCB có các lợi thế so sánh nhất định với thế mạnh về ngoại tệ và hoạt động thanh toán, mối quan hệ tín dụng với các DNNN lớn để duy trì được tăng trưởng tín dụng và cải thiện thu nhập dịch vụ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy một số thay đổi tích cực về yếu tố nội tại của VCB. Trên cơ sở dự báo lợi nhuận trước thuế 5.633 tỷ đồng cho cả năm 2014, EPS 2014 tương ứng đạt 1.784 đồng/cổ phiếu và P/E forward đạt 14,5x, cao hơn trung bình ngành. Chúng tôi cho rằng với những vượt trội của VCB trong quản lý chất lượng tài sản và triển vọng tăng trưởng khả quan, mức P/E forward kể trên là hợp lý. Do đó, chúng tôi nâng mức khuyến nghị từ nắm giữ lên MUA đối với VCB cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

MWG: Triển vọng lợi nhuận 2014 khả quan

CTCK MB (MBS)

CTCP Thế Giới Di Động (MWG) đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch HSX vào ngày 14/7/2014. Công ty là nhà bán lẻ điện thoại di động lớn nhất Việt Nam với hệ thống 217 cửa hàng phủ khắp 63 tỉnh thành phố tại Việt Nam. Hiện tại, Công ty chiếm 23% thị phần trong thị trường bán lẻ điện thoại di động Việt Nam.

Chúng tôi đánh giá cao lợi thế cạnh tranh của Công ty trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại di động nhờ thương hiệu mạnh, mạng lưới phân phối rộng và vị thế thị trường cao. Nhờ các yếu tố này, Công ty có vị thế cao đối với các nhà cung cấp và do đó có thể được hưởng mức chiết khấu cao hơn qua đó gia tăng biên lợi nhuận so với các đối thủ cạnh tranh.

Tiềm lực tài chính vững vàng giúp Công ty có thể gia tăng nhanh chóng hệ thống cửa hàng phân phối và chiếm lĩnh thêm thị phần. Mặc dù thị trường bán lẻ điện thoại khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như trong quá khứ song chúng tôi cho rằng MWG vẫn có thể tăng trưởng dựa trên việc chiếm lĩnh thị phần của các đối thủ yếu hơn và tận dụng xu hướng sử dụng điện thoại thông minh của giới trẻ hiện nay.

Trong vài năm gần đây, Công ty đang tiến hành đột phá vào lĩnh vực bán lẻ điện máy với việc mở 12 siêu thị điện máy trên toàn quốc (tính đến cuối 2013). Tuy nhiên, lĩnh vực này hiện đang cạnh tranh rất gay gắt và vị thế của Công ty cũng chưa đủ mạnh để đem lại hiệu quả cao như lĩnh vực bán lẻ điện thoại di động.

Chúng tôi đánh giá triển vọng lợi nhuận của MWG sẽ tiếp tục khả quan trong năm 2014.

CNG: Có thể đầu tư dài hạn

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Bị truy thu thuế và phạt 27,5 tỷ đồng, tuy nhiên không ảnh hưởng đến cơ bản dài hạn. Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định truy thu (20,5 tỷ đồng) và xử phạt hành chính (7,2 tỷ đồng) đối với CNG. Trong đó bao gồm: Thuế TNDN 18,4 tỷ đồng, VAT 1,4 tỷ đồng, còn lại là thuế TNCN, thuế nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài là 0,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, CNG còn bị xử phạt do việc kê khai sai thuế 2,9 tỷ đồng, phạt nộp chậm 4,2 tỷ đồng (0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp).

Chúng tôi ước tính, số thuế bị truy thu (20,5 tỷ đồng) có thể được cộng vào chi phí thuế TNDN trong kết quả kinh doanh năm 2014.

Ngoài ra, số tiền phạt (7,2 tỷ đồng) có thể được trừ vào phần lợi nhuận sau thuế trong 2014. Số tiền thuế bị truy thu và phạt có thể ảnh hưởng đáng kể lên kết quả kinh doanh 2014 (kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2014 là 110 tỷ đồng), tuy nhiên chúng tôi cho rằng, sự kiện này chỉ mang tính chất ngắn hạn, không ảnh hưởng đến cơ bản của công ty trong dài hạn.

Kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2014 thấp do quý I/2014 chưa có quyết định giảm giá khí đầu vào. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2014  CNG ước đạt 520 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ 2013. Trong đó, sản lượng khí tiêu thụ của CNG ước đạt 33 triệu Sm3, tăng khoảng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giá bán khí giảm ở mức tương tự để cạnh tranh với các nguyên liệu khác có giá thành thấp hơn.

Chúng tôi ước tính, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 của CNG ước giảm khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 51 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2014. Trong quý I/2014, giá khí đầu vào cho CNG tăng 5% so với cùng kỳ do khi đó PVN chưa chấp thuận giữ nguyên giá khí đầu vào.

Giảm giá khí đầu vào từ quý II/2014-quý IV/2014. CNG và PGS được chấp thuận giữ nguyên giá khí đầu vào tương đương cuối 2013. Theo đó giá khí đầu vào kể từ quý II/2014 sẽ đứng ở mức khoảng 8,9 USD/mmBTU, giảm 5% so với cùng kỳ. Việc giá khí đầu vào giảm sẽ giúp CNG duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thị trường có nhiều nguồn nguyên liệu khác có giá thành thấp hơn như Biomass, than...

CNG duy trì khả năng sinh lợi khá cao so với các công ty cùng ngành (trừ GAS). Nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm CNG có biên lợi nhuận gộp khá cao so với các loại nguyên liệu khác. ROE và ROA lần lượt đạt 29,8% và 19,7% cao hơn đáng kể so với trung bình ngành 20,3% và 11,1%.

CNG đang được giao dịch tại P/E 2015 là 6x so với trung bình ngành là 11,1x. Chúng tôi cho rằng CNG là cổ phiếu có cơ bản tốt và đáng quan tâm trong dài hạn

Năm 2014, CNG đẩy mạnh việc tìm kiếm khách hàng mới. CNG cho biết, đang cung cấp khí cho tổng cộng 32 khách hàng, tăng 18,5% so với năm 2013. Kể từ quý II/2014, khi giá khí đầu vào cho CNG được điều chỉnh giảm so với quý I/2014, CNG có thể linh động trong việc xác định giá bán khí cho khách hàng ở mức cạnh tranh hơn mà không gây áp lực quá lớn lên khả năng sinh lợi của công ty. Chúng tôi đánh giá với việc giá khí được chấp thuận giảm, việc tiếp cận, tìm kiếm các khách hàng mới sẽ trở nên dễ dàng hơn trong nửa cuối năm 2014.

Hết khấu hao từ 2015. Chúng tôi ước tính, CNG sẽ hết khấu hao vào năm 2015, điều này sẽ là điểm cộng cho Lợi nhuận của CNG trong các năm sau đó. Lưu ý, chi phí khấu hao năm 2013 khoảng 118 tỷ đồng. Ngoài ra, CNG cũng tạm thời dừng đầu tư các dự án mở rộng như Nhơn Trạch, Hiệp Phước, Thái Bình và dự án LNG.

PVD: Có thể mua vào

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

PVD là một trong số các cổ phiếu ưa thích của chúng tôi cả về mặt kỹ thuật và cơ bản.

Xét về kỹ thuật, sau một giai đoạn tích lũy trong hơn 2 tháng qua, PVD đã gia tăng và vượt lên trên vùng tích lũy này để xác nhận quay lại với xu hướng tăng trung hạn có trước đó.

Thanh khoản của PVD không thật sự ổn định, dù vậy ở các phiên gần đây số phiên khối lượng giao dịch nằm trên hoặc xấp xỉ mức giao dịch trung bình 50 ngày đã nhiều hơn, cho thấy dòng tiền đang mở rộng với PVD.

Chỉ báo kỹ thuật tích cực. MACD cắt lên trên đường tín hiệu và vẫn nằm trên đường 0 để ủng hộ PVD di chuyển theo xu hướng tăng trong giai đoạn tới.

Điểm cộng từ yếu tố cơ bản: Doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 khả quan, ước tăng 37,8% so với cùng kỳ và 18,6% so với cùng kỳ đạt 9.000 tỷ đồng và 1.115 tỷ đồng. Dự kiến giàn khoan tự nâng thế hệ mới của PVD (PVD VI) sẽ đi vào hoạt động vào quý I/2015 đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của PVD kể từ 2015. PVD sở hữu giàn khoan tương đối mới (trung bình 5 năm tuổi) so với trung bình các giàn khoan trong nước 20 năm tuổi. Điều này giúp cho PVD có thể cho thuê với giá tương đối cao hơn các giàn khoan cũ.

NĐT có thể xem xét mua PVD ở mức giá hiện tại quanh 87.5. Giá mục tiêu ngắn hạn là 96.5 (+10,3%). Giá dừng lỗ 82.0 (-6,3%).

HT1: Có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

HT1 là cổ phiếu có sự gia tăng tốt kể từ đầu 2014 đến nay. Dù vậy đà tăng trong ngắn hạn 1 tháng qua bị chững lại và HT1 đi vào pha tích lích (hình tam giác trên đồ thị).

Phiên 15/7 đánh dấu việc HT1 đóng cửa nằm phía ngoài vùng tích lũy tam giác và điều này giúp HT1 quay trở lại với xu hướng tăng.

Thanh khoản trong phiên bứt phá phiên 15/7, cao hơn mức trung bình 50 ngày, cho thấy sự bứt phá là đáng tin cậy.

Chỉ báo kỹ thuật tích cực. MACD đang thu hẹp rất nhanh khoảng cách với đường tín hiệu và vẫn nằm bên trên đường 0 để ủng hộ cho HT1 tăng giá. Các chỉ báo khác nhìn chung trong trạng thái tích cự hoặc trung tính.

Do thị trường chung đang tiến về gần hơn vùng kháng cự quan trọng và yếu tố cơ bản của HT1 cũng không thật sự quá nổi bật, chúng tôi cho rằng việc mua vào HT1 chỉ dành cho các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro ở mức cao.

NĐT có thể xem xét mua HT1 ở mức giá hiện tại quanh 14.2. Giá mục tiêu ngắn hạn 17.0 (+19,7%)  và giá dừng lỗ là 12.7 (-10,6%).

Tin bài liên quan