Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/7 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/7

VPH: Có thể xem xét mua vào

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Ngày 10/7/2014, BVSC có buổi gặp với đại diện phía VPH và ghi nhận một số thông tin chính như sau:

Doanh thu quý I/2014 là 49 tỷ, tăng trưởng 29% yoy do ghi nhận nguồn thu từ dự án Lacasa. Cụ thể, doanh thu dự án Lacasa đạt 41,5 tỷ trong khi cùng kỳ chỉ khoảng 340 triệu. Doanh thu xây dựng (dự án Phú Mỹ, Phú Xuân) ghi nhận 6,7 tỷ, giảm 10,8 tỷ so với quý I/2013. Biện lợi nhuận gộp của Lacasa khoảng 17%. Mảng xây dựng không đóng góp nhiều cho lợi nhuận khi doanh thu bằng giá vốn. Lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 7,5 tỷ, tương đương yoy. Các chi phí khác như bán hàng, quản lý doanh nghiệp tương đương cùng kỳ (5 tỷ đồng), riêng chi phí tài chính giảm mạnh từ 8,2 còn 3,8 tỷ. Kết quả là, lợi nhuận sau thuế quý I/2014 ghi nhận 862 triệu so với mức 448 triệu của Q1/2013.

Kết quả kinh doanh quý II/2014 chưa đột biến khi chỉ tiếp tục ghi nhận 30 – 40 căn dự án Lacasa. Lợi nhuận theo đó dự kiến sẽ duy trì ở mức tương đương quý I. Tuy nhiên, hoạt động bán hàng quý II tích cực hơn so với quý trước khi Công ty mở bán phần đất nền dự án Lacasa (66 nền). Các căn hộ còn lại của Block A1-A2 cũng đang được hoàn thiện để mở bán trong quý III/2014. Ngoài ra, công ty cũng đang xúc tiến để phát triển 1 dự án căn hộ trung bình trên khu đất 1.300m2, vị trí nằm gần khu vực Lacasa với các căn hộ có quy mô nhỏ từ 47 – 56m2. Đất thuộc sở hữu của VPH và đã có chứng nhận quyền sử dụng đất. Cập nhật tiến độ các dự án quan trọng của VPH:

- Dự án Lacasa: đang hoàn thiện 70 căn block A1-A2 để mở bán trong quý 3. Giá bán dự kiến 20 – 22 triệu/m2. Các block còn lại chưa có kế hoạch triển khai. Phần đất nền Lacasa đã bán được 20/66 nền, chủ yếu là nền diện tích nhỏ 100m2. Các nền diện tích lớn 150 – 200m2 bán khá chậm. Giá bán theo VPH công bố từ 20 – 24 triệu/m2 (VAT). Biên lợi nhuận ước khoảng 30 – 35%. Thời điểm ghi nhận dự kiến trong quý 3&4 khi bàn giao nền.

- Dự án Nhơn Đức – Nhà Bè: phần diện tích tự kinh doanh (10ha) đang đầu tư hạ tầng. Kế hoạch quý 4/2014 mới triển khai mở bán. Đối với phần 30ha dự kiến chuyển nhượng cho hai trường đại học, theo phía VPH, thì vẫn đang chờ phê duyệt quy hoạch 1/2000 từ Thành Phố. Đây là văn bản pháp lý quan trọng và gặp nhiều khó khăn nhất mà công ty đang theo đuổi. Thời điểm kỳ vọng sẽ nhận được kết quả là quý 3/2014. Sau khi có quy hoạch 1/2000, công ty sẽ xin quy hoạch 1/500 từ UBND quận Nhà Bè. Thời gian dự kiến quý 4/2014. Nếu tiến độ pháp lý diễn ra như dự định, hợp đồng chuyển nhượng sẽ được ký kết ngay trong quý 4/2014. Tuy nhiên, doanh thu sẽ chưa ghi nhận trong năm 2014. Giá chuyển nhượng không thấp hơn giá vốn dự án.

- Các dự án khác như Phú Xuân, Hiệp Phước, quận 2 chưa có kế hoạch triển khai. Khu đất ở quận 9 (4ha) thì VPH đã chuyển nhượng 1ha thu về 20 tỷ trong quý 2.2014. Giá chuyển nhượng bằng với chi phí giá vốn.

BVSC cho rằng yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của VPH trong thời gian tới chính là tiến độ hoàn thiện pháp lý của dự án Nhơn Đức. Nếu vấn đề này sớm có kết quả, hoạt động chuyển nhượng sẽ được tiến hành và tạo nên sự thay đổi về triển vọng trong dài hạn của công ty. Lượng tiền thu về được sẽ giúp VPH cơ cấu tình hình tài chính và triển khai trở lại giai đoạn sau của dự án Lacasa, các dự án khác. Còn trong ngắn hạn, hoạt động kinh doanh căn hộ còn tồn, bán nền Lacasa và đất quận 9 chỉ giúp công ty đảm bảo tính thanh khoản, hoàn thiện các dự án dở dang chứ chưa tạo sức bật trong kết quả kinh doanh.

Với kết quả kinh doanh quý II dự kiến chưa cải thiện, giá cổ phiếu VPH sẽ tiếp tục đi ngang và chỉ số P/B sẽ duy trì ở mức thấp khoảng 0.5 lần. Do đó, các nhà đầu tư yêu thích tài sản giá rẻ và kỳ vọng vào dự án Nhơn Đức có thể xem xét tích lũy cổ phiếu VPH khi thị trường có những nhịp giảm điểm.

CMI: Khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 40 tỷ đồng

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Sáng ngày 14/7, trong buổi trao đổi đầu tuần với nhà đầu tư, chuyên viên ngành của chúng tôi có đề cập đến công ty CTCP CMIStone Việt Nam (CMI). CMI có hoạt động chính là khai thác chế biến khoáng sản, vật liệu và đá xây dựng. Trong các năm vừa qua, kết quả kinh doanh của công ty biến động thất thường không ổn định. Tuy nhiên, chuyên viên ngành chúng tôi nhận thấy những chuyển động tích cực trong hoạt động của công ty thời gian gần đây.

Từ nửa cuối năm 2013, hoạt động kinh doanh của công ty đã có sự thay đổi đáng kể nhờ mỏ quặng sắt Trấn Hưng – Yên Bái chính thức vận hành vào tháng 08/2013, đóng góp gần 80% tổng doanh thu, tương đương khoảng 41- 43 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng mạnh từ mức 14% của năm 2012 lên 52% trong năm 2013, LNST tăng trưởng mạnh (tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ).

Năm 2014, mỏ Trấn Hưng – Yên Bái tiếp tục là nguồn thu chính của công ty với doanh thu và LNST theo kế hoạch lần lượt đạt 77,9 tỷ đồng và 19,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ có thêm 2 dự án nữa đi vào hoạt động trong hai quý cuối năm: (1) Mỏ đá Vạn Xuân – Hà Tĩnh (Q3/2014); và (2) Mỏ sắt Khwambang – Lào (bị chậm tiến độ do mùa mưa kéo dài, dự kiến đi vào hoạt động từ Q4/2014). Theo đánh giá của chuyên viên ngành, dự án Vạn Xuân có thể góp phần vào kết quả kinh doanh của công ty từ quý 3, trong khi đó, dự án Khwambang kỳ vọng sẽ mang lại kết quả cụ thể hơn trong năm 2015.

Một chuyển động đáng chú ý khác của công ty trong năm 2014 chính là việc tái đầu tư hai nhà máy Đá nhân tạo và Bột đá siêu mịn. Hiện quá trình thu xếp vốn cho việc đầu tư hai nhà máy này đang diễn ra và dự kiến hai nhà máy này sẽ đi vào hoạt động và tạo ra sản phẩm trong nửa đầu năm 2015. Song hành với việc tái đầu tư hai nhà máy, công ty đã và đang chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho hai nhà máy thông qua dự án Quỳ Hợp Nghệ An với triển vọng cung cấp 70% nguyên liệu cho sản xuất đá và 30% sản phẩm xuất sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mặc dù đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh của CMI, chuyên viên ngành cũng có lưu ý rằng, Công ty có khả năng không đạt kế hoạch khoảng 40 tỷ lợi nhuận sau thuế đã đặt ra hồi đầu năm do một số dự án bị chậm tiến độ. Nhà đầu tư quan tâm cổ phiếu CMI có thể theo dõi những thông tin chi tiết hơn sẽ được RongViet Research cập nhật trong báo cáo doanh nghiệp dự kiến sẽ phát hành trong thời gian tới.

SJD: Cổ phiếu ưa thích trong ngành điện

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Trong quý II/2014, CTCP Thuỷ điện Cần Đơn (SJD) đã sản xuất được 94,2 triệu kWh, tăng gần 18% cùng kỳ, đặc biệt là trong hai tháng 5-6/2014 sản lượng điện đã tăng mạnh (26% và 43% cùng kỳ) do bắt đầu mùa mưa và lưu lượng nước tốt.  Doanh thu từ riêng nhà máy thuỷ điện Cần Đơn ước đạt 89 tỷ, tăng tương ứng 18% cùng kỳ.

Đối với nhà máy Ry Ninh II (đã sáp nhập vào SJD cuối năm 2013 và hiện là chi nhánh của SJD), chúng tôi ước tính sản lượng quý 2/2014 đạt khoảng 10 triệu kWh và doanh thu theo đó ước đạt gần 9 tỷ. Doanh thu hợp nhất quý 2/2014 của SJD theo đó ước đạt 97,7 tỷ đồng, tăng 29% cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động ước giảm so với cùng kỳ (57% so với 64,3% trong quý 2/2013) do tỷ suất sinh lời của RHC thấp hơn SJD và chi phí thuế tài nguyên nước tăng kể từ tháng 2/2014. Lợi nhuận hoạt động theo đó ước đạt 55,7 tỷ, tăng 14,6% cùng kỳ. Lợi nhuận ròng ước đạt 49,9 tỷ, tăng 11,8% cùng kỳ.

ĐHCĐ 2014 tổ chức ngày 30/6/2014 vừa qua đã thông qua phương án sáp nhập CTCP Thuỷ điện Nà Lơi (NLC) vào SJD theo phương thức hoán đổi cổ phiếu với tỷ lệ 1:1. Theo đó, SJD sẽ phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu NLC. Thời gian thực hiện được dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2014. NLC là công ty thuỷ điện có công suất 9,3MW ở tỉnh Điện Biên và sản lượng điện bình quân khoảng 46 triệu kWh/năm. Hợp đồng mua bán điện của NLC với Tập đoàn điện lực với mức giá cố định 0,042 USD/kWh và có giá trị đến 2028 (25 năm kể từ khi chính thức đưa vào hoạt động vào năm 2003).

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh trong phương án sáp nhập, việc sáp nhập NLC sẽ giúp doanh thu 2014 của SJD tăng 13% và lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 10%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế của SJD sau khi sáp nhập ước tính giảm xuống 40,6% (so với 42% khi chưa sáp nhập) do tỷ suất sinh lời của NLC thấp hơn so với SJD. Việc phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu SJD để hoán đổi có thể khiến số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân tăng nhiều hơn so với mức tăng lợi nhuận, do đó EPS có thể bị pha loãng đôi chút.

ĐHCĐ 2014 cũng thông qua kế hoạch trả cổ tức tiền mặt 2013 với tỷ lệ 22%. Theo đó, lợi suất cổ tức ở mức cao xấp xỉ 9%. Tuy nhiên, theo chúng tôi việc chi trả cổ tức 2013 có thể chưa được thực hiện sớm do phải thu xếp nguồn tiền. Công ty cần khoảng 90 tỷ để chi trả mức cổ tức tiền mặt 22%. Tuy nhiên, công ty còn 100 tỷ trái phiếu sẽ đáo hạn trong tháng 10/2014 phải xử lý. Về nguồn tiền, đến cuối quý 1/2014, công ty có 14,7 tỷ tiền mặt và 55,3 tỷ cho vay ngắn hạn (cho một số công ty cùng thuộc Tập đoàn Sông Đà vay). Ngoài ra, có thể công ty sẽ đẩy mạnh thu nợ từ khách hàng với khoản phải thu khách hàng 164,5 tỷ vào cuối quý 1/2014.

Cổ phiếu SJD vẫn là cổ phiếu ưa thích của chúng tôi trong ngành điện với (1) hoạt động SXKD ổn định; (2) giá bán điện cố định với hợp đồng mua bán điện dài hạn, đảm bảo tỷ suất sinh lời cao; (3) chính sách cổ tức ổn định với mức lợi suất cổ tức hấp dẫn; (4) định giá hấp dẫn. Cổ phiếu SJD giao dịch với PE dự phóng 6,1x so với trung bình ngành 9x.

Tin bài liên quan