Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/3

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/3

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/3 của các công ty chứng khoán.

Cân nhắc mua vào cổ phiếu HAX

CTCK BIDV (BSC)

Hiện tại Mercedes Benz Việt Nam đang có 3 nhà phân phối là Haxaco, Vietnam Star và An Du với 12 trung tâm bán hàng (Autohaus), trong đó Haxaco có 4 Autohaus tại Tp. HCM và Hà Nội; Vietnam Star có 4 Autohaus tại Tp. HCM, Hà Nội, Nha Trang và An Du hoạt động tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Việc hoạt động và mở Autohaus tại các thị trường là do nhà phân phối tự chủ động, đồng thời cũng phải qua đánh giá khảo sát từ Mercedes Benz Việt Nam.

BSC cho rằng khả năng cao CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HAX) sẽ hoàn thành kế hoạch năm do tình hình tiêu thụ Mercedes đang rất tích cực sau vụ việc liên quan đến thuế của Euro Auto (BMW) và thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe dung tích cao áp dụng từ 7/2016.

Sản lượng xe Mercedes Benz (PC) bán trong tháng 1/2017 là 483 xe (tăng 53,33% so với cùng kỳ). Ước tính trong 2 tháng 2017 Mercedes (PC) bán được khoảng 1.000 chiếc, tăng mạnh so với mức 517 chiếc của 2 tháng đầu năm 2016.

Nhận định cổ phiếu HAX vẫn đang nằm trong kênh tăng giá và biên độ dao động hẹp dần. HAX nhiều khả năng sẽ tiếp tục vận động trong kênh giá trên trước khi break để hoàn thành mô hình tam giác. Nhà đầu tư cân nhắc mua vào tại vùng 41 – 42. Dừng lỗ nếu HAX thủng ngưỡng hỗ trợ 39.

Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu FOX

CTCK MB (MBS)

Triển vọng lợi nhuận của CTCP Viễn thông FPT (mã FOX) đặc biệt cao trong giai đoạn 2017-2018, cụ thể, chi phí khấu hao giảm giúp lợi nhuận tăng trưởng tích cực. Chi phí khấu hao cho dự án quang hóa ở Hà Nội và Hồ Chi Minh đã kết thúc vào tháng 7/2016, và việc không có khoản chi phí này kỳ vọng giúp lợi nhuận hoạt động (EBIT) năm 2017 tăng trưởng 28,1% so với tăng trưởng 14,4% của doanh thu.

Câu chuyện này kỳ vọng tiếp tục cho năm 2018, khi khoản chi phí khấu hao cho các thành phố cấp 2 kết thúc. Khi đó, EBIT năm 2018 có thể tăng trưởng 26,9% so với 13,6% của doanh thu.

Bên cạnh đó, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tích cực, PEG của FOX hiện đang ở mức 0,6 lần cho năm 2017 và 0,5 lần cho năm 2018, rất hấp dẫn đặc biệt khi xem xét đến vị thế đầu ngành viễn thông của công ty. Chúng tôi kỳ vọng EPS 2017 đạt 7.721 đồng (tăng 28,1% so với năm trước) và EPS 2018 đạt 9.797 đồng (tăng 26,9% so với năm trước).

Cổ phiếu FOX sau khi giao dịch trên UPCoM ngày 13/1/2017 đã nhanh chóng đạt giá mục tiêu của chúng tôi. Chúng tôi cập nhật lại triển vọng của FOX, nâng giá mục tiêu lên 105.000 đồng/cổ phiếu (tăng 35% so với giá mục tiêu kỳ trước) với khuyến nghị khả quan.

Khuyến nghị mua PVS cho mục tiêu trung và dài hạn

CTCK Maritime (MSI)

Chúng tôi đánh giá triển vọng giá dầu thô phục hồi sau hai năm duy trì ở dưới mức 50 USD/thùng là rất cao, tuy nhiên các công ty dầu khí chỉ hoạt động có hiệu quả khi giá dầu trên mức 60 USD/thùng.

Ở thời điểm hiện tại giá dầu vẫn duy trì ở vùng giá 50-55 USD/thùng, tức là mức giá vừa đủ chi trả cho chi phí sản xuất và các chi phí khác, do đó, các doanh nghiệp dầu khí trong nước sẽ không đầu tư hoặc tái khởi động lại bất kỳ chương trình thăm dò khai thác và sản xuất (E&P) quan trọng nào trong năm 2017.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh trong quý I/2017 của PVS tiếp tục vẫn giữ ở mức thấp và bắt đầu từ quý II/2017 sẽ có sự cải thiện nhẹ nếu giá dầu thô thế giới đạt trên 60USD/thùng. Theo đó, trong trường hợp giá dầu thô tăng lên ngưỡng 60 USD/thùng, thì nhu cầu đối với các mảng dịch khảo sát ROV, mảng vận hành bảo dưỡng O&M sẽ được hưởng lợi và hồi phục do PVN sẽ thúc đẩy các dự án khai thác dầu khí ngoài khơi hoạt động trở lại.

PVS gần như độc quyền trong việc cung cấp các loại hình dịch vụ trong suốt vòng đời của một dự án dầu khí. Tại Việt Nam, PVS đang cung cấp 100% dịch vụ căn cứ cảng dầu khí; cung cấp 90% dịch vụ khảo sát địa chấn; và vận hành 5 kho nổi FSO/FPSO đang hoạt động ngoài khơi Việt Nam. Như vậy, PVS sẽ là sự lựa chọn tối ưu cho nhà đầu tư trong việc thâm nhập thị trường dầu mỏ có tiềm năng tăng trưởng mạnh tại Việt Nam.

Trong giai đoạn từ 2017-2019, chúng tôi ước tính lợi nhuận của PVS sẽ có tỷ lệ tăng trưởng trung bình đạt 16,5%/ năm, do PVS có mức độ tham gia rộng hơn vào các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí thông qua việc cung ứng một chuỗi các loại hình dịch vụ kỹ thuật dầu khí.

Từ đầu năm 2016, giá dầu Brent trên thị trường thế giới đã tăng khá mạnh từ giá đáy trong vòng 5 năm trở lại đây (từ 28,94 USD/thùng lên vùng giá trung bình 54-56 USD/thùng trong 3 tháng đầu năm 2017). Giá dầu tăng mạnh sẽ tác động tích cực đến triển vọng của PVS, do hiện tại đang có khoảng 53 dự án dầu khí nằm trong kế hoạch sẽ triển khai trong thời gian tới. Trong đó có 9 dự án sẵn sàng để triển khai và nếu giá dầu vượt 65 USD/ thùng thì sẽ có rất nhiều dự án sẽ được tái khởi động đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu cho các dự án nhà máy điện của PVN.

PVS thường xuyên trả cổ tức đều đặn, tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt ổn định quanh mức 12%-17%, tỷ lệ cổ tức trên giá cố phiếu PVS khá cao, đạt 6,8%.

Cổ phiếu PVS đang được giao dịch thấp hơn giá trị thực tế với mức P/B là 0,8x và P/E trailing là 7,4x, thấp hơn khá nhiều so với P/E thị trường 16,5x. Theo phương pháp định giá P/E, giá trị hợp lý của cổ phiếu PVS là 28.820 đồng/ cp, cao hơn 63,8% so với giá thị trường hiện tại.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu PVS với giá mục tiêu là 28.820 đồng/cp cho mục tiêu trung và dài hạn.

Tin bài liên quan