Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/10 của các công ty chứng khoán.

RAL: Mức giá kỳ vọng khoảng 55.000 đồng

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Trong quý III/2014, CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (RAL - sàn HOSE) có thể đạt khoảng 699 tỷ đồng doanh thu (tăng 20% so với cùng kỳ) và 26,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (giảm 11% so với cùng kỳ). Hoạt động tiệu thụ các sản phẩm của RAL trong quý III tiến triển tốt, sản lượng bóng đèn tiêu thụ ước tăng 20% so với cùng kỳ do RAL tập trung vào dòng sản phẩm tiết kiệm năng lượng phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng kết hợp với việc đẩy mạnh thị trường xuất khẩu.

Biên lợi nhuận gộp giảm 1% từ mức 18,8% trong quý 3/2013 chủ yếu do giá cả vật tư đầu vào tăng từ ảnh hưởng của sự kiện biển Đông.

Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng mạnh trong kỳ để doanh nghiệp đảm bảo tăng trưởng doanh thu và giữ vững thị phần, nửa đầu năm chi phí bán hàng tăng tới 45% và được dự báo tăng khoảng 20% trong quý 3/2014.

Doanh nghiệp sẽ không còn khoản doanh thu tài chính bất thường như trong quý III/2013. Trong quý III/2013 RAL ghi nhận khoảng 9 tỷ đồng doanh thu tài chính từ khoản công nợ với khách hàng Cuba.

Chúng tôi ước tính năm 2014, RAL có thể đạt khoảng 2.774 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 21%, lợi nhuận trước thuế đạt 83,3 tỷ, giảm 28% so với năm 2013. EPS 2014 ước đạt 5.610 đồng.

Trong ngắn hạn, mặc dù lợi nhuận năm 2014 của RAL dự báo giảm, mức P/E forward 2014 vẫn ở mức tương đối hấp dẫn (khoảng 7,9x. Về dài hạn, RAL có vị thế là một trong 2 doanh nghiệp dẫn đầu ngành, hoạt động kinh doanh tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi - ngành thiết bị chiếu sáng với triển vọng tăng trưởng 15%/năm, là một cổ phiếu khá hấp dẫn cho mục tiêu đầu tư dài hạn. Mức giá kỳ vọng cho cổ phiếu RAL chúng tôi dự báo vào khoảng 55.000 đồng/cổ phiếu.

>> Tải báo cáo

TNG: Cận trọng khi cân nhắc đầu tư

CTCK MB (MBS)

CTCP Đầu tư và thương mại TNG (TNG - sàn HNX) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh khả quan trong 9 tháng năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 1030 tỷ VNĐ, tăng 8,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính khiến TNG đạt kết quả kinh doanh khả quan là chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của TNG trong 9 tháng đầu năm 2014 đều giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Mặc dù, lợi nhuận của TNG tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm, song sức khỏe tài chính của Công ty có một số điểm khiến chúng tôi quan ngại.

Cụ thể, nghĩa vụ nợ ngắn hạn của Công ty lớn hơn tài sản ngắn hạn là 172 tỷ VNĐ. Điều này cho thấy nguồn vốn lưu động của Công ty bị căng thẳng và khả năng thanh khoản của Công ty đang suy giảm.

Tỷ lệ đòn bẩy tài chính của Công ty cũng ở mức 4.7 lần cho thấy áp lực vay nợ của Công ty đang ở mức cao. Với mức vay nợ cao, Công ty sẽ có ít dư địa để gia tăng đầu tư qua đó mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh của TNG là - 99,85 tỷ

Đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh yếu khiến Công ty phải tiếp tục gia tăng vay nợ qua đó chất thêm áp lực tài chính lên Công ty.

Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên cân nhắc thận trọng khi quyết định đầu tư TNG.

DHC: Khuyến nghị nâng tỷ trọng

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC - sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh 9T/2014 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 390 tỷ đồng (+22% cùng kỳ) và 33,5 tỷ đồng (+90% cùng kỳ). Hoàn thành 82% và 120% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế của năm 2014.

Mức tăng trưởng 22% so với cùng kỳ của doanh thu chủ yếu nhờ sản lượng giấy công nghiệp và bao bì bán ra tăng.

Tại Việt Nam, nguồn cung giấy bao bì chỉ mới đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng, phần còn lại phải nhập khẩu. Do đó, dù thị phần của DHC khiêm tốn ở mức 2%, nhưng dư địa để mở rộng thị phần và tăng doanh thu còn rất lớn do chỉ số tiêu thụ giấy/đầu người của Việt Nam (32 kg/năm) thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (70kg/năm), Indonesia (50kg/năm).

Xin nhắc lại, khi Nhà máy giấy Giao Long (chuyên sản xuất giấy công nghiệp) hoạt động từ 2011, doanh thu DHC đã tăng 30% trong năm đầu, nhưng do quản lý kém hiệu quả nên từ 2011 đến giữa 2013, lợi nhuận của DHC liên tục đi xuống. Biên lợi nhuận gộp 9T/2014 giảm 1,4 điểm phần trăm (ppt) do chi phí khấu hao tăng. DHC điều chỉnh rút ngắn thời gian khấu hao để có nguồn vốn tái đầu tư cho dự án mới. Lợi nhuận gộp 9T/2014 đạt 66,7 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.

Nhờ kiểm soát hàng tồn kho tốt hơn giúp cải thiện vốn lưu động và giảm nợ vay. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đã giảm xuống mức 40% từ mức 65% của cùng kỳ. Theo đó, lãi vay giảm 70% so với cùng kỳ. Cùng với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 0,7 điểm phần trăm, còn 4,2%, lợi nhuận sau thuế tăng 90% so với cùng kỳ.

Dựa trên kết quả 9T/2014, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế cả năm sẽ khoảng 46,2 tỷ đồng, EPS đạt 3.084 đồng/cp và PE & PB 2014 ở mức 7 lần và 1,3 lần, thấp hơn mức 8 lần trung bình ngành. Ngoài ra, DHC kế hoạch nâng tỷ lệ chi trả cổ tức 2014 bằng tiền mặt từ mức 12% lên khoảng 18 - 20% do kết quả kinh doanh năm nay khả quan. Với mức cổ tức trên, lợi suất cổ tức ước tính khoảng 9,3%, cao hơn so với lãi suất ngân hàng. Khuyến nghị nâng tỷ trọng đối với DHC.

Tin bài liên quan