Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/4

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/4

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/4 của các công ty chứng khoán.

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu MSN nằm tại mức 98.2

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu MSN của Công ty cổ phần Tập đoàn MaSan đang ở trong trạng thái tăng giá sau khi điều chỉnh ngắn hạn về quanh khu vực 92. Thanh khoản tăng cao trong phiên hôm nay đã đẩy giá cổ phiếu đóng cửa tăng mạnh 2.5%.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua đồng thời đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên cổ phiếu sẽ tiếp tục củng cố đà tăng.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của MSN nằm tại khu vực xung quanh 92. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 98.2, cắt lỗ nếu ngưỡng 89.1 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu BMP

CTCK BIDV (BSC)

BSC đánh giá BMP của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh là cổ phiếu hoạt động ổn định, dòng tiền tốt, lợi suất cổ tức cao ở mức 9-12% trong 3 năm gần nhất (năm 2020, BMP đã tạm ứng 4,840/ 6,320 đồng cổ tức tiền, tương đương lợi suất cổ tức 10%). Tăng trưởng về mặt sản lượng của BMP bình quân ở mức 5%/năm trong khi lợi nhuận phụ thuộc lớn vào diễn biến giá hạt nhựa đầu vào và sẽ sụt giảm khi giá hạt nhựa tăng cao như thời điểm hiện tại.

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu BMP với giá mục tiêu là 67.422 đồng/CP dựa trên kết hợp phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) và so sánh P/E (P/E mục tiêu là 10 lần) với tỷ trọng 50:50.

BMP đặt kế hoạch kinh doanh 2021 đi ngang trong bối cảnh giá PVC tăng cao. Cụ thể công ty đặt kế hoạch doanh thu 5.200 tỷ đồng (tăng 10,6% so với năm ngoái), sản lượng tiêu thụ: 115.000 tấn (tăng trưởng 3,8%), lợi nhuận sau thuế đạt 523 tỷ đồng (đi ngang so với năm ngoái).

Ban lãnh đạo cho biết kế hoạch được xây dựng từ tháng 1/2021 dựa trên các đánh giá về giá hạt nhựa của Tập đoàn mẹ (giá hạt nhựa PVC tại thời điểm đầu năm 2021 khoảng 1.100-1.200 USD/tấn). Trong bối cảnh giá hạt nhựa PVC tăng cao (từ đầu năm đến nay đã tăng gấp đôi mức bình quân 2020, hiện giao dịch tại 1.500- 1.600 USD/tấn), việc hoàn thành kế hoạch là rất khó khăn.

Đại diện của Nawaplastics cho biết kỳ vọng giá hạt nhựa (đặc biệt là PVC) sẽ giảm trong nửa cuối năm 2021 khi nguồn cung tăng lên, nhu cầu hạ nhiệt sẽ giúp BMP có khả năng hoàn thành kế hoạch.

Năm 2021, BMP đặt kế hoạch đầu tư 268 tỷ đồng, trong đó khoảng 120 tỷ là chuyển tiếp từ năm 2020 cho dự án tự động hóa khâu cấp liệu tại Nhà máy Long An, còn lại là đầu tư thiết bị, khuôn mẫu nhằm tăng cường năng lực sản xuất cho các nhà máy.

Kế hoạch cổ tức 2021 đặt ở mức tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế. BSC tính toán dựa trên kế hoạch lợi nhuận của BMP, mức cổ tức dự kiến tối thiểu là 3,176 đồng/CP. Với lượng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn lớn (chiếm trên 46% tổng tài sản của BMP tại 31/12/2020), công ty cho biết trong bối cảnh lãi suất ngân hàng thấp như hiện tại, công ty sẽ ưu tiên chi cổ tức tiền cho cổ đông (mức chia cổ tức 2020 tương ứng 99% lợi nhuận sau thuế)

Kết quả kinh doanh quý I/2021 chỉ hoàn thành 16% kế hoạch lợi nhuận năm. Cụ thể, doanh thu đạt 1.155 tỷ (tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái) nhờ sản lượng đạt 25.584 tấn (tăng trưởng 5%) và giá bán tăng (trong quý I/2020, BMP đã nâng giá bán 2 lần, mức tăng 14%); lợi nhuận sau thuế 84 tỷ (giảm 18%) do giá hạt nhựa PVC tăng làm biên lợi nhuận giảm.

Kết quả kinh doanh quý I của BMP vẫn còn được hưởng lợi một phần từ tồn kho nguyên liệu trong 2020, sang đến quý II tình hình kinh doanh sẽ khó khăn hơn do giá nguyên liệu tăng cao và việc tăng giá sẽ cần theo dõi thêm tình hình nhu cầu và cạnh tranh thị trường.

BSC dự báo doanh thu thuần của BMP năm 2021 đạt 5.744 tỷ (tăng trưởng 23,2% so với năm ngoái) dựa trên giả định sản lượng tiêu thụ đạt 116.3 nghìn tấn (tăng trưởng 5% , giá bán tăng 20% (tức sẽ tăng thêm 5% nữa trong thời gian tới) để phản ánh giá đầu vào tăng.

Với giả định giá hạt nhựa đầu vào tăng 30% và chi phí cho kênh phân phối là 5% doanh thu (sau khi tăng vọt lên 7% doanh thu trong 2020), BSC dự báo lợi nhuận hoạt động EBIT của BMP đạt 682 tỷ (giảm 2,3%). Lợi nhuận sau thuế dự báo đạt 472 tỷ (giảm 9,7%), tương đương với EPS = 5. 693 đồng/CP, P/E fw = 10.7 lần (cao hơn 20% so với mức trung bình 5 năm của BMP là 8,8 lần).

Khuyến nghị khả quan BMP với giá mục tiêu 66.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tại cuộc họp nhà đầu tư theo quý của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) diễn ra hôm nay, ban lãnh đạo công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý 1/2021 với sản lượng bán đạt 25.584 tấn (tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái), doanh thu đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 13%) và lợi nhuận sau thuế đạt 84 tỷ đồng (giảm 18%).

Chênh lệch giữa tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2021 chủ yếu đến từ giá nhựa đầu vào phục hồi vào đầu năm 2021, khiến BMP phải tăng giá bán nhằm bù đắp một phần cho tác động tiêu cực từ giá đầu vào cao đến biên lợi nhuận.

Kết quả kinh doanh sơ bộ quý 1/2021 của BMP hoàn thành 23% dự báo cả năm của chúng tôi trong khi lợi nhuận sau thuế tương ứng 17% dự báo cả năm của chúng tôi (507 tỷ đồng, giảm 3%) và 16% kế hoạch cả năm của BMP (523 tỷ đồng, đi ngang so với năm 2020). Ban lãnh đạo cũng kỳ vọng giá nhựa đầu vào cao sẽ bắt đầu điều chỉnh trong tháng 5, hỗ trợ biên lợi nhuận của công ty trong 6 tháng cuối năm 2021. Theo ban lãnh đạo, giá nhựa đầu vào hiện tại của BMP gấp đôi con số trung bình của năm 2020.

Vào tuần trước, BMP đề xuất kế hoạch kinh doanh cho năm 2021 sẽ được trình lên cổ đông phê duyệt tại ĐHCĐ của công ty diễn ra ngày 27/04. Kế hoạch này bao gồm doanh thu đạt 5,2 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 11%) và lợi nhuận sau thuế đạt 523 tỷ đồng (đi ngang so với năm 2020).

Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 của công ty lần lượt tương ứng 104% và 103% dự báo cả năm của chúng tôi. Dù kết quả kinh doanh sơ bộ quý 1/2021 thấp, ban lãnh đạo của BMP chia sẻ công ty hiện chưa dự kiến điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2021 đã đề ra.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan và giá mục tiêu 66.200 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 15,0%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,3%). Theo giá cổ phiếu hiện tại, BMP đang giao dịch tại P/E dự phóng năm 2021 là 11,0 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Khuyến nghị khả quan POW với giá mục tiêu 14.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) công bố bản tin nhà đầu tư hàng tháng, bao gồm lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cổ đông thiểu số sơ bộ quý 1/2021 đạt 729 tỷ đồng – tăng 44% so với quý 1/2020.

Chúng tôi lưu ý rằng kết quả kinh doanh của POW bao gồm khoảng 350 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế từ thoái vốn toàn bộ khỏi công ty con mà POW sở hữu 51% cổ phần (PV Machino — UPCoM: PVM). Lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cổ đông thiểu số sơ bộ quý 1/2021 của POW hoàn thành 27% dự báo cả năm của chúng tôi và phần lớn phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Sản lượng điện thương phẩm của POW giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái 4,6 tỷ kWh trong quý 1/2021 chủ yếu do kết quả kinh doanh thấp của các nhà máy điện khí, một phần ảnh hưởng đến mức tăng trưởng sản lượng mạnh từ 2 nhà máy thủy điện và mức tăng trưởng sản lượng một chữ số từ nhà máy điện than Vũng Áng của POW.

Chúng tôi hiện có giá mục tiêu 14.800 đồng/CP cho POW, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 4%, dựa theo giá đóng cửa phiên hôm nay.

Khuyến nghị mua cho VHC với giá mục tiêu 47.300 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong năm 2021, ban lãnh đạo của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đặt mục tiêu doanh thu đạt 8,6 nghìn tỷ đồng (tăng 22% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 700 tỷ đồng (giảm 3%). Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt tương ứng 103% và 79% dự báo của chúng tôi.

Chúng tôi cho rằng kế hoạch lợi nhuận sau thuế của VHC thấp hơn so với dự báo của chúng tôi phản ánh quan điểm thận trọng hơn của ban lãnh đạo về biên lợi nhuận trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như đậu nành và bắp phục hồi gần đây, có thể giúp chi phí cá nguyên liệu tăng.

Mặt khác, mục tiêu tăng trưởng doanh thu nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi về sự phục hồi của nhu cầu cá tra nói chung cũng như doanh số collagen và gelatin mạnh mẽ.

VHC dự kiến vốn xây dựng cơ bản ở mức 1,3 nghìn tỷ đồng trong năm 2021, gấp đôi con số của năm 2020 và cao hơn 73% so với dự báo hiện tại của chúng tôi. Theo VHC, công ty sẽ chi 700 tỷ đồng cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trại giống cá và đất trang trại, cùng với 200 tỷ đồng để nâng cấp nhà máy sản xuất cá phi lê.

Chúng tôi cho rằng vốn xây dựng cơ bản dự phóng của VHC cao hơn dự báo của chúng tôi chủ yếu do khoản đầu tư vào nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và các thương vụ thâu tóm tiềm năng.

Cổ tức tiền mặt năm tài chính 2020: 1.000-2.000 đồng/CP (lợi suất 2,5%-5,0%) so với dự báo của chúng tôi là 1.000 đồng/CP.

Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận hiện tại của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho VHC với giá mục tiêu 47.300 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 25,0%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,5%, dựa theo giá đóng cửa phiên hôm nay).

Tin bài liên quan