Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/3

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/3

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/3 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu TCB với giá mục tiêu 24.500 đồng/CP

CTCK Phú Hưng (PHS)

Cho năm 2020, chúng tôi cho rằng tăng trưởng của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB – sàn HOSE) được dẫn dắt nhờ vào đà tăng của tín dụng và cải thiện hệ số NIM.

Trong đó chúng tôi cho rằng hệ số NIM sau giai đoạn sụt giảm của Q1 và Q2/2019 sẽ tiếp tục hồi phục trở lại nhờ vào sự cải thiện của các khoản cho vay bất động sản và chi phí vốn giảm nhờ vào nguồn CASA dồi dào.

Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng cao hơn trung bình ngành nhờ vào vòng đệm vốn dày nhất hệ thống của TCB.

Dự phóng cho năm 2020, chúng tôi cho rằng thu nhập lãi thuần của TCB có thể đạt mức 17.133 tỷ đồng (tăng 20,2% so với năm ngoái). Hệ số NIM tiếp tục mở rộng lên mức 4,65% từ mức 4,54% của năm 2019. Qua đó lợi nhuận sau thuế của ngân hàng có thể đạt mức 12.047 tỷ đồng (tăng 17,8%).

Sử dụng phương pháp chiết khấu lợi nhuận thặng dư (Residual income), chúng tôi cho rằng mức giá hợp lý đối với cổ phiếu TCB là 24.500 VNĐ/CP, qua đó đưa ra khuyến nghị : Mua đối với cổ phiếu TCB, upside là 26.9%.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu FPT

CTCK Phú Hưng (PHS)

Chúng tôi dự phóng năm 2020, doanh thu FPT đạt 30.488 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 30.488 tỷ đồng. Mảng công nghệ và viễn thông dự phóng tăng trưởng lần lượt là 15% và 10%.

Bằng phương pháp tổng giá trị thành phần (SOTP), dựa trên phương pháp định giá DCF và P/E cho các mảng kinh doanh, chúng tôi ước tinh thận trọng giá trị hợp lý của FPT là 52,300 VND/cổ phiếu. Do đó, khuyến nghị giữ đối với cổ phiếu này.

>> Tải báo cáo

TNG sẽ vận động tích lũy trong vùng giá 12-15

CTCK BIDV (BSC)

TNG vẫn đang trong giai đoạn kiểm tra lại vùng đáy 12-13. Thanh khoản cổ phiếu cũng đã vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, cho thấy động lực tích lũy đang hình thành.

Chỉ báo RSI ủng hộ xu hướng hồi phục ngắn hạn trong khi chỉ báo MACD cho thấy xu hướng điều chỉnh. Đường giá cổ phiếu vẫn nằm dưới dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn chưa hình thành.

TNG nhiều khả năng sẽ vận động tích lũy trong vùng giá 12-15 trong giai đoạn tới.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VEA

CTCK Bản Việt (VCSC)

Dựa theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) và Hyundai Thành Công, chúng tôi ước tính rằng doanh số bán lẻ ô tô của Việt Nam giảm 25% YoY trong 2 tháng năm 2020 và 8% so với tháng trước (MoM) trong tháng 2/2020.

Do doanh số ô tô thường tăng sau dịp Tết Nguyên Đán – rơi vào tháng 1/2020 thay vì tháng 2/2019 – mức giảm so với tháng trước trong tháng 2/2020 cho thấy nhu cầu ô tô trong năm 2020 đang ở mức thấp hơn so với xu hướng thông thường. Trong tháng 2/2020, chúng tôi ước tính ngành ô tô của Việt Nam đã bán tổng cộng 19.948 chiếc, tương ứng chỉ 48% mức ghi nhận trong tháng 12/2019.

Trong số các công ty ô tô lớn, Mitsubishi, Hyundai và Toyota là các thương hiệu có kết quả tốt nhất trong khi Honda và Ford có diễn biến kém tích cực nhất trong 2 tháng đầu năm 2020. Đáng chú ý, tất cả các công ty ô tô lớn đều ghi nhận mức giảm MoM doanh số xe du lịch trong tháng 2/2020, ngoại trừ Toyota – nhờ mẫu xe Vios (sedan B) mới.

Chúng tôi cho rằng các diễn biến kém tích cực nói trên của doanh số ô tô và xe máy chủ yếu đến từ những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 lến tâm lý và thu nhập của người tiêu dùng tại Việt Nam.

Trong khi chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh quý 1/2020 sẽ kém tích cực, mức giảm YoY trong doanh số ô tô trong 2 tháng năm 2020 là cao hơn so với kỳ vọng của chúng tôi.

Mức giảm này cùng với số ca nhiễm COVID-19 gia tăng gần đây tại Việt Nam, cho thấy rủi ro điều chỉnh giảm dự báo của chúng tôi cho VEA (sở hữu 20%-30% cổ phần tại Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam) và PTB (mảng đại lý ô tô chiếm 8% lợi nhuận gộp năm 2019), dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho VEA và PTB với tổng mức sinh lời dự phóng lần lượt là 88,2% và 71,3%, bao gồm lợi suất cổ tức là 15,9% và 1,9%.

Khuyến nghị mua dành cho BSR với giá mục tiêu 9.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

BSR đã công bố sẽ tổ chức ĐHCĐ năm 2020 vào ngày 24/04/2020. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 31/03/2020.

Đồng thời, BSR lên kế hoạch chuyển sàn trong năm 2020 từ sàn UPCoM sang sàn giao dịch khác. Chúng tôi lưu ý rằng BSR sẽ chỉ chuyển niêm yết thành công sang sàn HOSE hoặc HNX khi không còn ý kiến loại trừ của công ty kiểm toán trong báo cáo tài chính kiểm toán của BSR liên quan đến khoản dự phòng cho đầu tư vào công ty con là nhà máy nhiên liệu sinh học.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho BSR với giá mục tiêu 9.800 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 42,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,2%). BSR hiện được giao dịch tại EV/EBITDA dự phóng năm 2020 là 4,0 lần và P/B là 0,6 lần.

Khuyến nghị mua dành cho MWG với giá mục tiêu 212.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

1 nhân viên bán hàng tại 1 cửa hàng Điện máy xanh tại Đà Nẵng (khu vực miền Trung) đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau khi tiếp xúc gần với 2 khách hàng quốc tịch Anh đã có kết quả dương tính trước đó. Nhân viên này là trường hợp xác nhận dương tính với COVID-19 thứ 35 tại Việt Nam.

Theo MWG, công ty đã tuân thủ chặt chẽ quy trình báo cáo, cách ly và theo dõi. Cửa hàng Điện máy xanh nói trên hiện đã tạm thời ngừng hoạt động trong khi tất cả nhân viên làm việc tại cửa hàng này đã được yêu cầu tự cách ly tại nhà.

Dù việc ngừng hoạt động tạm thời 1 cửa hàng sẽ không có tác động đáng kế đến tình hình kinh doanh của MWG, sự việc này có thể ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng và dẫn đến tâm lý ngại đến các cửa hàng bán lẻ.

Sau trường hợp xác nhận nhiểm COVID-19 thứ 17 tại Việt Nam ngày 06/03/2020 – sau khoảng 3 tuần kể từ khi có trường hợp thứ 16 – chúng tôi đã quan sát thấy người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn với diễn biến dịch COVID-19, qua đó có thể ảnh hưởng đến chi tiêu – đặc biệt là đối với các mặt hàng không thiết yếu – cũng như lượng khách hàng đến các cửa hàng bán lẻ.

Do đó, việc dịch COVID-19 kéo dài có thể dẫn tới khả năng điều chỉnh giảm dự báo hiện tại của chúng tôi cho MWG, sau khi có đánh giá chi tiết hơn.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành MWG với giá mục tiêu 212.200 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng dự phóng 144,5% bao gồm lợi suất cổ tức 1,7%).

Khuyến nghị mua dành cho PNJ với giá mục tiêu 101.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Kế hoạch kinh doanh năm 2020: doanh thu đạt 19 nghìn tỷ đồng (tăng 12% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 1,3 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 13%). Các mục tiêu này sẽ phần nào được dẫn dắt bởi kế hoạch mở 31 cửa hàng mới trong năm 2020 (tổng số cửa hàng tính đến cuối năm 2019 là 346 cửa hàng), cải thiện cơ cấu sản phẩm, triển khai các mặt hàng mới và mở rộng các mảng kinh doanh khác (cụ thể là đồng hồ) cùng với việc tiếp tục đầu tư vào công nghệ.

Chúng tôi lưu ý rằng PNJ thường vượt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra. Chúng tôi hiện dự báo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 16% và 19%, nhờ tăng trưởng doanh số tại các cửa hàng hiện hữu (SSSG) đạt 13% của mảng bán lẻ trang sức vàng, 35 cửa hàng vàng mới và đóng góp đầy đủ cả năm từ các cửa hàng đã mở trong năm 2019.

Tuy nhiên, dịch virus corona, nếu kéo dài, có thể dẫn đến khả năng điều chỉnh giảm dự báo hiện tại của chúng tôi, sau khi có đánh giá chi tiết.

Phát hành cổ phiếu thưởng: tỷ lệ 10:1 (10 cổ phiếu hiện hữu được nhận 1 cổ phiếu mới). Thời gian thực hiện chưa được công bố.

PNJ lên kế hoạch phát hành 2,6 triệu cổ phiếu ESOP (tương ứng 1,03% tổng lượng cổ phiếu lưu hành sau đợt phát hành cổ phiếu thưởng đã đề cập) theo kế hoạch thưởng cho cán bộ công nhân viên của năm tài chính 2019. 30%/30%/40% lượng cổ phiếu này sẽ được giao dịch sau lần lượt 1/2/3 năm tính từ ngày phát hành. Sau đợt phát hành cổ phiếu ESOP này, sẽ có 1,3 triệu cổ phiếu hở room dành cho khối ngoại (49% tổng lượng cổ phiếu phát hành).

Trong năm tài chính 2020, chính sách ESOP không thay đổi so với năm 2019 – ngoại trừ giá mua cổ phiếu.

Cụ thể, sẽ có đợt phát hành cổ phiếu ESOP với tỷ lệ 1% nếu công ty hoàn thành mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2020, cộng thêm thêm 0,03% cho mỗi điểm phần trăm chênh lệch giữa lợi nhuận sau thuế thực tế và lợi nhuận sau thuế mục tiêu.

Tuy nhiên, tổng lượng cổ phiếu ESOP phát hành sẽ không vượt quá 1,5% lượng cổ phiếu lưu hành vào thời điểm đó. Giá cổ phiếu ESOP phát hành năm 2020 sẽ là 10.000 đồng/CP (so với mức 20.000 đồng/CP của ESOP năm 2019).

Cổ tức tiền mặt năm tài chính 2019: PNJ có kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt đợt 2 ở mức 1.000 đồng/CP (lợi suất 1,5%) cho năm tài chính 2019. Do đó, cổ tức tiền mặt năm tài chính 2019 đạt tổng cộng 1.800 đồng/CP (lợi suất 2,6%).

Huy động vốn: Trong văn bản ĐHCĐ, PNJ cũng đề cập kế hoạch gia tăng vốn tiềm năng nhằm tài trợ việc mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố.

Tiểu ban kiểm soát nội bộ mới: HĐQT của PNJ đã đề xuất thành lập tiểu ban kiểm soát nội bộ - sẽ được giám sát trực tiếp bởi HĐQT – nhằm thay thế tiểu ban tài chính hiện tại. Thay đổi này nhằm cải thiện quản trị doanh nghiệp của PNJ theo các tiêu chuẩn quốc tế.

2 thành viên HĐQT từ nhiệm: 2 thành viên HĐQT này là bà Phạm Vũ Thanh Giang và bà Phạm Thị Mỹ Hạnh. Các ứng viên thay thế sẽ được công bố trong ĐHCĐ sắp tới của PNJ.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PNJ với giá mục tiêu 101.000 đồng (tổng mức sinh lời dự phóng 49,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,6%).

Tin bài liên quan