Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/10 của các công ty chứng khoán.

JVC: Thận trọng khi đầu tư vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

JVC đã công bố báo cáo tài chính quý I/2015 (cho kỳ kế toán từ 01/04 đến 30/06/2015) sau nhiều lần bị nhắc nhở về việc chậm công bố thông tin này.

Kết quả kinh doanh quý I/2015 thấp với doanh thu giảm 57,2% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 81,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý I/2015 chỉ đạt vỏn vẹn 2,1 tỷ đồng, giảm mạnh 90,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này cũng tương đối gần với con số ước tính (80 tỷ doanh thu và 3 tỷ lợi nhuận sau thuế) được JVC chia sẻ trong buổi trao đổi với cổ đông hôm 30/09/2015 vừa qua, khi mà ĐHCĐ thường niên 2015 không thể được thực hiện do không đủ tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội tối thiểu theo quy định.

Giải trình về sự sụt giảm mạnh trong kết quả kinh doanh quý I/2015, JVC cho biết nguyên nhân là do trong quý I/2015 công ty đã xảy ra một số biến cố lớn làm thay đổi bộ máy lãnh đạo của công ty, một số dự án đang triển khai trong quý I bị đình trệ, không ghi nhận được doanh thu trong kỳ. Chúng tôi chưa biết được thay đổi trong cơ cấu doanh thu của JVC do công ty không công bố thuyết minh báo cáo tài chính đi kèm.

Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh hơn doanh thu chủ yếu là do: (1)biên lợi nhuận gộp giảm từ 30,4% trong quý I/2014 xuống còn 27% trong quý I/2015; và (2)tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu quý I/ 2015 tăng 6,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ, lên mức 13,9%.

Tại ngày 30/06/2015, tổng nợ vay của JVC là 126,6 tỷ đồng, giảm gần 66% so với số dư nợ ngày 31/03/2015. Theo chúng tôi, nguyên nhân chính là do trong kỳ Vietinbank đã tiến hành cưỡng chế cắt nợ 235 tỷ đồng. Khoản mục tiền và tương đương tiền cuối quý I/2015 của JVC còn lại khoảng 66,4 tỷ đồng, so với mức 443,6 tỷ đồng của ngày 31/03/2015. Đáng lưu ý, dù doanh thu trong kỳ sụt giảm mạnh nhưng tổng các khoản phải thu (bao gồm ngắn hạn và dài hạn) của JVC lại tăng mạnh gần 44% so với quý trước, lên 1.288 tỷ đồng, tương đương 56% tổng tài sản của công ty.

ĐHCĐ thường niên 2015 chưa được tổ chức như dự kiến, tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh 2015 cũng như đề xuất thay đổi phương án sử dụng vốn cũng đã được đề cập trong buổi trao đổi với cổ đông ngày 30/09/2015, xem thêm chi tiết tại ĐÂY. Chúng tôi vẫn cho rằng, 2015 sẽ là một năm khó khăn của JVC. Cho đến khi hoạt động kinh doanh của công ty có những chuyển biến tích cực đáng tin cậy hơn cũng như tính minh bạch trong việc công bố thông tin được cải thiện, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư vẫn nên thận trọng với các quyết định đầu tư vào JVC.

MWG: PE khá thấp, ở mức 9,6 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

KQKD 9 tháng đầu năm 2015 lạc quan và ước tính lợi nhuận sau thuế 2015 tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong buổi họp mặt các nhà đầu tư vào ngày 9/10, Công ty cho biết KQKD 9 tháng khá lạc quan. Theo đó, việc hoàn thành kế hoạch 2015, với doanh thu và lợi nhuận sau thuế ước đạt 23.590 và 1.000 tỷ tăng 58% và 48% so với cùng kỳ năm ngoái, là hoàn toàn có khả năng. Trong đó, tỷ trọng doanh thu của ĐTDĐ và Điện máy đóng góp lần lượt 84% và 16% tổng doanh thu, tăng 87% và 61%. Mức tăng trưởng doanh thu nhờ việc mở rộng chuổi cửa hàng lên mức 550 cửa hàng, tăng 51,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến cuối tháng 9 tháng đầu năm 2015, số lượng của hàng đã đạt 500 của hàng.

Tăng trưởng trong tương lai đến từ chuỗi điện máy và bán lẻ mới... Theo công ty nghiên cứu IDC, mức tăng trưởng trung bình của thị trường smartphone toàn cầu trong các năm sau kỳ vọng ở mức 10,4%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng bùng nổ 27,5% của 2014. Để duy trì mức tăng trưởng 51% (2009-2014), Công ty cho biết sẽ tập trung phát triển mạnh chuỗi (i) điện máy trong 2016 và (i) chuỗi bán lẻ mới “Bách hóa xanh” trong 2017. Riêng về mảng bán lẻ mới “Bách hóa xanh”, MWG cho biết sẽ hoạt động với tiêu chí “Mua NHANH – Mua RẺ”. Nghĩa là khách hàng có thể mua xong những mặt hàng mình cần chỉ 15 phút với giá thành rẻ nhất. Quy mô mỗi của hàng Bách hóa xanh vào khoảng 150 – 400 m2 và chủ yếu phục vụ các mặt hàng tiêu dùng chính hàng ngày. MWG dự kiến sẽ mở thử nghiệm 30 – 50 cửa hàng trong tháng 11/15 và hoàn tất thử nghiệm trong 2016. Tổng vốn cho mô hình mới này là 50 tỷ.

… và khả năng thành công vẫn là ẩn số. Vì đang trong giai đoạn thử nghiệm nên khả năng thành công và duy trì chuổi bán lẻ “Bách hóa xanh” vẫn là ẩn số. Việc thành công hay thất bại của thử nghiệm này sẽ tác động đến tăng trưởng doanh thu của MWG từ 2017. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá cao nổ lực của Công ty trong việc mở rộng HĐKD, tạo tiền đề cho tăng trưởng trong tương lai khi mà HĐKD chính là ĐTDĐ đang có mức tăng trưởng giảm. Ngoài ra, nếu việc thử nghiệm thành công thì triển vọng tương lai của MWG sẽ khá lạc quan.

Chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo 2015 cho MWG với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 23.590 và 967 tỷ, tăng 50% và 45% so với năm ngoái. EPS 2015 ước 6.903 đồng/cp, tương ứng P/E 9,6 lần, thấp hơn trung bình ngành khu vực ở mức 15 lần.

CAV: PE giao dịch ở mức 9,3 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Công ty cổ phần Dây Cáp Điện Việt Nam (mã: CAV) tiền thân là Công ty Dây đồng Việt Nam, được thành lập năm 1975. Tháng 9/2007, công ty chuyển thành công ty cổ phần và được niêm yết chính thức vào tháng 12/2014. Vốn hóa của công ty hiện xấp xỉ 1.200 tỷ đồng. CAV là công ty hàng đầu với thương hiệu tốt, khả năng sinh lợi cao và hưởng lợi từ đề án “Ngầm hóa lưới điện TP HCM đến năm 2020”

CAV hiện nay là doanh nghiệp sản xuất các loại dây và cáp điện hàng đầu tại Việt Nam phục vụ rộng rãi cho các ngành kinh tế, dân dụng và cho xuất khẩu dưới thương hiệu được người tiêu dùng biết đến là Cadivi. Đối với mảng dây và cáp điện dân dụng, CAV chiếm 90% thị phần miền Nam, 30% thị phần miền trung và 20% thị phần miền Bắc.

Hưởng lợi từ đề án “Ngầm hóa lưới điện TP HCM đến năm 2020”. Với đối tượng khách hàng chủ yếu của CAV là các Công ty Điện lực; các nhà thầu xây lắp điện dân dụng, công nghiệp; các nhà sản xuất, CAV hưởng lợi từ đề án Ngầm hóa lưới điện TP HCM. Dự kiến, gần 5.000 km lưới điện sẽ được đưa xuống lòng đất với tổng kinh phí lên tới 14.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 tăng 15,2% so với cùng kỳ: Mặc dù doanh thu thuần CAV giảm 13,4% so với cùng kỳ, còn 2.536 tỷ đồng do sụt giảm từ hoạt động kinh doanh thương mại bán vật tư dây đồng và phụ kiện lưới điện nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 15,2%, đạt 78,5 tỷ đồng là do: 1) giá nguyên liệu đầu vào các mặt hàng sản xuất chủ yếu của CAV là đồng và nhôm giảm lần lượt 4% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá bán thành phẩm của CAV chỉ giảm nhẹ khiến cho biên lãi gộp 6 tháng đầu năm 2015 tăng lên 8% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 6% của 6 tháng đầu năm 2014; 2) Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 4% so với cùng kỳ còn 74,3 tỷ đồng.

CAV dự định sẽ trả cổ tức cho cổ đông ở mức tối thiểu là 30% và bằng tiền mặt, tương ứng lợi tức cổ tức 7,2%. Kế hoạch cố tức tương đối khả thi do kết thúc 6T15, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 134,2 tỷ đồng, tương ứng 4.700 đồng/cp.

Tỷ suất sinh lợi ROE và ROA của CAV lần lượt đứng ở mức 23,3% và 7,4%, hấp dẫn so với trung bình ngành là 15,2% và 6,4%.

CAV đang được giao dịch tại P/E lũy kế là 9,3 lần, so với trung bình ngành là 10 lần.

PVS: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Nhận định của MBKE  

PVS nói riêng và nhóm O&G nói chung đang có một vài cải thiện tốt hơn trong ngắn hạn (ít nhất xét về mặt giao dịch).  

Đường giá của PVS đã bứt phá thành công khỏi vùng tích lũy đi ngang và đồng thời vượt thành công lên trên MA trung hạn.  

Một đỉnh liền sau cao hơn cũng đã hình thành, đồng nghĩa với xác nhận PVS đang di chuyển theo xu hướng tăng trong ngắn hạn.  

Thanh khoản cho thấy sự cải thiện khi liên tục 5 phiên duy trì cao hơn mức trung bình 50 ngày. Dòng tiền rõ ràng dành sự quan tâm lớn hơn đến PVS trong thời điểm hiện nay.  

Chỉ báo kỹ thuật tích cực. MACD chính thức vượt đường 0 để cho tín hiệu ủng hộ xu hướng tăng. Các chỉ báo khác đa phần quay lại vùng tích cực.

* Chiến lược đầu tư: NĐT có thể xem xét mua vào PVS quanh giá 22.9; Mục tiêu đầu tiên tại: 26.8 (+17,0%); Dừng lỗ tại: 20.8 (-9,1%).

HPG: Lợi nhuận dự phóng đạt 3.300 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

HPG công bố sản lượng thép tiêu thụ trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2015. Sau 9 tháng, Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng 1.015.500 tấn thép xây dựng, tương đương sản lượng cả năm 2014, tăng gần 48% so với cùng kỳ 2014 và hoàn thành gần 85% kế hoạch bán hàng năm 2015.

Công ty vẫn giữ vững vị thế đầu ngành trong lĩnh vực thép xây dựng với thị phần đạt 22%, tăng mạnh so với mức 18.1% cùng kỳ. Tính riêng tháng 9/2015, Thép Hòa Phát đã tiêu thụ trên thị trường xấp xỉ 124.000 tấn, tăng tương ứng 16% so với tháng 8 và 32,8% so với cùng kỳ 2014. Trong quý 3 tiêu thụ thép xây dựng của HPG giảm nhẹ xo với quý 2 chủ yếu do yếu tố mùa vụ. Hoạt động kinh doanh của HPG đang rất khả quan dựa trên năng lực sản xuất cao và thị trường bất động sản đang khởi sắc. Mức tiêu thụ thép xây dựng của khu vực dân dụng đã tốt hơn trở lại sau tháng 7 âm lịch,

Trong tháng 9 năm 2015,HPG đã chính thức đưa lò thổi thuộc dự án nhà máy luyện thép giai đoạn 3 – Khu liên hợp gang thép Hòa Phát vào hoạt động. Công ty đang nhanh chóng hoàn thành đầu tư dự án nhà máy luyện thép giai đoạn 3 – Khu liên hợp Hải Dương, nhằm nâng công suất sản xuất thép xây dựng lên trên 2 triệu tấn/năm. Chúng tôi dự phóng HPG sẽ đạt 3300 tỷ lợi nhuận sau thuế trong năm 2015, tương đương EPS đạt mức 4500 VNĐ.

Tin bài liên quan