Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/1

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/1

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/1 của các công ty chứng khoán.

DQC: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Xuất khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng nhanh trong quý IV/2014. Chúng tôi kỳ vọng DQC sẽ tiếp tục duy trì đà tăng xuất khẩu trong quý VI/2014, theo đó doanh thu từ thị trường xuất khẩu của DQC cả năm 2014 có thể đạt khoảng 714 tỷ đồng, tăng 131% so với năm 2013.

Doanh thu nội địa tăng trưởng tốt. Cả năm 2014, doanh thu từ thị trường nội địa của DQC đạt khoảng 650 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2013. Biên lợi nhuận được cải thiện nhờ bán được lô hàng tồn kho từ những năm 2008. Tính trung bình cả năm 2014 biện lợi nhuận gộp của DQC sẽ đạt ở mức 31,84% nhờ thanh lý được lượng hàng tồn ở thị trường Nam Mỹ từ những năm 2007-2008.

Triển vọng 2015. Doanh thu cả năm 2015 của DQC ước đạt 1.744 tỷ đồng, tăng trưởng 27,8% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 168 tỷ đồng, giảm 23,6% so với năm 2014 do biên lợi nhuận gộp giảm.

Trong ngắn hạn 2014, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế của DQC sẽ tăng 71%. Mức giá hiện nay của DQC là 57.500 đồng/ cổ phiếu, tương đương P/E 2014 dự báo ở mức 5,72 lần. Trong năm 2015, chúng tôi k ỳ vọng doanh thu DQC sẽ tiếp tục tăng trưởng ở các thị trường nọi địa và xuất khẩu, tuy nhiên yếu tố hàng tồn kho từ những năm 2007 sẽ không còn dẫn đến biên lợi nhuận sẽ giảm tương đối, từ đó làm giảm lợi nhuận của công ty. Mức P/E 2015 chúng tôi dự báo vào khoảng 7,49 lần.

Về dài hạn, DQC có một số điểm mạnh như thương hiệu mạnh, sản phẩm chất lượng và đang dần theo hướng khác biệt, công ty đã bắt đầu đẩy mạnh đầu tư vào nguồn sáng LED là một hướng đi đúng đắn, hơn nữa DQC đang có hướng phát triển mạnh thị trường nước ngoài với nhiều tiềm năng. Chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu DQC cho mục tiêu đầu tư trung - dài hạn. Mức giá kỳ vọng cho cổ phiếu DQC chúng tôi dự báo vào khoảng 68.500 đồng/cổ phiếu.

NCT: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) sẽ niêm yết trên sàn HSX vào ngày 08/01/2015 với giá tham chiếu là 75,000 đồng. Chúng tôi uớc tính sản lượng hàng hóa phục vụ trong năm 2014 của NCT sẽ đạt 355.75 nghìn tấn tăng 16.90% so với năm 2013. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2014 tương ứng đạt 682.63 tỷ đồng (+18.82% so với năm ngoái) và 261.85 tỷ đồng (+5.80% so với năm ngoái), EPS 2014 là 10,500 đồng/cp. Sử dụng phương pháp định giá so sánh P/E, giá trị P/E trung bình của các công ty tương đương trong lĩnh vực phục vụ hàng hóa là 9.82x.

Do đó, mức giá hợp lý của NCT là 103,000 đồng/cp, cao hơn 37.33% so với mức giá tham chiếu 75,000 đồng/cp. Do đó, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu NCT để đầu tư dài hạn.

>> Tải báo cáo

DHA: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Ảnh hưởng tích cực từ thị trường xây dựng hạ tầng và dân dụng trong năm 2014, nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng tại các mỏ đá DHA cũng có mức tăng khá tích cực. Lũy kế 11 tháng năm 2014, tổng sản lượng toàn công ty đạt 1.409.583 m3, tăng 12% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, giá bán cũng tăng 7% - 10% so với cùng kỳ nhằm bù đắp chi phí gia tăng từ quyền khai thác khoáng sản. Tổng doanh thu toàn công ty DHA trong 11 tháng đạt 151.9 tỷ đồng, tăng 15.9% so với cùng kỳ, hoàn thành 91% kế hoạch 2014. Lợi nhuận lũy kế đạt 15.67 tỷ tăng 37.4% so với cùng kỳ.

Nếu trích lập dự phòng 1.5 tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán, nợ khó đòi và đầu tư tài chính vào công ty du lịch Phú Yên, lợi nhuận trước thuế năm 2014 ước tính 16.2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 12,6 tỷ đồng tương đương EPS đạt 838 đồng/CP.

Triển vọng năm 2015: Theo BVSC dự báo, doanh thu năm 2015 của DHA đạt 190 tỷ đồng tăng 19.2% so với năm 2014. Với giả định công ty không trích lập dự phòng từ các khoản đầu tư tài chính trong năm 2015, lợi nhuận sau thuế ước đạt 20,49 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 1.355 đồng/cp.

Khuyến nghị đầu tư: Trong kịch bản thận trọng, dự báo trong năm 2015 lợi nhuận sau thuế DHA đạt 20,49 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 1.355 đồng/cp. Tại mức giá giao dịch 13.600 đồng vào ngày 08/01/20152, tương đương P/E là 10.03x – cao hơn so với mức trung bình ngành 5.08.

Chúng tôi cho rằng trong ngắn hạn DHA chưa đủ hấp dẫn đầu tư khi các mỏ đá Thạnh Phú, Tân Cang chưa phát huy hết hiệu quả khi lớp đất tầng phủ dày và gặp phải sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, trong dài hạn với lợi thế của mỏ Núi Gió và Thạnh Phú mang lại sau khi các mỏ đá khu vực Đồng Nai, Bình Dương hết thời gian khai thác, thu hút khách hàng mới từ khu vực Tây Ninh, chất lượng đá ngày càng tốt hơn, lợi thế về rào cản gia nhập ngành, không có nợ dài hạn, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với mức giá kỳ vọng 21.026 đồng/CP. Ngoài ra, chúng tôi sẽ cập nhật lại kết quả dự ước cho năm 2015 và khuyến nghị đầu tư ngay khi mỏ Núi Gió có giấy phép nâng công suất khai thác lên 600.000 tấn/ năm.

VHC: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

So với dự báo trước đây chúng tôi đã nâng kỳ vọng vào triển vọng tương lai của Vĩnh Hoàn sau khi Công ty đầu tư mua lại nhà máy vạn Đức Tiền Giang. Công ty Vạn Đức Tiền Giang có quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm tương đương với Vĩnh Hoàn hiện nay, đã đầu tư vùng nuôi và đầu ra ổn định do đó có thêm Vạn Đức Tiền Giang sẽ nhanh chóng bù đắp phần lợi nhuận sụt giảm do chuyển nhượng VinhHoanFeed. Với tình

hình đầu ra khả quan, cùng các kế hoạch tăng thêm quy mô sản xuất và việc nhà máy Collagen đi vào hoạt động, chúng tôi đánh giá VHC sẽ tăng trưởng rất tốt từ năm 2015.

Từ điều chỉnh dự báo doanh thu và lợi nhuận của VHC chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu theo phương pháp FCFF là 47.472 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị đối với cổ phiếu VHC là OUTPERFORM.

BID: Đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2015

CTCK MB (MBS)

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HSX) công bố kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2014. Cụ thể lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 6,065 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so năm 2013. Tỷ lệ nợ xấu đứng ở mức thấp là 1.8%.

Vào thời điểm cuối năm 2014, tổng tài sản BIDV đạt trên 655 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng đạt trên 461 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 19% và tỷ lệ nợ xấu đứng ở mức thấp là 1.8%.

Nguồn vốn huy động thị trường 1 đạt 502 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 20%; thị trường 2 gồm vay trong nước, nước ngoài đạt trên 55 nghìn tỷ đồng. ROE đạt 14.4%, ROA đạt 0.8%, EPS đạt 1,700 đồng. Hệ số an toàn vốn đạt trên 9%.

Bước sang năm 2015, BIDV tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng trưởng khá tham vọng. Cụ thể, nguồn vốn huy động tăng 16.5%, tín dụng tăng 16%, nợ xấu dưới 2.5%, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng không thấp hơn 20%.

Định giá nhóm ngành diện khá thấp

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Với nhóm cổ phiếu ngành điện, chúng tôi ước tính lợi nhuận 2014 tăng trưởng tốt do (1) sản lượng cao do nhu cầu phụ tải tiếp tục tăng và một số công ty đưa nhà máy mới vào hoạt động; (2) doanh thu tăng thêm khi tham gia thị trường điện cạnh tranh với chiến lược chào giá tốt; (3) lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện do các đồng ngoại tệ như JPY, KRW giảm giá so với VND.

Bước sang 2015, tình hình thuỷ văn kém thuận lợi cuối năm 2014 dự báo sẽ tiếp tục diễn ra vào các tháng mùa khô đầu năm 2015 với lưu lượng nước ở các sông giảm và thiếu hụt; sẽ ảnh hưởng tới hoạt động SX của các nhà máy thuỷ điện. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn nhiệt điện có thể được huy động nhiều hơn, tuy nhiên chúng tôi không kỳ vọng sản lượng của các nhà máy nhiệt điện niêm yết (PPC, BTP, NBP) tăng đáng kể do các nhà máy này không có kế hoạch mở rộng công suất trong khi nguồn cung trên hệ thống điện quốc gia vẫn liên tục được bổ sung. Tuy vậy, việc đầu tư vào một số nhà máy điện khác được kỳ vọng sẽ là nguồn tăng lợi nhuận cho PPC và BTP từ 2015. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu nhiệt điện (PPC, BTP) còn có động lực ngắn hạn từ biến động tỷ giá JPY và KRW, được dự báo tiếp tục giảm trong năm nay.

Đối với nhóm thuỷ điện, mặc dù sản lượng có thể giảm nhưng lợi nhuận dự báo tương đối ổn định nhờ (1) lợi thế chi phí thấp khi tham gia thị trường điện cạnh tranh để đạt được giá bán tốt đối với nhóm công ty tham gia thị trường cạnh tranh (SHP, VSH, CHP, SBA, TMP, TBC); và (2) giá mua bán điện 2015 áp dụng cho các nhà máy có công suất <30MW tăng so với giá cũ (DRL, SEB, HJS, SBA, SHP).

Định giá của nhóm cổ phiếu điện khá thấp với P/E kỳ vọng bình quân của các cổ phiếu mà chúng tôi theo dõi đạt 9,0x. Trong đó, PPC và SJD với P/E 7,1x và 7,4x là hai cổ phiếu có định giá thấp nhất.

Ngành xây dựng: Trọng tâm chuyển dần sang xây dựng hạ tầng

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Như chúng tôi nhận định trong báo cáo chiến lược đầu năm 2014, năm 2014 có thể là khởi đầu chu kỳ tăng trưởng mới đối với ngành xây dựng. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt mức tăng trưởng 7,6%, mức tăng cao trong vài năm gần đây. Đáng chú ý là mảng công trình kỹ thuật dân dụng (công trình hạ tầng, công trình công nghiệp) ghi nhận tăng trưởng cao nhất 17,3% so với năm trước.

Cùng với tăng trưởng chung của ngành, chúng tôi tin rằng các công ty niêm yết trong ngành sẽ ghi nhận KQKD cải thiện do (1) một số dự án BĐS được tái khởi động hoặc triển khai; (2) nhiều công trình hạ tầng được triển khai và hoàn thành; (3) chi phí vật liệu xây dựng giảm và (4) lãi suất giảm.

Theo chúng tôi, từ năm 2015 trọng tâm của ngành nhiều khả năng sẽ chuyển dần sang mảng xây dựng hạ tầng với nhiều dự án cầu đường, nhà máy điện, đường sắt và tàu điện ngầm đô thị, … được triển khai. Với thực trạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn nghèo nàn, chưa tạo đầy đủ điều kiện cho phát triển kinh tế, chúng tôi cho rằng mảng xây dựng hạ tầng sẽ có triển vọng tích cực trong dài hạn. Đối với mảng hạ tầng, rủi ro nằm ở nguồn vốn cho các dự án trong khi nguồn vốn ngân sách sẽ khó khăn hơn trong năm nay.

Gần đây, chính phủ ngày càng quan tâm đến việc huy động các nguồn vốn xã hội hoá để thúc đẩy phát triển hạ tầng; hiện nay đang hoàn thiện khung pháp lý để khuyến khích hình thức hợp tác công tư PPP, được kỳ vọng là nhân tố thúc đẩy lĩnh vực hạ tầng.

Chúng tôi kỳ vọng vào tăng trưởng của các công ty có kinh nghiệm và năng lực thi công, đã triển khai và thắng thầu một số dự án hạ tầng như VCG, FCN, CTD. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất giảm tiếp tục có lợi cho các công ty xây dựng (sử dụng đòn bẩy cao với tỷ lệ

nợ/VCSH bình quân hơn 100%). Tuy nhiên, một số công ty có khoản phải thu lớn từ khách hàng (như HBC) vẫn chưa hết rủi ro dự phòng phải thu.

Dưới đây là dự báo KQKD và chỉ số tài chính của một số cổ phiếu mà chúng tôi theo dõi gồm VCG, CTD, FCN, HBC. Trong đó, cổ phiếu FCN có định giá hấp dẫn với P/E 7,7x.

Tin bài liên quan