Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/4

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/4

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 12/4 của các công ty chứng khoán.

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu FPT nằm tại mức 96

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu FPT của CTCP FPT đang ở trong trạng thái tiếp tục tăng giá sau khi đã có quãng thời gian tích lũy ngắn hạn quanh ngưỡng 80. Thanh khoản tăng cao trong phiên hôm nay đã giúp cổ phiếu thiết lập mức đỉnh lịch sử mới.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu đồng thời chỉ báo động lượng RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có tiềm năng duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của FPT nằm tại khu vực xung quanh 81.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 96, cắt lỗ nếu ngưỡng 72.5 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị mua cho PNJ với giá mục tiêu 99.300 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã công bố tài liệu ĐHCĐ năm 2021 cập nhật, trong đó đề xuất phát hành riêng lẻ 15 triệu cổ phiếu, tương ứng 6,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.

Theo công bố của công ty, số vốn huy động được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để (1) nâng cấp năng lực sản xuất, bao gồm mua máy móc mới, nâng cấp công nghệ và phát triển sản phẩm, (2) mở rộng hệ thống cửa hàng và (3) đầu tư chuyển đổi số.

Nếu kế hoạch được thông qua tại ĐHCĐ, HĐQT sẽ quyết định giá phát hành và các người mua tham gia đợt phát hành riêng lẻ này sau đó. Tuy nhiên, giá phát hành sẽ không thấp hơn giá đóng cửa trung bình của 60 ngày giao dịch gần nhất trước ngày phát hành.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PNJ với giá mục tiêu 99.300 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 12,0%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,0%, theo giá đóng cửa hôm nay.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DGW

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi công bố báo cáo lần đầu dành cho CTCP Thế giới số (DGW) với khuyến nghị khả quan và tổng mức sinh lời 16,5%.

Chúng tôi cho rằng vị thế dẫn đầu và kinh nghiệm trong việc mở rộng thị trường của DGW - được chứng tỏ thông qua các hợp đồng phân phối độc quyền với Xiaomi và Huawei cũng như vừa trở thành 1/4 nhà phân phối ủy quyền của Apple tại Việt Nam – sẽ dẫn dắt tăng trưởng của mảng phân phối hàng Công nghệ và Thiết bị văn phòng (OE).

Chúng tôi dự báo doanh thu mảng ĐTDĐ (chiếm 51% tổng doanh thu năm 2020) sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2020-2023 đạt 28%, củng cố bởi thi phần gia tăng của Xiaomi và đóng góp mới từ các sản phẩm của Apple.

Chúng tôi dự báo CAGR 36% doanh thu của mảng OE - không tính các sản phẩm Internet of Things (IoT) trong giai đoạn 2020-2023, được dẫn dắt bởi quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp và hợp nhất thị phần.

Mức giá mục tiêu đến giữa 2020 của chúng tôi tương ứng với tổng mức P/E trung bình giai đoạn 2021-2022 là 14,1 lần so với P/E trượt 3 năm của 1 công ty cùng ngành là 8,5 lần và P/E trung bình trượt 3 năm của DGW là 9 lần.

DGW đã được định giá lại đáng kể trong 12 tháng qua nhờ doanh thu mạnh mẽ của các sản phẩm Xiaomi, và các hợp đồng mới với Apple và Huawei. Chúng tôi cho rằng CAGR EPS đạt 28% trong giai đoạn 2020-2023, dựa theo dự báo của chúng tôi, sẽ duy trì tỷ lệ P/E của DGW trên mức trung bình lịch sử.

Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: Gia tăng thị phần chậm hơn dự kiến của Xiaomi tại Việt Nam; không còn hợp đồng độc quyền với Xiaomi và phân phối với Apple.

Tin bài liên quan