Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/1

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/1

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 12/1 của các công ty chứng khoán.

VHC: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Kim ngạch xuất khẩu năm 2014 của CTCK Vĩnh Hoàn (mã VHC) đạt 234 triệu USD tăng 19% so với năm 2013 trong đó kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 203 triệu USD tăng 22% nhờ tăng trưởng cả về giá và sản lượng. VHC tiếp tục là doanh nghiệp đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu cá tra với thị phần là 12% tăng so với mức 8,7% của năm 2013. Chúng tôi ước tính doanh thu của VHC sẽ đạt khoảng 6.015 tỷ tăng 18% so với năm 2013. Lợi nhuận sau thuế ước tính của VHC đạt khoảng 514 tỷ đồng tăng mạnh 224% so với năm 2013.

Trong năm 2014, VHC đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50% để tăng vốn điều lệ lên 924 tỷ đồng. Tương ứng với số lượng cổ phiếu mới, EPS 2014 của VHC đạt 5.566 đồng/cp.

Năm 2015 được đánh giá vẫn là một năm thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của VHC. Dự báo năm 2015, VHC sẽ đạt doanh thu 7.126tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế đạt 480 tỷ đồng giảm 6,6% so với năm 2014, nhưng loại bỏ đi lợi nhuận bất thường của năm 2014, lợi nhuận của VHC trong năm 2015 tăng trưởng đến 29,4%.

Khuyến nghị: Khả năng tăng trưởng trong tương lai của Vĩnh Hoàn được kỳ vọng ở mức cao sau khi Công ty được áp dụng mức thuế CBPG 0% trong hai năm liên tiếp và quyết liệt thực hiện cơ cấu lại những mảng kinh doanh không mang lại hiệu quả, chú trọng đầu tư mở rộng quy mô đối với hoạt động sản xuất cá tra. Ngoài ra, cơ cấu sản phẩm của Công ty đang được cải thiện với tỷ trọng nhóm mặt hàng giá trị gia tăng dần được nâng cao cộng thêm đóng góp từ sản phẩm mới Collagen được xem là yếu tố tích cực giúp doanh thu và biên lợi nhuận có sự cải thiện trong thời gian tiếp theo.

So với dự báo trước đây chúng tôi đã nâng kỳ vọng vào triển vọng tương lai của Vĩnh Hoàn sau khi Công ty đầu tư mua lại nhà máy vạn Đức Tiền Giang. Công ty Vạn Đức Tiền Giang có quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm tương đương với Vĩnh Hoàn hiện nay, đã đầu tư vùng nuôi và đầu ra ổn định do đó có thêm Vạn Đức Tiền Giang sẽ nhanh chóng bù đắp phần thiếu hụt do chuyển nhượng VinhHoanFeed.

Với tình hình đầu ra khả quan, cùng các kế hoạch tăng thêm quy mô sản xuất và việc nhà máy Collagen đi vào hoạt động chúng tôi đánh giá VHC sẽ tăng trưởng rất tốt từ năm 2015. Từ điều chỉnh dự báo doanh thu và lợi nhuận của VHC chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu theo phương pháp FCFF là 47.472 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị đối với cổ phiếu VHC là OUTPERFORM.

PDR: Lợi nhuận từ 3 dự án chính không cao như kỳ vọng

CTCK MB (MBS)

ĐHĐCĐ của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR – sàn HOSE) đã thông qua phương án phát hành hơn 65 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu và chia cổ tức 2014 bằng cổ phiếu tỷ lệ 5%. Hiện tại, PDR đang có 3 dự án bất động sản chính là Everich 2, Everich 3 và An Dương Vương.

Dự án Everich 2 tọa lạc tại Quận 7, Tp Hồ chí minh. Dự án đang được triển khai thi công giai đoạn 1 gồm các khối nhà A, B, C, D và các khối nhà này đã xây dựng xong phần móng cọc. Khối nhà B đã hoàn thành tầng 12 và khối nhà C đang trong giai đoạn hoàn thiện để bàn giao cho khách hàng.

Dự án Everich 3 hiện tại đã xong phần san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Các lô đất nền biệt thự của dự án đã được hoàn thành và chuẩn bị xây dựng.

Bà Trần Thị Hường, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết doanh thu sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do Phát Đạt giữ mức giá bán căn hộ theo giá thị trường nhưng lợi nhuận thu được sẽ không cao như kỳ vọng lúc ban đầu.

Dự án An Dương Vương vừa được ký kết nhận chuyển nhượng từ công ty Đức Khải gần đây, ông Đạt cho biết ngày 15/01 tới đây Phát Đạt sẽ tiến hành nhận đất từ phía đối tác, đến ngày 23/01 sẽ tiến hành đóng cọc xà. Dự án dự kiến khởi công vào tháng 1/2015, mở bán vào đầu quý II/2015 và cuối năm 2016 sẽ bàn giao nhà cho khách hàng. Dự án 290 An Dương Vương có tổng chi phí đầu tư khoảng 1,400 tỷ đồng với diện tích căn hộ tầm 70-80m2.

Cổ phiếu ngành dược đang được định giá hấp dẫn

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Như các nhận định trước đây của chúng tôi, quy định lựa chọn thuốc trúng thầu mới theo Thông tư 36/2013- TTLT -BYT -BTC (sửa đổi bổ sung TT01/2012) với tiêu chí ưu tiên “giá thấp” vẫn là khó khăn đối với các doanh nghiệp dược trong 2014, đặc biệt là các công ty đầu tư cho chất lượng sản phẩm, ít có lợi thế cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, giải pháp phát triển kênh thương mại (OTC) đã giúp các công ty bù đắp được sự sụt giảm doanh thu từ ảnh hưởng trên. Hiện OTC đã trở thành kênh phân phối chính của hầu hết các công ty sản xuất dược lớn như DHG, TRA, DMC, IMP, DCL… với tỷ lệ đóng góp doanh thu trên 70%.

Mức trần khống chế cho chi phí hoạt động quảng cáo, tiếp thị được Quốc Hội nâng từ mức 10% lên 15% từ 2014 cũng là điểm thuận lợi cho chiến lược phát triển thị trường OTC. Ngoài ra, thuế suất thuế TNDN được điều chỉnh về mức 22%, so với 25% trước đây. Nhờ đó, nhìn chung, kết quả lợi nhuận 2014 của các công ty dược vẫn tương đối khả quan.

9 tháng đầu năm 2014, tổng doanh thu và lợi nhuận các công ty dược niêm yết tăng lần lượt khoảng 8% và 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của chúng tôi, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của top 5 (theo doanh số) các công ty sản xuất dược niêm yết ước tăng 6% và 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên cơ sở kênh thương mại đã và đang được phát triển, đồng thời triển khai các kế hoạch nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng từ GMP-WHO lên các tiêu chuẩn cao hơn như EU-GMP hoặc PIC/S để giải quyết bài toán khó khăn của hệ điều trị cũng như đẩy mạnh cơ hội xuất khẩu. Chúng tôi cho rằng các công ty sản xuất dược lớn như DHG, DMC, IMP sẽ đạt được kết quả tích cực trong năm 2015.

Về dài hạn, triển vọng chung của ngành dược Việt Nam vẫn được đánh giá khá lạc quan với tỷ lệ tăng trưởng tổng chi tiêu thuốc cả nước kỳ vọng ở mức hai con số. Định giá cổ phiếu ngành dược Việt Nam đang tương đối hấp dẫn với PE bình quân dự báo cho 2015 và PB chỉ khoảng 10,1 và 2,3 lần, so với mức 22,2 và 5,2 lần trung bình của các thị trường dược phẩm mới nổi tại Châu Á (Emerging Asia).

Lợi nhuận các DN sản xuất đường chưa cải thiện

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Sản lượng đường thế giới vụ 2013/14 đạt kỷ lục 183 triệu tấn trong khi đó tiêu thụ đường chỉ có 178 triệu tấn, dẫn đến kéo dài tình trạng thặng dư. Giá đường thô thế giới đã sụt giảm 14%. Thị trường đường Việt Nam cũng trong bối cảnh chung của thế giới với sản lượng đường sản xuất vụ 2013/14 gần 1,6 triệu tấn trong khi tiêu thụ chỉ 1,4 triệu tấn, giá đường RS giảm 13%, RE (đường tinh luyện) giảm 11% trong năm 2014 so với 2013. Thêm vào đó, Bộ Giao Thông ban hành quy định về việc giới hạn tải trọng của các phương tiện vận chuyển làm cho các xe chở mía khó lưu thông, các nhà máy phải tăng xe chở mía nên chi phí vận chuyển tăng.

Chính Phủ đã có những biện pháp để đối phó với ngành đường xuống dốc bằng việc tăng xuất khẩu tiểu ngạch, tăng cường kiểm soát đường lậu, dự thảo ban hành nghị định mía đường. Các biện pháp trên tác động làm giá đường hồi phục nhẹ từ tháng 4. Tuy nhiên, căng thẳng chính trị trên biển Đông dẫn đến khó khăn trong xuất khẩu tiểu ngạch trong khi tồn kho lớn. Đường lậu Thái vẫn tràn về dẫn đến giá đường lao dốc từ tháng 6 và chạm đáy trong tháng 12.

Theo dự báo thị trường, sản lượng đường niên vụ 2014/15 sẽ cân bằng nội địa nhưng do tồn kho từ vụ trước còn nhiều và lượng nhập khẩu theo hạn ngạch WTO mới sẽ gây áp lực lên giá đường.

Tin bài liên quan