Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/8

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 1/8 của các công ty chứng khoán.

Tiềm năng tăng trưởng của STK được hỗ trợ từ dự án liên doanh dệt may và polymerization

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Định giá ngắn hạn của CTCP Sợi Thế Kỷ (mã STK) đang ở mức hợp lý trong bối cảnh tình hình kinh doanh ngắn hạn đang đối mặt thách thức từ nhà sản xuất Trung Quốc và lo ngại bất ổn kinh tế toàn cầu.

Kế hoạch lợi nhuận 2019 của STK dự kiến 199 tỷ đồng (tăng 12% so với năm ngoái), tương đương EPS là 2.814 đồng/CP và P/E dự báo 2019 là 7,9x tại giá đóng cửa 30/7/2019 là 22.100 đồng/CP.

Tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn được hỗ trợ từ dự án liên doanh dệt may và dự án polymerization. Trong trung hạn, STK đang làm việc với các đối tác sản xuất vải và may mặc FDI nhằm thành lập 1 tổ hợp liên kết chuỗi từ sợi đến may mặc, trong đó STK sẽ đầu tư và chịu trách nhiệm khâu sản xuất sợi cho liên doanh trên, dự kiến khởi công vào năm 2021.

Về dài hạn, kế hoạch đầu tư khu tổ hợp sản xuất sợi theo phương pháp Direct Spinning được kỳ vọng không những giúp STK tăng trưởng về sản lượng mà còn giúp tiết giảm giá thành sản xuất nhờ lợi thế về quy mô và nguyên liệu đầu vào.

Với dự án này, sợi sẽ được sản xuất trực tiếp từ nguyên liệu dầu với quy mô lớn thay vì hạt chip như phương thức sản xuất hiện tại của STK. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thông tin chi tiết hơn về 2 dự án trên vẫn chưa được công bố.

>> Tải báo cáo

MSN sẽ kiểm tra lại vùng kháng cự 88-90

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan vừa tạo thành mô hình 2 đáy với ngưỡng đáy sau cao hơn ngướng đáy trước. Thanh khoản cổ phiếu có xu hướng tăng trở lại đồng thuận với nhịp tăng giá và đã vượt lên ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên.

Cả mô hình vận động và đà tăng thanh khoản đều báo hiệu một xu hướng tăng trong khá vững chắc. Chỉ báo MACD đang ủng hộ xu hướng tăng giá của cổ phiếu.

Việc đường giá vẫn chưa vượt dải mây ichimoku cũng cho thấy vị thế tăng giá trong trung hạn vẫn chưa hoàn toàn xác định.

Như vậy, MSN sẽ kiểm tra lại vùng kháng cự 88-90 trong các phiên giao dịch tới.

VRE sẽ củng cố hơn nữa vị thế chủ đầu tư, sở hữu và điều hành mặt bằng bán lẻ lớn nhất Việt Nam

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Vincom Retail (VRE) đã công bố kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2019 với doanh thu thuần đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1,3 nghìn tỷ đồng tăng 8%.

Chúng tôi cho rằng các kết quả nói trên phù hợp với mục tiêu công ty đề ra và tương ứng 45% và 46% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số công ty đề ra cho cả năm (9,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2018 và 2,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12%).

Mảng cho thuê tiếp tục đạt tăng trưởng ổn định trong 6 tháng đầu năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận gộp tăng lần lượt 24% và 22% nhờ một số trung tâm thương mại mở mới trong 6 tháng cuối năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019. Biên lợi nhuận gộp mảng này giảm nhẹ xuống 52,2% trong 6 tháng đầu năm 2019 từ 53,1% cùng kỳ năm ngoái.

VRE đạt tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 16% trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn so với tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận gộp chủ yếu do lỗ 40 tỷ đồng các hoạt động khác trong khi tỷ lệ chi phí quản lý và bán hàng / doanh thu tăng mạnh lên 9% trong 6 tháng đầu năm so với 7,2% trong 6 tháng đầu năm 2018).

Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng kết quả 6 tháng đầu năm 2018 cao do (1) thu nhập tài chính thuần 101 tỷ đồng, bao gồm lãi tiền gửi từ tiền đặt cọc hợp tác với Vingroup và (2) thu nhập khác (43 tỷ đồng, chủ yếu từ thu phí phạt). Nếu không tính các khoản lãi này, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng phù hợp với tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh hơn.

Tính đến cuối tháng 6/2019, VRE sở hữu 69 trung tâm mua sắm tại 38 tỉnh thành trên cả nước với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ 1,5 triệu m2. Công ty dự kiến cả năm 2019 sẽ mở thêm 13 trung tâm, qua đó tăng tổng số trung tâm mua sắm lên 79 và tổng diện tích mặt sàn bán lẻ là 1,6 triệu m2. Nhờ vậy, VRE sẽ củng cố hơn nữa vị thế chủ đầu tư, sở hữu và điều hành mặt bằng bán lẻ lớn nhất Việt Nam.

Tiềm năng tăng trưởng của ACV hiện đã được phản ánh phù hợp

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng 2019, cao hơn dự phóng của chúng tôi với doanh thu tăng 12% so với cùng kỳ đạt 8,9 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 20% đạt 3,7 nghìn tỷ đồng. Không tính khoản lỗ từ đánh giá lại tỷ giá, lợi nhuận trước thuế 6 tháng 2019 đã tăng 16%.

Chúng tôi ước tính tổng tăng trưởng hành khách (pax) của ACV trong 6 tháng 2019 đạt 0,4% (so với dự phóng 2019 của chúng tôi là 0,6%), lượng pax quốc tế đã giảm 9,7% (so với dự phóng 2019 của chúng tôi là giảm2,5%) và pax trong nước đã tăng 7,6% (so với dự phóng 2019 của chúng tôi là 2%).

Khi lợi nhuận trước thuế cốt lõi của 6 tháng 2019 của ACV (không tính lãi/lỗ tỷ giá) đã hoàn thành 57% dự báo 2019 của chúng tôi trong khi ACV cho biết tại ĐHCĐ thường niên 2019 rằng việc bảo trì đường băng tại Sân bay Tân Sơn Nhất (SGN) và Nội Bài (HAN) khó có thể diễn ra trong nửa cuối 2019, chúng tôi có thể điều chỉnh tăng dự báo năm 2019, dù cần đánh giá chi tiết hơn.

Chúng tôi ghi nhận một số rủi ro về dự báo trung hạn của chúng tôi trong bối cảnh các thông tin công bố tại ĐHCĐ thường niên 2019 về sở hữu đường băng, thu phí cất/hạ cánh và thỏa thuận chia sẻ doanh thu tại nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng (DAD) và Cam Ranh (CXR).

Chúng tôi tin rằng, ACV sẽ là công ty được hưởng lợi trong dài hạn của sự bùng nổ hàng không và du lịch tại Việt Nam, dù chúng tôi lưu ý rằng danh mục sân bay của ACV thiếu sự kiếm soát các nhà ga hành khách quốc tế có tăng trưởng cao tại DAD VÀ CXR. Theo quan điểm của chúng tôi, tiềm năng tăng trưởng của ACV hiện đã được phản ánh phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản dài hạn đáng kể.

AST sẽ hưởng lợi nhiều nhờ ngành du lịch và hàng không của Việt Nam bùng nổ

CTCK Bản Việt (VCSC)

Kết quả 6 tháng đầu năm của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) vượt dự báo của chúng tôi. Tuy doanh thu đạt 545 tỷ đồng, cao hơn 31% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 46% dự báo cả năm của chúng tôi, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 103 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn tất 56% dự báo cả năm. Doanh thu tính riêng quý II đạt 296 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 55 tỷ đồng, tăng 60%.

Chúng tôi cho rằng, yếu tố chính thúc đẩy lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm là việc hợp nhất mảng bán lẻ miễn thuế của Jalux (JDV), trong đó AST nắm 49% cổ phần vào tháng 10/2018 trước khi tăng lên 51% vào cuối quý 1/2019. Chúng tôi cũng giả định tỉ lệ tăng doanh số của các cửa hàng hiện hữu tại sân bay (không miễn thuế) AST cũng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận.

Vì lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 6 tháng đầu năm có xu hướng vượt dự báo của chúng tôi, chủ yếu nhờ AST đạt biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm vào khoảng 55% trong khi chúng tôi giả định cả năm 2019 đạt 50%, chúng tôi cho rằng sẽ điều chỉnh tăng dự báo cả năm bằng một phân tích toàn diện hơn trong thời gian tới.

Chúng tôi giữ nguyên quan điểm AST sẽ hưởng lợi nhiều nhờ ngành du lịch và hàng không của Việt Nam bùng nổ. Chúng tôi cho rằng EPS của AST sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 23% trong giai đoạn 2018-2020 nhờ (1) các cửa hàng bán lẻ có vị trí đắc địa tại 7 sân bay lớn nhất của Việt Nam, (2) kế hoạch mở thêm 23 cửa hàng bán lẻ mới tại các sân bay trong năm 2019 và 2020 và (3) chúng tôi giả định tăng trưởng doanh thu từ các cửa hàng hiện hữu 2018-2020 đạt 7%/năm.

KBC sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn FDI được duy trì tại Việt Nam

CTCK Bản Việt (VCSC)

Kết quả kinh doanh 6 tháng 2019 của Tổng CT Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) đã vượt kỳ vọng của chúng tôi, với doanh thu tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 1,6 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 45% đạt 389 tỷ đồng, đến từ doanh số bán đất khu công nghiệp mạnh mẽ trong quý 2/2019.

Trong 6 tháng 2019, khu công nghiệp đã ghi nhận bán đất khu công nghiệp 61 ha (6 tháng 2018: 51 ha), hoàn thành 70% giả định 2019 của chúng tôi là 86 ha. Tính riêng trong quý II/2019, KBC đã ghi nhận doanh số bán đất khu công nghiệp 45 ha, trong đó 31 ha từ khu công nghiệp Quang Châu và 13 ha từ khu công nghiệp Tân Phú Trung.

Trong khi đó, doanh số bán đất khu đô thị duy trì kém tích cực với chỉ 480 m2 đất tại khu đô thị Phúc Ninh được ghi nhận trong 6 tháng 2019 (6 tháng 2018: 0,6 ha), hoàn thành 0,8% giả định 2019 của chúng tôi là 9ha.

Biên lợi nhuận gộp của KBC tăng lên 58,6% trong quý 2/2019, từ 48,3% trong quý 1/2019. Chúng tôi tin rằng điều này phản ánh đóng góp cao hơn từ doanh số bán đất KCN có biên lợi nhuận cao hơn từ Khu công nghiệp Quang Châu.

Khi doanh số bán đất khu công nghiệp của KBC trong 6 tháng 2019 cao hơn dự phóng của chúng tôi, chúng tôi có thể nâng dự phóng 2019, dù cần đánh giá chi tiết hơn.

Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng dù doanh số bán đất khu công nghiệp 6 tháng 2019 mạnh mẽ, doanh số bán đất khu đô thị khá trầm lắng và chưa có tiến triển mới tromg quá trình phê duyệt để Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh bắt đầu ghi nhận doanh số. Dự báo hiện tại của chúng tôi cho doanh số bán đất khu đô thị và khu công nghiệp từ Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh sẽ đóng góp lần lượt 33% và 15% dựa báo doanh thu 2019 của chúng tôi.

Chúng tôi kỳ vọng KBC sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn FDI được duy trì tại Việt Nam và gia tăng hoạt động sản xuất khi có hơn 2.000 ha quỹ đất tại các cụm công nghiệp chính ở miền Bắc.

Tin bài liên quan